Mã số N3008: Công nghiệp TP.HCM phải trở thành "lõi" liên kết vùng

  - Chia sẻ:    

Đây là hướng phát triển được các chuyên gia gợi mở, thảo luận sôi nổi trong khuôn khổ tọa đàm "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM" vừa diễn ra

Có thể khẳng định rằng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, trung tâm, quan trọng hàng đầu của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua các kỳ đại hội, Ðảng đã đề ra và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tinh thần xuyên suốt, nhất quán là hướng tới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

 
Một góc Khu Chế xuất Tân Thuận, hình mẫu của TP.HCM trong phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung

Trên tinh thần đó, từ Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW đề cập và nhấn mạnh tính tổng thể, toàn diện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Ðây cũng là những định hướng để cụ thể hóa các chủ trương của Ðảng nêu trong Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII. Nghị quyết đã làm rõ nội hàm, nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là "quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Đáng chú ý, điểm mới của nghị quyết là nhận thức rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình bao trùm tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động của một quốc gia; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đầu tàu kéo - đẩy

Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm do Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) phối hợp tổ chức vào sáng ngày 10/5/2023, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM trích dẫn số liệu do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thống kê cho biết, ngành công nghiệp hiện chiếm tỷ trọng 18% GRDP của thành phố, 10% công nghiệp cả nước, và thu hút số lượng doanh nghiệp tương đương 11,46% tổng số lượng doanh nghiệp trên toàn địa bàn. 

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ trình bày tham luận "Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP.HCM" tại tọa đàm - Ảnh: Văn Tám

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng nêu ra 4 thách thức đối với ngành công nghiệp thành phố trong giai đoạn hiện này, cụ thể là tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP thành phố có xu hướng giảm và chững lại; quy mô ngành công nghiệp thành phố đang mất dần vị trí đứng đầu trong vùng Đông Nam bộ; tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp luôn thấp hơn tốc độ tăng GRDP của thành phố; so với các địa phương khác, đặc biệt là Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bình Phước diện tích đất công nghiệp TP.HCM là khá hạn chế.

TP.HCM hiện không còn nhiều đất công nghiệp sạch. Hiện TP.HCM có 17 khu công nghiệp đang hoạt động, chiếm 14,41% khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đều đồng tình cho rằng Hà Nội có Luật Thủ đô nhưng Luật Thủ đô rõ ràng không trao cho Hà Nội nhiều "quyền" như Nghị quyết 54 dành cho TP.HCM, nhiều khả năng ngay trong kỳ họp sắp tới thì Quốc hội sẽ sớm thông qua một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54 với nhiều bổ sung mới phù hợp hơn và tạo động lực nhiều hơn nữa cho sự phát triển xứng tầm của TP.HCM.

Và hơn bao giờ hết, TP.HCM phải tự tin khi nhận thấy thành phố hội tụ đủ điều kiện để dẫn dắt toàn vùng Nam bộ, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp với nền tảng chính yếu là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH quy định cụ thể nội dung thuộc 7 nhóm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Chia sẻ cụ thể hơn với các đại biểu tham gia tọa đàm, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, để phát triển ngành công nghiệp thì nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ là "phải tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó tập trung phát triển vào 6 phân ngành công nghiệp ưu tiên (sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử - công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su - plastic); từ đó làm nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác".

Từ đó, TP.HCM cũng đã đề ra các phương hướng triển khai, đó là tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của thành phố; khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai, nhân lực trình độ cao; đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các quốc gia đi trước; tái cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao (có hiệu ứng lan tỏa và tính chống chọi cao các nhân tố bất ổn); phát triển ngành công nghiệp TP.HCM trong tổng thể liên kết vùng.

Phát triển "ngành lõi" liên kết vùng

Theo lời GS. Nguyễn Kế Tuấn (Hà Nội), dưới góc nhìn "các cực tăng trưởng" của Việt Nam thì hiện chỉ có Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Song với vị trí và lợi thế vốn có của mình, TP.HCM chính là đầu tàu, không chỉ cho sự phát triển cho chính địa phương mình, mà còn đóng đóng vài trò đẩy - kéo cho cả vùng Nam bộ. 

"Dạo gần đây, thông tin về tốc độ tăng trưởng quý I/2023 của TP.HCM ở mức 0,7%, đã khiến cả nước xôn xao, bởi thăng trầm của TP.HCM không chỉ là của riêng thành phố, mà ảnh hưởng đến cả vùng, cả nước", GS. Nguyễn Kế Tuấn nhận định. 

Cũng theo lời GS. Tuấn, trong lĩnh vực kinh tế, có thể khẳng định rằng vai trò đầu tàu của TP.HCM là rõ ràng, nhưng trong lĩnh vực công nghiệp thì khách quan nhận thấy vai trò đầu tàu của thành phố chưa thể hiện rõ nét. 

TS. Nguyễn Ngọc Tân - Phó trưởng Phòng Tổng hợp Văn phòng UBND TP.HCM trình bày tham luận "Thực trạng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại tọa đàm - Ảnh: Văn Tám

Đồng quan điểm với GS. Tuấn, GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng khái cho rằng, không chỉ TP.HCM mà các địa phương đang tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp cần trả lời trung thực câu hỏi "cơ cấu ngành công nghiệp của địa phương chúng ta đã vững chắc chưa?".

