Mã số N3035: Chọn "con đường khó" để tái chế rác thải nhựa
"Rất nhiều người nói rằng, tình trạng rác thải nhựa như hiện nay là lỗi của các công ty nhựa. Nói vậy thì không đúng cho Duy Tân, vì chúng tôi sản xuất những đồ dùng gia đình mà mọi người xài cả chục năm chưa hỏng. Nhưng tình trạng đó khiến chúng tôi hành động", ông Lê Anh, Giám đốc Tiếp thị (Marketing) của Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân, nói về động lực để công ty đầu tư nhà máy nhựa tái chế có số vốn lên đến 60 triệu đô la ở Long An.
Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế "Bottles to Bottles" (chai ra chai), tức dùng chai nhựa cũ tái chế thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất chai nhựa mới.
Ông Lê Anh chia sẻ, phát triển nhà máy nhựa tái chế nằm trong chiến lược của Duy Tân. Đó là lý do ông Trần Duy Hy, Tổng giám đốc công ty cách đây nhiều năm đã mua đất ở cụm công nghiệp nhựa tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, diện tích lên tới 65.000 mét vuông, chờ ngày xây nhà máy.
Kế hoạch được ấp ủ và thực hiện trong 3 năm. Đó là quãng thời gian, theo lời ông Lê Anh, các thành viên trong ban dự án làm việc miệt mài, họp bàn liên tục để tìm giải pháp. Bởi lẽ, nhà máy nhựa tái chế khác rất nhiều so với những gì Duy Tân từng làm trước đây. "Nếu như sản xuất nhựa từ hạt nhựa nguyên sinh nhập khẩu thì mỗi máy hoạt động độc lập và ra thành phẩm là bán được thì làm nhựa tái chế khó hơn rất nhiều. Các máy phải liên kết với nhau thành hệ thống đồng nhất. Mọi thứ phải được tính toán kỹ lưỡng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết. Chưa hết, các bộ phận trong công ty từ kỹ thuật, nghiên cứu phát triển đến thu mua, bán hàng cũng phải làm việc chặt chẽ với nhau. Nói chung, làm nhựa bình thường 6 phần thì làm tái chế phải 8 - 9 phần", ông Lê Anh kể.
Phần khó khăn nhất là lựa chọn công nghệ, do chính ông Hy và Giám đốc dự án, ông Huỳnh Ngọc Thạch đảm nhận giải quyết. Suốt 2 năm ròng rã, ông Hy và ông Thạch ngược xuôi khắp các nước châu Âu và cả Hong Kong để tìm hiểu các nhà máy cung ứng công nghệ, nhà máy nhựa tái chế. Có rất nhiều lựa chọn phải cân nhắc. Cuối cùng, Duy Tân chọn công nghệ của nhà cung cấp tại Áo, một nước có ngành công nghiệp tái chế phát triển.
Duy Tân cũng đánh giá rủi ro nhất khi thực hiện dự án là nguồn cung và chất lượng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy tái chế có thể không đảm bảo. Bao nhiêu năm qua, các doanh nghiệp tái chế “khóc ròng” vì khâu phân loại, xử lý rác thải hạn chế. Chưa hết, có thể thị trường sẽ có thêm doanh nghiệp tham gia, chia sẻ nguồn cung.
“Chúng tôi đã có 33 năm trong ngành, hiểu về nhựa, về hạt nhựa nên quyết định đầu tư dự án. Một khi đã quyết định làm là cứ làm tới, không nhìn lại, khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó. Đến nay thì các vấn đề khó khăn, rủi ro đều đã có cách giải quyết”, ông Lê Anh chia sẻ.
Để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tái chế, Duy Tân đã gầy dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý đạt chuẩn, thực hiện thu mua, phân loại và đóng kiện các chai nhựa đã qua sử dụng. Giá mỗi ki lô gam nhựa nguyên liệu đã được xử lý, tương đương khoảng 200 vỏ chai, đang được Duy Tân mua cho các đại lý với giá cao hơn giá bán "xô" bình thường. Các vựa cũng thích hợp tác với Duy Tân vì có thêm việc làm cho người lao động, lại làm ăn uy tín.
