Mã số N3060: Hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên: ngoài tâm huyết cần thực làm

  - Chia sẻ:    

 

Nếu là cách đây 10 năm, những hỗ trợ như hiện tại có thể sẽ giúp khái niệm về “khởi nghiệp” tiếp cận đến nhiều người hơn. Nhưng so với hiện tại, các nhà khởi nghiệp đang cần những chỉ dẫn hiệu quả, những hỗ trợ “thực làm”, với số liệu và thành quả cụ thể, thay vì những thành tích, những phong trào, những chương trình mang tính thi đua, lấy giải.

 

Mặc dù nằm trong top các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, song, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tại Việt Nam vẫn còn mang nặng tính hình thức, thiếu tính quy hoạch, tầm nhìn và chưa có các hỗ trợ thiết yếu đủ để tạo ra những kỳ lân từ sinh viên. Điều này cũng gây thất thoát nhiều nguồn lực của xã hội, tốn kém ngân sách nhà nước nhưng chưa tạo ra được những doanh chủ xứng tầm.

 

Văn phòng một startup ở Hà Nội. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam được xem là một đỉnh trong “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Ảnh: Reuters

 

Trao quyền cho “nhầm người” 

 

Thực tế hiện nay, đa số các Giám đốc Vườn ươm tại các trường Đại học, Trưởng làng Techfest, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo,… thường xuất thân từ giảng viên. Rất ít người từng khởi nghiệp thành công, hoặc đơn giản là họ có doanh nghiệp nhưng thuộc lĩnh vực chuyên môn mình giảng dạy nên được hưởng lợi thế sẵn có. Mặc dù phải thừa nhận rằng đây là đội ngũ có sự tâm huyết cao, nhưng vẫn còn thiếu tư duy hệ thống. Các vườn ươm thường vận hành khá rời rạc, thiếu sự liên kết và quan tâm nhiều đến thành tích của riêng họ.

 

Đặc biệt, nhiều cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc cấp trung ương, sở, ban, ngành còn đưa các kiến thức liên quan đến mô hình kinh doanh (business model) vào tập huấn cho nội dung khởi nghiệp như: Mô hình Canvas, SWOT, phân tích số liệu tài chính, xác định rủi ro, trách nhiệm xã hội… Những kiến thức này thường dùng để phân tích cho các doanh nghiệp đã vận hành lâu năm trên thị trường, có dữ liệu cụ thể và có thể dùng những số liệu đó để dự đoán về tương lai hay đánh giá sâu doanh nghiệp. 

 

Đối với mặt tiếp cận khởi nghiệp dành cho sinh viên, quan trọng nhất là giúp sinh viên có thể thiết kế được bộ nhận diện thương hiệu rõ ràng ngay từ đầu, từ cách đặt tên thương hiệu, slogan, phân dòng sản phẩm, thiết kế bao bì, MVP,.. và quan trọng nhất là định hướng bộ nhận diện ấy có thể vươn xa ra quốc tế – vốn là điểm yếu chí mạng của nhiều doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, việc đào tạo cho các dự án khởi nghiệp sinh viên cách: làm thế nào để bán được đơn hàng đầu tiên, marketing tối ưu chi phí nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả theo từng giai đoạn, xây dựng thương hiệu cá nhân trong khởi nghiệp và kỷ nguyên số,… mới thực sự cần thiết.

 

Thậm chí, nhiều khóa tập huấn về đào tạo giảng viên nguồn cho khởi nghiệp hiện nay vẫn có cán bộ giảng dạy là các giảng viên lâu năm tại một số vườn ươm tạo thuộc trường đại học chứ không phải là các nhà khởi nghiệp thành công. Đây là một quy trình sai trong giáo dục. Đào tạo về khởi nghiệp thì kiến thức cốt lõi nhất là kỹ năng khởi nghiệp, giảng dạy chỉ là phương pháp truyền đạt có thể bồi dưỡng sau. Giống như giảng viên muốn dạy toán thì họ phải thực sự giỏi toán, sau đó mới học cách làm sao truyền đạt phương pháp giải toán dễ hiểu, hiệu quả nhất cho người nghe. Vậy mà thực trạng đào tạo giảng viên nguồn cho khởi nghiệp hiện nay đa phần đang đi ngược lại với nhiều khoản trợ cấp chi phí cho cán bộ giảng viên (chưa có kinh nghiệm khởi nghiệp) và thu phí cao đối với những đối tượng khác (có thể bao gồm cả những nhà khởi nghiệp thực thụ và thành công). 

