Mã số N3017: Khởi nghiệp xanh – Hành trình của tương lai

  - Chia sẻ:    

Không sản xuất kinh doanh các sản phẩm đơn thuần, những người trẻ khởi nghiệp đang hướng đến mô hình kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm hướng đến tăng trưởng xanh với nguồn tài nguyên bản địa.

Từ tình yêu tài nguyên bản địa

Là những người mới chân ướt chân ráo vào thương trường nhưng hướng đi của họ rất khác biệt khi chọn những sản vật địa phương để đưa đi khắp cả nước và cả xuất khẩu ra nước ngoài. Từ cây dừa nước ở Cần Giờ, Phan Minh Tiến đã “lên đời” chúng thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm – One Commune One Product) độc đáo, ngon miệng, cho giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm như mật dừa nước tinh khiết, mật dừa nước cô đặc, đường mật dừa thương hiệu “Dừa nước ông Sáu” của Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) do Minh Tiến làm chủ đã được TP.HCM công nhận đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quản lý thực phẩm như ISO 22.000:2028, HACCP và Hàng VNCLC chuẩn hội nhập, được đưa vào bán ở các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm cao cấp.

Cũng khai thác giá trị từ cây dừa, Phạm Đình Ngãi – CEO Mật hoa dừa Sokfarm đã mang đến công ăn việc làm cho cả trăm hộ gia đình ở Trà Vinh. Khởi nghiệp từ năm 2018 với ý tưởng sản xuất thực phẩm từ mật hoa dừa, sau hơn một năm chuẩn bị, đến tháng 9/2019, doanh nghiệp (DN) Mật hoa dừa Sokfarm của Phạm Đình Ngãi ở Trà Vinh mới cho ra thị trường sản phẩm đầu tiên là nước uống mật hoa dừa. Đến nay, Sokfarm đã được một số chứng nhận chất lượng thực phẩm trong và ngoài nước, có 7 sản phẩm đang bán tại hơn 40 tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan.

                                                 Phạm Đình Ngãi (áo xanh) đang giới thiệu quy trình lấy mật hoa dừa với khách. Ảnh Hồng Nga

Theo chủ DN Sokfarm, ngay từ đầu anh và người đồng sáng lập đã xác định phải sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu dù mất thời gian và vốn đầu tư ban đầu lớn. Thế là những quy chuẩn từ phòng lab đã được Ngãi mang ra áp dụng trong xưởng sản xuất. Mỗi lần DN được kiểm định và cấp chứng nhận chất lượng là một lần có thêm thị trường mới. “Sản xuất phải căn cứ từ tiêu chuẩn và đó là những cơ sở cơ bản nhất giúp kiểm soát tất cả các quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Và khi sản xuất theo tiêu chuẩn, mình rất yên tâm về sản phẩm và ấn tượng với khách hàng tốt hơn, thương hiệu DN cũng dễ dàng đi xa hơn”, Ngãi cho biết.

Cuối tháng 5/2023, Ngãi đã đưa mật hoa dừa cô đặc và nước tương lên men từ mật hoa dừa Sokfarm đến THAIFEX Anuga tại Thái Lan để chào hàng người tiêu dùng nơi đây. Từ hội chợ THAIFEX Anuga năm 2022, Sokfarm đã có khách hàng và giờ đang tìm kiếm thêm những khách hàng mới. Tại hội chợ này, Sokfarm đã giới thiệu những sản phẩm mà anh cho rằng trong tương lai sẽ thay thế cho đường, hoàn toàn tự nhiên, tốt cho sức khỏe.

  Năm 2022, Sokfarm mang sản phẩm đến giới thiệu tại Hội chợ THAIFEX Anuga diễn ra ở Thái Lan và đã có ngay đơn hàng tại đây. Ảnh Hồng Nga

Công ty xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cũng là một DN trẻ khởi nghiệp xanh trong nông nghiệp. Bắt đầu sản xuất từ năm 2019 nhưng đến nay, sản phẩm chủ lực công công ty là các loại bột rau sấy lạnh đã có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu đi một số quốc gia. Nguyễn Ngọc Hương – Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt khẳng định có được điều này là nhờ đã thực hiện các tiêu chuẩn lượng ngay từ đầu. Bởi Hương muốn làm sản phẩm từ tài nguyên bản địa Việt Nam phục vụ cho người Việt Nam với chất lượng quốc tế. Và cũng nhờ vậy mà các loại bột sấy lạnh như rau má, cần tây,… của Thiên Nhiên Việt không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà còn cả khách hàng quốc tế.

