Mã số N3021: Dạy khởi nghiệp tại đại học

  - Chia sẻ:    

 

Các giảng viên nói rằng họ thấy sinh viên ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc tự mở công ty của riêng mình. Do vậy, một số trường đang cung cấp các môn học liên quan.

 

Việc liên kết thành viên có chuyên môn khác nhau giúp các dự án khởi nghiệp của sinh viên được đầu tư kỹ hơn. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

 

Giáo dục khởi nghiệp

 

Khởi nghiệp sáng tạo (startup, hoặc đôi khi dùng entrepreneurship) không còn quá xa lạ ở Việt Nam. Trong 10 năm qua, các công ty khởi nghiệp đã mọc lên ở tất cả các loại hình kinh doanh - từ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ học tiếng Anh đến các chatbot kết nối dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa và cả xe điện và những hệ thống tích trữ năng lượng mới.

 

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các trường đại học cũng thích nghi bằng cách đưa nội dung khởi nghiệp vào kế hoạch học tập của sinh viên.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn đã tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022). Gần 3/4 số cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp, trong khi hầu hết các trường đều có những hoạt động tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm để truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.

 

Mặt khác, một số trường đại học và cao đẳng đã thay đổi căn bản hoạt động của mình để hỗ trợ sinh viên, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới. Dễ nhận thấy nhất là các trường hình thành những câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc lĩnh vực thế mạnh của mình, ví dụ như kỹ thuật, nông nghiệp hoặc y dược. Một số ít - khoảng 10 trường - đã bắt đầu xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp cho phép sinh viên tham gia từ những bước đầu tiên.

 

Được thúc đẩy bởi các xu hướng quốc tế và nhu cầu của nền kinh tế, các trường đại học khởi nghiệp của Việt Nam đang mở rộng vai trò của mình từ nghiên cứu và giảng dạy truyền thống sang nắm bắt “sứ mệnh thứ ba” tập trung vào phát triển kinh tế. Sáng kiến này phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Để đạt được điều đó, các sinh viên cần được nuôi dưỡng thái độ kinh doanh và được khuyến khích tham gia vào các dự án kinh doanh. Có nghĩa là, sinh viên cần được cung cấp các nguồn lực và hướng dẫn cần thiết để có thể biến ý tưởng thành dự án kinh doanh khả thi. Ngoài ra, sinh viên cũng nên được khuyến khích suy nghĩ về các vấn đề của cộng đồng địa phương để những hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của họ có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng.

 

Tuy nhiên, việc giáo dục khởi nghiệp cho các sinh viên không phải dễ dàng. Trên thực tế, một số người ngoài ngành giáo dục đang nhìn vào các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên như một “phong trào hình thức”. Có lý do để họ nghi ngờ điều này.

 

Như đã làm sáng tỏ trong báo cáo của mình hồi năm 2021, ThS. Giao Thị Hoàng Yến (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chỉ ra rằng các tổ chức giáo dục đại học chưa xây được chương trình đào tạo phù hợp về khởi nghiệp (có thể vì đây là một lĩnh vực còn quá mới và quá ít kinh nghiệm đào tạo!), không tích hợp được chúng với các chương trình giáo dục chuyên ngành và thiếu kết nối với những ứng dụng thực tiễn.

 

Hơn nữa, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục trong khối công lập, vẫn luôn tồn tại các rào cản về tài chính. Nút thắt cơ chế tài chính khiến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học chỉ dừng lại ở một mức độ sơ khởi nhất định. Trong khi, lượng ngân sách phân bổ cho các hoạt động nghiên cứu - vốn là phần cốt lõi quan trọng để hình thành nên các công ty spin-off đích thực - còn ở mức thấp, khiến cả quá trình khởi nghiệp của sinh viên gặp nhiều khó khăn.

 

Mô hình đào tạo tại Đại học FPT

 

Rất khó để nói rằng “giáo dục khởi nghiệp của một trường là tốt” nếu không đưa ra được các bằng chứng cụ thể về tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp thành công một cách liên tục và ổn định.

Đại học FPT tại TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường tiên phong chuyển đổi mô hình đào tạo cho phù hợp với hoạt động giáo dục khởi nghiệp.

