Mã số N3055: Tiệm tạp hóa xanh - Lan tỏa lối sống xanh
Mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon và chỉ 17% trong số đó được tái sử dụng. Thế nhưng với những chiếc túi nilon nhiều màu sắc hoàn toàn có thể trở thành những chiếc túi xách, đồ dùng cá nhân hay cả một tiệm tạp hóa xanh. Tại TPHCM đã có những tiệm tạp hóa xanh như thế, được xây dựng nên từ tâm huyết và cách làm của một cô gái trẻ 9X với mong muốn lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng. Cô gái trẻ Phạm Thị Kim Hằng đã từ bỏ công việc có thu nhập cao để Khởi nghiệp với các sản phẩm tái chế và tạo việc làm cho người khuyết tật. Mô hình Tạp hóa xanh ra đời không chỉ đơn thuần là nơi kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường mà đây còn là điểm đầu mối để tiếp nhận rác thải nhựa, bao bì nilon đã qua sử dụng với mục đích tái chế. Đặc biệt, nơi đây còn tạo công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật thông qua các dự án biến rác thải nhựa thành sản phẩm xanh. Lối sống xanh cũng từ đó được lan tỏa nhiều hơn tới cộng đồng và truyền đi những thông điệp về bảo vệ môi trường, hỗ trợ những người yếu thế. Chuỗi cửa hàng tạp hóa xanh với tên gọi Limart Zero Waste đã mang đến một mô hình độc đáo với các sản phẩm tái chế, giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Với sứ mệnh môi trường và xã hội, mô hình Tạp hóa xanh này đã nằm trong Top 10 Khởi nghiệp Quốc gia & Top Mô hình Đổi mới Sáng tạo Quốc tế năm 2022. Các sản phẩm tái chế từ mô hình Tạp hóa xanh này đang ngày lan tỏa lối sống xanh với nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Link video phát sóng:
Kịch bản phát sóng:
Nội dung/ bối cảnh dự kiến | Hình ảnh dự kiến | Lời bình/thuyết minh |
Headline | Lần đầu tiên tại Việt Nam, chuỗi cửa hàng Tạp hóa xanh được ra mắt với tên gọi Limart Zero Waste. Nhằm đem lại giá trị Xanh – Sạch – Tử tế cho cộng đồng, Limart Zero Waste đã mang đến một mô hình độc đáo với các sản phẩm tái chế, giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Với sứ mệnh môi trường và xã hội, mô hình Tạp hóa xanh này đã nằm trong Top 10 Khởi nghiệp Quốc gia & Top 15 Mô mình Đổi mới Sáng tạo Quốc tế năm 2022. Các sản phẩm tái chế từ mô hình Tạp hóa xanh này đang ngày lan tỏa lối sống xanh với nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. | |
Tên phim | TIỆM TẠP HOÁ XANH – LAN TOẢ LỐI SỐNG XANH
| |
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Nếu cứ tiếp tục tiêu thụ sản phẩm túi nilon và nhựa dùng một lần như hiện nay thì con người sẽ đối diện với thảm họa "trắng" là ô nhiễm nhựa. Năm 2019, một cô gái trẻ ở TPHCM khiến nhiều người bất ngờ khi cho ra mắt cửa hàng Tạp hóa xanh Limart Zero Waste. Hiểu được sự tác động của rác thải nhựa đến con người và môi trường, cô gái trẻ Phạm Thị Kim Hằng luôn cố gắng tìm ra các giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa, mang đến cho nylon và nhựa thêm vòng đời mới. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh
| Trong khoảng thời gian mình bắt mới bắt đầu ra trường, mình có đi làm trong môi trường công sở một năm thì trong một năm đó mình cảm thấy là mình không có được sống được với cái đam mê, tức là lúc nào mình đi làm nhưng mà trong đầu mình có rất nhiều ấp ủ, nhiều ý tưởng mà mình muốn triển khai để làm sao giúp cho môi trường với giúp cho xã hội nhưng mà mình chưa thực sự thực hiện được thì lúc đó mình mới cảm thấy là à đã đến lúc mình phải làm điều đó. | |
