Mã số N3019: Giải pháp mang tính thực tiễn cao trong giảng dạy và học môn Hóa học
Nhiều giáo viên, học sinh một số trường đang sử dụng ứng dụng “Danh pháp hóa học” do Thạc sĩ Nguyễn Minh Lý, giáo viên hóa học và học sinh Nguyễn Thái An, lớp 11A7, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế, xây dựng. Đây là một ứng dụng trực quan sinh động, rất hữu ích trong giảng dạy, học tập môn Hóa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ứng dụng Danh pháp hóa học đạt giải nhì Liên hoan câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật, sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 13 năm 2022. |
Chương trình đổi mới giáo dục đang được triển khai ở các khối học, trong đó, việc gọi tên các chất hóa học phải theo đề nghị của IUPAC-Danh pháp hóa học Liên minh Quốc tế về hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng. Tuy nhiên, giáo viên, học sinh đang gặp khó khăn trong cách viết, cách đọc tên các chất theo chuẩn quốc tế, thay vì cách đọc như trước đây.
Trăn trở về vấn đề nêu trên, thầy giáo Nguyễn Minh Lý và em Nguyễn Thái An đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức, nghiên cứu, xây dựng Website HTML Offline thông qua phần mềm Visual Studio Code-Tiện ích Live Server để hỗ trợ học tập và giảng dạy Danh pháp hóa học. Ứng dụng có tính tương tác cao để giáo viên dùng trong giảng dạy, học sinh ôn tập, nghiên cứu...
Sau thời gian sử dụng ứng dụng trong học tập môn Hóa học, em Trần Thiên Ân, lớp 10C7, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: Qua hướng dẫn, giới thiệu từ thầy cô, các học sinh trong trường, em sử dụng Danh pháp hóa học hỗ trợ học môn Hóa. Cảm nhận ban đầu của em là dễ sử dụng vì các chức năng rất dễ tìm. Việc ghi nhớ tên qua bài tập trở nên dễ dàng hơn, phát âm cũng không còn quá khó khăn vì ứng dụng cũng có phần hướng dẫn phát âm những tên chất. Ngoài ra, Danh pháp hóa học có những ý tưởng mới trong việc rèn luyện kiến thức cho học sinh và mong chờ những sự cải tiến mới như thành lập app trên điện thoại để mọi người tiếp cận được dễ dàng hơn.
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hưng, giáo viên hóa học, Trường THPT Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có một nội dung mới là danh pháp hóa học được gọi bằng tiếng Anh. Đây là một nội dung mới với thầy, cô giáo và học sinh lớp 10 năm học 2022-2023, bởi vì ở cấp trung học cơ sở các em học theo chương trình cũ với danh pháp tiếng Việt. Vì vậy, website offline “Danh pháp hóa học” là một phần mềm khá hay và hữu ích để thầy cô, học sinh có thể dùng ôn luyện, tra cứu danh pháp mới. Ứng dụng như một cẩm nang giúp thầy cô, học sinh không ngại khi tiếp nhận danh pháp mới trong quá trình học.
Ứng dụng Danh pháp hóa học của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đoạt giải ba toàn quốc cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ nhất, năm 2022” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ứng dụng cũng đoạt Huy chương đồng tại cuộc thi “Thiết kế, chế tạo, ứng dụng lần 10, năm 2022” trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 13 năm 2022 và đoạt nhiều giải thưởng khác về học thuật, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM.
Thầy Nguyễn Minh Lý chia sẻ, một trong những khó khăn khi thực hiện phần mềm là phải viết cho toàn bộ kiến thức về danh pháp hóa học của cả chương trình hóa vô cơ và hóa hữu cơ, hàm lượng kiến thức, dữ liệu thu thập lớn, mất khá nhiều thời gian trong quá trình kiểm tra nội dung. “Nhóm đang nghiên cứu lập trình ứng dụng Danh pháp hóa học dành cho điện thoại và các thiết bị khác, có phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh, phát triển thêm nhiều tính năng để mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm”, thầy giáo Nguyễn Minh Lý nói.
Link tham khảo: https://nhandan.vn/giai-phap-mang-tinh-thuc-tien-cao-trong-giang-day-va-hoc-mon-hoa-hoc-post736615.html
Ngày xuất bản: 31/01/2023
Thông tin
-
Tác giả: Cao Văn Tân
Báo Nhân dân