Mã số N3035: Nhà khoa học trẻ nghiên cứu phương pháp quang học trong chẩn đoán ung thư vú

  - Chia sẻ:    

 

Phương pháp quang học trong chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn sớm được Hà Quý Tân (học viên cao học ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM cùng các cộng sự nghiên cứu. Phương pháp này không xâm lấn mà còn có giá thành rẻ, khắc phục một số hạn chế của những biện pháp tầm soát ung thư vú hiện có.

 

Ứng dụng quang học trong chẩn đoán ung thư vú

 

Theo Hà Quý Tân, ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến gây tử vong cao nhất ở phụ nữ. Một trong những khía cạnh chính của việc theo dõi hiệu quả hiệu quả điều trị ung thư vú là phát hiện sớm những bất thường trong mô vú. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể xác định liệu pháp điều trị ung thư vú được thực hiện tốt như thế nào.

 

Do đó, các kỹ thuật quang học được coi là chiến lược khả thi để chẩn đoán sớm các bất thường ở vú. Kỹ thuật quang học đã được nghiên cứu để phát triển các thiết bị hỗ trợ tự chẩn đoán và các thiết bị công nghệ cao như chụp cắt lớp quang học. Sự phát triển gần đây của các ứng dụng điều trị bằng ánh sáng công suất thấp cũng tạo ra một hướng mới trong điều trị các khối u lành tính thông qua hiệu ứng quang sinh học.

 

Hà Quý Tân nghiên cứu ứng dụng quang học trong chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm, tại Phòng thí nghiệm Công nghệ Laser tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM.

 

Trong nghiên cứu của nhóm Tân, tương tác ánh sáng với mô đã được nghiên cứu bằng cách mô phỏng sự lan truyền ánh sáng ở các bước sóng 650 nm, 800 nm và 950 nm trong mô hình vú được tái tạo ở dạng ba chiều bằng dữ liệu MRI có sẵn.

 

Cụ thể, sự hấp thụ ba bước sóng này của mô được đánh giá để hiểu rõ hơn cách ánh sáng tương tác với mô vú. Kết quả mô phỏng cho thấy mô hình vú bình thường và mô hình vú có khối u giả lập có tổng lượng năng lượng hấp thụ khác nhau đáng kể và những kết quả này cho thấy được tiềm năng trong việc phát triển các phương thức chẩn đoán ung thư vú dựa trên ánh sáng hồng ngoại.

 

“Phương pháp này không chỉ không xâm lấn mà còn có giá thành rẻ, khắc phục một số hạn chế của những biện pháp tầm soát ung thư vú hiện có. Như phương pháp chụp nhũ ảnh có thể gây ra tình trạng nhiễm xạ, gây khó chịu cho bệnh nhân. Phương pháp chụp MRI vú có chi phí khá cao nên khó sử dụng thường xuyên. Còn phương pháp siêu âm thì lại có độ nhạy không cao”, Tân cho hay.

 

Tân cho biết thêm, sau kết quả mô phỏng đã được công bố trên Tạp chí Khoa học công nghệ của ĐHQG TP.HCM, nhóm đang nghiên cứu trên phantom (mô hình vú giả lập) và kết quả hiện đang trong quá trình nộp, chờ phản biện tại một hội nghị khoa học quốc tế.

 

“Định hướng trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục phát triển phương thức chẩn đoán này ở các dạng phantom khác và nếu được sẽ thử nghiệm trên người, khi có đầy đủ các kết quả tin cậy và phương thức này được thông qua hội đồng y đức”, Tân chia sẻ thêm.

 

Người có nhiều công bố quốc tế lĩnh vực Vật lý Kỹ thuật Y sinh

 

Với chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật Y Sinh, Tân đi theo hướng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hình ảnh quang học trong đánh giá chất lượng thực phẩm và chẩn đoán y sinh học, mô hình hóa sự lan truyền ánh sáng trong mô sinh học bằng phương pháp mô phỏng Monte Carlo.

 

Đến nay, Tân là tác giả/đồng tác giả của 3 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, 2 bài báo đăng trên kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế IEEE, 4 bài báo công bố tại các hội nghị khoa học quốc tế uy tín và 1 bài báo đăng trên Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ của ĐHQG TP.HCM.

 

Hà Quý Tân được vinh danh là Tài năng trẻ TP.HCM trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.

 

Nói về động lực dẫn thân vào ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh và nghiên cứu khoa học, Tân cho rằng đây là cái “Duyên”. Tân học ngành này vì không có sở thích đặc biệt nào khác. Nhưng càng học, Tân càng hứng thú hơn, đặc biệt vào năm ba, khi bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học.

 

“Mình rất thích cảm giác được sai, thất bại nhiều lần rồi tìm ra giải pháp và tạo ra kết quả tốt nhất. Dần dần, mình nhận ra mình thích làm nghiên cứu và muốn gắn bó lâu dài với công việc này”, Tân nói.

 

Do đó, sau khi tốt nghiệp, Tân quyết định học lên bậc thạc sĩ ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh tại Trường Đại học Bách khoa để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

 

Bên cạnh đó, Tân còn là Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường Trường ĐH Bách khoa, đồng thời nhận được nhiều bằng khen từ Trường và địa phương khi tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, như: Chiến dịch Xuân Tình nguyện, Chiến dịch Tình nguyện mùa hè xanh, Tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện,...

 

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng công tác Đoàn có thể gây trở ngại cho việc nghiên cứu, Tân cho rằng hai công việc này hỗ trợ lẫn nhau. “Mỗi khi gặp áp lực trong nghiên cứu, mình sẽ chuyển sang làm công tác Đoàn để giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, mình còn trau dồi được nhiều kỹ năng hỗ trợ cho công việc NCKH như lên kế hoạch, quản lý thời gian, làm việc nhóm, đồng thời kết nối được với nhiều nhà khoa học để học hỏi kinh nghiệm”, Tân nói.

 

Minh chứng cho việc cán bộ Đoàn vẫn làm tốt công việc nghiên cứu khoa học, Tân đã được vinh danh là Tài năng trẻ TP.HCM năm 2023, trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.

 

Hà Quý Tân tham gia các hội thảo quốc tế.

 

Với Tân, danh hiệu này là cột mốc đáng nhớ ghi nhận những nỗ lực trong thời gian qua, đồng thời mang đến cho anh nhiều cơ hội. Với phần thưởng 20 triệu đồng, Tân sẽ dùng để đóng học phí và mua thiết bị làm nghiên cứu. Dịp này, Tân còn có cơ hội kết nối với các anh chị thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, CLB Các nhà Khoa học trẻ TP.HCM… cũng như tham gia một số hoạt động phong trào của TP.HCM.

 

Cùng đồng hành từ thời sinh viên, TS. Trần Trung Nghĩa - Phó Trưởng khoa Khoa học ứng dụng, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, Tân luôn thể hiện sự say mê với hướng nghiên cứu của nhóm, đồng thời dành nhiều thời gian để tìm hiểu tài liệu và tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến trong các buổi họp. “Tôi nghĩ đó là những phẩm chất đáng quý mà một người làm nghiên cứu nên có”, TS. Nghĩa chia sẻ.

 

Ngoài ra, Tân còn là một người năng động, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, đặc biệt là các phong trào Tuổi trẻ sáng tạo.

 

Tác giả: Bùi Ngọc Duy

Đơn vị: Tạp chí Khoa học phổ thông.

 

Thông tin

  • Tác giả: Bùi Ngọc Duy