Mã số N3004: Chuỗi tác phẩm tọa đàm "Thành phố Thủ Đức phát triển đô thị thông minh, sáng tạo - cần những cú hích để vươn tầm"
Phát sóng trên kênh AM 610 Khz của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM – VOH.
Phóng sự 1: Đô thị thông minh - Xu hướng phát triển tất yếu, bền vững.
Thời gian phát sóng: Kỳ 1 ngày 19/12/2022 - Thời sự, 07h30-8h00
MC1: Phát triển bền vững – ngày nay, không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đó là yêu cầu phải phát triển các dự án thông minh và đáng sống để hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hay nói cách khác, đô thị thông minh; thành phố thông minh chính là chỗ ở mới của cư dân thời đại mới.
Với đô thị thông minh, công nghệ là công cụ, phương tiện, hướng đến chất lượng đáng sống của từng đô thị, tính cạnh tranh của từng đô thị, quản trị và an ninh an toàn sống trong khu đô thị. Đặc biệt là khả năng thích ứng, ứng phó với các tình huống bất thường của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra trong đô thị.
Và mọi nỗ lực khi xây dựng các khu đô thị thông minh đều phải đạt được 2 mục tiêu. Mục tiêu ngắn hạn là tạo được dự án cạnh tranh và hấp dẫn cho nhà đầu tư. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng sống cho con người, bảo vệ môi trường để đảm bảo chất lượng sống. Với người dân ở TP.HCM, họ có nhận định và kỳ vọng gì về đô thị thông minh. Chúng ta cùng nghe một số ý kiến ngay sau đây:
2 Băng người dân: (Thuận tiện thứ nhất là tiết kiệm thời gian đi lại, thứ hai người dân có thể làm trực tuyến bất cứ đâu, miễn nơi nào có wifi, như vậy có lợi cho kinh tế rất nhiều – khi muốn xây dựng đô thị thông minh tức là muốn kết nối giữa con ngươi với con người (vạn vật), một là phải nâng cao trình độ, hai là xây dựng hệ thống kỹ thuật chính quyền dựa trên công nghệ hiện đại, nhưng với người lớn tuổi như tôi thì tiếp thu chậm lắm, nên là cần phải có cách nào đó cho đối tượng này dễ dàng tiếp cận và thực hiện.)
Như những chia sẻ quý vị vừa nghe thì có thể thấy khu đô thị thông minh không bắt đầu bằng công nghệ và cũng không kết thúc bằng công nghệ. Cốt lõi là làm sao tạo ra được một đô thị khiến cho con người hạnh phúc hơn, có được chất lượng sống tốt hơn.
Tại TP.HCM, ngay từ khi thành lập, quy hoạch đô thị của TP.Thủ Đức hướng tới đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao. TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TP.HCM.
Sau gần 2 năm thành lập, xây dựng và phát triển, câu hỏi đặt ra đó là TP.Thủ Đức – Thành phố thông minh được kỳ vọng đã có hình hài như thế nào? Kết quả bước đầu của câu chuyện hợp tác để xây dựng đô thị thông minh, với vai trò của 4 nhà là chính quyền, nhà đầu tư, các chuyên gia tư vấn giỏi và đặc biệt là cư dân hiện ra sao? Và cốt lõi, chất lượng sống của người dân đã được nâng lên hay chưa, đã có bước chuyển như thế nào và lương lai ra sao? Song song đó, việc xây dựng TP.Thủ Đức trở thành đô thị thông minh sáng tạo liệu có gặp những trở ngại gì? TP.Thủ Đức cần những cơ chế đặc thù nào để phát triển như kỳ vọng đặt ra?
MC2: Vâng, Thưa quý vị!
Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa. TP.Thủ Đức là thành phố trong thành phố, hội đủ tất cả yếu tố để hình thành 1 hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Đến với buổi tọa đàm “THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH, SÁNG TẠO” và để trả lời cho những câu hỏi được đề cập đến trong phóng sự vừa rồi, trong phòng thu giờ đây chúng tôi có 3 vị khách mời, xin được trân trọng giới thiệu:
- Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức.
- Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC TP.HCM.
- Và ông Đỗ Đức Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Trước tiên, thưa ông Nguyễn Kỳ Phùng, với vai trò là người quản lý TP.Thủ Đức, ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được trong thời gian qua, đó có thể là những tiền đề, là nền tảng vững chắc cho phát triển đô thị thông minh, sáng tạo?
