Mã số N3015: Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp

  - Chia sẻ:    

 

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị nông sản, đem lại thu nhập ngày càng cao cho nông dân. Qua đó, góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Nhân giống hoa lan bằng quy trình cây cấy mô tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ cho chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Điển hình, đơn vị này đã xây dựng và chuyển giao mô hình “Nuôi thâm canh lươn đồng không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn” cho nông dân ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ưu điểm của mô hình này là dùng hệ thống kỹ thuật xử lý nguồn nước, tạo ra các thông số môi trường phù hợp cho lươn sinh trưởng, phát triển tốt; đồng thời, khắc phục được những hạn chế so với phương pháp nuôi lươn truyền thống. Cụ thể, vệ sinh bể nuôi dễ dàng, không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường; quản lý được quá trình sinh trưởng phát triển, cũng như phát hiện bệnh kịp thời để điều trị lươn. Theo tính toán, với diện tích 22m2 (11 bể nuôi, diện tích mỗi bể 2m2), sau tám tháng nuôi, thu hoạch được gần 3,9 tấn lươn, tổng doanh thu 583 triệu đồng, lợi nhuận gần 110 triệu đồng.

 

Mô hình “Sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất” do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm, được xây dựng với hình thức nhà lưới và hệ thống tưới phun sương tự động trên diện tích 1.000m2. Kết quả, tỷ lệ cây xuất vườn loại 1 cao hơn từ 25-30% so với cây trồng ở vườn đối chứng; xử lý ra hoa đạt tiêu chuẩn xuất vườn với tỷ lệ hơn 98%. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh, trồng lan trong nhà lưới có hệ thống tưới phun sương giúp tiết kiệm lượng nước tưới, dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật; trong quá trình trồng có kết hợp theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng một cách tự động giúp kiểm soát cây lan một cách tối ưu. Ngoài ra, do việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quy trình chăm sóc tiên tiến, giúp màu sắc và độ tươi của hoa lan tăng khoảng 30% so với phương pháp trồng lan truyền thống.

 

Ngoài hai mô hình nêu trên, còn có nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến khác được chuyển giao cho nông dân trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. Cụ thể là chuyển giao mô hình “Cải tiến kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc hương (Babylonia areolata) trong ao đất lót bạt hai giai đoạn tại Cần Giờ” cho hộ nông dân Lê Xuân Bang, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ; mô hình “Cải tiến kỹ thuật sản xuất giống sò huyết (Anadara granosa) tại huyện Cần Giờ” cho hộ nông dân Thái Hoàng Thiên, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ; mô hình “Cải tiến kỹ thuật trong sản xuất giống cá vàng ranchu tại Thành phố Hồ Chí Minh” cho hộ nông dân Nguyễn Minh Chí, ấp Bình Thuận 2, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Những hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các quy trình kỹ thuật trong nông nghiệp đã tạo giá trị gia tăng cao trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của thành phố, đồng thời góp phần quan trọng để thực hiện thành công Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

 

Quan điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững. Theo đó, thành phố đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại. Đồng thời, thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Thành phố đã ban hành các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Trong đó, nghiên cứu bổ sung nội dung thu hút đầu tư hiệu quả cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là lĩnh vực đất đai, vốn và khoa học công nghệ; có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, trọng tâm là mối liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng tiêu thụ nông sản. Thành phố cũng đẩy mạnh việc quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

 

Tác giả: Kim Hoàng 

Đơn vị: https://nhandan.vn/ 

 

Thông tin

  • Tác giả: Kim Hoàng