Mã số N3013: Chuỗi tác phẩm thuộc chương trình “Khởi nghiệp sáng tạo để thành công”

  - Chia sẻ:    

 Chương trình Khởi nghiệp sáng tạo để thành công ra mắt vào năm 2019. Hàng tuần với 1 số phát sóng thứ hai lúc 9h30 - 10h00 trên Kênh Thời Sự Chính Trị AM 610Khz. Nội dung các số phát sóng xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên TP. HCM và các tỉnh thành lân cận, giới thiệu những chính sách, chủ trương đầu tư và phát triển khoa học công nghệ, các thành tích của tập thể, cá nhân trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những gương điển hình tiêu biểu đã thành công để lan tỏa phong trào khởi nghiệp. Ngoài ra, chương trình còn cập nhật tuyên truyền nhiều thông tin về hoạt động khởi nghiệp trong nước nói chung và TP. HCM nói riêng. 

Chương trình Khởi nghiệp sáng tạo để thành công trên làn sóng Radio VOH duy trì thường xuyên mỗi tuần là một câu chuyện khởi nghiệp do chính khách mời là các startup, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp, các doanh nhân khởi nghiệp thành công chia sẻ theo các chủ đề được nhiều người quan tâm như: Khởi nghiệp nông nghiệp xanh, bền vững; Khởi nghiệp lĩnh vực y tế và giáo dục thông minh; Các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo)…. Năm 2021, nhận thấy được sự lan tỏa của chương trình đến nhiều thính giả gần xa, chương trình Khởi nghiệp sáng tạo để thành công chính thức phát sóng trên Kênh Kinh tế FM 87.7 Mhz. Từ năm 2022, chương trình  được phát sóng vào thứ hai hàng tuần trên 2 làn sóng AM 610 Mhz  lúc 9h30 - 10h00  và FM 87.7 Khz lúc 10h30 - 11h00. 

TÁC PHẨM #01

KHỞI NGHIỆP NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ: SỰ LỰA CHỌN 
ĐÚNG ĐẮN

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 27/02/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC10H30, NGÀY 27/02/2023

Thưa quý vị, từ ước mơ đơn giản là tìm nguồn rau sạch cho gia đình sử dụng, chị Phạm Phương Thảo hay còn gọi là Thảo Organica đã khởi nghiệp thành công theo hướng trồng và kinh doanh nông sản hữu cơ, đạt chuẩn organic quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Những khó khăn, thử thách và thành công đã mang đến cho chị nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong suốt quá trình khởi nghiệp.

Chương trình hôm nay, mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện thú vị giữa chương trình và chị Phạm Phương Thảo -  CEO hệ thống cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica: 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/phamphuongthao-organica 

MC:  Tại sao chị lại chọn nông nghiệp để khởi nghiệp trong khi mình chưa có nền tảng trước đó? 

Chị Phạm Phương Thảo -  CEO Organica:

Xuất phát từ nhu cầu hết sức đơn giản là mình mang bầu em bé và cả gia đình đi tìm nguồn thực phẩm sạch cho nên mình quyết định khởi định khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ. 

Vì khởi đầu là nhu cầu của cá nhân, mình có mơ ước một ngày nào đó sẽ có thương hiệu cho riêng mình. Mình tìm hiểu nhiều thông tin về thực phẩm sạch, trong đó có cụm từ về nông nghiệp hữu cơ thu hút mình hoàn toàn. Vì thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, giúp cải tạo môi trường đất, môi trường nước và ở một số vùng còn chống biến đổi khí hậu. 

 

MC: Trong hành trình khởi nghiệp không ít khó khăn đến với chị, chúng tôi tìm hiểu năm 2015 là một bước ngoặt lớn của Organica. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Chị Phạm Phương Thảo -  CEO Organica:

Năm 2015 là cột mốc rất đáng nhớ với mình, thời điểm năm 2013 tìm kiếm rau organic rất khó, người nông dân luôn hỏi mình phải làm gì,  giải pháp là . Mình quyết định phải tìm giải pháp và lo đầu ra sản phẩm cho nông dân thì họ mới đi theo con đường nông nghiệp không hóa chất. 

Muốn có giải pháp thì mình phải tự tay làm trang trại, mình quyết định làm trang trại 2 ha tại Long Thành Đồng Nai,  đến sau này nhìn lại mình thấy đó là một cú đâm lao và phải theo lao. 

Để duy trì được hoạt động trang trại, mình đã phải bán nhà, tìm tất cả nguồn tiền để đầu tư vào đó.

Tháng 8/2015, mình thấy mọi thứ khó khăn và không còn cách nào xoay sở được, và cũng thời điểm đó mình có thành tựu đầu tiên trong sự nghiệp khởi nghiệp của mình, trang trại tại Long Thành Đồng Nai là một trong những trang trại đầu tiên trồng rau nhiệt đới được chứng nhận organic của Châu Âu và Mỹ. 

Tháng 10/2015, mình chính thức công bố đến báo chí và người dùng về chứng nhận organic đó thật sự là một bước ngoặt giúp Organic sống lại và tiếp tục phát triển đến bây giờ. 

 

MC: Organic đã thay đổi như thế nào sau sự kiện đáng nhớ đó? 

Chị Phạm Phương Thảo -  CEO Organica:

Organica may mắn nhận được nhiều sự quan tâm từ các phương tiện truyền thông và có thêm rất nhiều khách hàng.

Sau khi đạt được chứng nhận organic tại trang trại, mình quay trở lại mong muốn ban đầu là hợp tác với những người nông dân nhỏ lẻ trên cả nước, những người có đất và mong muốn trồng không hoá chất. Mình cho họ biết kĩ thuật để làm, cách quản lý, thu mua toàn bộ hoặc một phần lớn để họ an tâm đầu ra.

Hiện tại Organica có gần 1000 sản phẩm khác nhau theo mùa vụ, có 4 cửa hàng tại TP HCM, 1 cửa hàng online, 2 cửa hàng tại Hà Nội và 2 cửa hàng tại Đà Nẵng. 

 

MC: Theo chị làm thế nào để khẳng định được thương hiệu và giữ được uy tín với khách hàng? 

Chị Phạm Phương Thảo -  CEO Organica:

Trong công việc kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường là điều đương nhiên. Tuy nhiên việc kinh doanh không chỉ là kiếm thu nhập cho doanh nghiệp và còn đóng góp giá trị cho cộng đồng và ngày càng có nhiều người cùng làm lĩnh vực này với mình thì hoàn toàn ủng hộ. 

Tuy nhiên, điều này mình sẽ phải chia sẻ số lượng khách hàng vốn dĩ đã ít trên thị trường organic. Organica đi theo con đường 80% sản phẩm đạt chứng nhận organic quốc tế, 20% còn lại dành cho sản phẩm đang chuyển đổi canh tác, chứng nhận thân thiện môi trường, những sản phẩm do đối tượng dễ bị tổn thương làm ra. Tụi mình tập trung để sản phẩm đi theo  định hướng từ đầu đạt chứng quốc tế rõ ràng. 

 

MC: Để đạt được các chứng nhận organic chị có sự chuẩn bị như thế nào?

Chị Phạm Phương Thảo -  CEO Organica:

Để đi con đường này, mình nghĩ khó khăn đầu tiên là xác định cái gì cũng minh bạch. Trong kinh doanh, việc minh bạch giúp có được lòng tin khách hàng và sự rõ ràng sản phẩm còn giúp bảo vệ mình, việc đạt chứng nhận organic giúp mình định hướng điều đó bằng những việc rất riêng qua các nhật ký canh tác trên cánh đồng từ việc gieo giống, ủ phân, thu hoạch, đóng gói,... và việc ấy được kiểm soát độc lập hàng năm từ bên thứ 3 của cơ quan cấp chứng nhận. 

Ngoài ra, để theo tiêu chuẩn của Châu Âu và Mỹ thì phải cập nhật thường xuyên vì luôn luôn thay đổi các chỉ số an toàn theo năm nên mình cũng phải liên tục cập nhật và thay đổi phương thức trồng trọt để phù hợp tiêu chuẩn. 

 MC: Cám ơn chị với chia sẻ vừa rồi! 

 

TÁC PHẨM #02

VAI TRÒ CỦA MENTOR TRONG SỰ THÀNH CÔNG CỦA CÁC STARTUP 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 06/03/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 06/03/2023

Thưa quý vị, quá trình khởi nghiệp sẽ trở nên suôn sẻ, thuận lợi và đảm bảo kết quả tốt hơn, chắc chắn hơn nếu có 1 người cố vấn am hiểu lĩnh vực mà đang khởi nghiệp,  chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và luôn là điểm tựa tinh thần và nguồn động viên lớn để bạn vượt qua khó khăn, thử thách trong giai đoạn khởi sự kinh doanh. 

Tiếp nối chương trình mời quý vị  tìm hiểu về tầm quan trọng của người đồng hành trong hành trình khởi nghiệp qua những chia sẻ từ khách mời bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội Đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam.  Cố vấn và sáng lập các tổ chức mentoring: CLB Hawee mentoring, CLB mentoring Hội đồng khởi nghiệp quốc gia, CLB mentoring Sài Gòn Food, Mentor của SME mentoring 1on1 và Co4Growth… 

Mời quý vị cùng theo dõi : 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/thanh-lam-mentoring

MC: Mentoring - hành trình những người cố vấn trong startup đang được quan tâm như thế nào, thưa chị?

Bà Lê Thị Thanh Lâm:

Tất cả doanh nhân thành công chắc chắn cũng trai qua giai đoạn khó khăn, thất bại để đạt được thành công, do vậy họ có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và kinh doanh, cho nên vai trò của họ rất quan trọng đối với các bạn khởi nghiệp. Theo tôi, các bạn startup rất năng nổ, sáng tạo, có ý tưởng hay nhưng thiếu kinh nghiệm, chính vì vậy những mentor giúp các bạn có định hướng, chia sẻ, dẫn dắt đi đến thành công ít bị trả giá nhất. 

 

MC: Hành trình mentoring có lộ trình như thế nào, thưa chị? 

Bà Lê Thị Thanh Lâm:

Tổ chức mentoring là tổ chức mới ở Việt Nam so với thế giới, cố vấn cho khởi nghiệp rất cần thiết, tuy nhiên ở Việt Nam còn mới nên chúng ta cần biết phải tìm người cố vấn ở đâu, tổ chức nào, quy trình như thế nào là trăn trở, thắc mắc của nhiều người.

MC: Theo chị, nguyên tắc của việc mentoring để dẫn đến thành công đó là gì?

Bà Lê Thị Thanh Lâm:

Đối với mentoring rất linh hoạt, tùy vào mục đích, mong muốn của tổ chức để xác định mentor là ai, mentee là ai. Đối với tổ chức Hội đồng tư vấn khởi nghiệp phía Nam, chúng tôi xác định mentor là những người doanh nhân, thầy cô giáo các trường, mentee là các bạn có dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Với tổ chức Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, toàn bộ mentor là doanh nhân có nhiều trải nghiệm, mentee là những người còn trẻ, có doanh nghiệp riêng nhưng ít trải nghiệm hơn.

Theo tôi, sự cố vấn của mentor đối với mentee không có trường hợp nào giống nhau cả nhưng về nguyên tắc đều giống nhau, đó là sự định hướng, khơi mở, dìu dắt nhưng làm như thế nào, cụ thể ra sao,  giải pháp ra sao thì mentee là người đưa ra quyết định cuối cùng. Không có con đường nào đi đến thành công mà không thất bại cả, tuy nhiên mentor giúp các bạn đi đến thành công ít trải qua việc phải thất bại nhiều hơn. 

