Mã số N3026: Nhà khoa học trẻ với nhiều công bố quốc tế lĩnh vực hóa học

  - Chia sẻ:    

 

Đoàn Châu Thành Vinh, đam mê hóa học từ thời phổ thông và dành nhiều thời gian nghiên cứu, có nhiều công bố quốc tế khi mới 24 tuổi.

 

Vinh hiện làm trợ giảng tại khoa Khoa học liên ngành, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM và đang học tiến sĩ. Khi là học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang (Khánh Hòa), Vinh có đam mê với các môn khoa học tự nhiên. Làm các bài thí nghiệm, đặc biệt môn hóa học, Vinh bị mê hoặc trước những biến đổi thú vị của các phản ứng.

 

Khi học cấp ba, điểm trung bình môn Hóa của Vinh mỗi học kỳ luôn đứng hạng nhất lớp và được chọn tham gia vào các đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa. "Quả ngọt" cho những đam mê của cậu được ghi nhận bằng giải ba kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học năm 2018, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Khánh Hòa môn Hóa học năm 2018, Huy chương Bạc và Đồng tại kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 môn Hóa học năm 2017 và 2016…

 

Đoàn Châu Thành Vinh có đam mê môn hóa học từ thời học sinh THPT. Ảnh: NVCC

 

Yêu thích khoa học, nhưng Vinh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là một nhà nghiên cứu trong tương lai. Cậu nghĩ để có thể trở thành một nhà nghiên cứu, cần phải thật sự tài giỏi, có bề dày tri thức sâu rộng. Nhưng với niềm yêu thích môn Hóa, Vinh cảm nhận rằng bản thân muốn đào sâu và sử dụng những kiến thức mình đã học được trong ba năm học chuyên. Câu quyết định theo học tại ngành hóa của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Nhờ những nền tảng kiến thức đã tích lũy giúp Vinh học tốt hơn những kiến thức hóa nâng cao ở chương trình đại học, giúp giải thích cho các kết quả thực nghiệm trong nghiên cứu.

 

Từ đầu năm 3, Vinh tham gia nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoàng Phương, tập trung các đề tài liên quan hóa học. Công trình đầu tiên do Vinh là tác giả chính nghiên cứu "Chế tạo xúc tác acid trên nền carbon để chuyển hóa carbohydrate thành 5-hydroxymethylfurfural" đăng trên tạp chí Molecular Catalysis thuộc danh mục Q2. Nghiên cứu này hướng đến tận dụng nguồn vật liệu phổ biến, rẻ tiền như glucose để tổng hợp các xúc tác acid rắn có tính acid cao.

 

Theo Vinh, xúc tác acid rắn có thể thay thế các acid lỏng thông thường hiện nay như acid sulfuric (H2SO4), acid clohydrid (HCl)... dùng trong phản ứng hóa học. Các acid lỏng này khó thu hồi khi làm các thí nghiệm phản ứng hóa học. Do tính chất khó thu hồi nên các acid lỏng sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm hao mòn dụng cụ, thiết bị. "Acid rắn có đặc tính gần tương tự nhưng nó khắc phục được những nhược điểm của acid lỏng. Chúng có thể được điều chế từ nguyên liệu trong tự nhiên nên rất có tính khả thi trong ứng dụng", Vinh nói.

 

Sau công trình đầu tiên, Vinh tiếp tục phát triển những hệ xúc tác rắn nền carbon từ các nguồn phế phẩm nông nghiệp và ứng dụng để chuyển hóa nguồn sinh khối dồi dào như carbohydrate thành các hợp chất có giá trị làm nhiên liệu sinh học, polyme tự hủy sinh học...

 

Đến nay Vinh là tác giả chính và đồng tác giả ba bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có một bài thuộc danh Q1 và hai bài thuộc danh mục Q2. Vinh cũng là tác giả chính và đồng tác giả của ba công bố tại các hội nghị khoa học trong nước uy tín. Cậu nói, hạnh phúc khi nghiên cứu được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học, là sự khích lệ để cố gắng hơn.

 

Động lực để Vinh phấn đấu, trở thành nhà khoa học xuất phát từ tâm niệm học tập thật giỏi để sau này cuộc sống tốt hơn. Gia đình Vinh vốn khó khăn. Khi cậu học lớp một, mẹ mắc bệnh ung thư. Sau 7 năm chiến đấu với bệnh tật, mẹ Vinh qua đời, để lại gánh nặng nuôi hai con cho người cha. Với công việc quản lý chợ, đồng lương hơn 3 triệu đồng hồi đó là thu nhập chính nuôi Vinh ăn học. Những năm học đại học, người chị lớn hơn Vinh 9 tuổi làm kế toán là người chu cấp cho cậu học tập. Đến nay, khi đã có thu nhập, Vinh luôn suy nghĩ vừa trang trải và tiết kiệm để tiếp tục sự học và nghiên cứu.

 

Niềm vui khi nghiên cứu thành công nhưng khi thất bại Vinh tự nhủ giữ một tinh thần tích cực và sử dụng những kiến thức mình học được để giải thích, từ đó tìm ra hướng đi mới. Vinh cho rằng việc nghiên cứu không ra kết quả như mình dự đoán không những không vô ích mà trái lại cũng có rất nhiều cái hay. Thất bại này có thể cảnh báo cho bản thân và các nhà khoa học khác không lặp lại con đường này nếu muốn một kết quả khác. Nhưng cậu cho rằng biết đâu những kết quả như dự kiến lại dẫn ra một hướng nghiên cứu mới hoặc giúp phát hiện một kiến thức mới chưa bao giờ biết. Những kết quả này sẽ bổ sung và hoàn thiện hơn tri thức của nhân loại.
 

Công bố quốc tế của Vinh và các thành viên nhóm đăng tải bởi Nhà xuất bản danh tiếng Elsevier.

 

Từ thành công và có cả thất bại trong khoa học, Vinh nhận ra trong nghiên cứu luôn cần sự kiên trì và chăm chỉ. Có thể ở những giai đoạn này, kết quả vẫn chưa đến. Nhưng nếu nhà khoa học tiếp tục cố gắng và không bỏ cuộc kèm với một định hướng đúng đắn, thành quả sẽ chờ đợi ở những giai đoạn sau. Vinh cho rằng, bản thân phải luôn tích lũy một nền tảng kiến thức vững chắc để có thể định hướng cũng như vận dụng chúng để giải thích và thảo luận về các kết quả nghiên cứu.

 

PGS.TS Trần Hoàng Phương, Giảng viên ngành hóa hữu cơ, Khoa hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM nhận xét, ngoài thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc Vinh còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể. PGS Phương nói, trong nghiên cứu, Vinh có khả năng tư duy độc lập cũng như khả năng làm việc tập thể khi làm trưởng nhóm trong lab nghiên cứu.

Vinh là một trong 10 tài năng trẻ được Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP HCM tôn vinh, tài trợ kinh phí 20 triệu đồng năm 2024.

 

Tác giả: Hà An

Đơn vị: Báo điện tử VNExpress

 

Thông tin

  • Tác giả: Hà An