Vậy là Hằng thành lập doanh nghiệp xã hội với khát khao lan tỏa lối sống xanh, tái chế rác chỉ để mong việc sống xanh trở nên dễ dàng, thuận tiện. Cô gái được cho là “thích làm bạn với rác” bắt đầu thử nghiệm những sản phẩm tái chế từ chính đồ mà người khác không dùng nữa. Là một người tích cực, có tư duy sáng tạo, Hằng từ chỗ không tìm thấy giải pháp đã đi đến kế hoạch tạo ra giải pháp. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Đi tìm những giải pháp làm sao để giảm thiểu những tác động cho môi trường. Lúc đó mình bắt đầu những hành trình đầu tiên là bắt đầu tìm những đi tìm những món hàng hoặc là nghiên cứu những công thức để làm sao đưa ra những sản phẩm tốt và làm sao đưa mô hình đó để cho người người khiếm thị họ được nâng cao cái hình ảnh của họ trong mắt cộng đồng. | |
Ban đầu, khi chưa biết nhiều về vận hành và sản xuất, Hằng tìm mua nhiều dòng sản phẩm “xanh” hữu ích từ các nơi có nguồn gốc rõ ràng về giới thiệu tại cửa hàng. Ống hút tre, xơ mướp, xà phòng thiên nhiên, nước rửa chén hữu cơ, bàn chải tre… các món đồ cần thiết trong đời sống thường nhật có thể thay thế cho đồ nhựa, sản phẩm dùng một lần dần được bày lên kệ. Về sau, cô gái 9X tìm cách tạo thêm nhiều sản phẩm riêng cho tiệm tạp hóa của mình với tiêu chí hạn chế rác thải, gia tăng tính tái chế và thân thiện với môi trường. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Khó nhất là khoảng thời gian lúc mình mới bắt đầu. Lúc đó nhiều người người ta chưa hiểu là sống xanh là cái gì, cho nên để mà thuyết phục được họ, cái mô hình này nó tốt cho họ. Tại vì mọi người vẫn nghĩ là sống xanh là vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề của Chính phủ lo, Nhà nước lo không phải là vấn đề của mình. Nhưng thật ra mọi người chưa hiểu là vấn đề môi trường nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của họ thì mình làm sao cho họ hiểu được cái điều đó thì nói chung là phải cần một khoảng thời gian rất là dài. | |
Các trạm xanh thuộc hệ thống Limart rất đa dạng, nhiều sản phẩm được tái chế từ nilong, can nhựa… tạo ra những thành phẩm vô cùng đẹp mắt, thời trang và đặc biệt là vô cùng thân thiện với môi trường. Cửa hàng Tạp hóa xanh không chỉ đơn thuần là nơi kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường mà đây còn là điểm đầu mối để tiếp nhận rác thải nhựa, bao bì nilong đã qua sử dụng với mục đích tái chế. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Thực ra nói khó khăn vậy thôi, chứ thật ra mình thấy cái hành trình này rất là vui. Mình gọi đây là nơi hội tụ những điều tử tế, tức là mỗi sáng mà mình thức dậy mình sẽ đón nhận xung quanh mặc dù có khó khăn nhưng mà lúc nào cũng thấy những điều tử tế xung quanh mình. Ví dụ như vừa rồi mình kích hoạt một chiến dịch là đổi nilon để lấy nông sản thì ở đâu đó có những bạn của Limart gửi đến cho mình cái hình trái tim rất là dễ thương. Tức là đơn giản là thấy một cái bài đăng là Limart đang thu gom nilon đổi nông sản thì chắc chắn sẽ cần cái cân thì mọi người tự động gửi cái cân đến thì tụi mình nó thấy rất là dễ thương hoặc thậm chí nhiều lúc mệt mỏi mình cũng nhận được những lá thư tay từ các bạn khách hàng gửi đến để động viên là vượt qua cái khó khăn này. | |
Theo thời gian, lượng sản phẩm tại Limart tăng dần được phân loại theo nhóm như sản phẩm chăm sóc cơ thể, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, quà tặng, thời trang tái chế. Các sản phẩm chính ở Limart như sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt, nước rửa tay, xà bông... được lên men từ công nghệ vi sinh thực vật, có nguồn nguyên liệu chính là đậu nành, trái bồ hòn, lá dứa hay hương bưởi. Cửa hàng còn bán những đồ dùng thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng bằng tre, ống hút tre, sáp thơm có chiết xuất từ thiên nhiên… để lối sống xanh có thể phủ khắp mọi nhu cầu sử dụng, đáp ứng ngày càng nhiều hoạt động của những khách hàng yêu thích lối sống xanh. Đặc biệt, các cửa hàng Limart còn kinh doanh theo hình thức refill. Mọi người có thể mang chai nhựa của mình đến mua chất lỏng nước rửa chén, nước giặt sinh học... Đây là hình thức tái sử dụng vỏ chai nhựa nhằm bảo vệ môi trường và giúp khách hàng tiết kiệm. | ||
