Mã số N3008: Thành phố Hồ Chí Minh với hành trình xanh đầy hy vọng

  - Chia sẻ:    

 

TP.HCM mong muốn và có những hành động quyết liệt để có một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Đó có thể gọi là khát vọng của Thành phố.

 

TP.HCM mong muốn và có những hành động quyết liệt để có một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Đó có thể gọi là khát vọng của Thành phố, bắt nguồn từ sự đòi hỏi của quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới. Bước vào năm 2024, khát vọng xanh ấy sẽ được hiện thực hóa mạnh mẽ hơn, đi sâu vào thực tế hoạt động doanh nghiệp, đời sống người dân Thành phố.

 

Khởi nguồn từ thực tế sản xuất

 

VietNipa là một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất sản phẩm từ cây dừa nước ở huyện Cần Giờ. VietNipa sử dụng tài nguyên bản địa của TP.HCM để sản xuất, kinh doanh và do một bạn trẻ quê TP.HCM - Phan Minh Tiến điều hành. Các sản phẩm từ mật hoa dừa nước của VietNipa ngày càng đa dạng, chất lượng, hoàn toàn có nguồn gốc thiên nhiên, tốt cho sức khỏe, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhìn xa và rộng hơn, anh Phan Minh Tiến còn tìm hiểu và nghiên cứu đẩy mạnh khai thác, sản xuất mật hoa dừa để góp phần bảo vệ môi trường. Anh cũng đang tìm hiểu về thị trường carbon, tín chỉ carbon mà cây dừa nước có thể tạo ra để thương mại hóa. Anh Tiến cho rằng: “Về mặt môi trường, bình quân một hecta dừa nước có thể hấp thụ 137 tấn carbon/năm. Đồng thời, việc khai thác mật dừa nước mà công ty đang thực hiện còn làm tăng lượng carbon được hấp thụ và chuyển hóa. Chỉ riêng huyện Cần Giờ có đến 900ha dừa nước cùng hàng ngàn hecta rừng, các doanh nghiệp như Vietnipa hoàn toàn có thể tham gia thị trường carbon, tham gia vào tăng trưởng xanh của TP.HCM”.

 

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cũng khẳng định, Cần Giờ là lá phổi xanh của TP.HCM nhưng trước nay chưa cụ thể hóa nguồn giá trị mang lại rõ rệt bằng việc tới đây sẽ bán tín chỉ carbon, góp phần vào kinh tế xanh của TP.HCM.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp có rất nhiều ở TP.HCM.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp như VietNipa có rất nhiều ở TP.HCM. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, mỗi năm Thành phố có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều đáng quan tâm là, hầu hết các doanh nghiệp này đều tạo nền tảng xanh, hướng đến bền vững ngay từ khi hoạt động.

 

Còn với các doanh nghiệp lớn của TP.HCM, chiến lược phát triển xanh được vạch ra và thực hiện từ rất sớm. Phát triển xanh ở các doanh nghiệp này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mà còn mang tính định hướng, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác. Vinamilk là một doanh nghiệp lớn, truyền cảm hứng như vậy. Trong chiến lược chuyển đổi xanh, bền vững của mình, Vinamilk đang thực hiện xanh hóa ở tất cả các khâu. Trong khâu chăn nuôi, 13 trang trại của Vinamilk trên cả nước tổ chức theo mục tiêu không có mùi hôi, không có nước thải ra môi trường. Ví dụ, một trang trại của công ty này ở TP.HCM có 8.000 con bò sữa, mỗi ngày thải ra 30 tấn phân, được đưa vào hệ thống biogas thành khí metan để thanh trùng sữa, sấy cỏ và phân bón dùng cho 500ha cây trồng… Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc điều hành Khối sản xuất, Công ty Vinamilk cho biết: “Đầu tư hệ xử lý chất thải, nước thải theo tuần hoàn cần có kinh phí nên doanh nghiệp nhỏ và vừa thường vướng mắc nếu muốn áp dụng. Nhưng nếu vượt qua được khó khăn này, tức là tìm được nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất tuần hoàn, thì việc tái sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm lại góp phần giảm chi phí cho toàn bộ quy trình sản xuất”.

 

Những yêu cầu về sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn thực ra đã có từ lâu và đến giai đoạn này mới bắt buộc thực hiện. Nhiều doanh nghiệp nhờ trước đây ý thức rõ vấn đề này, sớm xây dựng chiến lược thực hiện và đầu tư bài bản cho chuyển đồi xanh mà đang vượt qua được những khó khăn chung của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp có sự thay đổi đáng kể về nhận thức và hành động cho chuyển đồi xanh. Gói gọn trong 12 chữ: Xu thế phát triển - Điều kiện sống còn - Tương lai bền vững”.

 

Khát vọng xanh của Thành phố

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế 2023 của Thành phố với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” đã nhấn mạnh, TP.HCM cùng với nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu cùng với những bất cập, thiếu đồng bộ cần phải được giải quyết, thúc giục phải gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để ứng phó. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

 

TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung Chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách. Khung chiến lược xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; đồng thời thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành hoặc lĩnh vực tiên phong.