Ông Nguyễn Kỳ Phùng: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thì chúng ta hiểu rằng TP Thủ Đức là TP Trong TP, thành ra hệ sinh thái khởi nghiêp và đổi mới sáng tạo ko tách rời hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM, trên cơ sở đó thì xin chia sẻ một vài thông tin diễn đàn kinh tế thế giới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có một số yếu tố cơ bản: thị trường, nguồn nhân lực nguồn vốn, tài chính hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, các trường đại học và văn hóa. Như vậy, chúng ta thấy TP.Thủ Đức hội đủ tất cả yếu tố để hình thành 1 hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Hiện nay thì chúng tôi đang hoàn thành tất cả các thủ tục pháp lý để thành tập trung tâm khởi nghiệp và xúc tiến thương mại đầu tư đặt trên địa bàn TP.Thủ Đức. Với sở KHCN, nơi tôi từng công tác, thì có một số hợp tác vô cùng chặt chẽ, VD: chúng tôi có sự hỗ trợ của sở KHCN về hệ thống thông tin địa lý trong suốt khoảng thời gian chống dịch và hiện nay khi mà kinh tế bắt đầu phát triển thì chúng tôi được thụ hưởng toàn bộ hệ thống thông tin địa lí của TP.HCM mà trung tâm GIS thuộc sở KHCN xây dựng.
Sở KHCN cũng hỗ trợ Thủ Đức chúng tôi xây dựng 1 số các nhiệm vụ, dự án lớn về chính sách, VD: đánh giá chỉ số công nghệ thông tin, đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo của thành phố Thủ Đức, xây dựng chiến lược du lịch cho TP Thủ Đức, tức là sự cộng tác của TP.HCM ở đây nói luôn là sở KHCN với TP.Thủ Đức rất chặt chẽ, chúng tôi cũng phối hợp với sở KHCN cùng với các trường đại học thành viên ở ĐHQG tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến đô thị sáng tạo, khởi nghiệp VD: vừa rồi chúng tôi có phối hợp với sở KHCN thi các cuộc thi về EDUTECH và về giáo dục, vừa rồi phối hợp với Đại học CNTT tổ chức các hội thảo về AI, dữ liệu lớn trong đấy có sự tham gia của sở KHCN.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, mặc dù chưa đến 2 năm thành lập, sự phối hợp của TP.Thủ Đức với các đơn vị TP.HCM rất chặt chẽ và TP.HCM rất hỗ trợ chúng tôi trong việc thúc đẩy TP.Thủ Đức trở thành 1 trong những trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP.HCM.
MC1: Cám ơn ông Nguyễn Kỳ Phùng! Trong vòng 18 tháng, nếu đánh giá sự đổi mới, sáng tạo có thực sự rõ nét và đúng với kỳ vọng hay không thì có lẽ là có phần vội vàng. Thế nhưng, thưa ông Nguyễn Kỳ Phùng, chúng tôi biết rằng, bức tranh đổi mới sáng tạo ở TP.Thủ Đức đã hình thành, đã có những kết quả tích cực, được người dân đón nhận như các dịch vụ công đều làm trực tuyến, chữ ký số… Vậy thì ông có thể thông tin rõ hơn về điều này?
Ông Nguyễn Kỳ Phùng: Sự thay đổi này thì trong vòng 18 tháng thì cũng khó để đánh giá nó như thế nào, nhưng những bước đi mà chúng tôi đang thực hiện rất bài bản, tức là đầu tiên chúng tôi có chiến lược, sau đó xây dựng kế hoạch, và chúng tôi có lộ trình, trong đó quan trọng nhất là 2 vấn đề lớn: nhân lực và tài chính. Hiện nay quyết tâm chính trị của lãnh đạo là có, nguồn nhân lực thì chúng tôi đang cố gắng, nội tại chúng tôi chưa đủ thì chúng tôi sẽ kết hợp với các đơn vị khác ở trên TP.HCM, các trường đại học, các viện và các sở ngành để hỗ trợ chúng tôi. Hiện nay thì các sở ngành VD: sở KHCN, sở TTTT, sở tài chính có đầu tư, rất là hỗ trợ chúng tôi trong việc xây dựng kế hoạch ghi vốn v.v. Mặc dù chúng tôi hiểu đó là việc lâu dài và có những khó khăn trong đấy nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đeo bám.