Chị ALLA Sinh viên đến từ Hồng Kông, Trung Quốc | Tôi rất ấn tượng với cách họ tái sử dụng túi nhựa và biến chúng thành những chiếc túi thật dễ thương cũng như cách họ sử dụng các vật dụng hữu cơ, nhựa để tái chế thành thứ có thể bán và mọi người có thể sử dụng, điều này rất có lợi cho hành tinh của chúng ta. | |
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Mình nghĩ là để mà nó không phải là cái hào nhoáng bên ngoài thì tiêu chí mình chỉ gói gọn trong hai từ đó là bền vững thôi, tập trung vào sự bền vững. Tại vì những cái gì nó hào nhoáng thì nó sẽ không có trụ được bền vững thì mình nghĩ là vậy. Bền vững này nó có nhiều khía cạnh, ví dụ như là bền vững về mô hình, bền vững về những ý nghĩa tác động, mình làm sao để có thể làm được lâu dài. Ví dụ như là những chiến dịch thu gom, chiến dịch marketing, chiến dịch truyền thông về thu gom ở đây tụi mình sẽ không có làm theo bề nổi của một khoảng thời gian ngắn và tụi mình làm dài xuyên suốt để làm sao khi nào mà rác thải nilon không còn gọi là rác ở Hồ Chí Minh nữa thì lúc đó tụi mình mới đúng được cái sứ mệnh của dự án, tức là tụi mình sẽ làm triệt để chứ không có phải là một bề nổi, một thời gian ngắn thì cái đó nó mới đi bền vững được. | |
Sản phẩm khiến Hằng tâm đắc nhất tại chuỗi tạp hóa do mình gây dựng chính là dòng túi thời trang làm từ nilong tái chế. Chẳng biết gì về may mặc, thiết kế hay rác thải nhựa nhưng Hằng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về nilong, chất thải nhựa để chọn ra nguyên liệu tái chế phù hợp rồi lặn lội ra tận miền bắc tìm hiểu khung dệt, học cách dệt vải thủ công. Nilong không giống vải nên không dễ để dệt. Đến khi tìm được cách dệt nilong, ra túi thành phẩm, mọi thứ lại quá đơn điệu nên thị trường không đón nhận. Nhưng Hằng không bỏ cuộc mà tìm thêm đủ cách thay đổi mẫu mã. Cuối cùng, tại Limart, sản phẩm khiến nhiều người quan tâm nhất là túi thời trang làm từ nilong tái chế. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Mình bắt đầu lên mạng tìm tòi các thiết kế trên thế giới là có những cái thiết kế nào vẫn đang chuộng, đang trend, nhiều bạn trẻ thích. Thì bắt đầu mình xem và mình làm thử rồi làm thử dần dần rồi điều chỉnh. Cứ nghe những ý kiến góp ý của khách hàng khi đến cửa hàng, mọi người góp ý là nên có dây kéo, cái form thì nên như thế này, cứ mình cứ chỉnh dần dần thì sẽ bắt đầu có những mẫu mã, tính năng mà được nhiều người đón nhận nhất. | |
Nilong tái chế có đặc điểm là không đồng nhất về màu sắc, kiểu dáng, ban đầu khá khó lên mẫu thiết kế. Thế nhưng về sau, Hằng đã biến cái khó thành điểm đặc biệt cho từng sản phẩm. Dòng túi thời trang nilong độc bản hoặc phiên bản giới hạn được người tiêu dùng đánh giá cao. Sau gần 1 năm tung ra thị trường, đến nay, hơn 20.000 túi thời trang làm từ nilong tái chế của Hằng đã được tiêu thụ. Những chiếc túi có giá bán từ 79.000 đồng đến 450.000 đồng nhận về nhiều lời khen nhờ tính thời trang, tiện dụng và bảo vệ môi trường. Chỉ riêng từ năm 2021 đến nay, Tạp hóa xanh của Hằng đã tái chế được hơn 2 tấn nilon đã qua sử dụng, góp phần truyền cảm hứng hạn chế rác thải cho cộng đồng. | ||
Hình cắt | ||
Điểm đặc biệt của mô hình này là những con người đứng sau vận hành. Với những rào cản về thể trạng và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng họ vẫn khao khát góp sức mình vào công cuộc trả lại màu xanh cho trái đất. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Từ nhỏ thì ba mình đã từng là một người khiếm thị cho nên thật ra lúc đó mình nghĩ là chưa biết lớn là mình làm cái gì, mình vẫn phải cố gắng làm sao gắn mô hình làm sao để nâng cao hình ảnh người khiếm thị trong mắt cộng đồng. Tại vì mình sống với ba mình từ nhỏ, được ba mình nuôi dạy kề cận. Từ nhỏ mình hiểu được những khó khăn của người khiếm thị, nó không phải là từ những khó khăn về tầm nhìn hay là gì đó. Nhưng mà đó chính là cái khó khăn về tâm lý mà họ phải gánh chịu. Khi mà xã hội nhìn về họ như thế nào thì cái đó là cái mà mình rất muốn thay đổi. | |
