Skip to main content

Mã số N3015: Dùng công nghệ nâng tầm thời trang Việt

  - Chia sẻ:    

Thương mại điện tử đang mở ra cánh cửa giúp các thương hiệu thời trang Việt cạnh tranh với nhiều thương hiệu nước ngoài trên chính sân nhà

 
 

"Xây dựng oppa.one trở thành một sàn thương mại điện tử đầu tiên chuyên về ngành thời trang cho các thương hiệu Việt, sân chơi của các nhà thiết kế Việt là giấc mơ lớn mà nhóm start-up hướng đến sau 3 năm nữa" - Hoàng Thị Quỳnh Chi, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Fashtech ATN (vận hành oppa.one), tiết lộ.
 

Cạnh tranh bằng dịch vụ khác biệt

Đây là một dự án khởi nghiệp vừa ra mắt vào đầu năm 2023 với 3 thành viên sáng lập là những người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành thương mại điện tử chuyên về thời trang, công nghệ và thiết kế cho những nhãn hàng lớn.

Quỳnh Chi cho hay dự án đã được cô ấp ủ từ lâu và ra mắt theo kế hoạch dù tình hình kinh tế đầu năm không thuận lợi bởi đã là khởi nghiệp, không có khó khăn này thì sẽ có khó khăn khác. "Chúng tôi chú trọng đến những yếu tố nội tại hơn là yếu tố bên ngoài" - cô thừa nhận.

Hiện tại, oppa.one là một thương hiệu thời trang thuần Việt (local brand) chuyên bán hàng online qua các kênh website, sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, TikTok shop… Những sản phẩm của thương hiệu này được thiết kế độc quyền, vải dùng chất liệu thân thiện môi trường và "dịch vụ 5 sao" cho trải nghiệm khách hàng dù phân khúc giá vừa phải, như áo thun 199.000 - 299.000 đồng/cái, các mẫu khác từ 349.000 - 599.000 đồng (giá gốc, không tính các đợt giảm giá).

Khi website chạy chương trình, đơn hàng nhiều, CEO cũng trực tiếp tham gia đóng hàng

Theo Quỳnh Chi, từ kinh nghiệm gần 10 năm vận hành mảng bán hàng online của các nhãn hàng thời trang, cô nhận thấy có đến 90% việc đánh mất khách hàng nằm ở khâu đặt hàng và đổi, trả. "Ở khâu đặt hàng, vì khách không được thử đồ, không biết rõ size (kích cỡ) nên không yên tâm đặt mua. Ở đây, ngoài bảng size chuẩn, chúng tôi còn "hướng dẫn chọn size". Khách chỉ cần kéo thanh công cụ về chiều cao, cân nặng… thì website hiện ra size cụ thể" - cô giải thích.

Thực tế, trong quá trình mua hàng, nhiều khách gặp khó khăn trong việc nói ra chỉ số chiều cao, cân nặng, nhất là những người có chỉ số không chuẩn. Vì vậy, việc xử lý bằng AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ tạo ra sự thoải mái cho khách hàng.

Quỳnh Chi cho biết: "Chúng tôi đang chuẩn bị ra mắt phiên bản website mới. Đáng chú ý, website sẽ ứng dụng AI để người dùng có thể thử đồ online, giúp biết được màu sắc sản phẩm có hợp với da không, phối với quần áo, phụ kiện ra sao… Về cơ bản, chúng tôi dùng camera trước từ thiết bị (điện thoại, laptop) của khách hàng như một tấm gương để họ thử đồ như bên ngoài cửa hàng thực".

Ở khâu đổi hàng, hiện nay, đa phần khách sẽ gửi hàng về, bên bán nhận được sẽ kiểm tra theo đúng quy trình rồi mới giao lại sản phẩm khác cho họ, còn oppa.one giao đồ mới và thu đồ cũ trong một lần. "Chính sách đổi hàng của chúng tôi là không cần lý do. Chỉ cần hàng chưa/không sử dụng, còn đủ tem nhãn trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận là hoàn toàn miễn phí" - Quỳnh Chi nói như một dẫn chứng về "dịch vụ 5 sao".

Theo Quỳnh Chi, với một đơn hàng phải đổi/trả cho khách, bên bán không có lãi, thậm chí lỗ nhưng nếu họ hài lòng thì sẽ có những đơn hàng tiếp theo. Thực tế, nếu tự tin về chất lượng hàng hóa, cải thiện ở khâu đặt hàng thì tỉ lệ khách yêu cầu đổi, trả ở mức rất thấp. Nếu tỉ lệ này ở mức cao tức là bản thân hàng hóa hay dịch vụ đang có vấn đề, cần phải xem lại.

Giấc mơ sàn thương mại điện tử

Theo thông tin cập nhật, nhóm sáng lập Fashtech ATN đã lên kế hoạch chi tiết cho hoạt động từ nay đến 5 năm tới, trong đó có việc thu hút nhiều thương hiệu thời trang Việt khác cùng lên sàn oppa.one.

Theo Quỳnh Chi, xuất khẩu hàng may mặc đang khó khăn, nhiều hàng tồn tìm cách đẩy ra thị trường nội địa. Một số thương hiệu cũng nhân cơ hội này tham gia thị trường. Tuy vậy, những thương hiệu được đầu tư bài bản, trong đó có đầu tư thương mại điện tử, không nhiều trong khi đây mà một mảng có sự vận hành khác biệt so với phương thức truyền thống.

Với kinh nghiệm của nhóm sáng lập, Fashtech ATN tự tin có thể xử lý nhanh các đơn hàng với chi phí hợp lý nhờ khả năng vận hành tốt và nền tảng công nghệ vững chắc. Trước mắt, công ty phát triển thêm một số thương hiệu thời trang nữa để đưa lên oppa.one nhằm chứng minh thực lực trước khi thu hút thêm nhiều thương hiệu thời trang Việt khác lên sàn.

CEO Fashtech ATN cho biết qua quá trình nghiên cứu thị trường thời trang Việt Nam, nhóm nhận thấy các nhà thiết kế thời trang nước ta, trừ một số rất ít người tạo lập được tên tuổi, còn lại đang hoạt động dưới dạng "vô danh". Vì vậy, rất cần một sàn thương mại điện tử để kết nối với khách hàng. Khi đó, họ có thể chuyên tâm với công việc chuyên môn, còn các công việc liên quan bán hàng online đã có hệ thống của sàn xử lý.

"Trên thế giới, sàn ASOS.com (Anh) rất thành công với mô hình này. Oppa.one kỳ vọng sẽ làm được điều này cho thời trang Việt. Bởi lẽ, Việt Nam có nền tảng là cường quốc về gia công ngành may mặc, phát triển nhanh về thương mại điện tử, có đội ngũ thiết kế mới nên có cơ hội đưa sản phẩm đến gần với khách hàng quốc tế chỉ qua một cái nhấp chuột" - Quỳnh Chi tự tin. 

Tự thân vận động

Oppa.one là một dự án lớn với nhiều tham vọng nên đang có chiến lược thu hút nhân tài về xây dựng nền móng. Dù vậy, do ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Oppa.one chủ động nguồn vốn, lên các kế hoạch kinh doanh thực tế để hoạt động thay vì các chiến lược "đốt tiền" giai đoạn đầu để chiếm lĩnh thị trường như một số trang thương mại điện tử từng làm.

Link tham khảo: https://nld.com.vn/kinh-te/dung-cong-nghe-nang-tam-thoi-trang-viet-20230423222340857.htm

Ngày xuất bản: 24/4/2023

Thông tin

  • Tác giả: AN NA
    Báo Người lao động