Thế hệ doanh nhân mới

Không chỉ có Sokfarm, Vietnipa và Thiên Nhiên Việt, trong cộng đồng khởi nghiệp đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp với cả ngàn bạn trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Đây chính là lớp doanh nông trẻ tiêu biểu trong cả nước với đam mê cháy bỏng làm giàu từ nguồn tài nguyên, đặc sản bản địa. Nhiều DN khởi nghiệp đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, xây dựng được những tiêu chuẩn như HACCP, ISO, FDA,… Nhiều chủ DN đã xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường lớn của châu Âu, Mỹ và khu vực như Kim Hằng Yeshue, Ngọc Hương với các loại rau, Phạm Đình Ngãi với mật hoa dừa, Khánh Hà Ohuga với mì, nui, Gia Bảo với hạt điều,…. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh – thành,… Và có không ít DN khởi nghiệp đã đạt chứng nhận HVNCLC từ năm 2020 đến 2023 như Bột rau má Quảng Thanh, chùm ngây Vườn Nhà Mình – Long An, Hương Đồng Tháp, Dược trà Hygie & Panacee – Cần Thơ,…

Bột rau má được khách nước ngoài quan tâm tại hội chợ ở Thái Lan. Ảnh Hồng Nga

Trên thực tế, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đang tạo ra một thế hệ những người làm ăn kiểu mới, là những doanh nông trẻ. Họ gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng miền rồi nghiên cứu, sáng tạo cho ra những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại hóa trên thị trường.

Tuy nhiên, để có được những thành quả này, các bạn trẻ khởi nghiệp đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, hạnh phúc có, đắng cay có, thậm chí có người còn bị lửa thiêu cháy hết nhà xưởng nhưng họ vẫn kiên trì, đứng lên và vững chãi trong suốt hành trình khởi nghiệp của chính mình, vì chính quê hương mình và vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững với những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit, người hết lòng với nông sản Việt Nam đánh giá rất cao những người trẻ khởi nghiệp này. Với ông, các bạn trẻ ngày nay có đủ kiến thức, kỹ năng, niềm khát khao mãnh liệt về việc nâng cao giá trị của quê hương, bản địa của họ. Ông đánh giá rất cao khả năng thích ứng, thích nghi của các bạn trẻ. Họ thích nghi với mọi hoàn cảnh, dù sang trọng hay cực khổ, lăn lóc “bụi đời”. Đây là điều mà có lẽ chỉ các doanh nông mới có. Và đây cũng là những nền móng để làm những việc lớn hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan trong một tọa đàm mới đây cũng khẳng định, những ý tưởng khởi nghiệp, dự án của các bạn trẻ từ tài nguyên bản địa được hệ sinh thái Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tiếp lửa, truyền cảm hứng. Nhìn qua những bạn trẻ khởi nghiệp này sẽ thấy được phần nào tương lai của đất nước. Vì thế, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại vì đất nước, vì một nền nông nghiệp xanh, vì một thế hệ doanh nông trẻ để họ sẽ trở thành một doanh nhân trong tương lai khi bước vào chặng đường phát triển mới. “Hôm nay những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp thì 5, 10 năm sau chúng ta sẽ có thế hệ doanh nhân cho đất nước. Sức trẻ của đất nước này nếu được sự chăm sóc, vun trồng, hỗ trợ thì sẽ trở thành một nguồn lực vô cùng quý giá trong tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYE) cho biết, chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo khởi đầu từ năm 2013. Mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng khởi nghiệp. Chương trình cũng là cầu nối kết nối nguồn lực với doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, là mạng lưới để các DN trẻ, các bạn thanh niên trao đổi kinh nghiệm khởi sự kinh doanh, lập nghiệp, kết nối với nhau xây dựng chuỗi giá trị liên kết vững mạnh.

Link tham khảo: https://vnautomate.net/khoi-nghiep-xanh-hanh-trinh-cua-tuong-lai.html 

Ngày xuất bản: 26/6/2023

Thông tin

  • Tác giả: Hồng Nga
    Tạp chí Tự động hóa ngày nay