Hiện tại phần lớn nhân sự tại đây đều là người khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật. Các bạn được trả lương cơ bản từ 5 triệu đồng trở lên với người đang học việc, còn người khuyết tật làm việc chính thức hưởng lương 12 triệu đồng/tháng trở lên. Các bạn là người bạn có khiếm khuyết cơ thể nhưng lại có đam mê, sự nhiệt tình trong công việc và kĩ năng tốt, đã giúp cho Limart tạo ra những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Các bạn khiếm khuyết ở doanh nghiệp mình là tầm khoảng 90%. Mỗi người có một cái thế mạnh khác nhau. Ví dụ các bạn khiếm thị thì có rất thế mạnh về tư vấn sản phẩm thì các bạn sẽ làm vai trò như là chăm sóc khách hàng. Còn các bạn khiếm thính thì vì họ họ không nghe được cho nên tất cả sự tập trung của họ là dồn vào đôi tay. Cho nên họ làm cái sản phẩm handmade rất là đẹp và tỉ mỉ. Còn các bạn như là khuyết tật vận động thì các bạn có suy nghĩ, sự sáng tạo rất là nhiều và nói chung là sẽ tập trung vào thế mạnh của mỗi người. | |
Chị NGÔ THỊ PHƯƠNG LINH Nhân viên Marketing của Limart Zero Waste | Đối với người khiếm thị thì tụi em sẽ có một cái phần mềm đọc sẽ hỗ trợ cho người khiếm thị. Ví dụ như là đối với máy tính thì tụi em có phần mềm, còn điện thoại thì cũng có một cái phần mềm tương tự như vậy là khi mà tụi em thao tác trên máy tính, ở trên điện thoại thì thay vì mọi người, mọi người muốn bấm vào Google thì mọi người sẽ chỉ con chuột vô đó còn tụi em không thấy tụi em cứ di chuyển mũi tên lên mũi tên xuống hoặc là sẽ có những phím tắt đến cái chữ đó và nó sẽ đọc lên cho tụi em thì tụi em nghe thì tụi em chỉ có bấm vào thôi. | |
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Mình vẫn cảm thấy tự hào khi mà đội ngũ nhân sự của bên mình là những người yếu thế tại vì hầu hết các bạn rất là có trách nhiệm cao. Đó là một trong những cái mà mình tự hào. Các bạn dù có những rào cản nhưng mà vẫn xoay sở để làm hoàn thành công việc rất là tốt, chỉ cần mình một chút kiên nhẫn thôi, một chút kiên nhẫn, một chút cảm thông, hiểu như các bạn thì sau đó các bạn vẫn phát triển được và vẫn xoay sở để làm công việc như một người bình thường. | |
Vận hành một doanh nghiệp vốn ít, khởi nghiệp vào ngách nhỏ, gồng gánh thêm nhân sự là người yếu thế, Hằng chấp nhận bỏ ra gấp đôi, gấp ba thời gian, công sức và cả quyết tâm để đi đến cùng. Hằng học ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện với nhân viên làm túi, “nắm tay chỉ việc” để nhân viên khiếm thị tự tin giao tiếp, giới thiệu sản phẩm với khách hàng… | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Mình nghĩ là các bạn khiếm thính không nghe, không nói được thì chat cũng được mà lúc đầu mình cũng nghĩ như vậy. Nhưng mà thật ra thực tế thì khi các bạn không hiểu tiếng Việt. Bởi vì ngôn ngữ mẹ đẻ của các bạn là ngôn ngữ ký hiệu mà lúc này hai bên có một khoảng thời gian là hai bên bắt đầu ức chế với nhau. Tại vì một bên thì sếp giao việc thì không hiểu, bên kia không không giải thích được thì cũng là ức chế, hai bên là ức chế với nhau. Mình cảm thấy là cái này không ổn rồi vì lúc đó mình nghĩ là bây giờ mình không bắt các bạn học được tiếng Việt thì như vậy thì mình phải là người hiểu được các bạn thì lúc đó mình bắt đầu là mỗi một tiếng buổi trưa mình học ngôn ngữ ký hiệu, mình học những từ nào mà hay sử dụng nhất trong công việc mà các bạn đang làm để mình cố gắng làm sao để tìm cách giao tiếp với các bạn. Từ khoảnh khắc đó là mình cảm thấy là mọi thứ nó dễ hơn rất là nhiều. Mình hiểu được các bạn hai bên hiểu nhau rồi không còn những cái khoảnh khắc gay gắt như hồi trước nữa, bắt đầu hiểu nhau hơn rất là nhiều. | |
