Mã số N4004: Vai trò và trách nhiệm của người quản lý Nhà nước trong các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Sơ lược hoạt động cá nhân
TS. Quan Quốc Đăng hiện công tác tại Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh với vai trò Ủy viên Hội đồng Khoa học từ đầu năm 2023. Trước đây, TS, Quan Quốc Đăng công tác tại Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò điều phối hỗ trợ các hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo phía Nam (bao gồm 7 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và 14 tỉnh vùng Tây Nam Bộ). Với chuyên môn chính là Công nghệ Sinh học Nông nghiệp và từng trải qua các vị trí công tác tại Trường Đại học với vai trò Giảng viên/Lãnh đạo Khoa, lãnh đạo bộ phận của tổ chức Chính trị xã hội về đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học, và chuyên gia phụ trách cơ quan quản lý nhà nước khu vực phía Nam, TS. Quan Quốc Đăng đã được phân công tham mưu các chính sách khoa học và công nghệ - đổi mới sáng tạo, trực tiếp tham gia thành viên chính các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ về hoạt động ĐMST của doanh nghiệp phía Nam: các khó khăn và đề xuất chính sách, tham mưu và trực tiếp phụ trách tổ chức các cuộc thi và giải thưởng cấp vùng trong lĩnh vực ĐMST, liên kết hoạt động doanh nghiệp/viện trường/ tổ chức quản lý nhà nước trong nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm đáp ứng các nhu cầu xã hội.
Tham mưu chính sách khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
TS. Quan Quốc Đăng trực tiếp tham mưu các chính sách và kiến nghị thường niên theo phân công lãnh đạo về các khó khăn và hiện trạng hoạt động khoa học và công nghệ - đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2018 – 2022. Các khuyến nghị và đánh giá từ Cục Công tác phía Nam thường được lãnh đạo Bộ cụ thề hóa thông qua các hoạt động gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe các khó khăn và hỗ trợ các hoạt động đề xuất thường niên, cụ thể hóa thông qua các hội thảo vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Phản biện và đánh giá các hoạt động thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phía Nam
TS. Quan Quốc Đăng được phân công từ lãnh đạo Cục công tác phía Nam, bộ KH&N trong phản biện đề cương nghiên cứu và đánh giá các kết qua nhiệm vụ KH&CN từ các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, Bình Dương, … chương trình Khoa học và Công nghệ Tây Nam Bộ… Kết quả đánh giá các nhiệm vụ được báo cáo về Bộ KH&CN nhằm làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến khích và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp.
Tham mưu kế hoạch và trực tiếp phụ trách thực hiện tổ chức các cuộc thi trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam
Năm 2019 là thời điểm phát huy mạnh mẽ các nguồn lực từ doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN và ĐMST, với mục tiêu thông tin tuyên truyền Nghị định về doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ 13/2019/NĐ-CP ngày 01/2/2019 của Chính phủ, được phân công từ lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN, TS. Quan Quốc Đăng đã trực tiếp xây dựng kế hoạch và phụ trách tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” vùng Đông Nam Bộ năm 2019. Rất nhiều nông dân đã làm được không ít sản phẩm thành công trên thực tế, nhưng các dự án ấy lại khó đáp ứng đủ điều kiện để “chen chân” vào các vườn ươm doanh nghiệp, và cũng khó mà được các nhà đầu tư “để mắt” tới. “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 vì thế được kỳ vọng là nơi mở thêm cơ hội mới cho những người khởi nghiệp “chân lấm tay bùn”. Đây là cuộc thi nhằm phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ thông qua các ứng dụng, giải pháp, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tính đột phá, có tiềm năng phát triển; xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp; chuyển tải thông điệp về giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích start-up tới các cơ quan quản lý nhà nước
“Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 không phải là một cuộc thi nhằm lôi kéo sự tham gia “rầm rộ” của các lực lượng quỹ đầu tư, hay những nhà khởi nghiệp đã “thạo việc”, hoặc nhằm tìm kiếm những sáng tạo phi thường, tiên phong. Cuộc thi đặt ra định hướng ban đầu là “đánh thức” sự quan tâm đầy đủ của các nhà quản lý ngành khoa học công nghệ, nông nghiệp và thương mại ở các địa phương đối với những người khởi nghiệp. Qua đó, tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong tư vấn, hỗ trợ start-up, trước tiên là từ chính ngành khoa học công nghệ và chính quyền địa phương. Từ đây, đội ngũ những người làm quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ giúp người dự thi hoàn thiện hồ sơ; đánh giá ưu khuyết điểm ban đầu của dự án; có những khen thưởng, động viên hay góp ý, điều chỉnh kịp thời để khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, nhất là ý tưởng từ những người vẫn còn khá lạ lẫm với thương mại hóa sản phẩm như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, sinh viên, nông dân…Những mô hình có tính lan tỏa cao trong cộng đồng, mang tính liên kết vùng cũng được khuyến khích (liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, hợp tác doanh nghiệp-nhà nước)…
Hình 1. Trao giải Cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay năm 2019
Về kết quả tổng kết, Cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” có 81 mô hình, sản phẩm tham gia vòng sơ loại, Hội đồng Khoa học chuyên môn tại các đơn vị đã đánh giá và lựa chọn 43 mô hình, sản phẩm vào vòng bán kết. Tại vòng chung kết, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho dự án “Máy gieo hạt và bón phân phục vụ sản xuất nông nghiệp” của tác giả Nguyễn Văn Anh (tỉnh Đồng Nai); giải Nhì cho dự án “Máy in phun thuốc bảo vệ thực vật 5 trong 1” (Bình Phước) và “Thiết bị phơi sấy trái cây, nông sản, thủy sản ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục đứng” (TP. Hồ Chí Minh); 3 giải Ba cho các dự án Giàn gieo hạt (Tây Ninh), Đậu rang mộc - trà hạt (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hệ thống lọc ngược phân NPK (Bình Thuận). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 9 giải khuyến khích cho các ý tưởng, sản phẩm lọt vào vòng chung kết. Qua kết quả cuộc thi, cơ quan quản lý mong muốn thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực Đông Nam Bộ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thông qua các sản phẩm chất lượng thực tiễn, gắn liền với hoạt động kinh tế đặc thù của khu vực.
Năm 2021, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các ứng dụng trí thông minh nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn là nền tảng giúp phát huy tối đa sức mạnh tri thức phục vụ xã hội, ngăn ngừa và tiên lượng sự lây lan bệnh tật, phục vụ sức khỏe cộng đồng, Cục Công tác phía Nam tiếp tục xúc tiến liên kết giữa Tập đoàn Advantech (Đài Loan, Trung Quốc) và Đại học Khoa học Tự nhiên ( Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức cuộc thi “AIoT InnoWorks 2021” khu vực phía Nam.
Hình 2. Phát động Cuộc thi “AIoT InnoWorks” năm 2021
TS. Quan Quốc Đăng đã tham gia với vai trò chính thành viên Ban Tổ chức và xúc tiến các hoạt động liên kết giữa các đơn vị. “AIoT InnoWorks” là một chương trình toàn cầu do tập đoàn Advantech phát động và tài trợ. Qua nhiều mùa thi đến mùa thi năm 2021 đã có 11 quốc gia tham gia. Tại Việt Nam, năm 2021 là mùa thứ hai tham dự, trong đó mùa thứ nhất tham gia vào năm 2019 do Đại học Bách khoa Hà Nội đăng cai tổ chức. Các vòng thi tại mỗi quốc gia sẽ tìm ra đội Quán quân để tiếp tục tham gia trong vòng giao lưu tài năng toàn cầu tại một số quốc gia đăng cai luân phiên. Các đội đạt giải cao tại các vòng thi quốc gia có cơ hội tham gia chương trình phát triển tài năng trẻ toàn cầu trong lĩnh vực AI và I4.0 do Advantech phát triển và ươm mầm, mang tên “Elite100”. Các bạn tham gia Elite100 có cơ hội tham gia chương trình thực tập sinh hưởng lương của Advantech, được trực tiếp tham gia vào phát triển các dự án của Advantech và đối tác đang triển khai trên toàn cầu.