 

Cần lưu ý là khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều sự ứng biến linh hoạt, năng lực quán xuyến thời gian và sự hy sinh về nhiều mặt vật chất, tinh thần của những nhà khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy việc đọc một vài tài liệu về khởi nghiệp rồi đi giảng dạy lại cho sinh viên sẽ không thể giúp các dự án thành công, mà phải cần người từng trải, thực làm, có kinh nghiệm và cả khả năng truyền tải kiến thức (phương pháp sư phạm). Đôi khi chúng ta thấy rằng có những doanh nghiệp còn không có phòng marketing, thiếu rất nhiều bộ phận nhưng vẫn có những đơn hàng trăm tỷ. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp được chuẩn bị bài bản ngay từ đầu, có bộ nhận diện thương hiệu tốt, có vốn đầu tư, kế hoạch tài chính, dự phòng rủi ro,… nhưng thực tế không bán được đơn hàng nào và buộc phải phá sản sau 1-2 năm. Đó chính là thực trạng rất khốc liệt của khởi nghiệp mà nếu không có thực làm thì rất khó để truyền đạt.

 

Chính vì vậy, nên đặt lại trọng tâm và kết nối với những nhà khởi nghiệp đã có nhiều thành tựu tiêu biểu, kêu gọi sự cống hiến ngược lại cho cộng đồng của họ, tạo mọi điều kiện và cơ hội cho họ tiếp cận các phương pháp sư phạm, kỹ năng thuyết trình, chia sẻ và giúp họ hệ thống hóa kinh nghiệm, kỹ năng của mình một cách có logic nhằm giúp gia tăng mức độ nghe hiểu của thính giả (sinh viên) khi chia sẻ, đào tạo.

 

Thi, thi, thi, lại thi… và sau đó thì sao?

 

Hiện nay, không ít trường đại học có tới 2-3 cuộc thi khởi nghiệp trong năm. Vốn dĩ trọng tâm của việc học đại học là học làm nghề. Sự phân tán và đầu tư quá nhiều vào các cuộc thi có thể khiến sinh viên xao nhãng chuyên ngành chính vì nhiều mưu cầu khác nhau trong cuộc thi (như giá trị hiện kim của giải thưởng, sự nổi tiếng, đam mê,…). Mặc dù chưa có một thống kê nào về tỷ lệ học lực của các thí sinh trước và sau khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp ở trường, nhưng đã có nhiều thực trạng là các nhóm sinh viên lấy dự án của mình tham gia rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp của khắp các trường Đại học khác nhau, từ miền nam ra miền bắc. Nhưng điều đáng suy ngẫm hơn cả là các dự án đó gần như không có bất kỳ sự chuyển biến nào về mặt kinh doanh sau nhiều tháng tham gia thi.

 

Trong khi trên thế giới, nhiều chương trình được tạo ra nhằm giúp sinh viên có khát khao và động lực cống hiến, muốn tạo ra những startup có thể thay đổi thực tại, thì tại Việt Nam, một dự án được sinh ra để mang đi thi muôn nơi, đạt top 8 ở cuộc thi khởi nghiệp này, rớt top 30 cuộc thi khởi nghiệp khác, top 3 cuộc thi khởi nghiệp kia và là quán quân của 1 cuộc thi khởi nghiệp nọ. Vậy có hay không một nhóm các sinh viên đang có biểu hiện “săn giải” dựa vào kỹ năng thuyết trình gọi vốn của mình? Rốt cuộc: Thi, thi, thi, lại thi… và sau đó thì sao? Liệu bao nhiêu trong số các dự án đạt giải sẽ tiếp tục triển khai vào thực tế? 