 

TS. Phan Gia Hoàng, Chủ nhiệm Bộ môn Khởi nghiệp, và các đồng nghiệp đã thiết kế một khóa học “đảo ngược”: Tại đó, sinh viên được yêu cầu lập một dự án khởi nghiệp và thông qua những va chạm, khó khăn trong suốt quá trình làm dự án của mình, các em sẽ tự mày mò, chủ động học được những kiến thức kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp. Điều này hơi khác với cách đào tạo truyền thống là dạy trước cho sinh viên kiến thức để các em áp dụng vào dự án của mình sau này.

 

Trong khóa học, sinh viên sẽ có tám buổi thảo luận về những câu hỏi kiến tạo xã hội (chiếm khoảng 15% số điểm môn học). Các sinh viên sẽ không tới lớp với cái đầu rỗng mà xem trước những video liên quan rồi lên lớp thảo luận với giảng viên và bạn học. Giảng viên của Đại học FPT thường là người có kiến thức sâu rộng và từng làm kinh doanh, do vậy họ có thể hỗ trợ hoặc dẫn dắt vấn đề thảo luận theo hướng phản biện tích cực.

 

Ngoài giờ học, sinh viên sẽ có các buổi tiếp xúc trực tiếp với các cố vấn/mentor/coach, vốn là chuyên gia trong các ngành công nghiệp hoặc là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, để cùng thảo luận về sản phẩm và chiến lược kinh doanh.

 

Trong suốt quá trình học, sinh viên phải “thực chiến” để vượt qua bốn cột mốc: Lập được nhóm và lên ý tưởng khởi nghiệp (10% số điểm); Nghiên cứu thị trường (20%); Xây dựng sản phẩm mẫu và mô hình kinh doanh (15%); Hoàn thành Pitch Deck tóm tắt ý tưởng kinh doanh (40%).

 

Cuối kỳ, sinh viên sẽ được tham gia vào một buổi gọi vốn giả lập với ban giám khảo - chính là các quỹ đầu tư và chủ doanh nghiệp - để họ đánh giá xem liệu dự án kinh doanh của sinh viên có thực sự thu hút. Nếu may mắn, dự án đó có thể được cân nhắc đầu tư riêng.

Trong ba năm qua, mô hình đào tạo này của Đại học FPT tại TP.Hồ Chí Minh đã tạo ra được 600-700 dự án khởi nghiệp, trong đó “có những dự án nổi bật đang tạo ra doanh thu từ 10.000 USD/tháng. Ngoài ra các nhóm dự án có doanh thu từ 1.000 - 2.000 USD/tháng là không ít”, TS. Phan Gia Hoàng tiết lộ với Khoa học và Phát triển.

 

Một buổi hội thảo chia sẻ với các sinh viên về khởi nghiệp. Ảnh: Đại học FPT

 

Các khóa học này tuân theo một số nguyên tắc phù hợp với hoạt động khởi nghiệp. Đầu tiên là tính liên ngành - sinh viên từ các ngành khác nhau sẽ được hợp tác với nhau, nên không khó để thấy một nhóm khởi nghiệp gồm hai sinh viên ngành công nghệ thông tin, một sinh viên ngành đồ họa, một sinh viên ngành kinh doanh, và một sinh viên ngành ngôn ngữ/văn hóa. Tính liên ngành rất quan trọng vì nó cung cấp góc nhìn đa chiều và tạo sự thích ứng linh hoạt với thị trường.

 

Dĩ nhiên, vì 60% sinh viên của FPT là ngành công nghệ thông tin nên phần lớn sản phẩm của các nhóm khởi nghiệp là sản phẩm công nghệ (E-commerce, Edtech, Pet-app, Prop-tech, Fashion-Tech, Travel-tech, Transportation v.v), mặc dù cũng có một vài sản phẩm vật lý - ví dụ xà bông hữu cơ - nhưng chúng không được khuyến khích nhiều.