Cái tiếp theo là có 1 cái lợi là TP.Thủ Đức chúng tôi có hội đồng nhân dân và chúng tôi cũng được quyết định phần ngân sách để hỗ trợ các chương trình này, trong 2 năm vừa qua chúng tôi có khá nhiều thay đổi về chuyển đổi số chẳng hạn, chúng tôi đã xây dựng được 1 trung tâm điều hành thông minh, chúng tôi cũng xây dựng được cổng thông tin chung cho TP.Thủ Đức, tất cả các dịch vụ công chúng tôi đã làm trực tuyến hết, cấp độ 3, cấp độ 4 và cuối năm nay chúng tôi xác định rằng hiện nay là 7/34 phường đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đã hoàn chỉnh và đến cuối năm nay thì 34 phường sẽ hoàn chỉnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 phục vụ cho người dân, chữ ký số chúng tôi cũng thực hiện cách đây nửa năm rồi, một số ứng dụng như app Thủ Đức Công Dân là 1 nơi tương tác của chính quyền Thủ Đức với người dân cũng như các dịch vụ liên quan đến người dân thì chúng tôi đẩy lên trên này hết và người dân có thể vào.
Vừa rồi chúng tôi cũng đã thí điểm cổng thông tin đất đai, người dân có thể biết được hồ sơ của mình đang đến đâu, nằm chỗ nào, nằm ở chi cục thuế hay ở chi nhánh văn phòng quản lý đất đai hoặc nằm ở phòng tài nguyên môi trường; tức là chúng tôi đang xây dựng và có 1 số kết quả ban đầu rất đáng khích lệ và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng để làm sao thực hiện theo đúng kết hoạch đề ra hàng năm…
MC2: Thưa quý vị! Như ông Nguyễn Kỳ Phùng vừa chia sẻ thì đã và đang có sự đổi thay được xem như là nền tảng cho xây dựng và phát triển đô thị thông minh – sáng tạo ở TP.Thủ Đức. Chúng ta đều biết, trong định hướng phát triển của TP.Thủ Đức thì 3 trụ cột chính là ĐHQG TP.HCM, Khu CNC TP.HCM và Khu tài chính Thủ Thiêm. Và có mặt trong buổi tọa đàm hôm nay, thưa ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC TP.HCM - Với tính chất của một khu kinh tế, kỹ thuật đặc biệt; sau 20 năm thành lập, khu công nghệ cao đã đạt những thành tựu nào để khẳng định là nơi tập trung phát triển các năng lực nội sinh về công nghệ cao cho Quốc gia?
Ông Nguyễn Anh Thi: Khu CNC TP.HCM là khu kinh tế kỹ thuật có tính chất đặc biệt, đặc biệt ở đây là nó tập trung vào phát triển các năng lực nội sinh về công nghệ cao cho Quốc gia. Có thể nói nó là một khu kinh tế kỹ thuật đặc biệt, tầm nhìn đến 2045 sẽ trở thành tiểu khu đô thị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nằm trong lòng thành phố Thủ Đức và định hướng phát triển là khu đô thị sáng tạo tương tác cao.
Trong lộ trình phát triển của khu công nghệ cao xác định tại báo cáo nghiên cứu khả thi cách đây 20 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn khởi động tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu công nghệ cao ở quy mô 913ha, tạo điều kiện thuật lợi thất để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài về công nghệ cao qua đó thì tiếp thu và lan tỏa công nghệ cao vào Việt Nam, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển thứ 2 là Giai đoạn phát triển, tập trung phát triển vào năng lực nội sinh tức là phát triển những doanh nghiệp trong nước.
Khu công nghệ cao vừa kỷ niệm 20 năm, có thể nói rằng là đánh dấu bước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là tập trung vào phát triển năng lực nội sinh. 20 năm phát triển vừa qua tập trung vào thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay thì khu công nghệ cao đã thu hút được 160 dự án còn hiệu lực, trong đó có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư khoảng trên 10 tỷ đô, còn lại là các doanh nghiệp đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đô.