MC:Sự khác biệt trước và sau khi các bạn startup tham gia hành trình mentoring?

Bà Lê Thị Thanh Lâm:

Tôi nghĩ tất cả những lộ trình phát triển của con người, tổ chức giống nhau, vấn đề ở chỗ đi đến thành công là ngắn hay dài. Sự chuẩn bị rất quan trọng, điều startup thiếu đó là trải nghiệm, bài học nên hãy gắn với người có nhiều bài học tốt đó để biết nên dừng lại lúc nào, tiến xa hơn lúc nào. Người cố vấn không phải là người chỉ cho bạn, dẫn bạn đi những bước đi cụ thể mà người cố vấn là người định hướng và khi bạn thất bại sẽ có người nắm tay bạn đứng lên, tự tin hơn để bước tiếp. Cho nên những lúc khó khăn, cô đơn trong quá trình khởi nghiệp thì cần lắm những cánh tay của mentor. 

MC: Theo chị, việc khởi nghiệp hiện nay gặp những khó khăn, thuận lợi nào? 

Bà Lê Thị Thanh Lâm:

Tôi nghĩ dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến toàn cầu, sau đại dịch sẽ có nhiều cơ hội mới cho các bạn trẻ để khởi nghiệp, do đó nếu các bạn có sự chuẩn bị tốt, tìm cho mình những người đồng hành, người cố vấn hướng dẫn cho các bạn có những định hướng mới, tư duy rõ ràng thì tôi tin rằng đội ngũ startup Việt Nam sẽ có nhiều hiệu quả, thành công mới trong tương lai. 

MC: Cám ơn bà với chia sẻ vừa rồi! 

TÁC PHẨM #03

 CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP VỚI WASH-UP: HỆ SINH THÁI VỀ DỊCH VỤ VỆ SINH TỪ CỬA VÀO NHÀ BẾP

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 13/03/2023 

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 13/03/2023 

 

Thưa quý vị, từ năm 2018, khi những con người yêu thích phát triển công nghệ, có đam mê lớn với lĩnh vực chăm sóc xe gặp được nhau và cùng chung tay tạo nên Wash-Up. Áp dụng phương pháp Rửa xe tận nhà bằng hơi nước nóng với nhiều ưu điểm như hiệu quả làm sạch cao, xóa sạch mùi nội thất khó chịu trên xe,… không những thế, công nghệ rửa xe hơi nước còn giúp tiết kiệm cho môi trường một lượng nước đáng kể.

Theo thời gian, Wash-Up không chỉ đơn thuần là cung ứng dịch vụ rửa xe/chăm sóc xe tận nơi, mà còn là một nền tảng kết nối hệ thống merchants (đối tác tiệm rửa truyền thống cũng như các đối tác cung ứng về dịch vụ vệ sinh máy lạnh/chăm sóc nhà cửa) nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu về chăm sóc/vệ sinh từ cổng đến nhà bếp của quý khách hàng. 

Chương trình hôm nay, cùng tìm hiểu rõ hơn về Wash-Up, mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện với chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up.

https://soundcloud.com/hadiemvoh/hoang-duyen-ha-washup 

MC: Ứng dụng Wash-Up ra đời như thế nào, giải quyết được vấn đề gì cho người tiêu dùng? 

Chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up:

Xuất phát điểm từ việc thiếu quan tâm đến việc rửa xe và mất nhiều thời gian ngồi đợi theo phương thức rửa xe truyền thống. Từ đó, một câu hỏi đặt ra tại sao không mang dịch vụ rửa xe đến trực tiếp cho mọi người. Sau đó, team nghĩ thêm câu chuyện đã đến tận nhà để rửa xe máy thì tại sao không hỗ trợ vệ sinh các vật dụng trong nhà như: sofa, máy lạnh, tủ lạnh,... Từ tất cả những điều đó, team muốn tạo thành một hệ sinh thái để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. 

MC: Các dịch vụ đó đã có sẵn trên thị trường, vậy làm sao để Wash-Up chiếm được niềm tin của khách hàng?

Chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up:

Wash-Up khác với các mô hình truyền thống khác, với dịch vụ rửa xe tận nhà 

Wash-Up chứng minh có nhiều ưu điểm hơn: sử dụng công nghệ hơi nước nóng, bộ dung dịch vệ sinh xe không gây ô nhiễm môi trường, vấn đề làm sạch các vết bẩn nhanh hơn khi kết hợp tay nghề của kỹ thuật viên. Bên cạnh đó, việc rửa xe tại nhà của Wash-Up giúp tiết kiệm nước, đối với xe máy chỉ tốn từ 3 -5lit nước, với ô-tô từ 30 - 50 lít nước. Đó là một trong những yếu tố phát triển bền vững mà Wash-Up đang hướng tới. 

MC: Máy rửa xe Wash Up sử dụng công nghệ hơi nước nóng là một sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất bởi đội ngũ người Việt, Chị có thể chia sẽ rõ hơn về thiết bị này?

Chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up:

Wash-Up tự hào sử dụng công nghệ hơi nước nóng với 100% ý tưởng và sản xuất bởi đội ngũ người Việt. Máy này có nhiều ưu điểm: sử dụng điện dân dụng của nhà dân, yếu tố ổn định về công thức làm nóng nước nhanh chỉ trong 2 phút hạn chế nước thải ra môi trường, máy nhỏ gọn thuận tiện trong việc di chuyển phục vụ nhu cầu của người dân. Không tính thời gian di chuyển thì Wash-Up có thể hoàn thành rửa xe máy trong vòng 30 phút. 

MC: Wash-Up có chuyển giao công nghệ này cho các tiệm rửa xe truyền thống hiện nay?

Chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up:

Wash-Up đã và đang thực hiện việc chuyển giao công nghệ hơi nước nóng và kết hợp với tiệm rửa xe truyền thống trở thành đối tác trên App của Wash-Up  để mở rộng hơn phạm vi phục vụ và loại hình dịch vụ cho khách hàng dễ dàng lựa chọn. Khách hàng có thể đặt đến tận nhà hoặc lựa chọn cửa hàng đến thực hiện. 

 

MC: Wash-Up cho phép người dùng có thể đặt dịch vụ rửa xe/chăm sóc xe (cơ bản) và các dịch vụ vệ sinh khác tại nhà, dịch vụ này được thị trường đón nhận như thế nào?  

Chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up:

Tính đến hiện tại thì APP Wash-Up đón nhận từ 2000 - 5000 lượt người dùng trên APP Wash-Up. Thành công hiện tại của Wash-Up đã hợp tác với các đối tác công nghệ cùng mang đến dịch vụ cho khách hàng. Mục tiêu sắp tới, Wash-Up sẽ cố gắng kết nối nhiều hơn với các đối tác tiệm rửa xe truyền thống để mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

MC: Chị có thể chia sẻ về những chiến lược để Wash-Up phát triển trong thời gian tới? 

Chị Hoàng Duyên Hà – Giám Đốc Marketing & BD - Ứng dụng Wash-Up:

Việc Wash-Up tồn tại và cạnh tranh trên thị trường thì bắt buộc team phải có những khác biệt về chất lượng dịch vụ, tạo ra một cộng đồng, hệ sinh thái để tất cả anh chị có nhu cầu cùng nhau sử dụng dịch vụ đó. Chiến lược của Wash-Up mở rộng mạng lưới đối tác tiệm rửa để có thể đưa lên app cho khách hàng đa dạng lựa chọn. Về dịch vụ vệ sinh máy lạnh, nhà cửa, Wash-Up không phải đơn vị trực tiếp cung cấp các dịch vụ đó, mà là nơi kết nối cung ứng dịch vụ đó cho khách hàng lựa chọn. Ngoài ra về thương hiệu truyền thông và uy tín, Wash-Up để đối tác trải nghiệm miễn phí để có thể cảm nhận và đánh giá khách quan để ngày càng cải thiện và phát triển hơn. 

MC: Cám ơn chị với những chia sẻ vừa rồi!

TÁC PHẨM #04

ỨNG DỤNG HỖ TRỢ LÀM ĐẸP - TRỢ LÝ ĐẮC LỰC CỦA NGƯỜI DÙNG 

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, 20/03/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, 20/03/2023

Thưa quý vị, hiện nay, có nhiều trung tâm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ tinh thần hoạt động. Tuy nhiên, về chất lượng và độ an toàn, uy tín của các trung tâm này khiến nhiều người còn lo ngại. Hiểu được điều đó, đội ngũ những bạn trẻ đam mê công nghệ và làm đẹp, chăm sóc tinh thần đã kết hợp và cho ra đời ứng dụng Lookme.

Lookme sẽ giúp người dùng tìm được spa, salon phù hợp dựa trên thông tin rõ ràng, minh bạch và đánh giá của các khách hàng đã trải nghiệm. Đồng thời, Lookme hỗ trợ việc đặt lịch và trải nghiệm trở nên dễ dàng hơn bằng việc xác minh, kết nối với hàng trăm spa, salon.

Chương trình hôm nay, mời quý vị theo dõi câu chuyện này với chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme, kể về hành trình tạo nên Lookme - Nền tảng đặt lịch chăm sóc sắc vóc và tinh thần.

https://soundcloud.com/hadiemvoh/oanhnguyen-lookme 

MC: Như đã giới thiệu ở phần đầu chương trình, thưa chị, Lookme ra đời như thế nào và có ý nghĩa gì?

Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Lookme xây dựng trở thành một nơi minh bạch về thông tin dịch vụ, giá cả, trải nghiệm thực tế của khách hàng, xây dựng một hệ thống đặt lịch thông minh tiện lợi với các địa điểm. 

Lookme có nghĩa là Tìm cho tôi, tìm được một địa điểm ngoại hình sáng láng. 

 

MC: Lookme ứng dụng công nghệ để kết nối người dùng và chủ cơ sở làm đẹp. Gần 4 năm ra đời, chị nhận thấy mức độ cạnh tranh của thị trường làm đẹp hiện nay như thế nào?

Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Lookme tham gia các cuộc thi khởi nghiệp điều này giúp mình vững tin hơn trên hành trình này.

Còn về cạnh tranh trên thị trường làm đẹp, rất nhiều đối tác đã không thể tồn tại trên thị trường sau dịch. Tuy nhiên vẫn còn nhiều đối tác hoạt động ngày càng phát triển và như vậy Lookme có thêm cơ hội để phát triển. 

MC: Hiện tại Lookme đã có mặt ở những đâu, với bao nhiêu đối tác? 

Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Hiện tại Lookme đang tập trung tại thị trường TP HCM với khoảng 200- 300 đối tác. Mong muốn của lookme sắp tới sẽ mở rộng hơn, đặc biệt tín hiệu vui là sau dịch COVID - 19, có rất nhiều đối tác chủ động liên lạc với lookme để được hỗ trợ trong các hoạt động phát triển kinh doanh, khách hàng mỗi ngày một tăng trên nền tảng app và website. Đó là động lực để Lookme tiếp tục hoạt động.   

MC: Chị có thể chia sẻ rõ hơn về việc Lookme kết nối với các doanh nghiệp SME, hỗ trợ cùng nhau phát triển?

Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Lookme nghĩ rằng các doanh nghiệp lớn họ đủ quy mô, chi phí,  cơ sở vận hành, còn với các cơ sở nhỏ và vừa  họ gặp nhiều khó khăn và đặc biệt cần nhiều thời gian tập trung phát triển doanh nghiệp thì họ cần một bên để hỗ trợ chuyển đổi số,giúp tiếp cận khách hàng một cách tốt hơn. Đó là lí do mà Lookme hỗ trợ các cơ sở nhỏ và vừa. 

MC:Nói về điều tự hào mà Lookme đã làm được trong suốt thời gian qua, chị sẽ nói điều gì?

Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Điều đầu tiên, Lookme nghĩ đây là một ngành thế mạnh tại Việt Nam vì có nhiều tiềm năng để phát triển. Lookme nhận thấy cần khai thác thị trường này một cách mạnh mẽ hơn, hy vọng trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này.

Thứ hai, Lookme tự hào trở thành một trợ lý cho người dùng, giúp họ tìm được một địa điểm chăm sóc sức khỏe, sắc vóc, tinh thần tốt nhất. 

Thứ ba, Lookme tự hào là người bạn đồng hành cùng các cơ sở làm đẹp giúp họ quảng bá, chuyển đổi số  các dịch vụ làm đẹp.

Điều cuối cùng là xây dựng được một đội ngũ đồng hành, đồng đội hiểu được tất cả giá trị của Lookme từ ngày đầu để phát triển. 

 

MC: Lookme huy động vốn duy trì hoạt động như thế nào, thưa chị?
Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Lookme gọi vốn rất nhiều lần và các nhà đầu tư đều từ chối. Bản thân Lookme nhìn lại thấy mình còn quá non trẻ, các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư thì họ nhìn vào ý tưởng, đồng đội, mô hình kinh doanh như thế nào. mục tiêu của Lookme tập trung vào làm đẹp, ngoài ra rất mong muốn mở rộng các hoạt động thiên về chăm sóc tinh thần như thiền, yoga,...

 

MC: Hiện tại, Lookme gặp khó khăn gì ạ?

Chị Oanh Nguyễn - CEO Lookme: 

Lookme gặp khó khăn về nguồn vốn, nhân sự, bản thân Lookme ngồi lại nhìn nhận mô hình hoạt động, hoạch định lại chiến lược để team cùng vượt qua khó khăn và gọi vốn là một trong những cách để Lookme tồn tại và phát triển chuyên môn xa hơn. 

MC: Cám ơn chị đã dành thời gian chia sẻ. 

TÁC PHẨM #05

HỆ THỐNG THI VÀ TẠO ĐỀ THI TRẮC NGHIỆM VỚI CUNGTHI.VN 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 27/03/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 27/03/2023

Thưa quý vị, thi trắc nghiệm được đánh giá là phương án thi hiện đại, đánh giá được tổng quát toàn bộ kiến thức của người học và trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay việc tiếp cận người học dựa trên nền tảng công nghệ thông tin là vô cùng cần thiết. Cungthi.vn là Hệ thống thi trắc nghiệm và tạo đề thi trắc nghiệm online sẽ giúp các đơn vị giáo dục dễ dàng hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Trong chương trình hôm nay, mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa chương trình và khách mời anh Nguyễn Hữu Tuấn  - CEO Cungthi.vn. 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/huu-tuan-cungthi 

MC: Ý tưởng xây dựng phần mềm Cungthi bắt nguồn từ đâu, thưa anh?

Nguyễn Hữu Tuấn - CEO Cungthi.vn:

Xuất phát điểm từ câu chuyện cá nhân mình đi thi Toeic và cần tìm hiểu các nội dung luyện thi trước, tuy nhiên thời điểm đó chưa có nhiều ứng dụng số giúp mình điều này và nếu có thì nội dung không phù hợp với hiện trạng đang học tại lớp. Từ đó mình nảy ra ý tưởng viết một phần mềm để có thể cho thầy cô hoặc cá nhân tự tạo đề thi theo ý của mình. Từ ý tưởng đó mình xây dựng nên Cungthi và tạo đề thi trắc nghiệm Cungthi.vn. Sau đó mình thấy nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều nên quyết định public ứng dụng cho mọi người cùng sử dụng. 

MC: Việc phát triển Cungthi.vn gặp phải những khó khăn, thử thách nào? 

Nguyễn Hữu Tuấn  - CEO Cungthi.vn:

Ban đầu xuất phát từ nhu cầu cá nhân, nhưng đến khi public ứng dụng thì có rất nhiều vấn đề, một số chức năng phát triển chưa phù hợp lắm với số đông người dùng. Triển khai cho nhiều người sử dụng thì khó khăn trong vấn đề liên quan đến tài nguyên, nhân sự. Có những thời điểm mình suy nghĩ lại có nên tiếp tục hay không vì tốn quá nhiều thời gian của mình, cuối cùng đưa ra giải pháp tập trung phát triển các tính năng đơn giản, dễ sử dụng, cần thiết nhất cho người dùng mới. 

 

MC: Cungthi.vn có những chức năng gì, thưa anh? 
Nguyễn Hữu Tuấn  - CEO Cungthi.vn:

Xây dựng là một giải pháp để giáo viên, trung tâm luyện thi quản lý lớp học, tạo bài giảng, tài liệu số cho học sinh và học sinh có thể sử dụng nền tảng số để làm bài tập từ giáo viên cho về nhà. Hiện tại, Cungthi cung cấp trên nền tảng website, IOS, Android. Ngoài ra, trên hệ thống cho phép giáo viên, học sinh tự tạo đề thi trắc nghiệm theo lộ trình ôn luyện của mình. 

MC: Cungthi.vn có điểm gì khác biệt so với các ứng dụng khác hiện nay?
Nguyễn Hữu Tuấn  - CEO Cungthi.vn:

Với chức năng ngân hàng câu hỏi của Cungthi thì giáo viên rất dễ dàng đưa tài liệu lên hệ thống và khi đó giáo viên rất dễ dàng tạo ra ngân hàng câu hỏi và tạo đề thi đơn giản. Giáo viên có thể tạo đề thi theo hai cách, một  là tạo đề thi theo ma trận, hai là tạo đề thi lấy từ ngân hàng câu hỏi đưa vào các kì thi online và offline trên lớp.

Cungthi sẽ phát triển tiếp chức năng cho phép giáo viên và hội giáo viên trên Cungthi chia sẻ ngân hàng câu hỏi với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. 

MC: Nguồn vốn duy trì hoạt động của Cungthi như thế nào trong thời gian qua, thưa anh?
Nguyễn Hữu Tuấn  - CEO Cungthi.vn:

Nguốn vốn của Cungthi vẫn chủ yếu từ bản thân và đội nhóm, hiện tại đang hoàn thiện sản phẩm nhiều hơn nữa, sau đó mới mạnh dạn mang đi gọi vốn.

 MC: Cám ơn anh với chia sẻ vừa rồi! 

TÁC PHẨM #06

ĐƯA GIÁO TRÌNH KHỞI NGHIỆP VÀO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHÍNH QUY 

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 03/04/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 03/4/2023

 

Thưa quý vị, với mong muốn đồng hành, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường và xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc cho sinh viên đam mê khởi nghiệp, nhiều trường đại học hiện nay đang áp dụng giáo trình khởi nghiệp vào giảng dạy. Vậy đưa giáo trình khởi nghiệp vào đào tạo chính quy tại trường gặp phải những khó khăn, trở ngại như thế nào và làm sao để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chương trình hôm nay, mời quý vị cùng chúng tôi trao đổi với các khách mời: 

  • TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM

  • TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa -  Phó Trưởng khoa, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế Tài chính 

  • ThS. Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp và Việc làm sinh viên, Phó Chủ tịch TT Câu lạc bộ Doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 

Mời quý vị cùng theo dõi :

 https://soundcloud.com/hadiemvoh/khoi-nghiep-dao-tao-chinh-quy 

Khó khăn, trở ngại khi áp dụng giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học 

MC: Tại sao lại áp dụng giáo dục về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính quy trong khi đó vẫn có nhiều sinh viên không có nhu cầu học về môn này mà thay vào đó là ý kiến hãy để môn này trở thành một môn tự chọn cho sinh viên? Các khách mời có suy nghĩ gì về điều này? 

TS. Thái Doãn Thanh:

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm từ năm 2016, sự nhận thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng nhiều. Theo thống kê hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục đều tham gia giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, theo thống kê hơn 33% các cơ sở giáo dục đại học đưa chương trình  đào tạo khởi nghiệp vào dạy chính quy, còn lại nhiều trường không đưa vào dạy chính quy nhưng vẫn tổ chức các hoạt động ngoại khoá bên ngoài về khởi nghiệp. 

Theo tôi thì nên đưa vào chương trình đào tạo và bắt buộc bởi tính chất quan trọng của nó, xu hướng trong tương lai, cần trang bị kĩ năng kiến thức khởi nghiệp cho các em. 

MC: Thưa các khách mời, giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học hiện nay gặp phải những rào cản, khó khăn gì?

TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa: 

Nhiều ý kiến cho rằng đưa khởi nghiệp vào đào tạo như vẽ đường cho hươu chạy, làm sinh viên rơi vào trạng thái ảo tưởng sức mạnh dẫn đến sự thất bại. Đây là quan điểm cản trở đưa dạy khởi nghiệp vào môi trường đào tạo. Theo tôi, một trong những khó khăn tiếp là vấn đề xây dựng chương trình đào tạo, nhiều giảng viên còn mông lung về khởi nghiệp và hiện đang thiếu nguồn giảng viên có chất lượng.Với quan điểm cá nhân thì tôi rất ủng hộ việc đưa chương trình khởi nghiệp vào đào tạo chính quy tại trường. 

 TS. Thái Doãn Thanh:

Khi đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo thì nhà trường cực kì cân nhắc để đảm bảo phù hợp giữa nhà trường và sinh viên. Đội ngũ giảng viên có đủ năng lực để giảng dạy bộ môn với tính thực tiễn cao như khởi nghiệp hay không. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, của sinh viên để biến những ý tưởng thành hiện thực đó cũng là một rào cản gây khó khăn. 

Sự đầu tư về tài chính để triển khai bộ môn thực tiễn này cũng là  một rào cản không nhỏ vì phải có tài chính mới có thể triển khai thành công các hoạt động thực tiễn trong khởi nghiệp. Nếu có sự đồng thuận chung thì sẽ phát triển, còn không thì vẫn là phong trào, không đạt được hiệu quả cao.

MC: Việc đưa giáo trình khởi nghiệp vào đào tạo cần có sự cải tiến như thế nào? 

ThS. Nguyễn Thanh Phương: 

Tôi là người soạn ra chương trình này đầu tiên tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành gợi ý cho giảng viên tài liệu cần đọc, có những lớp tập huấn cho giảng viên tham gia. Dạy về khởi nghiệp không thiên về lý thuyết, chúng tôi là trường đa ngành nên quyết định đưa bộ môn khởi nghiệp đến với tất cả sinh viên trong trường để có thể kết nối các ngành với nhau khi có ý tưởng khởi nghiệp. Chúng tôi xem trọng chương trình đào tạo khởi nghiệp ở tất cả các ngành. 

Làm thế nào để khởi nghiệp đạt hiệu quả sau các cuộc thi? 

MC: Hiện nay, ngày càng có nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức, quy mô từ trường học đến các tổ chức, ban, ngành. Vậy làm thế nào để khởi nghiệp đạt hiệu quả sau các cuộc thi ý tưởng? 