Tình hình có thể khác nếu áp dụng mô hình tương tự với các đại học nghiên cứu thuộc chuyên ngành khác. (Và cũng tùy theo cách hiểu về “khởi nghiệp” là startup hay entrepreneurship mà sản phẩm và mô hình kinh doanh có thể khác nhau, trong đó startup đặc trưng bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và mang tính đột phá nên thường là các sản phẩm công nghệ; entrepreneurship là bất kỳ một công việc kinh doanh nào.) Nhưng không thể phủ nhận, một nhóm dự án nếu chỉ gồm sinh viên từ một ngành duy nhất sẽ có ít lựa chọn phát triển và nhiều hạn chế hơn.

 

Thứ hai là sự tự chủ. Dự án của sinh viên xuất phát từ ý tưởng của chính họ, không phải từ các thầy cô. Khi tự do lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp, sinh viên sẽ có nhiều động lực hơn để theo đuổi và nỗ lực tìm ra cách giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Họ sẽ cảm thấy gắn bó với “đứa con tinh thần” của mình và sẵn sàng dành nhiều thời gian, tâm huyết cho nó. Hơn thế, sinh viên thường lựa chọn những ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ những vấn đề mà các bạn quan tâm. Điều này đảm bảo rằng các dự án khởi nghiệp có ý nghĩa thực tế và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

 

Cuối cùng là tính thị trường (Market Fit). Sinh viên phải đạt được cột mốc có ít nhất 20 người dùng trả phí, bởi đây là thước đo cho thấy sản phẩm mẫu đã đạt được mức độ phù hợp tương đối với thị trường mục tiêu. Yêu cầu này rõ ràng tạo thách thức cho các bạn sinh viên, nhưng cũng đồng thời rèn luyện các bạn trẻ hoạt động mạnh mẽ hơn dưới sức ép. Hơn nữa, lượng người dùng ban đầu sẽ tạo ra thu nhập cho các dự án để họ có thể quay vòng vốn để tạo ra giải pháp tốt hơn - điều hiển nhiên của bất kỳ công ty kinh doanh thực tiễn nào.

 

Mô hình giáo dục khởi nghiệp của Đại học FPT đi kèm với những hỗ trợ trực tiếp. 30% các dự án tốt nhất sẽ được tài trợ không hoàn lại 50 triệu đồng dưới dạng sử dụng cơ sở vật chất và đầu tư vốn ban đầu. Tất cả các nhóm khởi nghiệp đều được hỗ trợ hosting, tên miền, chi phí triển khai website/app lên máy chủ. Hơn thế, sinh viên có thể sử dụng kết quả của dự án khởi nghiệp thay cho đồ án tốt nghiệp của mình, tức là một sinh viên ngành IT hoặc marketing cũng có thể tốt nghiệp bằng một sản phẩm tổng quát vượt ra ngoài ranh giới ngành hẹp của mình.

 

“Chúng tôi cũng đang tính đến các dịch vụ hỗ trợ khác cho các dự án khởi nghiệp, chẳng hạn như lập ra một phòng kế toán tập trung để các sinh viên có thể giải quyết vấn đề hóa đơn, chứng từ”, TS. Phan Gia Hoàng nói.

Nhìn vào mô hình giáo dục này, một số cực sinh viên cho rằng nếu được áp dụng rộng rãi, nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn, không phải để các sinh viên thành công mà là để giúp họ bắt đầu kinh doanh.

 

“Nhớ lại cách đây 10 năm khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi đã rất vất vả để tìm được một người đồng sáng lập phù hợp vì tôi không biết họ ở đâu. Nhưng các môn học như thế này - và cả những cuộc thi, chương trình hackathon - có thể sẽ giúp mọi người tìm đến nhau dễ dàng hơn. Các bạn sinh viên có thể tìm được một số người thực sự xuất sắc ngay từ những ngày đầu ở trường. Và các bạn cũng có thời gian để sáng tạo cho dự án của riêng mình”, Thanh Trần, một cựu sinh viên Học viện Tài chính và là đồng sáng lập của một nền tảng bất động sản trực tuyến, chia sẻ.

 

Tác giả: Ngô Hà

Đơn vị: Báo Khoa học và Phát triển

 

Thông tin

  • Tác giả: Ngô Hà