Cái đọng lại quan trọng nhất của khu công nghệ cao sau 20 năm phát triển là hình thành nên 1 số hệ sinh thái ngành mạnh trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển về công nghệ cao bao gồm vi điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác tự động hóa và công nghệ nano, và tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao trong những lĩnh vực này. Đó là những tiền đề để phát triển năng lực nội sinh, tức là phát triển doanh nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tới.
MC1: Khu CNC TP được cho là hạt nhân tích cực trong sự phát triển khoa công nghệ phía đông của thành phố và cả nước, góp phần hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu CNC TP sẽ nỗ lực đạt được các mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là nơi sản xuất có hàm lượng công nghệ cao mà là nơi sáng tạo công nghệ, là khu đô thị sáng tạo mở, kết nối và mang tầm quốc tế. Và đặt mục tiêu ưu tiên nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp vi mạch, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, môi trường. Nhân đây, ông Nguyễn Anh Thi cho biết thêm về những tiềm lực mà Khu CNC sẵn có để có thể tạo nên sức bật trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Anh Thi: Như tôi nói lúc nãy thì sau hơn 20 năm với việc tập trung vào thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì đã hình thành nên các hệ sinh thái ngành tương đối mạnh trong những lĩnh vực ưu tiên như tôi mới vừa nhắc lúc nãy, và song song với đấy thì ngay từ đầu, trong giai đoạn đầu khi mà thành lập khu công nghệ cao thì lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ban quản lý đã quan tâm đến việc xây dựng nội lực về nghiên cứu, đạo tạo và ưu tạo. Cụ thể là liên tục trong 3 năm 2004, 2005, 2006 khu công nghệ cao đã thành lập 3 đơn vị trực thuộc là Trung tâm đào tạo công nghệ cao, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu triển khai. Đây là những cánh tay nối dài của ban quản lý khu công nghệ cao trong thực hiện nhiệm của của mình trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh. Đây là những đơn vị cơ bản đã trưởng thành sau 15-17 năm, nếu chúng có theo dõi thì những đơn vị này có những hoạt động rất nổi bật trong thời gian vừa qua, đóng vai trò quan trọng trong gắn kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các trường viện trên địa bàn để nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ.
Như vậy thì tiềm lực khoa học công nghệ của khu công nghệ cao nằm chủ yếu ở doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và để khai phá tiềm lực đấy thì sự gắn kết giữa đại học, trường viện với các doanh nghiệp rất là quan trọng, thì chúng ta cũng có sẵn những công cụ mà chúng ta đã xây dựng cách đây 15-16 năm là các đơn vị trực thuộc đóng vai trò gắn kết, liên kết. Có thể nói sao 20 năm đã xây dựng được những cơ sở cho giai đoạn phát triển kế tiếp là phát triển năng lực nội sinh.
MC2: Xin cảm ơn ông Nguyễn Anh Thi! Và qua những chia sẻ vừa rồi của ông Thi thì thưa ông Nguyễn Kỳ Phùng, chúng tôi rất muốn biết chính quyền TP.Thủ Đức đã có sự chia sẻ, chất xúc tác gì để thúc đẩy sự phát triển của Khu CNC cũng như hai bên đã có sự đồng hành song song như thế nào trong mục tiêu xây dựng TP.Thủ Đức trở thành đô thị thông minh sáng tạo?
Ông Nguyễn Kỳ Phùng : Với khu công nghệ cao thì chỗ tôi với anh Thi đã có phối hợp từ lâu rồi và khi tôi về Thủ Đức thì cái sự phối hợp này càng phát triển. Có những việc về đổi mới sáng tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ thì khi chúng tôi gặp anh Thi ở ĐHQG, tôi ở sở công nghệ thì chúng tôi đã có những hợp tác hỗ trợ các trung tâm R&D của khu công nghệ cao có những đề tài nghiên cứu ra những mẫu pilot để thương mại hóa những vấn đề đấy cũng như là sở hữu trí tuệ. Hiện nay khu công nghệ cao có những trung tâm R&D, trung tâm đào tạo, trung tâm thiết kế vi mạch tương đối mạnh, thuộc loại nhất nhì cả nước, thành ra sự hợp tác về khoa học công nghệ rất chặt chẽ không có gì bàn cãi.