TS. Thái Doãn Thanh trả lời:

Đầu tiên phải bắt đầu từ ý tưởng, tuy nhiên để trở thành một dự án thì cần có sự kết nối với rất nhiều yếu tố do con người vận hành. Bài học đầu tiên đó là sự kết nối làm việc một cách xuất sắc, sau đó cùng gọi vốn từ nhà đầu tư, nhà trường cùng đồng hành với các em để biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể.

TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa:

Qua nhiều cuộc thi khởi nghiệp tại trường UEF đã triển khai và thấy thành công, để ý tưởng sau cuộc thi thực hiện thành công thì chúng tôi nhận thấy các bạn sinh viên cần lắm những người mentor để đồng hành, họ là những người giúp sinh viên giải quyết những khó khăn gặp phải, để biến ý tưởng đó thành hiện thực.

ThS. Nguyễn Thanh Phương:

Nếu có ý tưởng thì bắt tay thực hiện, hãy thử nếu sai thì tìm cách hoàn thiện làm lại từ đầu. Đừng để ý tưởng chỉ nằm trên giấy mà hãy hành động thì mới có cơ hội thành công.

MC: Cám ơn các khách mời đã tham gia chia sẻ trong chương trình!

TÁC PHẨM #07

HÀNH TRANG KHỞI NGHIỆP: HỌC TỪ NHỮNG CUỘC THI  (KỲ 1)

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 10/04/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 10/04/2023

 

Thưa quý vị, ngày càng có nhiều sân chơi khởi nghiệp được tổ chức với nhiều quy mô khác nhau. Qua mỗi cuộc thi, các startup có nhiều cơ hội được va chạm thực tế, tích luỹ  kinh nghiệm góp phần thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp. Với mong muốn mang đến cho quý vị góc nhìn đa chiều về việc đạt được gì sau khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp mời quý vị theo dõi chủ đề Hành trang khởi nghiệp: Học từ những cuộc thi, qua chia sẻ của khách mời: 

MC: Chất lượng, quy mô các cuộc thi khởi nghiệp tại Việt Nam như thế nào? 

Anh Lê Yên Thanh: 

Hiện tại Việt Nam các cuộc thi khởi nghiệp rất đa dạng về nội dung, phân khúc các cuộc thi như dành cho startup mới của sinh viên mới xuất phát ý tưởng,cuộc thi dành cho các startup mới ra thị trường, hoặc các startup đang gọi vốn hoặc gọi vốn rồi, giúp cho các startup ở giai đoạn nào cũng có thể tham gia được. Có nhiều cuộc thi trải qua quá trình ươm tạo để phát triển tốt hơn môi trường kinh doanh của mình.

MC: Thời gian qua, có rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại Việt Nam, anh chị đánh giá như thế nào về chất lượng, quy mô các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay, làm thế nào để tránh tình trạng thừa lượng thiếu chất? 

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng: 

Với tôi càng nhiều cuộc thi càng tốt, chúng tôi xem các bạn khởi nghiệp tham gia cuộc thi như lên võ đài cho nên chiến đấu, đánh trận càng nhiều càng tốt. Trải qua một sàn đấu quan trọng nhất là mình học được những gì, cuộc thi giúp cho mọi người không tốn quá nhiều nguồn lực, trong khi ra sàn đấu thương trường còn khốc liệt hơn nhiều vì cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.  Mỗi một lần tham gia cuộc thi như vậy là một trong những cách thể hiện ý tưởng khởi nghiệp gặt hái được nhiều giá trị, tôi nghĩ như vậy rất tốt. 

MC: Làm gì để biến ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên thành hiện thực?

Anh Lê Yên Thanh: 

Các bạn sinh viên sẽ rất khó để phát triển ý tưởng khởi nghiệp khi chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Mình nghĩ quan trọng đầu tiên đến từ trường học, đồng hành cùng sinh viên ngay từ ban đầu, như Đại học Quốc gia có Trung tâm công nghệ phần mềm để các bạn cùng ngồi vào không gian đó bắt tay nhau triển khai ý tưởng khởi nghiệp. 

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng:

Việc có ý tưởng đã là tốt, tuy nhiên không phải ai cũng mạnh dạn trình bày ý tưởng đó trước mọi người. Tôi nghĩ, trước tiên việc tham gia các cuộc thi trong trường đã là rất tốt vì thể hiện tính leader rất cao vì phải thuyết phục ban giám khảo, thuyết phục đồng đội, làm chủ ý tưởng của mình là đức tính hết sức cần thiết trong khởi nghiệp. Sau ý tưởng thì cần môi trường, như đã nói sau cuộc thi cần lắm một người đi cùng hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho các bạn thì điều đó sẽ giúp các bạn biến dự án đó thành hiện thực. 

MC: Ngày càng có nhiều startup tham gia các cuộc thi, tâm thế các startup tham gia đều muốn đạt giải thưởng cao nhất nhưng vẫn có nhiều dự án trượt ngay vòng loại, theo ý kiến 2 khách mời thì cần chuẩn bị gì trước khi tham gia cuộc thi?

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng: 

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận thất bại. Tôi nghĩ đó là điều mà người khởi nghiệp cần có, thất bại nhưng vẫn tiếp tục đứng lên, thay đổi phát triển sản phẩm ý tưởng đó tốt hơn thì đó không phải là thất bại. Nếu nhìn cả hành trình thì dường như tất cả các startup, các doanh nghiệp đều gặp những thất bại  và họ vượt qua nó để thành công là điều đáng nói. 

Anh Lê Yên Thanh: 

Thật ra tham gia cuộc thi thì rất khó để đạt giải nhất vì phụ thuộc nhiều yếu tố, tuy nhiên để không bị loại từ vòng đầu thì mình nghĩ có những cái cơ bản cần chuẩn bị  như mô hình kinh doanh của mình, ý tưởng rõ ràng, sự đầu tư nhất định cho sản phẩm đó. Ngoài ra cần tìm hiểu đối thủ cạnh tranh với mình là ai, đang phát triển như thế nào? 

Khi tham gia cuộc thi phải thực sự nghiêm túc nghiên cứu những điều đó thì không khó để vượt qua vòng loại. Vào vòng trong còn rất nhiều yếu tố để chuẩn bị đạt thành tích cao. Mình cần xem thử ban giám khảo họ là ai, tính chất cuộc thi như thế nào nếu thiên về học thuật tập trung về học thuật là chủ yếu, nếu về công nghệ thì focus mạnh về công nghệ, còn về kinh doanh thì nên tập trung phát triển sản phẩm nhiều hơn. Nói chung, khi trình bày thì cần phải hướng đối tượng vào sản phẩm của mình trong thời gian ngắn để thuyết phục ban giám khảo để đánh giá tốt. 

MC: Cám ơn anh chị với chia sẻ vừa rồi! 

TÁC PHẨM #08

HÀNH TRANG KHỞI NGHIỆP: HỌC TỪ NHỮNG CUỘC THI  (KỲ 2)

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 17/04/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 17/04/2023

 

Thưa quý vị, tiếp nối số phát sóng kỳ trước với những chia sẻ của khách mời trong chủ đề Hành trang khởi nghiệp: Học từ những cuộc thi chúng ta được nghe nhiều ý kiến về sự chuẩn bị khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp để đạt thành công. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị đến với cuộc trò chuyện với đại diện nhóm sinh viên Parachain  trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo và khởi nghiệp quốc tế Blokchain - Metaverse với đề tài “Ứng dụng sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc thuốc kết hợp với sàn thương mại điện tử”

 Cuộc thi do Đại học Dân tộc Quảng Tây, Công viên Khoa học và Công nghệ Blockchain Quảng Tây, Mạng lưới giáo dục doanh nhân Trung Quốc (EECN) và trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF)  tổ chức. 

Cuộc thi có 70 đội dự thi, trong đó có 6 đội thi đến từ các trường đại học tại Việt Nam. Mời quý vị theo dõi chia sẻ của đại diện nhóm Parachain:

  • Bạn Sơn Quốc Hưng 

  • Bạn  Trần Thị Kiều Oanh

https://soundcloud.com/hadiemvoh/khoinghiephoctucuocthiky2 

MC: Các bạn có thể chia sẻ, giới thiệu rõ hơn về ý tưởng đề tài “Ứng dụng sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc thuốc kết hợp với sàn thương mại điện tử”?

Bạn Sơn Quốc Hưng: 

Ý tưởng hình thành nên dự án từ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Khi đề tài được đánh giá cao, nhóm đã quyết định phát triển thành ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi và được đánh giá cao với số điểm tối đa 96 điểm. Khi em tìm hiểu, trong thời gian qua, có rất nhiều nguồn thuốc giả trên thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn nhiều tiền bạc của người dùng nhưng không có hiệu quả  cho nên tụi em đã ngồi lại suy nghĩ tìm ra cách làm 1 app đúng với bản chất truy xuất nguồn gốc thuốc, cho người sử dụng thấy được thông tin rõ ràng, minh bạch từ nguồn gốc ban đầu.

 

MC: Để có kết quả như vậy, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ phía nhà trường? 

Bạn Trần Thị Kiều Oanh:

Tụi em được sự hỗ trợ từ thầy cô trường UEF, về chuyên môn tụi em nhận được sự đồng hành của thầy cô trong Khoa CNTT, về góc độ kinh tế, tụi em được sự hỗ trợ từ khoa KT để có thể vững tin bước ra môi trường quốc tế tham gia dự thi. 

 

MC: Trong hành trình này, nhóm đã gặp những khó khăn, thử thách ra sao?

Bạn Trần Thị Kiều Oanh:

Tụi em xác định mình làm những gì và làm như thế nào, tụi em đã cố gắng sắp xếp để có thời gian phù hợp trao đổi ý tưởng với nhau. Nhóm có nhiều thành viên đến từ nhiều khoa nên chuyên môn cũng khác nhau, với tụi em chuyên kinh tế, tụi em cố gắng để hoàn thiện đưa dự án thành hiện thực, thấy được tính khả thi của dự án. Còn các bạn khoa CNTT cố gắng tìm mọi cách để hoàn thiện APP sao cho dễ sử dụng. 

 

MC: Tính ứng dụng của sản phẩm này đến với cộng đồng như thế nào? 

Bạn Sơn Quốc Hưng: 

Tụi em mong muốn có thể giúp được người dùng truy xuất nguồn gốc thuốc,  thông tin thuốc rõ ràng. Bên cạnh đó, tụi em sẽ xây dựng một sàn thương mại điện tử về thuốc, mọi thông tin từ nhà cung ứng đến giá cả thuốc. Khi đi thi tụi em đã hoàn thiện APP và trình bày trước Ban giám khảo cuộc thi, tụi em cho BGK thấy thuốc này bắt nguồn từ đâu và có nhiều Ban giám khảo muốn gửi lời mời đầu tư vào. Đây là dự án thứ 2 tụi em tham gia quốc tế và có nhiều thành quả mang về, tụi em cảm thấy rất hạnh phúc. 

MC: Các bạn nghĩ như thế nào về việc ngày càng hiện đại hoá các sân chơi học thuật chuyên nghiệp trong môi trường giáo dục hiện nay? 