Sau nhiều vòng thẩm định, Sản phẩm “Mô hình phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện – QQUEUE” đã giành quán quân cuộc thi. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bạn trẻ của nhóm QQueue mong muốn tạo ra một mô hình giúp người bệnh có thể đặt lịch, xếp hàng tại bệnh viện một cách dễ dàng mà không cần phải tiêu tốn quá nhiều thời gian trong việc chờ đợi. Nhóm đã hướng đến 3 mục tiêu chính là Không bị động – Không gián đoạn – Không chạm. Bằng công nghệ AI, hệ thống sẽ phân tích thông số liên quan tới thời gian thực hiện quy trình thăm khám tại các bệnh viện, người bệnh chỉ cần đăng nhập, chọn phòng khám và thời gian mình muốn khám, sau đó người bệnh có thể căn cứ vào lịch khám để đến cơ sở y tế mà không phải chờ đợi như lúc trước. “Mô hình phòng xếp hàng ảo” sẽ giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát và quản lý số lượng người khám, hạn chế chi phí cơ sở vật chất cho phòng chờ và tăng năng suất làm việc của tất cả nhân viên y tế mà không phải lo lắng cho việc quá tải. Cùng với đó, bệnh nhân chủ động hơn trong quá trình khám, chữa bệnh, giúp tiết kiệm được thời gian, tránh tụ tập và nâng cao công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh như hiện nay.
Ngoài các Cuộc thi có quy mô cấp vùng và quốc gia, TS. Quan Quốc Đăng còn trực tiếp tham gia đánh giá và tư vấn các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quy mô cấp tỉnh; tham gia đóng góp các hoạt động tham mưu, góp ý chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực chuyên môn; tham gia báo cáo các hội thảo khoa học về định hướng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các tổ chức đào tạo, viện trường…
Tham gia thành viên chính thực hiện nghiên cứu cấp Bộ về đổi mới sáng tạo và liên kết vùng Nam Bộ
Với chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước. TS. Quan Quốc Đăng đã trực tiếp tham gia thực hiện và nghiệm thu thành công nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xác định mô hình liên kết đổi mới sáng tạo có hiệu quả khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để nhân rộng và đề xuất chính sách”. Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là khu vực có vị thế, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, đà tăng trưởng của khu vực này đang có dấu hiệu chững lại do phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt, triều cường, ô nhiễm môi trường... và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Thực trạng này đòi hỏi trong thời gian tới, khu vực phải xây dựng và định hình được các mô hình phát triển mới dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Góp phần phục vụ định hướng này. Trên cơ sở đó, kết quả đề tài cung cấp bức tranh khái quát về thực trạng đầu tư cho KH&CN&ĐMST của doanh nghiệp khu vực phía Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị sát thực và khả thi. (Kết quả nghiên cứu ngoài nội dung tham mưu chính sách về quản lý nhà nước, về học thuật đã được công bố trên một tạp chí khoa học trong nước và một báo cáo hội thảo quốc gia về đổi mới sáng tạo).
Hình 3. Chứng nhận thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ
Xây dựng các mô hình liên kết ĐMST và phát triển KHCN tại tổ chức, doanh nghiệp và địa phương
Với vai trò được phân công và chuyên môn sâu, TS. Quan Quốc Đăng đã xúc tiến các hoạt động xây dựng các mô hình liên kết là cơ sở tuyên truyền khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương và đơn vị, tiêu biểu là các hoạt động trồng cây xanh và thu gom xử lý rác thải tại địa phương (Phường 15, Quận 8 là đơn vị thí điểm thực hiện và Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh là tổ chức tư vấn, hỗ trợ công nghệ), hội thảo về đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và chương trình khởi nghiệp tại địa phương với sự hỗ trợ của doanh nghiệp và tư vấn khoa học công nghệ của trường cơ quan giảng dạy nghiên cứu (Phường 10, Quận 8 là đơn vị tổ chức chương trình, HQGARNO là doanh nghiệp đồng hành và Viện Nghiên cứu Ứng dụng – Đại học Công thương là đơn vị tư vấn khoa học).
Ngoài ra, TS. Quan Quốc Đăng đã xúc tiến các hoạt động liên kết thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ giữa Bệnh viên Quân Y 7A (Quân khu 7) và Khoa Sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), kết quả thực hiện nhiệm vụ ngoài ý nghĩa khoa học cơ bản còn có ý nghĩa to lớn về thử nghiệm và điều trị sức khỏe trên người.
Tổng kết
Vai trò khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”, chính vì thế với mỗi cá nhân được phân công nhiệm vụ cần ý thức trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ và tiếp tục đổi mới sáng tạo chính bản thân của cá nhân, đóng góp vào công cuộc phát triển chung của đất nước./.
Thông tin
- Tên Tổ chức/Cá nhân: TS. QUAN QUỐC ĐĂNG