Mã số N4006: Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học quốc GIA Thành phố Hồ Chí Minh (IEC) – Nơi ươm mầm các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số

  - Chia sẻ:    

Hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystem) là tập hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp (đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và lãnh đạo (leaders) hệ sinh thái khởi nghiệp) và các bên liên quan khác (đóng vai trò hỗ trợ (feeders)), bao gồm nhưng không giới hạn các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học/viện nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ,… có mối quan hệ hữu cơ, cùng tồn tại và phát triển bền vững. Nhà nước có vai trò hỗ trợ (feeder), tạo dựng môi trường pháp (regulatory framework) hay gọi đơn giản là “luật chơi” cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự “gắn kết” chặt chẽ của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Để điều phối hoạt động thúc đẩy sinh viên, giảng viên khởi nghiệp trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM, đồng thời mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC) được chính thức thành lập tháng 9/2017. Hình thành và phát triển Trung tâm này là một trong những chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và ĐHQG-HCM. Cùng với việc thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2016 ĐHQG-HCM cũng đã thành lập Quỹ khởi nghiệp ĐHQG-HCM với số tiền đóng góp ban đầu của các doanh nghiệp là 11 tỷ đồng.

IEC triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong ĐHQG-HCM và cho cộng đồng khởi nghiệp tại địa phương, khu vực một cách hệ thống với các chương trình tương ứng các bước phát triển của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ việc hỗ trợ ý tưởng đến việc hình thành các nhóm Startup như: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2021, Hỗ trợ phát triển CLB khởi nghiệp tại các Trường Đại học, Hành trình doanh nhân, Tư duy khởi nghiệp, Startup Open Day, Ươm tạo, Tăng tốc khởi nghiệp…

Cuộc thi khởi nghiệp CiC (Creative ideas Contest)

CiC là sáng kiến xuất phát từ các nhà sáng lập từ Startup và lãnh đạo ITP mong muốn tạo ra một cuộc thi chuyên sâu về khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) dành cho sinh viên. Cuộc thi nằm trong chuỗi hệ thống các chương trình về KNĐMST của ĐHQG-HCM, dựa vào khung mô hình “hành trình khởi nghiệp”. Cuộc thi là nơi “truyền cảm hứng”, dẫn dắt các dự án tự “khám phá” và “trải nghiệm” trong môi trường khởi nghiệp thực tế.

Mục đích cuộc thi nhằm lan tỏa tinh thần và tư duy khởi nghiệp, tìm kiếm và nâng tầm các doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, ươm mầm và gọi vốn cho các dự án khả thi từ những cá nhân và nhóm dự án với các ý tưởng sơ khai ban đầu.

Hành trình của cuộc thi là một quá trình huấn luyện và đào tạo khởi nghiệp kéo dài từ 6 – 8 tháng. Sinh viên với các ý tưởng/dự án sẽ được cung cấp những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm trong môi trường khởi nghiệp thật sự dưới sự hướng dẫn của hơn 40 nhà sáng lập, các chuyên gia và nhà cố vấn nhiều kinh nghiệm.

Hành trình CiC 2021.

Trải qua 6 năm hình thành và phát triển, cuộc thi đã lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ về hoạt động khởi nghiệp, tạo ra một sân chơi thực sự thú vị cho sinh viên trên toàn quốc. Điều này đã thể hiện rõ thông qua những có số hết sức ấn tượng, tăng dần qua mỗi năm. CiC 2021 đã tiếp cận hơn 700.000 sinh viên, với gần 1000 sinh viên cùng 320 dự án đến từ 84 trường Đại học, Cao đẳng tham dự trực tiếp, thu hút sự chú ý của hơn 100 cơ quan báo đài đưa tin.

CiC 2021.

Image removed.

Hoạt động Bootcamp CiC 2020.

Đào tạo doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT (iStartX)

Song song với cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – CiC là chương trình thúc đẩy khởi nghiệp iStarX. Được biết đến như một khóa học giúp “Ươm mầm khởi nghiệp” do ITP tổ chức, chương trình có sứ mệnh hỗ trợ và phát triển các dự án khởi nghiệp mang tính ứng dụng cao cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội tiếp xúc và làm việc với các quỹ tài trợ uy tín và những nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Với mục tiêu đào tạo kiến thức khởi nghiệp với triết lý Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) và các công cụ cần thiết cho các nhà sáng lập của các nhóm dự án khởi nghiệp. Chương trình đã chọn lọc và tham khảo cách tiếp cận phương pháp Lean LaunchPad được giảng dạy tại Đại học Standford và nhiều tổ chức khác tại Mỹ. Dựa trên 3 nguyên tắc khởi nghiệp tinh gọn là sự kết hợp giữa Mô hình kinh doanh (Business Model Canvas), Phát triển khách hàng (Customer Development), và Phát triển tinh gọn (Aglie Product Development). Nổi bật chương trình là hoạt động coaching và mentoring, cùng với sự kết hợp truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn của các Mentor, Advisor, Coach cho từng dự án của các nhà sáng lập tương lai.

Đào tạo, tư vấn và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương

ITP thường xuyên tổ chức và phối hợp với các địa phương, trường Đại học tổ chức các khóa đào tạo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương và tư vấn cho địa phương xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

ĐHQG-HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng ITP trở thành cụm khởi nghiệp sáng tạo năng động, nòng cốt của khu đô thị thông minh tại cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tập trung của trên 100 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với trên 2.000 việc làm và là nơi thực tập của hàng ngàn sinh viên mỗi năm, làm nòng cốt để thúc đẩy hoạt động sinh viên, giảng viên khởi nghiệp trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM.  

Thông tin

  • Tên tổ chức: TRUNG TÂM KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO - ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (IEC)