GS-TS. Thuấn cũng cho rằng, đầu tư nước ngoài thông qua sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI là chủ lực, nhưng các nguồn nội lực cũng hết sức cần quan trọng, vì thế cần chú trọng phát triển, đặc biệt khi vai trò của khoa học - công nghệ ngày càng được các địa phương, trong đó có TP.HCM, đang hết sức quan tâm, dành nhiều nguồn lực.

Để làm rõ hơn ý này, ông Lê Thanh Minh - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ rằng, giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ phát triển một số ngành công nghệ nền tảng.

Chưa dừng lại ở đó, các chuyên gia tham dự tọa đàm đều cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hiện đại hóa công nghệ, thì bên cạnh việc thiết lập - duy trì các mối quan hệ bền vững trong lĩnh vực khoa học - công nghệ giữa các chủ thể chính là Nhà nước, cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, chúng ta cũng cần xem xét đến liên kết vùng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. 

GS-TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nêu ý kiến tại tọa đàm - Ảnh: Văn Tám

"Có một thực tế đó là, nói là hợp tác liên kết, nhưng nếu như trong lĩnh vực kinh tế, sự cạnh tranh là lớn sự liên kết, thì trong lĩnh vực khoa học - công nghệ chắc cũng như thế", GS-TS. Thuấn nhận định, "Vì thế, chúng ta phải xác định, đã hình thành vùng kinh tế trọng điểm về khoa học - công nghệ để phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa hỗ trợ cho ngành công nghiệp hay chưa?".

Thậm chí, nguồn chất lượng chất lượng cao, khởi đầu là sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp luôn có xu hướng bám trụ lại TP.HCM và thủ đô Hà Nội để sinh sống, làm việc; vì thế phát triển khoa học - công nghệ cho cả khu vực cần giải quyết bài toán nhân lực, phải chủ động hình thành tổ chức và duy trì mối quan hệ bền vững nhu cầu cung cấp nhân lực ngành khoa học - công nghệ, đáp ứng thiết thực nhu cầu từ phía doanh nghiệp ở nhiều địa phương.

Để gỡ "nút thắt" này, PGS-TS. Nguyễn Thành Hiếu (Đại học Kinh tế Quốc dân) gợi mở rằng, ngành công nghiệp TP.HCM nên chăng cần chọn phát triển theo hướng "đầu nguồn" để chủ động hơn trong liên kết phát triển vùng. Hay nói cụ thể hơn, theo diễn giải của TS. Hiếu, TP.HCM phải trở thành cái nôi, để từ đó là "lõi" cho cả vùng. 

"Có thể hy sinh một chút về phát triển công nghiệp trong giai đoạn trước mắt để phát triển các ngành công nghiệp lõi, nền tảng như khuôn dập, luyện kim; sau đó xem các tỉnh, thành lân cận chính là vệ tinh cho thành phố để cùng nhau phát triển ngành công nghiệp", TS. Hiếu nói.

Tán đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, TP.HCM đang làm câu chuyện liên kết vùng rất tích cực, không chỉ dừng lại ở ký kết và triển khai "liên kết vùng ở mọi ngành" chứ không chỉ riêng ngành công nghiệp.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM đồng thời bày tỏ sự đồng tình với ý kiến được nhiều chuyên gia nêu lên tại tọa đàm khi cho rằng "liên kết vùng cần, thậm chí rất cần, sự quy hoạch và điều phối từ Chính phủ".

GS-TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, gắn liền với các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì chúng ta cần đi nhanh, đi thẳng vào câu chuyện "làm thế nào" và giải quyết rốt ráo một số giải pháp trọng tâm như:

Thứ nhất, phải dành quỹ đất hợp lý cho ngành công nghiệp, và các khu công nghiệp.

Thứ hai, phải cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt hơn, đừng để tình trạng sở, ngành này đẩy sở, ngành nọ.

Thứ ba, muốn thu hút công nghiệp hiện đại, có chọn lọc, thân thiện với môi trường thì đừng ngồi một chỗ, thay vào đó phải chủ động đi "mời chào" doanh nghiệp, phải tạo ra điều gì đó hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp.

Thứ tư, nói nhiều về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thì cần các đề án cụ thể để từ đó chủ động hơn trong công tác tuyên truyền giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Và khi đã có đề án, thì phải đeo bám cho chỉ đạo, điều hành.

Thứ năm, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho ngành công nghiệp, thì nỗ lực không chỉ xuất phát từ phía doanh nghiệp, mà phải từ cả phía chính quyền.

Thứ sáu, để thu hút chuyên gia và nhà khoa học giỏi, thì nếu cần, Nhà nước có thể tăng mức hỗ trợ (lần đầu) cao hơn nữa so với mức hỗ trợ hiện nay.

Thứ bảy, cần có sự quyết liệt từ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố cho đến từng sở, ngành, quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương; gắn liền với chủ trương "khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".

 
Ngày xuất bản: 12/05/2023

Thông tin

  • Tác giả: An Huy

    Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn

    Đăng ngày: 12/05/2023