Mảng thứ 2 hiện nay khu công nghệ cao đang vướng đó là vấn đề đất đai. Để phát triển các vấn đề về khu đất mà hiện nay đang có những vướng mắc như là đền bù, giải tỏa, quy hoạch… có 1 cái khó cho khu công nghệ cao đó là vấn đề bây giờ khu công nghệ cao không tự quyết được mà phải trình lên các sở, ban ngành TP.HCM, thành ra chỗ chúng tôi với anh Thi, anh Hoàng Tùng chủ tịch thường xuyên gặp nhau để trao đổi các vướng mắc về vấn về quy hoạch trong khu công nghệ cao, đền bù giải tỏa có những cuộc họp rất thường xuyên, anh Tú phó chủ tịch bên phụ trách cũng thường xuyên gặp để mà cùng nhau giải quyết những vấn đề đấy, và hợp tác chúng tôi rất chặt chẽ…
MC2: Chắc chắn, trong tiến trình xây dựng TP.Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, thì ngay từ đầu, không thể không kể đến sự tham gia của các ông lớn về công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi được biết, hệ thống trung tâm điều hành thông minh của TP.Thủ Đức là sự hợp tác đầu tiên với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). VNPT cũng đang hợp tác với TP.Thủ Đức trong việc xây dựng dữ liệu dùng chung – là mấu chốt của việc điều hành trong 1 đô thị lớn. Là Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh của VNPT, thưa ông Đỗ Đức Trung, ông có thể chia sẻ thêm về sự đồng hành, hợp tác giữa VNPT và TP.Thủ Đức, đặc biệt là trong thời gian sắp tới cụ thể như thể nào?
Ông Đỗ Đức Trung: Hiện VNPT cũng đã hỗ trợ cho TP.Thủ Đức kết nối một số dữ liệu của nội bộ của TP.Thủ Đức, cũng như các ngành, để đem về trên cái hệ thống quản trị điều hành từ đó xây dựng ra. Về quản trị phục vụ cho công tác điều hành của lãnh đạo thành phố, đến thời điểm hiện nay thì cũng thông tin sơ bộ là một số lĩnh vực trọng yếu của các ngành cũng đã kết nối được các dữ liệu như là về: y tế và giáo dục và sắp tới là đến các lĩnh vực khác như là giao thông đường bộ. Thực tế mà nói thì TP.Thủ Đức là địa phương đầu tiên mà chúng tôi làm, đặt đầu bài là chúng tôi không chỉ sử dụng dữ liệu tại địa phương mà còn kết nối cả dữ liệu ngành khác về để phục vụ công tác chia sẻ và điều hành thì tôi nhận thấy đây là một trong những cái định hướng rất là tiên phong và cũng rất là hiệu quả của lãnh đạo TP.Thủ Đức. Trong thời gian tới thì việc kết nối này ngày càng mở rộng và nó sẽ đem lại những bức tranh mà dần dần sẽ rõ ra từng mảng trong công tác điều hành để phục vụ cho lãnh đạo và song song đó việc đồng bộ dữ liệu từ các hoạt động của TP.Thủ Đức lên trên hệ thống quản trị của TP.HCM, qua đó thì lãnh đạo TP.HCM cũng theo dõi, có những chỉ đạo kịp thời hỗ trợ đúng lúc cho TP.Thủ Đức trong việc phát triển.
Quá trình đồng hành TP.Thủ Đức trong thời gian vừa qua thì tôi nhận thấy là có 1 điều rất là vinh dự được làm việc với các anh lãnh đạo đều có sự quyết tâm chuyển đổi số rất là lớn cũng như tầm nhìn hết sức chính xác. Về việc tầm quan trọng của việc hình thành các hệ thống dữ liệu nền tảng thì như mọi người điều biết, các dữ liệu chính là chìa khóa then chốt nhất trong cái việc chúng ta điều hành được hiệu quả, vận hành được và có thể dự báo được cho các hoạt động trong tương lai không, thì tôi thấy TP.Thủ Đức hiện nay có những bước tiến rất là vững chắc trong việc xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu tại TP.Thủ Đức để qua đó là hình thành dữ liệu qua thời gian có đủ chiều rộng cũng như chiều sâu để phục vụ cho công tác điều hành cũng như dự báo phát triển kinh tế xã hội sau này.
