Mã số N3014: Khởi nghiệp để phụng sự xã hội
Mọi startup đều có hướng đi lẫn tiềm năng riêng để phát triển, nhưng đôi khi chỉ đơn giản là khát khao phụng sự nhiều hơn cho xã hội...
Đi thiện nguyện, về khởi nghiệp
Theo lời kể của Lê Bá Quý - nhà sáng lập nền tảng ứng dụng quyên góp cho các tổ chức xã hội thông qua mua sắm trực tuyến WeShare, năm 2020 giai đoạn sau dịch Covid-19 bùng phát, từ chuyện một bạn nhỏ nói rằng "nhận thêm quà nữa thì cũng vậy bởi vì người nhà không còn ai để mang về" đã khiến Quý và nhóm bạn tình nguyện viên cùng tham gia buổi trao quà tại Tây Ninh lúc bấy giờ đều nghẹn ngào, bởi trong xã hội vẫn còn nhiều lắm những mất mát và hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
"Đó là động lực mà tôi và các bạn xây dựng nền tảng gây quỹ cho những hoàn cảnh khó khăn", Quý chia sẻ với chất giọng Quảng Trị đặc trưng. "Nhưng mà cũng có một cơ duyên nữa, tại thời điểm đó tôi sử dụng tính năng hoàn tiền khi mua sắm, mỗi tháng chỉ vào khoảng 20.000 đồng đổ lại, nhưng từ đó chợt nảy ra ý tưởng nếu mình gom số tiền được hoàn lại này từ nhiều người như mình thì là món tiền to".
Khách hàng chủ động quyên góp từ việc mua hàng và chi trả như bình thường, với đúng số tiền hàng hóa cần mua mà không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào chính là mục tiêu của WeShare ở thời điểm khởi nguồn ý tưởng và phát triển giải pháp.
"Chức năng chính của WeShare là khi người mua sắm thông qua sự giới thiệu của WeShare thì các nhãn hàng liên kết sẽ trả hoa hồng cho WeShare, số tiền hoa hồng đó sẽ được quyên góp làm từ thiện", Quý thông tin thêm.
Cũng theo lời Quý, sự minh bạch về quyên góp chính là mấu chốt giúp WeShare tạo được niềm tin với khách hàng, đối tác và cả nơi thụ hưởng các khoản quyên góp.
Hay nói cách khác, mô hình của WeShare là công khai tất cả mọi thứ trên ứng dụng, ai cũng nhìn được. Đầu tiên là người dùng sẽ chọn quyên góp cho tổ chức xã hội nào chứ không phải chỉ WeShare. Cũng giống các hình thức quyên góp khác, người dùng đưa ra sự lựa chọn dựa trên uy tín của tổ chức xã hội đó. Với WeShare, tất cả quyên góp trên nền tảng ứng dụng đều được ghi nhận đầy đủ, minh bạch, chính xác đến từng đồng.
"Mọi người đều có thể giám sát được và số tiền quyên góp hoàn toàn được cung cấp trên ứng dụng", Quý nhấn mạnh. "WeShare vận hành theo cách người dùng quyên góp cho tổ chức nào thì tiền sẽ về đúng tổ chức đó và tổ chức đó sẽ thực thi hoạt động xã hội của họ. Thường thì một tháng WeShare sẽ chuyển tiền một lần cho các tổ chức xã hội có liên kết".
Đi thi kiếm tiền trả lương...
Cũng như nhiều startup khác, Quý thẳng thắn cho rằng đối với WeShare thì luôn tồn tại một câu hỏi vẫn khó trả lời đó là: "Tiền đâu để sống và tiếp tục phát triển chương trình đó?".
Lạc quan về tương lai, đại diện WeShare cho rằng tiềm năng, cơ hội và dư địa còn rất lớn bởi WeShare về cơ bản đang giúp các nhãn hàng bán hàng, từ thương mại điện tử cho đến đặt phòng khách sạn, du lịch.
"Hiện tại thì WeShare vẫn lỗ, nhưng một thời gian nữa khi mà doanh thu lớn thì sẽ choàng gánh được", Quý khẳng định. Theo Quý, hiện WeShare không thuộc một vườn ươm khởi nghiệp nào nhưng có quan hệ với nhiều vườn ươm, được sự giúp đỡ từ họ. WeShare luôn chủ động tham gia các cuộc thi, các chương trình tăng tốc đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đối với các chương trình đó, mục tiêu chính của WeShare là mở rộng mối quan hệ, trong đó có mục đích phát triển tốt hơn nền tảng quyên góp đang triển khai và sau nữa là gọi vốn. Tham gia nhiều cuộc thi giúp WeShare "gom" giải thưởng để phát triển tiếp chương trình. Tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và chương trình đạo tạo, các anh chị chuyên gia từ các vườn ươm sẽ đưa ra cho mình rất nhiều lời khuyên, nhận định, góc nhìn khác về mô hình kinh doanh để từ đó startup có những thay đổi phù hợp và đủ tốt.