Bạn Trần Thị Kiều Oanh:

Với em, em thấy thích thú các cuộc thi trong, ngoài trường, trong nước và quốc tế, mỗi cuộc thi tụi em tham gia mang đến nhiều bổ ích, không chỉ là giải thưởng mà xuyên suốt tham gia cuộc thi từ khi bắt đầu phải làm như thế nào, training nhiều kỹ năng từ các thầy cô, ban giám khảo, những người có chuyên môn, khi tham gia cuộc thi em đã áp dụng tất cả kiến thức trong trường vào bài dự thi. Ngoài ra, khi tham gia cuộc thi em được gặp các doanh nghiệp, được hỏi về kiến thức thực tế, trải nghiệm mô hình kinh doanh tại doanh nghiệp, qua đó em được biết nhiều điều về mô hình kinh doanh, em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

Bạn Sơn Quốc Hưng: 

Với em việc tham gia cuộc thi tụi em không đặt nặng vấn đề giải thưởng mà tụi em muốn mang thành quả về cho ba mẹ, cho gia đình. Em nghĩ rằng, sân chơi khởi nghiệp ngày càng nở rộ các bạn sinh viên nên tham gia, tham gia để thấy mình trưởng thành hơn, tham gia để thể hiện năng lực của mình đến đâu. 

 

MC: Sau cuộc thi này các bạn rút ra được bài học kinh nghiệm gì cho hành trình chinh phục các cuộc thi mang tầm quốc tế?

Bạn Sơn Quốc Hưng: 

Khi tham gia cuộc thi mình luôn đặt cái tâm vào đầu tiên, thứ hai là ý chí, mình chứng tỏ cho mọi người thấy mình giỏi thì mới có thể chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng người khác được

Bạn Trần Thị Kiều Oanh:

Em nghĩ là chúng ta không biết chúng ta làm được gì nếu mình không làm, bất cứ cuộc thi nào nếu được thì chúng ta hãy thử. Bước vào cuộc thi chúng ta có nhiều mối quan hệ, gặp được nhiều người rất giỏi truyền cho mình kiến thức, năng lượng từ đó là nền tảng để phát triển, giải thưởng là một phần quan trọng là thông qua cuộc thi nhận được vô vàn những thứ khác nữa, nếu được thì hãy cứ tham gia. 

MC: Cám ơn hai bạn với chia sẻ vừa rồi! 

TÁC PHẨM #09

CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP VỚI ỨNG DỤNG
FUNDIIN - GIẢI PHÁP MUA TRƯỚC TRẢ SAU TẠI VIỆT NAM

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 24/04/2023 

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 24/04/2023 

 

Thưa quý vị, Fundiin được biết đến là công ty tiên phong cho giải pháp "Mua trước trả sau" tại Việt Nam, giúp các đối tác bán lẻ và trang thương mại điện tử gia tăng doanh số lên đến 30% thông qua việc cho phép người tiêu dùng được dùng trước và thanh toán sau một cách dễ dàng về trải nghiệm thanh toán, thông minh và hiệu quả về quản lý tài chính cá nhân. 

Chương trình hôm nay, cùng trò chuyện với anh Võ Hoàng Nam - Co-Founder Fundiin tìm hiểu về câu chuyện thú vị này. 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/hoang-nam-fundiin 

 

MC: Anh có thể chia sẻ vài nét về ứng dụng Fundiin? 

Anh Võ Hoàng Nam - Co-Founder Fundiin: 

Thị trường mua trước trả sau khá thịnh hành ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Châu Âu. Hình thức mua trước trả sau chiếm 25% tổng giao dịch mua sắm trực tuyến, đặc biệt là thời trang. 

Fundiin ra đời dẫn đầu làn sóng mua trước trả sau ở Việt Nam, có rất nhiều hình thức trả sau như thẻ tín dụng, nhưng về khoản thanh toán có sự khác biệt rõ rệt. Fundiin cung cấp giải pháp tiêu dùng thông minh giúp người tiêu dùng cân đối ngân sách bằng cách  chia thành 3 kỳ thanh toán  hàng tháng miễn phi cho khách  và đặc biệt trong lĩnh vực thời gian, mỹ phẩm, giáo dục, du lịch, nội thất. Fundiin cung cấp thời điểm trả sau miễn ngay thời điểm người dùng muốn mua sắm và không có phí thường niên, phí ẩn. 

 

MC: Fundiin ra mắt người tiêu dùng khi nào và hoạt động gặp trở ngại nào, thưa anh?

Anh Võ Hoàng Nam - Co-Founder Fundiin: 

Fundiin ra mắt người tiêu dùng vào tháng 6/2020, nhưng gặp dịch COVID - 19, mọi hoạt động kinh doanh tại thời điểm đó đều ngừng trệ, Fundiin thấy rằng mình đã hỗ trợ được các đối tác tăng tỉ lệ bán hàng lên 30% trong giai đoạn khó khăn. 

Fundiin sẽ tiếp tục mở rộng thị trường thêm nhiều lĩnh vực khác nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng để giúp họ quản lý tài chính, tiết kiệm chi tiêu trong thời điểm khó khăn. 

 

MC: Thưa anh, cách tiếp cận hợp tác với các đối tác, nhãn hàng như thế nào?

Anh Võ Hoàng Nam - Co-Founder Fundiin: 

Ban đầu Fundiin hoạt động theo mô hình mua trước trả sau, không có lãi cho người dùng. Tuy nhiên, khi tiếp cận với đối tác, nhiều nơi hoài nghi về Fundiin, chưa thấu hiểu được mô hình hoạt động của Fundiin vì trên thị trường có nhiều đơn vị tài chính họ cũng đang làm nhưng tốn phí. Fundiin tăng cường thuyết phục đối tác và làm cho đối tác tăng sự tin tưởng bằng cách tăng doanh thu bán hàng để khách hàng quyết định mua trước trả sau qua Fundiin thay vì thanh toán qua thẻ tín dụng. 

 

MC: Nhiều người dùng sợ bị lừa khi sử dụng Ứng dụng Fundiin Mua trước trả sau, anh nghĩ như thế nào về điều này?

Anh Võ Hoàng Nam - Co-Founder Fundiin: 

Tâm lý người dùng là không ai muốn mang nợ và rất nghi ngại với việc mua sản phẩm trả góp. Fundiin tăng cường chứng minh hướng đang đi là đúng đắn, làm việc với các đối tác để tạo được sự tin tưởng. Từ các đối tác sẽ tiếp cận được người dùng để họ an tâm sử dụng. Hiện tại người dùng khá đón nhận Fundiin như một hình thức thân thiện giúp họ tiếp cận mặt hàng mong muốn như mỹ phẩm, thời trang, mua sắm với mức tài chính tiết kiệm nhất có thể. 

 

MC: Vậy người dùng có bị giới hạn hạn mức mua sắm không thưa anh?

Anh Võ Hoàng Nam - Co-Founder Fundiin: 

Fundiin có hạn mức riêng cho người tiêu dùng, giúp họ dễ dàng mua sắm tại nhiều cửa hàng. Về thu hồi nợ, Fundiin như một người bạn nhắc nhở để người dùng trả nợ đúng hạn, vẫn có nhiều trường hợp trả trễ hạn tuy nhiên Fundiin sẽ hỗ trợ, thông cảm để người dùng trả sớm nhất có thể để người dùng hiểu Fundiin không phải là một công ty tài chính mà là một hình thức giúp người tiêu dùng có niềm tin với sản phẩm mua trước trả sau.

MC: Cám ơn anh với chia sẻ vừa rồi! 

TÁC PHẨM #10

ĐẶT TIỆC DỄ DÀNG HƠN VỚI NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ PITO 

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 01/5/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 01/5/2023 

 

Thưa quý vị chương trình hôm nay sẽ mang đến cho quý vị một câu chuyện, những người trẻ ứng dụng công nghệ trở thành một nền tảng cung cấp dịch vụ thức ăn cho doanh nghiệp và nhân viên văn phòng đầu tiên tại Việt Nam. Với nền tảng công nghệ của PITO, tất cả thao tác đặt tiệc cho doanh nghiệp, đặt thức ăn cho nhân viên rút ngắn chỉ còn khoảng 15 phút. Mới đây, PITO ra mắt nền tảng PITO Cloud Canteen giải quyết bài toán “Trưa nay ăn gì?” của giới dân văn phòng. PITO là từ ghép chữ cái đầu của cụm từ “Party In The Office” (tạm dịch: Tiệc tại văn phòng) - một startup do những thành viên 8X-9X sáng lập và vận hành.

Chúng ta sẽ cùng trò chuyện với anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO để hiểu hơn câu chuyện thú vị này. 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/pham-dong-huy-pito 

MC: PITO có ý tưởng bắt đầu từ năm  2017 và tiền thân là một nhà hàng có bếp riêng và đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, đến năm  2019, PITO chuyển hướng trở thành một nền tảng đặt dịch vụ thức ăn, tức là kết nối khách hàng với nhà hàng với cơ sở nấu nướng. Vậy PITO ra đời như thế nào, thưa anh?

Anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO: 

Trước đây, mình có 2 cái nhà hàng gọi là Cocorico hay có nghĩa là tiếng gà gáy ở trong tiếng Pháp. Trong một dịp mình được đi học ở nước ngoài, mình thấy họ có một cái bàn, những khay thức ăn lớn để sẵn ở trên bàn. Đây là một ý tưởng rất hay và mình nghĩ ra Cocorico nó cũng đang có những món ăn có thể bán được theo kiểu như vậy, mình nghĩ nhanh một cái tên thương hiệu là PITO là 4 chữ viết tắt của “Party In The Office”. 

Sau một thời gian thì các khách hàng họ đặt xong quay lại và mong muốn có những tiệc theo yêu cầu. Mình đáp ứng nhu cầu của khách hàng cho đến khi bếp của  nhà hàng không đủ công suất để làm thì tụi mình quyết định mở thêm 1 cái bếp gọi là bếp catering để có thể tăng công suất.

Sau đó, mình nhìn lại, hiện đang có 2 thị trường, 1 là phía khách hàng, 1 phía từ nhà hàng nhưng mà tại sao người ta không làm nên mình thấy cả 2 cái đầu đều có rất là nhiều tiềm năng và mình muốn kết nối 2 cái này lại với nhau cho nên là mình hình thành ý tưởng một nền tảng công nghệ, trong tiếng anh nó gọi là compress catering marketplace.

MC: Ngoài doanh nghiệp, PITO có hướng đến các đối tượng khác? 

Anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO: 

Xuất phát là phục vụ cho doanh nghiệp và đây là thị trường rất lớn. Tuy nhiên các khách hàng cá nhân trong doanh nghiệp vẫn đặt hàng và PITO vẫn đáp ứng.

MC: Hiện tại PITO đang cung cấp các sản phẩm dịch vụ nào, ở những khu vực nào?

Anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO: 

Hiện nay, PITO cung cấp 3 nhóm giải pháp dịch vụ được thiết kế dành cho doanh nghiệp: PITO Catering - tiệc nhanh tận nơi, tiệc tea break, buffet, finger food… từ 10 người trở lên trong vòng 10 - 30 phút là đặt xong; PITO Xpress - đặt giao nhận các party set và combo cho nhóm đồng nghiệp từ 5 - 20 người và PITO Cloud Canteen - đặt cơm trưa hằng tuần, hằng tháng với menu chuẩn nhà hàng, sắp ra mắt trong tháng 5, đây là sản phẩm giúp đặt bữa ăn hàng ngày cho nhân viên nhanh chóng.

MC: Làm thế nào để PITO có thể kiểm soát, đảm bảo chất lượng các đối tác nhà hàng một cách tốt nhất để cung cấp cho người dùng cuối?

Anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO: 

PITO đã vận hành được năm thứ 4, tất cả đối tác của PITO đều được chọn lựa với các giấy phép kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, HACCP,... PITO còn có đội ngũ đến trực tiếp các đối tác để kiểm tra về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó PITO có những buổi training giúp đối tác hiểu về quy trình phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, PITO sử dụng công nghệ để quản lý và kiểm tra quy trình thực hiện đến đâu và có những bạn điều phối tham gia đồng hành xuyên suốt cùng khách hàng để hoàn thành các đơn hàng đó.

MC: Vậy nếu có mâu thuẫn xảy ra, PITO hỗ trợ giải quyết như thế nào? 

Anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO: 

PITO có những bộ quy trình để xử lý theo từng trường hợp, PITO hỗ trợ giúp khách hàng giải quyết việc đó dễ dàng hơn.

MC: Trong thời gian tới, mục tiêu phát triển của PITO như thế nào? 

Anh Phạm Đông Huy - CEO & Founder PITO: 

PITO Catering hiện đang phát triển đến năm thứ 4 và tiếp tục phát triển. 

PITO Xpress đang chạy với phiên bản beta, tới tháng 8/2023 chính thức ra mắt. 

Năm 2023, PITO tập trung đưa đến khách hàng trải nghiệm tốt nhất từ  PITO Cloud Canteen  và PITO Xpress. 

Sau một thời gian hoạt động, PITO đặt lại tầm nhìn của mình là một nền tảng công nghệ giúp kết nối mọi người tại nơi làm việc thông qua các bữa ăn. Song song đó, PITO xây dựng cộng đồng kết nối các nhóm hành chính nhân sự, các đối tác nhà hàng,... với mong muốn tất cả cùng phát triển.

MC: Cám ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!

TÁC PHẨM #11

CÔNG NGHỆ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY HỖ TRỢ GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ 

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 08/05/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 08/05/2023

 

Thưa quý vị, Cloudify là một đơn vị cung cấp nền tảng cloud ERP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với công nghệ điện toán đám mây, đội ngũ công ty đã nghiên cứu đưa nền tảng ERP lên cloud  trở thành Cloudify ERP. Cloudify ERP là nền tảng quản lý all-in-one, tích hợp mọi chức năng cho từng phòng ban trên cùng một hệ thống. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quản lý mọi hoạt động từ lên kế hoạch, theo dõi tiến độ, đánh giá năng suất, báo giá, thu hồi công nợ, tính lương nhân viên…

Mời quý vị nghe cuộc trò chuyện giữa chương trình và anh Hoàng Minh Quân – CEO & Founder Cloudify cùng tìm hiểu về Cloudify: Giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp.

https://soundcloud.com/hadiemvoh/20221103-hoangminhquan-cloudify 

MC: Anh có thể giới thiệu đôi nét về Cloudify - Giải pháp hoạch định nguồn lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Anh Hoàng Minh Quân – CEO & Founder Cloudify:

Cloudify triển khai mô hình khá mới tại VN đó là phần mềm như một dịch vụ, Cloudify là một công ty dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số và công nghệ, không phải là công ty công nghệ, để doanh nghiệp triển khai họ cần đối tác đủ năng lực và sự đồng hành. Quan trọng không phải là mua phần mềm về triển khai thường sẽ thất bại, khi mà là dịch vụ nghĩa là có đối tác đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ góp phần năng tỉ lệ thành công lên rất nhiều. 

Bắt đầu 2015, Cloudify chuyển sang dùng chuyển đổi số hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực của doanh nghiệp này còn hạn chế chính vì vậy họ chưa được các tập đoàn công nghệ quan tâm nhiều, những giải pháp mà Cloudify đưa ra góp phần đồng hành để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn hơn. 

MC: Làm sao để Cloudify định hình trên thị trường và tạo được uy tín với doanh nghiệp?

Anh Hoàng Minh Quân – CEO & Founder Cloudify:

Cloudify định hình mình là một đơn vị cung cấp nền tảng cung cấp nền tảng cloud ERP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với công nghệ điện toán đám mây, đội ngũ công ty đã nghiên cứu đưa nền tảng ERP lên cloud thì nó trở thành cloud ERP.

Với giải pháp này đạt được các tiện ích sau: Tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, cực kì dễ tiếp cận cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản trị mọi lúc mọi nơi, tự động hoá hoàn toàn thông qua app mobile giúp việc kinh doanh phát triển hơn. 

MC: Theo anh, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng chuyển đổi số như thế nào? 

Anh Hoàng Minh Quân – CEO & Founder Cloudify:

Đa phần các doanh nghiệp đều có nhận thức rất tốt về chuyển đổi số tuy nhiên lựa chọn giải pháp như thế nào, áp dụng ra sao thì còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, ngay từ đầu mình và đội ngũ xác định làm thế nào để Cloudify đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp mới bắt đầu về chuyển đổi số thì chỉ cần tiếp cận một vài module, triển khai cho một vài người dùng không phải đầu tư quá nhiều, sau này doanh nghiệp phát triển lớn hơn họ có thể đầu tư thêm về lượng user, thêm tính năng để sử dụng. Chuyển đổi số không phải một lần là xong mà nó là một hành trình xuyên suốt gắn với quá trình phát triển của doanh nghiệp.

MC: Những giải pháp chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa vào vận hành doanh nghiệp?

Anh Hoàng Minh Quân – CEO & Founder Cloudify:

Đối với các doanh nghiệp làm thế nào để tự động hoá được quá trình bán hàng, làm cách nào để vận hành thông suốt liên quan đến bài toán về kho, logistics, mua hàng,... sau đó doanh nghiệp quan tâm đến việc tối ưu chi phí và tăng lợi nhuận, tiếp theo đó là liên quan trải nghiệm khách hàng, để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt thì doanh nghiệp phải giao tiếp với khách hàng từ mọi khía cạnh cần có sự thống nhất, cloudify cung cấp giải pháp tích hợp giữa các phòng ban.  Cuối cùng, làm cách nào để người lao động tăng năng suất thì cần có giải pháp để người lao động hoạt động hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. 

MC:  Cloudify khác với các đơn vị cùng lĩnh vực trên thị trường như thế nào? 

Anh Hoàng Minh Quân – CEO & Founder Cloudify:

Cloudify có 2 sự khác biệt rất lớn.

Đầu tiên, Cloudify cung cấp một hệ thống quản lý tất cả vận hành cốt lõi của doanh nghiệp về kế toán, về bán hàng, về kho, về mua hàng,... giúp doanh nghiệp không phải làm việc với quá nhiều nhà cung cấp, giảm thời gian lựa chọn sản phẩm, giảm chi phí mua gói sản phẩm. Đó là sự khác biệt Cloudify với các gói sản phẩm đơn lẻ trên thị trường.

Thứ hai, Cloudify khác với các đơn vị cung cấp ERP truyền thống, nếu trên thị trường ERP áp dụng cho doanh nghiệp lớn và chi phí rất cao, triển khai khó khăn. Với Cloudify triển khai trên nền tảng hiện đại hơn, theo mô hình thuê bao giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ dàng, không tốn quá nhiều chi phí, có thể sử dụng trên app mobile phù hợp với lao động phổ thông mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lao động phổ thông nhiều, qua đó góp phần giúp họ tăng năng suất làm việc. 

MC: Cám ơn anh với những chia sẻ vừa rồi! 

TÁC PHẨM #12

ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NÔNG DÂN KHỞI NGHIỆP XANH 

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 15/5/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 15/5/2023

 

Thưa quý vị, hiện nay, nhiều người chọn khởi nghiệp không chỉ mang sản phẩm hữu ích đến cho người tiêu dùng mà còn chú trọng đến trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Như câu chuyện Đạt Foods mà bắt nguồn từ anh Trần Đăng Đạt – Co-Founder và 2 người bạn của mình đã cùng nhau xây dựng một doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam với câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ nhằm đồng hành cùng người nông dân cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm từ hạt một cách tự nhiên. Năm 2017, Đạt Foods chính thức ra đời. 

Chương trình hôm nay, mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa chương trình với anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder của Đạt Foods. 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/tran-dang-dat-datfoods 

MC: Thưa anh, Đạt Foods ra đời như thế nào và lý do tại sao anh lại chọn hướng này để khởi nghiệp?

Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods:

Đạt Foods ra đời năm 2017, bắt đầu với 3 thành viên đầu tiên, mỗi người là một câu chuyện khác nhau.

Đầu tiên là Đạt làm trong công ty thực phẩm, Đạt thấy mặt trái sản phẩm công nghiệp, và những người trực tiếp tạo ra sản phẩm này đối xử không công bằng về sinh hoạt và chế độ đãi ngộ rất thấp. Lúc đó, Đạt nuôi ước mơ làm một doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đạt tình cờ gặp 2 người bạn, là Luân và Long.

Luân, là một người Mỹ gốc Việt, mồ côi cha mẹ từ nhỏ được một gia đình người Mỹ nhận nuôi. Anh muốn trở về Việt Nam để trả ơn quê hương. Tuy nhiên, anh chưa có hướng đi nào thực sự rõ ràng và hiệu quả để đóng góp cho Việt Nam. 

Long xuất phát là một nhân viên ngân hàng, sau đó làm cho các Tổ chức phi chính phủ. Qua nhiều năm làm việc, Long thấy rằng công việc thiện nguyện và các dự án phi chính phủ không phải là một giải pháp bền vững để hỗ trợ những người yếu thế khi tài chính không ổn định. 

Tình cờ gặp nhau thông qua những người bạn, với mong muốn cống hiến vì cộng đồng; Đạt, Long, Luân quyết định thành lập Cty TNHH Đạt Butter với thương hiệu Đạt Foods. Mục tiêu là một doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam nhằm đồng hành cùng người nông dân cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm từ hạt một cách tự nhiên.

MC: Đạt Foods đã có nhiều thay đổi sau 6 năm ra đời, anh có thể chia sẻ về điều này?
Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods: 

Đạt Foods thay đổi mỗi ngày, tuy nhiên có những giá trị không bao giờ thay đổi chính là văn hoá doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi đó chính là sự minh bạch, tính cộng đồng, phát triển con người, bình đẳng và tự nhiên. Đạt Foods có những dấu ấn, trước đây khởi nghiệp quy mô tại nhà Đạt với căn bếp nhỏ, tháng 6/2018 Đạt Foods quyết định mở rộng cơ sở sản xuất tại Củ Chi, sau đó Đạt Foods đạt chứng nhận HACCP về an toàn vệ sinh thực phẩm cho xưởng, đó là dấu mốc để Đạt Foods tiếp cận thị trường quốc tế. 

Năm 2022 - 2023, Đạt Foods mong muốn và cố gắng tạo ra những dấu ấn mới. 

MC: Nông nghiệp sạch thì giá thành cao, anh nghĩ như thế nào về điều này, đây có phải là một trở ngại về việc tiêu thụ sản phẩm cho những ai làm nông nghiệp hữu cơ ?

Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods:

Đó là một sự thật và những doanh nghiệp như Đạt Foods phải giải quyết. Đạt Foods đang xây dựng vùng canh tác đủ lớn để giảm chi phí trồng trọt, để đảm bảo người trồng ổn định thu nhập, doanh nghiệp được giá tốt hơn và mang đến sản phẩm cho khách hàng vừa an toàn, vừa chất lượng. Ngay từ đầu, Đạt Foods xây dựng bình đẳng từ nông dân đến khách hàng và đối tác, minh bạch từ giá cả, chất lượng và quy trình sản xuất. 

Đạt Foods làm từ năm 2019 đến giờ là một tour tham quan trang trại để mọi người thấy được sự minh bạch trong quy trình mà Đạt Foods đang thực hiện. 

MC: Anh có thể chia sẻ các sản phẩm chính Đạt Foods mang đến cho người dùng?
Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods: 

Đạt Foods cung cấp các sản phẩm chính từ hạt mà người Việt trồng được, ban đầu Đạt Foods bắt đầu từ đậu phộng, sau này có thêm hạt điều, mè, mong muốn năm 2023 sẽ phát triển thêm các loại hạt khác như: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, cứ nhắc đến hạt là nghĩ ngay đến Đạt Foods là định hướng lâu dài. 

MC: Anh có thể chia sẻ rõ hơn về nguồn nguyên liệu đầu vào của Đạt Foods?
Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods: 

Với Đạt Foods nguồn nguyên liệu là lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, đất nước mình có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp, con người Việt Nam có kinh nghiệm trồng trọt lâu đời. Tuy nhiên, khó khăn là còn nhiều người trồng còn dùng phân thuốc hóa học rất nhiều, nó ảnh hưởng tới sức khoẻ người trồng và người tiêu thụ. Để thay đổi phương thức canh tác tồn tại lâu đời như vậy khá là khó khăn, thì cách duy nhất là mình cùng ăn, cùng làm, cùng ở với bà con và làm từ từ để mọi người thấy hiệu quả và cùng làm với mình. Thêm một cách nữa là Đạt Foods  tìm những người trẻ có cùng chí hướng, con người là điều quyết định tỉ lệ thành công khá lớn, con người quyết tâm sẽ tìm được giải pháp phù hợp nhất. 

Đạt Foods đang hợp tác nhiều cách khác nhau như ở Hoà Bình, Đạt Foods đang hợp tác trực tiếp với hội nông dân, hợp tác xã, làm việc với chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ hoặc các quỹ muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ.  Ở Củ Chi, Đạt Foods làm trực tiếp với nông dân làm việc cùng các nông dân, và những vùng khác chưa có điều kiện đến trực tiếp thì mình hợp tác làm việc từ xa. Mong muốn cuối cùng là mở rộng vùng trồng, hỗ trợ nhiều bà con càng nhiều càng tốt. 

Hiện tại Đạt Foods hợp tác với Hòa Bình, Củ Chi, trong tương lai đang tìm hiểu về vùng trồng tại Tuyên Quang, An Giang. Như năm ngoái, Đạt Foods hợp tác với 32 hộ với sản lượng 8 tấn - 10 tấn đậu phộng thô, năm nay dự định tăng thêm 20% - 30%. 

 

MC: Sản phẩm đầu ra của Đạt Foods đang có trên thị trường nào và việc tiêu thụ các sản phẩm đó như thế nào? 

Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods: 

Tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang là một xu thế, với Đạt Foods thì giá thành hơi cao nên đang tập trung tại phân khúc trung và cao cấp. 

MC: Đạt Foods có những chiến lược kinh doanh như thế để khẳng định thương hiệu và nhiều người dùng tin chọn? 

Anh Trần Đăng Đạt - Co-Founder Đạt Foods: 

Để giảm giá thành thì phải mở rộng vùng trồng, áp dụng máy móc thiết bị hiện đại để tiết kiệm nhân công. 

Bản thân Đạt Foods tìm cách tối ưu quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, hợp tác với bạn bè đối tác để gia công các sản phẩm, tăng quy mô sản xuất góp phần giảm chi phí sản xuất.

Đạt Foods xuất khẩu sản phẩm đi Canada, Singapore, Nhật Bản, Úc,... Xuất khẩu là một câu chuyện dài cần nhiều nỗ lực, nền tảng vững chắc của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Đạt Foods nhận thấy về chất lượng đạt được, tuy nhiên mình cần giải bài toán về giá thành, số lượng xuất khẩu, nguồn nguyên liệu đầu vào thật vững mới làm được. 

MC: Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ trong chương trình!

TÁC PHẨM #13

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ VẬN HÀNH TOÀ NHÀ VỚI NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ AIR CITY

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 22/5/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 22/5/2023

 

Thưa quý vị, việc ứng dụng công nghệ 4.0 như IoT và AI  trong quản lý và vận hành bất động sản, các tòa nhà chung cư, văn phòng, tòa nhà cho thuê tại các thành phố lớn đang được thay đổi trong nhiều năm qua. Thay vì tốn hàng giờ trên điện thoại hoặc chạy từ tòa nhà này sang tòa nhà khác để đảm bảo giải quyết tất cả các mối quan tâm từ cư dân, khách hàng, thì nay đã có thể quản lý rất nhiều vấn đề tại dự án bằng cách sử dụng công nghệ, một trong những lợi thế khi chuyển đổi số giúp người dùng trải nghiệm tốt hơn. 

Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa chương trình và anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity  cùng tìm hiểu về những giải pháp công nghệ mà AirCity mang đến cho người dùng.

https://soundcloud.com/hadiemvoh/le-hoang-nhat-aircity 

MC: AirCity ra đời như thế nào, giải quyết bài toán gì cho cộng đồng? 

Anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity: 

AirCity ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành tòa nhà, trước kia quản lý tòa nhà có bảo vệ, có thẻ ra vào, dấu vân, xác thực bằng gương mặt. Các tòa nhà AirCity quản lý tăng cường lớp bảo mật, tích hợp gắn camera vào để quản lý mở cửa ra vào từ xa rất tiện lợi, đăng ký khách từ xa. Đó là một trong những lợi thế khi chuyển đổi số giúp trải nghiệm cho người dùng tốt hơn. 

 

MC: Ứng dụng nào cũng tiềm ẩn những nhược điểm, rủi ro… như lộ lọt thông tin cá nhân cư dân, bị tấn công dữ liệu,... AirCity có giải pháp gì để hạn chế thấp nhất những rủi ro đó?

Anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity: 

AirCity có trách nhiệm trong việc bảo mật dữ liệu khách hàng, tuân thủ pháp luật, có cam kết với khách hàng thực hiện một quy trình chuẩn nỗ lực trong việc tránh rò rỉ thông tin khách hàng. Phối hợp với đối tác có chuyên môn như Microsoft để hướng dẫn AirCity bảo mật thông tin cho khách hàng.

 

MC: Hiện nay trên thị trường có nhiều giải pháp quản lý vận hành toà nhà, vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa AirCity và các đơn vị khác?

Anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity: 

Nhiều người nhầm tưởng AirCity là một công ty làm phần mềm quản lý tòa nhà nhưng thực chất là công ty cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà dựa trên nền tảng công nghệ nên cách quản lý khác với các công ty truyền thống khác. AirCity mang đến trải nghiệm cho cư dân là không giấy tờ, không tiền, tích hợp trực tiếp vào email, zalo, chuyển đổi số ngay từ ngày đầu tiên, tất cả được vận hàng trên nền tảng công nghệ. Về phía người dùng cuối thì họ sẽ thấy AirCity có đội quản gia, đội sửa chữa, kỹ thuật, chăm sóc khách hàng,... AirCity  tự tin với giải pháp công nghệ mang đến dữ liệu chính xác, đầy đủ và cập nhật liên tục.

Hiện tại AirCity đang quản lý hơn 1000 phòng tại TP HCM, mỗi tháng AirCity ra hoá đơn điện, nước,... gửi cho cư dân, nhắc nhở thanh toán giúp chủ nhà thu tiền đúng hạn. Để quản lý khối lượng công việc như vậy phải nhờ đến sức mạnh công nghệ  trợ lực cho AirCity. 

 

MC: Từ ngày ra đời, AirCity đã có những cải tiến, thay đổi như thế nào thưa anh? 
Anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity: 

Đầu tiên, AirCity suy nghĩ nên giải quyết vấn đề gì cho chủ nhà đó là thu chi cần phải chính xác, nhanh chóng, minh bạch, rõ ràng nên AirCity phát triển hệ thống thanh toán gửi hóa đơn hàng loạt cho cư dân và chuyển khoản thanh toán. 

AirCity không tạo APP để cư dân cài đặt mà thông qua mã VietQR trong phòng để cư dân quét và phản hồi. Sau đó, mình nâng cấp vấn đề an ninh, an toàn cho cư dân, tích hợp gắn camera để mở cửa kiểm soát từ xa việc ra vào. Tiếp đó là tiến đến về tiện ích đời sống như: nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh phòng, học hành, làm thêm,... tạo ra sự liên kết cho toàn cư dân, tăng tính cộng đồng trong môi trường sống.

 

MC: AirCity tiếp cận với đối tượng khách hàng như thế nào?

Anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity: 

Với kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực phần mềm quản lý tòa nhà, trước đó chỉ giải quyết một phần cho chủ nhà thì việc mang lại giá trị chưa cao. Với AirCity mang đến một giải pháp dịch vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ như một trợ lý ảo làm tất cả các công việc như thanh toán, báo cáo, nhắc nhở thu chi, chủ nhà chỉ cần xem báo cáo và thấy hiệu quả hơn. 

 

MC: Theo anh, một phần mềm quản lý tòa nhà chất lượng phải đáp ứng được các tiêu chí nào?

Anh Lê Hoàng Nhật - CEO AirCity: 

Khi làm phần mềm cần phân tích nỗi đau của người dùng đó là gì và phân tích luồng nghiệp vụ và công việc cần hoàn thành. 

Một phần mềm tốt cần đáp ứng các tiêu chí, đầu tiên là giúp người dùng hoàn thành công việc của họ, phần mềm có dễ dùng hay không và chi phí có mắc hay không. Đó là những tiêu chí cơ bản nhất về mặt giá trị, tính hữu dụng và ngân sách. 

Tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều phần mềm chất lượng trên thị trường tuy nhiên người dùng chưa sẵn sàng lắm trong việc ứng dụng vào công việc. 

MC: Cám ơn anh đã dành thời gian tham gia chương trình

TÁC PHẨM #14

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MANG ĐẾN GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM ĐIỆN NĂNG CHO NGƯỜI DÙNG 

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 29/5/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 29/5/2023

Thưa quý vị, BenKon, một startup về công nghệ tiết kiệm năng lượng của Việt Nam với sứ mệnh giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng tối ưu hóa và giảm tiêu thụ năng lượng từ hệ thống máy điều hoà.

Để có thể tạo ra một sản phẩm có khả năng giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ cho điều hòa, nhóm startup đã phát triển hệ thống phần cứng và phần mềm là một thiết bị nhỏ gọn gắn cạnh điều hòa sử dụng nguồn điện trực tiếp từ máy lạnh.

BenKon định hướng trở thành một startup công nghệ xanh điển hình tại Việt Nam. 

Chương trình hôm nay, mời quý vị cùng tìm hiểu câu chuyện khởi nghiệp của BenKon qua chia sẻ của anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon. 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/truong-minh-dat-benkon 

 

MC: BenKon chính thức ra mắt vào đầu năm 2022, nhằm giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Anh có thể chia sẻ rõ hơn BenKon ra đời như thế nào? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Benkon bắt đầu có ý tưởng tháng 5/2020, sau đó là dịch và sản phẩm chính thức ra mắt 2/2022. Lý do mà chúng tôi thực hiện Benkon là vì trong đời sống của chúng ta có 2 nguồn lãng phí năng lượng: thứ nhất là sử dụng thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, thứ 2 là do cách vận hành thiết bị đó. Ở BenKon chúng  hướng đến khắc phục lãng phí do cách vận hành gây ra. Chúng tôi nhận thấy, máy lạnh là nơi tiêu tốn nhiều năng lượng trong gia đình, sản xuất, và đây là đối tượng đầu tiên chúng tôi muốn thực hiện. Benkon có nghĩa là BÊN CON như một món quà cho thế hệ tương lai vì cảm giác chúng tôi có thể chăm sóc các con cả ngày.