Ở giai đoạn 1 này, mỗi ngày, Duy Tân thu mua 60 tấn vỏ chai đã qua sử dụng. Tính ra một năm, số lượng này lên tới cả 20.000 đến 22.000 tấn, một con số có ý nghĩa với môi trường. Trong kế hoạch, nhà máy nhựa tái chế sẽ sản xuất khoảng 100.000 tấn hạt nhựa mỗi năm khi đã hoàn thành giai đoạn 2, 3 và không chỉ dừng ở nhựa PET như giai đoạn 1 mà còn có nhựa PP, HDPE. Lúc đó sẽ có thêm rất nhiều vỏ chai nhựa và nhiều sản phẩm khác từ nhựa, như bàn ghế, tủ quần áo… được thu gom và tái chế để qua đó giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh để sản xuất sản phẩm mới. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm được lượng dầu mỏ sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.
Điểm sáng và cũng là lực đẩy để Duy Tân triển khai nhanh dự án là thị trường có phần rộng mở vì các khách hàng của Duy Tân đang sẵn sàng cho việc sử dụng nhựa tái chế. Đây là cách để các doanh nghiệp phát triển bền vững, gia tăng uy tín thương hiệu cũng như thực hiện cam kết với các bên liên quan.
Giá phôi nhựa làm từ nhựa tái chế rồi từ đó sản xuất các loại chai hiện đang cao hơn phôi làm từ hạt nhựa nguyên sinh. Tuy nhiên, các khách hàng, vốn cũng đã mua hàng từ Duy Tân nhiều năm qua, như Nestle, Lavie đã tìm hiểu và cân nhắc. Trong khi đó, khách hàng truyền thống khác là Unilever Việt Nam thì đã ký hợp đồng nguyên tắc dù quí 4 tới đây, nhà máy nhựa tái chế mới có sản phẩm thương mại.
Duy Tân tính toán, sản lượng 20.000 tấn/năm cho giai đoạn đầu, sẽ chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thị trường. Bởi lẽ chỉ một khách hàng thôi thì khối lượng vỏ chai nhựa sử dụng đã lớn hơn nhiều lần số đó.
Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tham gia Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) đã đặt ra tham vọng đến năm 2030 tất cả các bao bì đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế. Duy Tân kỳ vọng, nhà máy nhựa tái chế sẽ là động lực tiếp theo của công ty, đóng góp 20 - 25% trong tổng doanh thu.
Tiềm năng thị trường đó cũng chính là một trong những lực đẩy để Duy Tân nhanh chóng triển khai dự án, không nhìn đối thủ, cũng không đặt nặng việc có hay không chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như cách lâu nay vẫn làm. Vì chờ thì sẽ trễ và môi trường cũng không thể chờ thêm. Tất nhiên, Duy Tân mong muốn có được sự hỗ trợ về điện, về thuế… để có thêm động lực đầu tư cũng như có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia ngành tái chế. Có càng nhiều doanh nghiệp tái chế thì môi trường sẽ càng có cơ hội được “cứu”. “Chúng tôi đang làm những gì trong khả năng của mình, đó là làm sao thu gom, tái chế nhiều nhất có thể để giảm rác thải nhựa ra môi trường. Còn những chuyện lớn hơn như bảo vệ môi trường, ý thức của người tiêu dùng thì phải cần sức lực của rất nhiều bên. Tỷ lệ sử dụng nhựa trên đầu người ở Việt Nam không phải ở mức cao trên thế giới nhưng chúng ta lại là một trong những nước xả thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thì quả là điều đáng buồn”, ông Lê Anh nói.
“ Nhà máy tái chế nhựa Duy Tân đặt tại tỉnh Long An với diện tích 65.000 mét vuông với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm.
Chất lượng hạt nhựa tái chế đầu ra có thể ứng dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đạt chuẩn.
Dự án nhà máy nhựa tái chế của Duy Tân đã được Ngân hàng HSBC Việt Nam tài trợ tín dụng xanh cho giai đoạn 1.”
Link tham khảo: https://www.thesaigontimes.vn/306294/chon-con-duong-kho-de-tai-che-rac-thai-nhua.html
Ngày xuất bản: 26/7/2020
Thông tin
-
Tên tác giả: Minh Tâm
Địa chỉ: Thời báo Kinh tế Sài Gòn