Mã số N3023: Nhà đầu tư quan tâm tới chuyển đổi xanh khi đặt nhà máy tại Việt Nam

  - Chia sẻ:    

 

Ngày 12/6, tại TP.HCM, Diễn đàn Quốc tế về Kinh doanh sáng tạo - International Innovative Business Forum (IIBF) 2024 - do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với các đơn vị khác tổ chức.

 

Diễn đàn Quốc tế về Kinh doanh sáng tạo có chủ đề: "Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam".

 

Công nghệ là "đòn bẩy"

 

Các chuyên gia nhấn mạnh công nghệ bền vững là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh.

 

 Ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Theo ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt FTA thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động ngày càng sâu rộng.

 

"Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường", ông Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

 

Mặt khác, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp. Điều này tạo áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua những thách thức cốt yếu về việc hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.

 

Tại diễn đàn, ông Shashi J - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ và tư vấn công nghệ, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam - cho biết hiện nay mô hình D2C bị gián đoạn vì tính thương mại nhanh. Trong đó, giao hàng bằng máy bay không người lái (drone), nghiên cứu trực tuyến nhưng mua hàng trực tiếp, mua hàng trên các nền tảng TikTok Shop,… dần trở thành xu hướng.

 

Cũng theo ông Shashi J, nếu chỉ mải mê theo đuổi xu hướng mà không cẩn trọng, chúng ta có thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến hiệu quả đầu tư không như kỳ vọng và đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ lạc hậu so với đối thủ cạnh tranh.

 

"Việc lựa chọn chính xác những giải pháp công nghệ phù hợp rất quan trọng và là chìa khóa quyết định thành công trong tương lai. Xu hướng công nghệ hàng đầu tại Việt Nam đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là số hóa, phát triển bền vững, an ninh mạng và IoT,… ", ông Shashi J nhấn mạnh.

 

Ông Shashi J – cho rằng đổi mới sáng tạo sẽ dư thừa nếu không có yếu tố bền vững, điều này đồng nhất với tham vọng của Việt Nam trở thành quốc gia có phát thải ròng bằng 0. 

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt về ESG (gồm môi trường, xã hội và quản trị). Trong đó, doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã xác định các yếu tố ESG trọng yếu. 60% tiết lộ không có cơ cấu quản trị chính thức về vấn đề ESG, chỉ có 29% doanh nghiệp thiết lập rõ ràng các mục tiêu về thước đo về EGS.

 

Nhà đầu tư quan tâm tới chuyển đổi xanh

 

Theo báo cáo Chuyển đổi số 2023 và báo cáo của Ngân hàng thế giới về các quốc gia dẫn đầu chuyển đổi kép 2023, nhìn chung tỷ lệ sở hữu các sáng chế xanh và số của Việt Nam còn hạn chế. Trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).

 

Trong khi đó, Việt Nam chỉ sở hữu 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế số của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Mayalisa (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).

 

Ông Bùi Văn Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam - cho biết chuyển đổi kép không chỉ đề cập đến hai xu hướng chuyển đổi diễn ra đồng thời là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số mà còn cho thấy việc hợp nhất hai xu hướng này có thể tăng tốc những sự chuyển đổi cần thiết, đưa xã hội đến gần hơn với mức độ chuyển đổi mong muốn.

 

Cũng theo ông Bùi Văn Trịnh, doanh nghiệp Việt cần chiến lược kinh doanh và chiến lược số rõ ràng, đưa văn hóa đổi mới sáng tạo vào tập thể người lao động, quan tâm đến trải nghiệm người tiêu dùng ở hai kênh trực tuyến và trực tiếp. 

 

Ông Shashi J - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ và tư vấn công nghệ - Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam. 

 

Theo ông Shashi J – cho biết khi làm việc với chủ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa chuyển từ ý định qua hành động về việc chuyển đổi kép. Hiện nay, nhà đầu tư  quan tâm đến các yếu tố về ESG khi "xuống tiền" đầu tư. 

 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lý Duy Khiêm - Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh Becamex (Becamex IOC) - cho biết chuyển đổi kép là nhu cầu mà doanh nghiệp này đặt ra để hướng đến Net Zero, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp.

 

"Nếu như trước đây, nhà đầu tư khi vào khu công nghiệp quan tâm đến giá thuê, vị trí đất nhưng hiện nay doanh nghiệp quan tâm đến năng lượng tái tạo. Điển hình, các tập đoàn lớn như Lego, Pandora khi vào Việt Nam họ yêu cầu toàn bộ hoạt động các nhà máy sản xuất bằng năng lượng tái tạo", ông Lý Duy Khiêm cho biết. 

 

Tác giả: Võ Liên

Đơn vị: Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo

 

Thông tin

  • Tác giả: Võ Liên