Theo Quý, đối với doanh nghiệp công nghệ nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội trên nền tảng công nghệ (Social Impact Tech-based Startup) như WeShare nói riêng thì tổng số tiền để xây dựng nền tảng là rất lớn, nhưng doanh thu có được nếu so với vốn đầu tư là muối bỏ bể.
Nhưng đại diện WeShare tự tin cho rằng, khi mà WeShare thu hút hàng trăm nghìn người dùng thì chi phí vận hành sẽ được choàng gánh.
...Và kén chọn
WeShare lựa chọn nhà đầu tư rất cụ thể, bởi không phải nhà đầu tư nào cũng phù hợp và ở chiều ngược lại, WeShare cũng chưa hẳn phù hợp với nhà đầu tư. Trên thế giới, có một nhóm nhà đầu tư gọi là Impact Investment, họ vẫn đầu tư để có lợi nhuận, nhưng quan tâm đến các doanh nghiệp tạo ra được tác động xã hội.
WeShare là ứng dụng đa nền tảng mà người dùng có thể quyên góp từ các đơn hàng mua trên Shopee, Tiki, Lazada và một số trang thương mại điện tử khác; được thành lập vào năm 2020 bởi nhóm các bạn khi đó còn là sinh viên, gồm Lê Bá Quý, Trương Quốc Đạt, Hồ Dương Nhật Duy và Nguyễn Văn Phước.
Khi đã ngồi lại với nhau, với doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra tác động xã hội thì nhà đầu tư và cả startup cần đưa ra những cam kết chặt chẽ về lộ trình và kế hoạch triển khai, thời điểm hòa vốn... Và chỉ khi làm được những điều đó thì startup mới vận hành suôn mượt theo đúng tầm nhìn ban đầu của startup, theo đúng chiến lược của nhà đầu tư.
Khi hợp tác thì quan trọng nhất là WeShare và đơn vị gây quỹ cùng nhau xây dựng kế hoạch để thu hút người dùng quyên góp thường xuyên cho tổ chức, như vậy thì mới đạt được kết quả cuối cùng mà cả hai mong muốn, đó là nguồn quỹ đều đặn cho các mục tiêu xã hội.
Lê Bá Quý khẳng định, WeShare là một nền tảng gây quỹ chứ không phải một đơn vị tài trợ, nên sự hợp tác của hai bên sẽ giúp cho nhiều người biết đến hơn, sử dụng WeShare để quyên góp nhiều hơn. WeShare sẵn lòng, sẵn sàng và rất mong muốn được hợp tác với những tổ chức triển khai các hoạt động xã hội, bảo trợ và chăm sóc cho người dân. WeShare xem phục vụ người dân, phụng sự xã hội là sứ mệnh và tầm nhìn xuyên suốt.
Với hầu hết bạn trẻ thì khởi nghiệp không chỉ là làm thỏa mãn kiến thức đã học trên ghế nhà trường, khát khao trải nghiệm những hoài bão, mà còn nhằm tìm kiếm sự phát triển về tài chính. Song cùng với đó vẫn có nhiều nhóm bạn trẻ, nhóm khởi nghiệp lựa chọn những hướng đi độc đáo, trong đó có nhóm của Lê Bá Quý. Đó là vừa tạo ra những tác động tích cực cho xã hội, vừa đảm bảo được công ăn việc làm cho bản thân, cộng sự.
Một số tổ chức gây quỹ trên ứng dụng nền tảng WeShare:
- Làng trẻ em SOS Việt Nam
- VietSeeds Foundation
- JOY Foundation
- Green Vietnam Fund
- Saigon Childrens Charity CIO
- Chương trình "Mùa Hè xanh" của Đoàn TNCS Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
- Chiến dịch "Thanh niên tình nguyện Hè” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
- Nhóm từ thiện Fly To Sky
Link tham khảo: https://doanhnhansaigon.vn/khoi-nghiep/khoi-nghiep-de-phung-su-xa-hoi-1117663.html
Ngày xuất bản: 20/6/2023
Thông tin
-
Nhóm tác giả: VĂN TÁM - TRÂM ANH
Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn