Mã số N3047: Giải pháp nào cho nguồn nhân lực công nghiệp TP.HCM

  - Chia sẻ:    

 

TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế và công nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang đối diện với một thực tế đáng báo động: thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn trong các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, tự động hóa, và công nghệ thông tin.

 

Thiếu nhân lực chuyên môn

 

TP.HCM xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm. Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác.

 

 

Đến nay, Thành phố đã xây dựng một khu công nghệ cao (Khu công nghệ cao TP. HCM - SHTP), 19 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung và 28 cụm công nghiệp. Để phát triển công nghiệp công nghệ cao, TP.HCM cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư.

 

TP.HCM cũng xem tự động hóa là một phần rất quan trọng và không thể tách rời trong hiện đại hóa và số hóa giúp DN phát triển bền vững. Riêng với ngành cơ khí - điện, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP. HCM (HAMEE) Trần Hoài Nam khẳng định là không không thể thiếu tự động hóa.

 

Để phát triển ngành công nghiệp trọng yếu này, các DN đang rất cần một lượng lớn lao động có chuyên môn. Bên cạnh đó, với sự góp mặt của các DN FDI, nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM càng tăng mạnh.

 

Theo Cục thống kê TP.HCM, trong quý I/2024, TP.HCM có nhu cầu nhân lực cao ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, chiếm hơn 78% tổng nhu cầu nhân lực của toàn Thành phố và tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 21,96% tổng nhu cầu nhân lực ở các ngành gồm điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, hóa dược và cao su.

 

Nhu cầu cao là vậy nhưng nguồn lực cung cấp này thiếu trầm trọng. Theo PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Trưởng khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là đối với lĩnh vực cơ khí, tự động hóa - hai lĩnh vực quan trọng nhất trong chiến lược công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

 

Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu hụt nhân sự công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các DN mà còn là rào cản đối với mục tiêu của Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030.

 

Cấp bách đào tạo nhân lực

 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của vấn đề này là hệ thống giáo dục vẫn chưa thích ứng nhanh chóng với yêu cầu của thực tiễn công nghiệp. Các chương trình đào tạo chưa đủ linh hoạt và thường bị lạc hậu so với các tiêu chuẩn quốc tế. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp thường thiếu kỹ năng thực tế và phải trải qua quá trình học nghề dài hơn khi làm việc thực tế.

 

Ngoài ra, còn sự thiếu hụt về giáo viên và giảng viên có trình độ cao và có thể áp dụng những kiến thức và công nghệ mới nhất vào quá trình giảng dạy. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam.

 

Cụ thể, trong ngành cơ khí, các công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư và kỹ thuật viên có kỹ năng chuyên môn cao để điều hành và bảo trì các dây chuyền sản xuất hiện đại. Lĩnh vực tự động hóa đang phát triển mạnh mẽ, nhưng thiếu hụt nhân lực có khả năng lập trình và vận hành các hệ thống tự động.

 

Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin đang đứng trước thách thức lớn với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và big data. Việc thiếu hụt nhân lực có khả năng phân tích dữ liệu và phát triển phần mềm tiên tiến có thể làm giảm hiệu quả của các dự án công nghệ.

 

Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, DN và chính quyền để đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo cần được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công nghiệp hiện đại, từ đó giúp đảm bảo rằng nguồn nhân lực được đào tạo sẽ có khả năng ứng dụng ngay và nhanh chóng trong môi trường sản xuất.

 

Riêng với TP.HCM, PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ cho rằng, cần phải xây dựng mới chương trình đào tạo cơ khí, tự động hóa, đáp ứng với công nghiệp 4.0. Cùng với đó là phát triển kỹ năng số và chiến lược này phải bắt đầu từ việc đào tạo và phát triển những kỹ năng số của nguồn nhân lực. Ngoài ra, phải phát triển năng lực ngoại ngữ trình độ quốc tế.

 

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc tăng cường đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng sản xuất xanh.

 

TP.HCM với mục tiêu hướng đến một trung tâm công nghiệp và công nghệ hàng đầu khu vực, việc giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn là không thể thiếu. Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa để TP.HCM vươn lên thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và cạnh tranh.

 

Box:

 

Theo thống kê mới nhất của tổ chức Frost & Sullivan, thị trường tự động hóa tại Việt Nam hiện đạt khoảng 184,5 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị thị trường sẽ tăng nhanh trong vài năm tới do Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình tự động hóa.

 

Tác giả: Hồng Nga 

Đơn vị: Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn

 

Thông tin

  • Tác giả: Hồng Nga