 

MC:  Việc tiết kiệm điện năng trước và sau khi sử dụng giải pháp của BenKon cụ thể như thế nào? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Với giải pháp Benkon lượng điện tiêu thụ giảm từ 20% - 50% cho riêng máy lạnh, đây là số lượng chúng tôi đo đạc được từ các doanh nghiệp, trường học khi bắt đầu sử dụng giải pháp của Benkon. 

 

MC: Anh có thể chia sẻ rõ hơn BenKon SmartAir hoạt động như thế nào? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Khi thực hiện sản phẩm này, chúng tôi nghĩ rằng nó phải hoạt động phù  hợp với tất cả dòng máy lạnh trên thị trường. Một trong những nhược điểm lớn nhất của các máy lạnh thông minh hiện nay, nó được phát triển riêng cho từng. BenKon SmartAir như một phụ kiện dành cho máy lạnh và hoạt động phù hợp với tất cả máy lạnh trên thị trường. 

Chúng tôi luôn hướng đến việc làm thế nào để tiết kiệm hơn là đáp ứng nhu cầu thoải mái của người dùng. Chúng tôi chia thành nhiều cấp độ sử dụng khác nhau. Với cấp độ như nhân viên, sinh viên sẽ loại bỏ việc điều khiển từ xa bằng cách scan mã QR để bật/tắt máy lạnh theo cài đặt sẵn của người quản lý. Chính vì thế, ở cấp độ người quản lý sẽ cài app quản lý trên điện thoại, ngoài ra người quản lý có thể xem được mỗi tháng tiêu thụ bao nhiêu điện, những cơ sở nào thường xuyên bật nhiệt độ thấp, hay kiểm tra được máy lạnh nào hư cần sửa chữa và báo với bộ phận kỹ thuật để khắc phục sớm nhất.  

 

MC: Đối tượng khách hàng của BenKon hướng đến là ai? Doanh nghiệp hay người tiêu dùng cá nhân? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Đúng là Benkon có nhắm đến phân khúc người dùng cá nhân và lúc đầu đã được thực hiện tại môi trường sử dụng cá nhân và cho kết quả tiết kiệm được 30%-40% lúc đi ngủ. Tuy nhiên, giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn về cách lắp đặt, bảo hành,... cho nên thiết bị dành riêng cho phân khúc cá nhân xin hẹn đến năm 2024, chúng tôi sẽ ra mắt đáp ứng nhu cầu người dùng cá nhân. 

 

MC: Tính đến nay, BenKon có khoảng bao nhiêu đối tác khách hàng, hoạt động trên phạm vi các khu vực nào? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Đây là một hành trình không hề dễ dàng vì thị trường này chưa được định hình cho nên khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường đặc biệt doanh nghiệp rất khó để tiếp cận. Chúng tôi mất 1 năm để tiếp cận thị trường, đối tượng khách hàng là doanh nghiệp giải quyết bài toán về chi phí, đội ngũ vận hành. Benkon đã giải quyết điều đó bằng việc tiết kiệm điện năng mỗi tháng và việc sử dụng hệ thống vận hàng cũng không quá khó khăn.

 

MC: Điều gì giúp đội ngũ BenKon tự tin đây sẽ là giải pháp cần thiết và được tin dùng trong tương lai? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Trước khi làm BenKon đội ngũ chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, từng làm việc trong các môi trường quốc tế. 

Chúng tôi có được đồng đội là các kĩ sư trong nước và quốc tế cùng chung tay xây dựng Benkon hướng tới mục tiêu tiết kiệm điện năng. 

 

MC: Mục tiêu hoạt động, mở rộng thị trường của BenKon trong năm 2023 đó là gì? 

Anh Trương Minh Đạt - CEO & Founder của BenKon:

Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng của máy lạnh cho khối bán lẻ và trường đại học, trở thành nơi đầu tiên họ tìm kiếm giải pháp. Cuối năm 2023, mục tiêu chúng tôi sẽ lắp đặt 20.000 BenKon SmartAir và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường này. 

MC: Cám ơn anh đã tham gia chương trình! 

TÁC PHẨM #15

CƠ HỘI NÀO CHO STARTUP VIỆT TRONG LĨNH VỰC 
Y TẾ SỐ

 

PHÁT SÓNG: CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO ĐỂ THÀNH CÔNG

  • KÊNH THỜI SỰ CHÍNH TRỊ - AM 610 KHZ, LÚC 9H30, NGÀY 05/6/2023

  • KÊNH KINH TẾ - FM 87.7 MHZ, LÚC 10H30, NGÀY 05/6/2023

 

Thưa quý vị, Y tế số không còn là khái niệm mới, nhưng nó vẫn luôn được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế vẫn đang được khai thác, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này có nhiều cơ hội để nghiên cứu, phát triển và cung cấp nhiều giải pháp thông minh ra thị trường.

Vậy Cơ hội nào cho startup Việt trong lĩnh vực y tế số, hôm nay cùng trò chuyện với các khách mời của chương trình. 

  • Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP HCM (BSSC)

  • Anh Vũ Thái Hà - Giám đốc vận hành ứng dụng eDoctor

(Ứng dụng eDoctor được thành lập năm 2014, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ động đầu tiên tại Việt Nam. Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, ứng dụng eDoctor giúp kết nối người dùng và Bác Sĩ dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để được tư vấn sức khỏe, tra cứu thuốc & phòng khám, cùng các dịch vụ sức khỏe khác.)

Mời quý vị cùng theo dõi 

https://soundcloud.com/hadiemvoh/startup-y-te  

Khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế có rất nhiều tiềm năng nhưng sẽ rất khó để thành công

 

MC: Trong khoảng 5 năm trở lại, startup trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam phát triển như thế nào, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng:

Tôi xin phép thống kê dữ liệu trong 3 năm trở lại đây qua nền tảng BSSC từ cuộc thi Startup Wheel, startup trong lĩnh vực y tế và sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực này chiếm 10% trên tổng số lượng dự án tham gia khoảng 5500 - 5600 dự án, đã có sự tăng trưởng rất tốt đặc biệt sau COVID - 19. Còn thời gian mà eDoctor ra đời thì đó là giai đoạn rất ít startup y tế mà eDoctor đã ra đời và trụ được tới giờ thì thật sự đó là nền tảng rất tốt. 

 

MC: Khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế có rất nhiều tiềm năng nhưng sẽ rất khó để thành công? Anh chị có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Anh Vũ Thái Hà:

Đấy là một phát biểu hoàn toàn chính xác, lĩnh vực y tế được trong nước và  thế giới quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, thách thức trong lĩnh vực này cũng khá nhiều, tại Việt Nam có nhiều đặc thù làm cho việc vận hành dịch vụ, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe độ phức tạp khá là cao dẫn đến hậu quả nếu bắt đầu mới cái gì đó thì phải làm tới nơi tới chốn. 

 

MC: Startup y tế sẽ gặp phải những khó khăn gì, làm thế nào để thành công?

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng: 

Một trong những khó khăn đó là sự quá tải của cơ sở y tế hiện nay, khi mà thời gian dành cho bệnh nhân không đủ thì làm sao đòi hỏi chuyển đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ vào, đó là một khó khăn của startup y tế.

Anh Vũ Thái Hà:

Chính chúng tôi khi làm việc với các cơ sở y tế hướng tầm nhìn hoạt động  cùng nhau giải quyết vấn đề đó. Khi chúng tôi đưa sáng kiến vào thì các nhà cung cấp dịch vụ tham gia cùng lại phân bổ nguồn lực thì đó là rào cản đầu tiên. Thứ hai, startup y tế liên quan đến chuyên môn rất cao, nhưng startup xuất thân từ công nghệ thì làm sao để hiểu các vấn đề chuyên môn cũng là một khó khăn. 

Thứ ba, chính sách khám chữa bệnh hiện nay hoàn toàn ủng hộ cho việc phát triển lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào startup y tế thì cần rất nhiều chi phí.

Tóm lại, các startup muốn tham gia lĩnh vực y tế thì vấn đề nội tại rất quan trọng, làm sao để huy động đủ nguồn lực để vượt qua.   

Ứng dụng công nghệ góp phần quyết định thành công trong khởi nghiệp y tế số 

MC: Vậy, có phải việc ứng dụng công nghệ sẽ góp phần quyết định thành công trong khởi nghiệp y tế số?

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng: 

Thật ra để startup thành công thì xoay quanh 3 yếu tố: con người, sản phẩm dịch vụ, liên quan đến tài chính, mô hình kinh doanh đó phải có hiệu quả mới duy trì được. Thời điểm này, mình có điều kiện thuận lợi hơn so với 5 năm, 10 năm trước, yếu tố quan trọng để phát triển startup y tế thì không chỉ là đội ngũ dự án mà từ chính người dân, bệnh viện, chính sách,  … cùng nhau thay đổi điều đó. 

Anh Vũ Thái Hà:

Chưa biết chúng tôi có thành công hay không trong tương lai vì chúng tôi vẫn đang trong hành trình này. Chúng tôi tin rằng để thành công thì mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ chứng minh được giá trị của startup, sản phẩm dịch vụ mình tạo ra trở thành sản phẩm có giá trị mà cơ sở y tế đem đến cho khách hàng của họ. Người dân họ không quan tâm đến việc thông qua công nghệ gì, đến từ ai mà họ chỉ quan tâm là có giúp ích gì cho họ. Nếu không chứng minh được điều đó thì đồng nghĩa startup đó không có vai trò gì trong chuỗi giá trị tham gia cả và kết quả như nào thì ai cũng hiểu.     

 

MC: Cơ hội thu hút vốn đầu tư vào startup y tế hiện nay như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng:

Những năm gần đây, BSSC làm việc với các tập đoàn lớn họ có nhiều chương trình hỗ trợ các startup và họ quan tâm các dự án về y tế. Thật ra, các startup tốt, mô hình kinh doanh tốt hoặc có sản phẩm đổi mới sáng tạo các bạn rất dễ nhận được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. 

Anh Vũ Thái Hà:

eDoctor nhận được sự đầu tư từ các quỹ cuối năm 2019 đầu năm 2020, sự hỗ trợ tài chính trên thị trường là luôn luôn có. Chỉ có điều thời điểm này, thị trường kinh tế có thay đổi, khiến cho việc đầu tư trở nên thận trọng hơn, chúng tôi cho rằng là hợp lí. Edoctor cũng đang mở rộng vòng gọi vốn tiếp theo, hiện giờ mọi thứ trở nên vất vả hơn rất nhiều và điều đó khiến eDoctor phải cố gắng nhiều hơn nữa. 

MC: Cám ơn anh chị với chia sẻ vừa rồi!

 

Thông tin

  • Tác giả: Diễm Hà
    Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH)
    Ra mắt vào năm 2019. Hàng tuần với 1 số phát sóng thứ hai lúc 9h30 - 10h00 trên Kênh Thời Sự Chính Trị AM 610Khz