Mã số N3009: TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xu thế không thể cưỡng lại

  - Chia sẻ:    
TP.HCM được xem là cái nôi về đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của cả nước. Nhiều năm gần đây, trung bình mỗi năm TP có hàng trăm sự kiện sôi động về KNĐMST diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, nằm trong tình hình chung của cả nước và thế giới, hoạt động này đang có dấu hiệu chững lại, cùng với vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại TP năm qua có phần sụt giảm.
TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu trong một sự kiện về ĐMST và chuyển đổi số.

Trao đổi trực tiếp cùng Tạp chí Khoa học phổ thông, TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP nhận định, đây chỉ là sự chững lại tạm thời, chủ yếu là do những yếu tố khách quan.

Chính sách kịp thời giúp hệ sinh thái KNĐMST TP phát triển vượt bậc

- Được biết, hệ sinh thái KNĐMST của TP đã hình thành rõ nét từ năm 2016. Đến nay, hoạt động này được đánh giá là phát triển năng động dẫn đầu cả nước. Vậy theo ông, đâu những nổi bật trong xuyên suốt các hoạt động KNSTĐM tại TP đã đạt được đáng để ghi nhận?

TS Nguyễn Việt Dũng: Nói đến hoạt động KNĐMST là nói đến các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), đó là một thế hệ doanh nghiệp mới, dựa trên những tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), những mô hình mới mang tính đột phá, bứt phá và có khả năng phát triển rất là nhanh. Đó là điều đặc biệt mà các startup rất khác so với các doanh nghiệp bình thường.

Ở TP.HCM, các hoạt động KNĐMST thực tế đã có từ lâu, là một trong những hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và thị trường. Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có hỗ trợ cho TP.HCM, cụ thể là Sở Khoa học Công nghệ để thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hệ sinh thái ĐMST tại TP.HCM lúc đó. Báo cáo đã nhận định là thời điểm ấy chúng ta đã có hệ sinh thái này nhưng ở mức sơ khai, với số lượng các cơ quan ươm tạo, tổ chức hỗ trợ còn ít và manh mún. Rồi các hoạt động, các cuộc thi, các quỹ đầu tư… cũng không nhiều.

Từ năm 2016, thông qua nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, TP đã chính thức đưa chương trình ĐMST đi vào cuộc sống. Trong đó, Sở KHCN có tham mưu về chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ra đời để thúc đẩy cho các hoạt động KNĐMST tại TP phát triển mạnh lên.

Như vậy, lúc ấy thông điệp của chính quyền TP rất rõ ràng, đó là câu chuyện mong muốn khuyến khích thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn, không chỉ là thông điệp chính trị mà bằng cụ thể các chính sách, điển hình như Chương trình nâng cao năng lực các thành phần của hệ sinh thái KNĐMST, Chương trình hỗ trợ dự án KNĐMST (Speedup). Rồi các chính sách để thúc đẩy truyền thông nhằm xây dựng văn hóa ĐMST cho cả cộng đồng, làm sao nhận thức cộng đồng ngày càng hiểu rõ hơn về ĐMST. Nghĩa là lan tỏa tinh thần luôn luôn phải sáng tạo, nghĩ ra những cái mới, điều mới, tạo ra các giá trị mới và dám đương đầu dám chịu những rủi ro, thách thức... Thành ra, chính sách truyền thông thời điểm đó bắt đầu đẩy rất mạnh.

Qua nhiều chính sách như thế tiến hành từ năm 2016, cho đến năm vừa rồi, TP được Tạp chí StartupLink, là tổ chức chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái ĐMST xếp TP.HCM hạng 111/1.000 TP toàn cầu có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh. Đây là một sự tăng trưởng vượt bậc với chỉ trong vòng 5, 6 năm TP đã có trên bản đồ ĐMST của thế giới.

Hiện nay, nếu như cả nước có khoảng 4.000 startup thì TP.HCM là luôn chiếm khoảng trên 50% với trên 2.000 startup. Hằng năm các doanh nghiệp khởi nghiệp của TP thu hút khoảng 60 % lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam.

Lý do tiếp theo, hệ sinh thái KNĐMST TP được xem là phát triển mạnh là vì có trên 40 vườn ươm và các tổ chức ươm tạo, chưa kể là hàng loạt các tổ chức trung gian để hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp. Hầu như là các trường đại học đều có hoạt động KNĐMST. Khoảng 100 trường hiện nay đã rất quan tâm thông qua những chính sách hỗ trợ TP và cũng tự làm, rồi cộng đồng tham gia… cho nên hệ sinh thái này rất là mạnh.

Mạng lưới các nhà cố vấn cho hệ sinh thái KNĐMST cũng phát triển dồi dào với hơn khoảng 200 chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ cho hoạt động này. Rồi hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đều có mặt tại TP.HCM… Ngoài, ra, hàng trăm sự kiện liên quan đến KNĐMST diễn ra mỗi năm như: sự kiện đào tạo, tập huấn kết nối, rồi các cuộc thi, triển lãm... Như thế, các hoạt động ĐMST quả thực rất là sôi động, hình thành nên nét văn hóa của cộng đồng này.

TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trao giải thưởng I-star về ĐMST và khởi nghiệp năm 2022 cho các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Xu hướng tất yếu và gia tăng các công cụ mạnh mẽ thúc đẩy KNĐMST

- Trong những năm công tác trong ngành thì ông đánh giá thế nào về tình hình và xu hướng phát triển của lĩnh vực KNĐMST trên thế giới và ở Việt Nam?

TS Nguyễn Việt Dũng: Thuật ngữ ĐMST hiện nay đã là xu thế không cưỡng lại được. Mặc dù là vừa qua khủng hoảng suy thoái kinh tế do đại dịch, có chững lại ở vốn đầu tư mạo hiểm. Trong năm vừa qua, vốn đầu tư mạo hiểm giảm gần một nửa so với trước đó.

Tuy nhiên là việc đó không có nghĩa là sẽ chững lại. Bởi vì xu hướng hiện nay, hoạt động KNĐMST là một  xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trong bối cảnh chuyển đổi số. Toàn cầu người ta đều đi theo xu hướng thế đó, cho nên là hoạt động ĐMST nói chung và KNĐMST nói riêng là xu thế tất yếu và tiếp tục phát triển.

Bằng chứng hiện nay là các trường đại học vẫn dạy về câu chuyện này và vẫn thúc đẩy tinh thần KNĐMST, đưa vào trong nội dung đào tạo và sinh viên bây giờ đều nắm bắt được xu thế đó và thúc đẩy các em dấn thân vào hoạt động này. Cho nên tôi nghĩ là hoạt động KNĐMST vẫn tiếp tục sẽ phát triển mạnh trong những năm tới tại Việt Nam và trên thế giới.

 
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp đoàn công tác Ban Đông Nam Á và Châu Đại dương - Bộ Công thương Singapore (MTI) ngày 27/4/2023.

- Từ những nhận định như vậy, ông có thể cho biết những hoạt động tập trung sắp tới của Sở Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực này? Để thúc đẩy hoạt động KNĐMST, TP có rất nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân tham gia cộng đồng này. Trong sự phát triển năng động của TP, vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Sở Khoa học và Công nghệ thì như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Việt Dũng: Thứ nhất là Sở Khoa học và Công nghệ được đã tham mưu cho TP ban hành Đề án 672 nhằm hỗ trợ để phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại TP giai đoạn 2021 - 2025, tiếp nối với đề án năm 2016 trước đó.

Trong đó, có 8 nhóm nhiệm vụ nhằm thúc đẩy tiếp tục phát triển của hệ sinh thái ĐMST của TP, với nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động của cộng đồng KNĐMST về huấn luyện nâng cao năng lực cho người muốn khởi nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí để các nơi, đơn vị tổ chức các sự kiện, hỗ trợ cho các cuộc thi để tìm kiếm các ý tưởng mới và ươm tạo. Rồi cũng có những chính sách để hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận với Speedup, tiếp cận các quỹ đầu tư, v.v…   

Bên cạnh đó, TP cũng đang xúc tiến để hình thành Viện Công nghệ tiên tiến ĐMST của TP.HCM. Đây là nơi để mà hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng trong câu chuyện chuyển giao công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ ứng dụng sản phẩm mới. TP cũng đang chuẩn bị hình thành Trung tâm KNĐMST. Dự án này đã triển khai xây dựng cách đây 2 năm. Theo báo cáo của đơn vị chủ đầu tư trong năm nay sẽ hoàn công và Sở đang tham mưu cho TP về đề án về mô hình hoạt động của trung tâm. Đấy là những đầu tư có trọng tâm cho KHCN, ĐMST của TP về cơ sở vật chất và không gian để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới.

Hiện Sở cũng tham mưu TP về Nghị quyết 54 sửa đổi trình Quốc hội, đề xuất kiến tạo một số chính sách về miễn, giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, thu hút chuyên gia... Tất nhiên cần phải tiếp tục xây dựng chương trình hành động, những chính sách cụ thể, nhưng mà nói chung là cố gắng kiến tạo chính sách trong khả năng của của TP, còn đúng là cộng đồng KNĐMST họ cần nhiều lắm, Nhà nước cũng không thể lo hết được.  

Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên đẩy mạnh hợp tác với lại các nước thời gian qua như: Úc, Phần Lan, Israel, News Zealand, Singapore…, nhằm trao đổi kinh nghiệm triển khai, thu hút nguồn lực hỗ trợ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong kết nối với hệ sinh thái KNĐMST của TP và mở ra cơ hội để startup Việt có thể tiếp cận với thị trường nước ngoài.

- Cảm ơn ông.

 
Ngày xuất bản: 12/05/2023

Thông tin

  • Tác giả: Trần Hồng Ân

    Tạp chí Khoa học phổ thông

    Đăng ngày: 12/05/2023