Anh HOÀNG NGUYỄN NGỌC ANH Nhân viên thiết kế của Limart Zero Waste | Trước khi ra một sản phẩm ra thị trường thì bên của em có nhiều cuộc họp bàn thảo về cái sản phẩm sắp tung ra thị trường. Bạn Thư, bạn Linh thì bên Marketting có thể tìm cái ý tưởng, xu hướng cho phù hợp. Mẫu mã thiết kế thì mình phải cải tiến cho phù hợp với giới trẻ bây giờ. Tại vì giới trẻ bây giờ họ rất là chú trọng về mẫu mã, hình ảnh nên tụi em cũng đang cố gắng theo xu hướng đó để phù hợp với mọi người, nhất cho giới trẻ. | |
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Tụi mình hướng đến làm sao để phát huy những cái điểm yếu thành cái điểm mạnh của các bạn. Ví dụ như là cái việc dệt cái máy dệt tái chế cái sợi nilon nó rất là ồn. Không ai có thể làm được cái máy dệt điều hành được cái máy dệt đó. Nhưng mà đối với các bạn điếc thì các bạn làm việc một cách say sưa, giống như là yêu, rất là yêu cái công việc đó. Thì mình cảm thấy là đôi khi là điếc cũng có thể là điểm mạnh trong vị trí công việc đó. Thậm chí là các bạn khiếm thị cũng như vậy, các bạn khiếm thị thì các bạn không có thể nhìn thấy. Nhưng mà cái điểm mạnh về trí nhớ của các bạn phát triển rất là tốt. Cho nên cái việc mà về SEO hay về marketing các bạn làm rất là tốt. | |
Đây là những video do Phương Linh cùng sự hỗ trợ của các tình nguyện viên thực hiện. Mỗi ngày các bạn sẽ lên ý tưởng, sáng tạo nội dung, quay dựng và đăng tải trên các nền tảng để giới thiệu sản phẩm và lan tỏa lối sống xanh. | ||
Chị NGÔ THỊ PHƯƠNG LINH Nhân viên Marketing của Limart Zero Waste | Lan tỏa khá là tích cực. Tại vì nhờ có những video mà ở trên Tiktok như vậy thì tụi em được nhiều bạn sinh viên biết đến. Khi mà các bạn sinh viên biết đến thì các bạn ghé trạm, ví dụ đơn giản là mấy bạn chỉ ghé để mấy bạn làm bài tập thôi, hoặc là làm một bài luận cuối kỳ của mấy bạn thôi nhưng mà mấy bạn cũng sẽ một phần nào đó giúp tụi em lan tỏa được cái thông điệp môi trường đến cho nhiều người. | |
Chị HUỲNH NGỌC HOÀNG LY TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh | Mình cũng rất là vui, đây không chỉ là công việc mà cũng cảm giác là mình đang đóng góp một phần cho môi trường, cho xã hội, cũng có thể gọi là hỗ trợ mấy anh anh chị yếu thế để có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt hơn. | |
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Mặc dù các bạn có những cái khiếm khuyết nhưng mà các bạn vẫn ví dụ các bạn khiếm thị, các bạn vẫn làm tiktok, tức là người người nhà nhà bây giờ là đổ xô livestream, tiktok thì các bạn cũng vẫn làm được như vậy. Ví dụ như là các bạn khiếm thị các bạn có thể truyền tải thông điệp rất là truyền cảm hứng thì sẽ có các bạn tình nguyện viên hỗ trợ để giúp cái việc mà edit video được mượt hơn. Mình cũng rất là tự hào khi mà đội ngũ mình là các bạn khiếm thị làm TikTok, làm content nội dung trên mạng xã hội nhưng mà các bạn vẫn đạt được triệu view như bình thường thì cái đó là cái mà tụi mình thì thật sự là mình rất là tự hào về các bạn. | |
Trôi hình video tiktok
| 80% băng rôn sau khi sử dụng bị thải ra môi trường và chưa có cách nào để tái chế như giấy, pin… Do đó, các bạn khuyết tật đã nỗ lực nghiên cứu để có thể tái sử dụng lại băng rôn bằng cách cho băng rôn một hình hài mới. Những chiếc túi thời trang, với tính chất độc đáo, mỗi chiếc túi gần như sẽ là hoa văn duy nhất, không lặp lại được cho ra mắt. Hiện Limart đang thực hiện chiến dịch “Con chữ cho em” - trao tặng balo tái chế cho trẻ em khó khăn ở Bình Thuận và nhận được nhiều sự hưởng ứng từ cộng đồng. Khi mua 1 balo tái chế từ băng rôn quảng cáo cũ cũng đồng nghĩa với việc trao đi 1 balo tái chế cho các trẻ em khó khăn. | |