MC1: Cảm ơn những chia sẻ của ông Nguyễn Kỳ Phùng, ông Nguyễn Anh Thi và ông Nguyễn Đức Trung. Với những thông tin mà ba vị khách mời vừa đề cập, chúng ta có niềm tin không xa TP.Thủ Đức sẽ trở thành một đô thị thông minh sáng tạo đúng không ạ?
Tuy nhiên, thưa quý vị, để xây dựng một đô thị thông minh sáng tạo – mà ở đây cụ thể là TP.Thủ Đức – là điều không dễ, không phải ngày một ngày hai; bởi cần nhiều nguồn lực, nhân lực chất lượng cao và cả những quyết sách. Nền tảng, nguồn lực và tiềm lực đã có. Nhưng TP.Thủ Đức vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được như kỳ vọng đặt ra. Cần gì và làm như thế nào? Các khách mời sẽ tiếp tục trao đổi trong phần 2 tọa đàm với chủ đề “Thành phố Thủ Đức cần những cú hích để vươn tầm” vào chương trình thời sự ngày mai trên sóng AM 610Khz của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM – VOH. Mời quý vị đón theo dõi./.
Phóng sự 2: TP.Thủ Đức cần gì và làm gì cho khát vọng đổi mới sáng tạo?
Thời gian phát sóng: Kỳ 2 ngày 20/12/2022 - Thời sự, 07h30-8h00
MC2: Xây dựng đô thị thông minh là con đường để phát triển hiện đại, nhanh và bền vững – Điều này đã được chính quyền TP.Thủ Đức xác định và nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế sẵn có của cả hai bên để triển khai đô thị thông minh trong thời gian ngắn nhất, sớm mang lại hiệu quả cho người dân và chính quyền thành phố.
Đồng thời sử dụng nguồn lực tốt nhất trong điều kiện cho phép để đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng mạng lưới, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; Cam kết tư vấn, giới thiệu, xây dựng và triển khai cho TP.Thủ Đức các công nghệ mới nhất, thành tựu mới nhất trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng cung cấp hệ thống hạ tầng mạng, giải pháp công nghệ trên các lĩnh vực đô thị thông minh.
Sự “thay da đổi thịt” của nền hạ tầng cũng ghi nhiều dấu ấn đậm nét. Hàng loạt dự án hạ tầng, tiện ích công được ưu ái cho thành phố Thủ Đức trong khoảng 3 năm gần đây, tạo bệ phóng cho thành phố trọng điểm, cửa ngõ TP.HCM. Mục tiêu đến năm 2025 thành phố có 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng; hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến BRT.
Cũng cần khẳng định rằng, đổi mới sáng tạo không dừng lại ở bất kỳ lĩnh vực nào. Bất kể việc gì trong hoạt động sống của con người đều có những đổi mới sáng tạo miễn làm sao phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, phục vụ cho công việc. Trong nhận thức về đổi mới sáng tạo là làm sao quản lý quy hoạch, có những phương thức quản lý đô thị một cách thông minh nhất; những diễn biến gì diễn ra ở đô thị thì lãnh đạo chính quyền địa phương phải biết được một cách nhanh nhất và phải cung cấp được những tiện ích để cho người dân có thể tiếp cận.
Băng (Nói về thủ tục hành chính, mình đi làm giấy tờ hay đăng ký tạm trú thì rất tốt. Các đồng chí rất nhiệt tình, hẹn rất tích cực. Công an khu vực gọi điện làm cho xong cho hết. Hành chánh thì giấy tờ cho xuống ký, cho chứng nhận thì làm xong ngay.
Người dân sẽ giảm việc đi lại và nếu như được tra cứu thông tin cá nhân chẳng hạn như hộ khẩu hoặc các giấy tờ tùy thân, chứng nhận hôn nhân, độc thân… những cái đó mà không cần ra phường xác nhận thì rất là tốt.).
Người dân đã thấy được sự thông thoáng khi giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính cũng như sự kết nối giữa chính quyền và người dân đã có sự rút ngắn về khoảng cách. Thế nhưng, đó chỉ là bước đi đầu tiên.