 

Đáng báo động là không chỉ kinh phí vài chục triệu, vài trăm triệu tổ chức cuộc thi bị lãng phí nhằm tìm ra top dự án “sẽ nhanh chóng rơi vào dĩ vãng”, mà đó còn là sự thất thoát thời gian, công sức khủng khiếp của các thành viên trong ban tổ chức cuộc thi (đa phần là sinh viên, giảng viên), sự đòi hỏi hỗ trợ từ xã hội khi mời biết bao nhiêu chủ doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp đến chấm điểm, training, đào tạo,… để rồi không tạo ra thêm bất cứ giá trị nào cho quê hương. 

 

Không dùng xin đừng lấy!

 

Bất kỳ sự lãng phí nguồn lực xã hội nào cũng đều là bất lương - khi mà cuộc thi sẽ chỉ dừng lại ở cuộc thi.

 

 

Một số hỗ trợ cấp thiết cho các dự án khởi nghiệp

 

Vừa qua, một cá nhân tại Việt Nam đã ghi danh trong danh sách những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á (Forbes 30 Under 30 Asia 2024) nhờ vào những cống hiến dành cho UpYouth - một tổ chức phi lợi nhuận tập trung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất của UpYouth hay BSSC so với phần đa các tổ chức ươm tạo trong đại học khác nằm ở việc kêu gọi được vốn đầu tư hoặc cho vay vốn với các dự án startup cần hỗ trợ. Điều này vô cùng cần thiết với các startup “thực làm”.

 

Ngoài ra, các đơn vị ươm tạo tại đại học có thể là cầu nối cho các dự án startup của sinh viên được hỗ trợ sản xuất, gia công miễn phí, hỗ trợ đầu ra trong giai đoạn đầu với các KPI cam kết ngược lại từ phía dự án phải thật rõ ràng, chính xác, hiệu quả. Có thể tổ chức các hội chợ thương mại, công nghệ nhằm giúp các startup sinh viên tiếp cận khách hàng tiềm năng. Nhưng cũng cần lưu ý là các triển lãm, hội chợ này phải có khách hàng có nhu cầu thực tế, tránh làm kiểu hình thức để lấy thành tích, hình ảnh nhưng không có giá trị thương mại, không có giá trị hợp tác, vừa lãng phí thời gian, nguồn lực.

 

Về mặt truyền thông báo chí, hiện nay đa phần các tin tức được đăng tải chủ yếu tập trung vào phát biểu của các quan chức cấp cao, chính quyền, tổ chức trường học trong các chương trình liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên. Điều này gần như không có bất kỳ giá trị hay lợi ích nào cho các statup ngoài việc chủ yếu tạo uy tín cho chương trình. Nhiều tờ báo lớn có các chuyên mục dành riêng cho phần khởi nghiệp, nhưng đa phần thuộc dạng booking (doanh nghiệp bỏ tiền ra để được lên báo), hoặc chỉ dành cho các nhà khởi nghiệp đã có thành tựu. Đối với một đơn vị khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, điều họ cần không nhất thiết phải là PR (quảng cáo), mà đơn giản là những dạng bài viết giúp khách hàng biết đến sự tồn tại của sản phẩm, dịch vụ của họ trên thị trường, và hiển nhiên là họ không có kinh phí để làm điều đó.

 

Nếu là cách đây 10 năm, những hỗ trợ như hiện tại có thể sẽ giúp khái niệm về “khởi nghiệp” tiếp cận đến nhiều người hơn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhằm tạo tiền đề cho những ý tưởng táo bạo, những khát khao góp phần thay đổi dân tộc, xoay chuyển thế giới. Nhưng so với hiện tại, khái niệm khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đã không còn quá xa lạ, vì vậy các nhà khởi nghiệp đang cần hơn những chỉ dẫn hiệu quả, những hỗ trợ “thực làm”, với số liệu và thành quả cụ thể, thay vì những thành tích, những phong trào, chương trình mang tính thi đua, lấy giải.

 

Tác giả: Mai Nguyễn Hoàng Nam

Đơn vị: Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn Online

 

Thông tin

  • Tác giả: Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn Online