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Những băng rôn quảng cáo ở ngoài kia rất là nhiều, mỗi tháng là tất cả các doanh nghiệp họ quảng cáo xong rồi họ thải đi rất là nhiều. Và những cái banner đó có tính chất là chống nước nè, vậy tại sao mình không làm nó thành một cái balo để tặng các trẻ em vùng cao, trẻ em khó khăn để giống như là tiếp sức các em đến trường. Lúc đó mọi người điều thấy là ý tưởng này rất là hay, vừa có thể giảm rác được môi trường mà vừa hỗ trợ cho các em, động viên các em đến trường thì lúc đó mình tổ chức chiến dịch đó kết hợp với một bên là bên thứ ba là bên thư viện Ước mơ họ sẽ đến trao một cái thư viện cho một trường khó khăn ở khu vực Bình Thuận và tụi mình cũng sẽ đồng hành để mà trao balo cho các em. | |
Chị TRẦN NAM ANH Quận 8, TP. Hồ Chí Minh | Cũng đi rất là nhiều nơi mình cũng thấy là có rất là nhiều cái banner nhưng mà mình không nghĩ là có một ngày nào đó thì những cái banner đó có thể làm thành những cái balo, mà mấy cái balo này nó còn có khả năng chống nước nên là mình thấy nó cũng có công dụng thật sự, kiểu nếu mà nó chống nước như vậy thì mình có thể mang cái balo đó để mang đi du lịch ngắn ngày cũng được. | |
Các buổi workshop tại Limart luôn thu hút các bạn trẻ tham gia. Trải nghiệp mới lạ khi bịt mắt, làm sản phẩm bằng những cái “chạm” và các giác quan, tăng cảm nhận về những thứ bình mà ngày thường có thể đã bỏ qua, thử cảm giác của người khiếm thị để thêm thấu hiểu. | ||
Chị NGÔ THỊ PHƯƠNG LINH Nhân viên Marketing của Limart Zero Waste | Mục đích mà tụi mình tổ chức những buổi workshop này là tụi mình muốn lan tỏa. Thứ nhất là về thông điệp môi trường đến cho mọi người. Và cái thứ hai là workshop mà mình đang tổ chức là workshop trong bóng tối thì tụi mình muốn là giúp cho các bạn hiểu hơn về những cái khó khăn của người khiếm thị hằng ngày, các bạn khiếm thị không thấy được nhưng mà các bạn vẫn làm được thì tụi em muốn truyền đi một cái thông điệp tích cực, có năng lượng tích cực đến cho mọi người là không phải là mình không nhìn thấy là mình sẽ không làm được gì cả, quan trọng là mình có tin vào bản thân mình hay không để mình có thể cố gắng. | |
Chị TRẦN NAM ANH Quận 8, TP. Hồ Chí Minh | Mình thấy rất là ngưỡng mộ những bạn ở đây. Tham gia workshop này, lúc mà mình bịt mắt lại thì việc không thấy gì là đã quá là khó khăn rồi mà còn phải làm viết cái này hay là khoáy xà phòng đồ này nọ, thực sự cần một sự cố gắng rất là lớn hơn so với lại bình thường nên là mình thấy rất là ngưỡng mộ những bạn ở đây và sự cố gắng của họ. | |
Chị KELLY Sinh viên đến từ Hồng Kông, Trung Quốc | Tôi rất vui khi được đến đây để tìm hiểu về những sản phẩm được làm thủ công và thân thiện với môi trường. Đặc biệt khi tham gia workshop phải bịt mắt, chỉ dùng mũi để ngửi, tai để nghe và tay để cảm nhận thì mình mới hiểu hơn những khó khăn của người khiếm thị là như thế nào. | |
Hình cắt | ||
Vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là nylon, rác thải từ thời trang tiêu dùng nhanh đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Theo số liệu thống kê, hiện nay, ở Việt Nam, mỗi năm thải ra khoảng 30 tỷ túi ni lông. Hơn 80% trong số đó bị thải ra môi trường sau khi dùng một lần. Với mong muốn biến những vật liệu tưởng chừng là “rác bỏ đi” thành những sản phẩm vừa sáng tạo và vừa thực tiễn, giúp những sản phẩm tái chế đến gần hơn với người tiêu dùng, cuộc thi Thiết kế túi từ vật liệu tái chế được tổ chức nhằm kêu gọi sự đồng hành của các nhà thiết kế trẻ đam mê vì môi trường cùng tham gia sáng tạo. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Đã là túi xách nó phải mang yếu tố thời trang. Vậy thì bây giờ không thể nào mà làm một cái túi tái chế và nó chỉ là mang yếu tố tạm bợ và mọi người mua chỉ là vì ủng hộ, vì ủng hộ thôi thì nó vẫn sẽ không bền vững. Mình nghĩ là làm sao phải làm một cái dự án nào để mọi người hiểu là à mọi người mua chiếc túi này vì mọi người thích vì nó quá đẹp, vì nó quá mang tính thẩm mỹ thì lúc đó mình mới cùng nhau nghĩ là mình phải tạo ra một sân chơi, một cái nền tảng để tất cả các bạn sinh viên khắp cả nước về thiết kế có thể cùng nhau cống hiến những chất sám của mình để mà làm sao có thể tìm ra được những mẫu túi thời trang nào đó mà có thể cho mọi người hiểu là rác thải cũng có thể biến thành những tác phẩm như thế này đây. | |
Sau 3 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 100 thiết kế, chứng minh sự ủng hộ mạnh mẽ của các bạn trẻ trong hành trình thúc đẩy thời trang bền vững và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Những chiếc túi vô cùng đẹp mắt và có tính ứng dụng cao đã ra đời từ các chất liệu như: nilon, băng rôn quảng cáo, chai nhựa, vải tái chế, giày dép cũ, lon nước ngọt, bao xi măng đã qua sử dụng... Từ những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như thế đã được các bạn trẻ biến hóa kì diệu thành những chiếc túi xinh xắn, tiện lợi. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Mình đánh giá tính sáng tạo của các bạn rất là cao, tức là các bạn ứng dụng những cái mà mình cũng không nghĩ là có thể ứng dụng được, ví dụ như là từ những chiếc giày, hoặc là thậm chí là những cái bao xi măng, hoặc là thậm chí là những cái bao snack rồi những cái đồng hồ cũ bỏ đi… Tất cả những cái gì mà tưởng chừng là bỏ đi vô nghĩa thì các bạn ứng dụng vào trong một chiếc túi thời trang làm sao cho nó có thể nó mang lại cái tính thẩm mỹ và trở nên rất là sáng tạo luôn. | |
Với suy nghĩ, các chất liệu được chế tạo ra với mục đích có lợi nào đó cho con người, bạn trẻ Phạm Đào Duy Khánh đã tham gia cuộc thi với dự án thời trang bền vững BLOOMING tức là ĐANG NỞ. Duy muốn mọi người nhìn thấy được góc độ khác khi chính nguồn rác nylon cũng chính là cơ hội để có thể bảo vệ môi trường bằng nhiều phương thức tái chế, tái sử dụng khác nhau và ở đây là trong ngành thời trang. Điều này đã được Duy đưa vào chi tiết thiết kế từ chai nhựa và len kim tuyến phản chiếu với ánh sáng tạo ra sự lấp lánh như chào đón một bình minh mới, nơi rác thải không phải là điều xấu và kỳ thị. Thiết kế túi với phom dáng hình chữ nhật đơn giản, cuốn hút, dễ ứng dụng, tiện lợi khi có thêm lót túi đa năng bên trong có thể tách rời theo ý muốn. | ||
Anh PHẠM ĐẶNG KHÁNH DUY Giải Nhất cuộc thi Thiết kế túi từ vật liệu tái chế | Chất liệu nào được tạo ra không phải là xấu, bởi vì nó đều có mục mục đích sử dụng riêng, chẳng qua là mình đã sử dụng quá nhiều thôi. Thì cái cách giải quyết của chúng ta là như thế nào? Mình phải biến nó thành một thứ gì đó đẹp hơn để có thể tái sử dụng đi nhiều lần. Mọi người đều biết nilon rất là bền, nó rất là khó phân hủy thì vì với cái đặc tính đặc thù của nilon như vậy thì tại sao chúng ta lại không làm một cái gì đó khác? Về quần áo thì không được rồi bởi vì nó rất là nóng, rất là bí thì thay vì làm quần áo mình có thể làm phụ kiện giống như túi ở đây và mình thấy nó rất là thực tiễn. | |
22 thiết kế xuất sắc nhất đang được trưng bày thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Không ai nghĩ từ túi nilong, băng rôn, chai nhựa… có thể tạo ra được những chiếc túi như thế này. Tò mò, thích thú… rồi đến ngạc nhiên, ai đến đây cũng muốn được sử dụng những chiếc túi thời trang tái chế, vừa đẹp, vừa tiện lợi vừa góp phần giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. | ||