 

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM vào tháng 9/2023, UBND Thành phố trình HĐND thông qua nghị quyết về triển khai chương trình kích cầu đầu tư. Sự khởi động trở lại của chương trình kích cầu đầu tư có lồng ghép vào các dự án doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đồi xanh như: năng lượng áp mái, thay đồi quy trình sản xuất, xử lý đầu ra của chất thải sản xuất… được tiếp cận vốn kích cầu, lãi suất ưu đãi. Đồng thời, diễn đàn kinh tế vừa rồi có sự tham gia của các định chế tài chính nên cũng mở ra nhiều cơ hội nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố.

 

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để cho đích cuối cùng là tăng trưởng xanh giờ đây đã không còn dừng lại ở khái niệm mà đã từng bước trở thành hành động cụ thể với TP.HCM. Nhất là khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách phát triển TP cho phép những điểm rất mới, rất cụ thể. Trong đó có việc để có năng lượng xanh thì UBND TP.HCM có quyền quyết định sử dụng mái nhà ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan đơn vị được xác định là tài sản công đầu tư hệ thống điện mặt trời. Hay việc cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đầu tư từ nguồn ngân sách của Thành phố.

 

TP.HCM có tiềm năng trung hòa carbon, thậm chí là bán tín chỉ carbon vì có khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nhiều dư địa để phát triển năng lượng xanh như điện mặt trời áp mái, điện gió, nhiều doanh nghiệp sáng tạo, tái chế… Trong khi chờ phát triển thị trường carbon trong nước với các tiêu chuẩn đo đạc, kiểm định, xác nhận tín chỉ theo quy định, TP.HCM đã đề xuất được chủ động tiếp cận thị trường quốc tế để có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc giao dịch tín chỉ carbon. Theo đó, Thành phố dự kiến hợp tác với một số chuyên gia của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ Thành phố tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế, sẽ bán tín chỉ carbon cho bên mua để bên mua bù đắp lượng khí thải cam kết phải loại bỏ theo quy định…

 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, TP.HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4 - 12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Các nhà khoa học đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM cần phải nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho kinh tế TP, đóng góp vào kinh tế của cả nước. TP thấy rằng, những thúc bách từ bên trong như động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn… đòi hỏi phải có những hành động trước mắt và lâu dài để cải thiện.

 

Chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn

 

TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, TP.HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước).

 

TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. 

 

Sản xuất thì không thể không có phát thải, nhưng phải giảm đến mức có thể và phát thải ra thì phải có bù trừ. Cho nên, cần có nhiều giải pháp để trung hòa phát thải carbon, netzero là cân bằng giữa sản xuất và phục hồi (phát thải như cũ nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng bình thường). Từ đó dẫn đến những tư duy mới như: kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, tài chính xanh, nhân lực xanh, tiêu dùng xanh, tín chỉ carbon… Tất cả nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng xanh.

 

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023 về tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: “Về cơ bản, nền kinh tế của TP.HCM chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn. TP.HCM và các địa phương cần phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và Chiến lược từ Trung ương, đồng thời xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế và các ngành/lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, nguồn lực triển khai và huy động các doanh nghiệp và người dân”.

 

Tăng trưởng xanh được hiểu như một mô hình phát triển nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cân đối mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô của nền kinh tế, nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của doanh nghiệp, gắn kết người dân và cộng đồng vào những hành động chung, hướng tới mục tiêu chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

 

Việt Nam ủng hộ và luôn đồng hành cùng Liên Hiệp quốc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế và phát triển có tính bao trùm. Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được phê duyệt.

 

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

“TP.HCM và các địa phương cần phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và Chiến lược từ Trung ương, đồng thời xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế và các ngành/lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, nguồn lực triển khai và huy động các doanh nghiệp và người dân”.

 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Để thực hiện được các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ có nỗ lực hay quyết tâm chính trị vẫn chưa đủ, mà cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay rộng rãi của người dân, sự sáng tạo và tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, tính đồng bộ và hiệu quả của chính sách. Đồng thời, còn cần huy động một nguồn lực to lớn từ xã hội và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước”.

 

TP.HCM nhận trách nhiệm, sứ mệnh là địa phương đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Thành phố là địa phương nhận nhiệm vụ đầu tiên, nhận nhiệm vụ lớn nhất để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Thành phố không có sự lựa chọn nào khác và xem đây là tất yếu phải tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh, nỗ lực cho phát triển bền vững. TP.HCM xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế./.

 

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên:

“TP.HCM nhận thức rằng sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên đã chuyển hướng kiến tạo một hành trình mới, một hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn một tương lai bền vững” .

 

 

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi:

Đây là những vấn đề nội tại mà chúng tôi thấy, nếu không chuyển đổi xanh, nếu tiếp cận xu thế thế giới, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể, lâu dài thì chắc chắn kinh tế TP sẽ không tạo ra giá trị mới, năng lực cạnh tranh mới, không có đóng góp tốt cho nền kinh tế cả nước”.

 

Tác giả: Minh Hạnh

Đơn vị: http://baotnvn.vn/ 

 

Thông tin

  • Tác giả: Minh Hạnh