Chị TRẦN HỒNG UYÊN Quận 3, TP. Hồ Chí Minh | Rất là thú vị khi thấy những sản phẩm như thế này, tại vì mình cảm nhận nó rất là sáng tạo vì các bạn đã sử dụng được các nguyên liệu góp ích cho môi trường. Mình rất là ngạc nhiên bởi vì đa dạng các chất liệu từ môi trường thì các bạn đã ứng dụng vào rất là đa dạng và phong phú.Là một người trẻ thì mình thấy việc bảo vệ môi trường hiện giờ rất là đáng quan tâm thì các bạn làm như vậy đã góp ích được một phần nào cho môi trường, làm cho môi trường xanh sạch, đẹp hơn. | |
Chị MAI THỊ HẢO Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh | Thật ra mình cũng rất bất ngờ khi đi ngang qua khu trưng bày sản phẩm này, bởi vì những cái chất liệu như là lưới hay là nilông đa phần là mình sẽ không tái chế và mình bỏ đi thì gây ô nhiễm môi trường. Khi mà mình đi ngang qua đây thì mình thấy đẹp. Với lại những cái này rất là khó làm mà các nghệ nhân làm ra hoặc mấy bạn mà làm ra thì mình thấy nó có ý nghĩa, bảo vệ môi trường, với lại đẹp và tiết kiệm được nhiều thứ nữa. | |
Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam. "Xanh hơn - tiết kiệm hơn" đang trở thành lựa chọn của nhiều tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z. Và điều này đang giúp Limart gặp nhiều thuận lợi hơn trên hành trình lan tỏa lối sống xanh. | ||
Ông TRẦN VIỆT ANH Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam | Một học sinh cũng như một chuyên gia cũng đều nên tái sử dụng lại các sản phẩm của mình. Và bao bì nhựa là nằm trong những chuỗi đó. Sắp tới đây Chính phủ cũng như Bộ TNMT sẽ ra hội đồng về những quy định về tái chế, tài chính cho tái chế đi theo đúng cam kết của Cop 26 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết. Tái chế là vấn đề mà chúng ta phải thực hiện, chúng ta đưa ra bao nhiêu thì chúng ta cố gắng thu lại được bấy nhiêu. | |
Ông BAHRAMALIAN NIMA GĐ Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc UNIDO | Rác thải nhựa - đây là vấn đề và là mối quan tâm lớn của tất cả mọi người ngày hôm nay bao gồm: Người dân - người tiêu dùng, các Chính phủ, Doanh nghiệp. Đây là 3 bên liên quan chính. Bắt đầu từ các nhãn hàng, các thương hiệu họ ý thức về vấn đề này rất là rõ và muốn hành động. Tôi ví dụ thế này, chỉ đơn cử như trong hoạt động xuất khẩu trái cây của VN, chúng ta dùng bao bì nhựa rất nhiều, vậy chúng ta có giải pháp cho vấn đề hay không, thay vì dùng bao bì nhựa mới thì hoàn toàn có thể dùng sản phẩm tái chế. Rác thải nhựa cần được nhìn nhận lại, nó không phải là rác thải và cần được sử dụng lại | |
Hiện, chuỗi Tạp hóa xanh Limart đã có 2 cửa hàng tại TPHCM và các trạm xanh ở Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Các trạm xanh có diện tích chỉ với 15-20m2 theo phong cách tái chế vừa độc đáo vừa góp phần giảm rác thải ra ngoài môi trường và trở thành địa điểm checkin được bạn trẻ yêu thích. Đến năm 2025, mục tiêu của Limart là sẽ thu gom và tái chế được 60 tấn rác thải và tạo việc làm cho ít nhất 100 bạn khuyết tật với ba giá trị cốt lõi được xác định ngay từ khi thành lập Xanh, Sạch và Tử tế. | ||
Chị PHẠM THỊ KIM HẰNG Nhà sáng lập mô hình Tạp hóa xanh | Để mà bắt đầu hành trình sống xanh thì mình nghĩ là cũng giống như slogan của Limart là ít rác thải thì cuộc sống sẽ chất lượng hơn thì mình cứ bớt từng chút, từng chút một những rác thải thông thường thì cuộc sống mình chắc chắn mỗi ngày, từng ngày, từng ngày sẽ chất lượng hơn rất là nhiều. | |
Trôi những hình ảnh ấn tượng tại tiệm tạp hoá xanh+nhạc | ||
THE ENDING |
Tác giả: Nguyễn Liến, Quốc Mạnh, Hoàng Thanh
Đơn vị: Trung Tâm VTC Miền Nam - Đài Truyền Hình KTS VTC
Thông tin
- Tác giả: Nguyễn Liến, Quốc Mạnh, Hoàng Thanh