Băng (Hiện tại thì tôi kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều hướng trực tuyến, nâng cấp hiệu quả hơn, đơn giản hơn để mọi thành phần từ trẻ đến già có thể nắm bắt được một cách nhanh chóng và hiệu quả.Cũng rất mong là khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì cũng cần đồng bộ, đồng nhất. Thành phố đã được quy hoạch đô thị ngày càng xanh hơn, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Và với xu hướng chúng ta chuyển đổi số thì công tác về dịch vụ cũng như quản lý tại địa phương đã bắt đầu chuyển giao thành công nghệ thông tin thì người dân sẽ giảm tải những áp lực khi mà những nhu cầu về quản lý hồ sơ thì tôi tin rằng thành phố sẽ ngày càng thay đổi và càng phát triển).
Người dân tin tưởng chờ đợi vào các cấp lãnh đạo sẽ có động thái, với những đề xuất về cơ chế, chính sách để phát triển TP.Thủ Đức trong tương lai bởi đây là mô hình chưa từng có tiền lệ. Và TP.Thủ Đức, cần gì để quá trình xây dựng đô thị thông minh sáng tạo được đẩy nhanh hơn, bền vững hơn?
MC1: Thưa quý vị, trong phóng sự vừa rồi chúng ta thấy được phần nào sự hài lòng của người dân khi được phục vụ với dịch vụ hiện đại. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trước khi sát nhập, dù là có cải cách hành chính nhưng có vẻ như người dân đến nộp hồ sơ nhanh hơn sau khi thành lập TP.Thủ Đức. Ông Nguyễn Kỳ Phùng nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Kỳ Phùng; Điều đấy cũng dễ hiểu thôi, vì ngay sau khi thành lập, tôi xác định TP Thủ Đức là 1 địa bàn rộng và dân số rất đông, cũng có ý kiến rằng là trước khi nhập TP.Thủ Đức người dân đến nộp hồ sơ nhanh hơn sau khi thành lập TP.Thủ Đức, đều đó cũng dễ hiểu thôi, ngày xưa 1 chuyên viên chỉ xử lý 1 việc ở 1 quận, còn ngày nay cũng 1 chuyên viên ấy có thể xử lý 3 việc ở 3 quận. Nếu chúng ta không có giải pháp nào để cải cách hành chánh cũng như là ứng dụng CNTT trong xử lý hồ sơ công việc thì chắc chắn sẽ bị nghẽn, công việc sẽ không chạy. Do đó chúng tôi cũng xác định ngay làm sao chúng tôi có thể ứng dụng tối đa CNTT trong việc thực thi các việc từ câp chuyên viên cho đến cấp lãnh đạo, do đó chúng tôi cũng đã phối hợp với 1 số đơn vị tư vấn xây dựng 1 số phần mềm, VD: phần mềm văn phòng điện tử, trong đấy chúng tôi có lịch hợp, phòng họp không giấy, chữ ký số, điểm danh tự động v.v tức là xuyên suốt từ đồng chí chủ tịch cho đến 34 phường là chúng tôi qua cái đấy, mời họp… có các app như Thủ Đức Người Dân, Thủ Đức Công Chức, tất cả những cái đấy thì kết nối vào các phòng ban, hệ thống ICT về thống kê, báo cáo chúng tôi đã hoạt động được gần 1 năm rồi, tất nhiên có những số liệu 3 tháng chúng tôi mới báo cáo 1 lần có những số liệu thực báo cáo hàng ngày thì đều được thể hiện.
Các phòng ban có hơi cực 1 tí trong thời gian đầu, tại vì trong thời gian đầu thì các số liệu có các phần mềm chuyên ngành khác nhau ở các phòng ban, thì các phần mềm đấy khi mà xuất dữ liệu thì ko thể nào kết nối thẳng đến hệ thống điều hành thông minh mà phải qua 1 công IPI hoặc phải chuyển đổi dữ liệu thì có hơi cực, nhưng tôi nghĩ trong năm 2023 thì tất cả sẽ thông suốt và điều hành sẽ tốt theo thời gian thực.
Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 như lúc nãy tôi có trình bày thì đến cuối năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành xong việc dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Sắp tới chúng tôi cũng bổ sung hàng loạt ứng dụng, ví dụ hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP.Thủ Đức. Hiện nay trên địa bàn TP.Thủ Đức có hơn 7 camera do công an và chính quyền quản lý và chúng tôi đang thống kê toàn bộ những cái đấy và phân theo từng cấp, các loại camera nào, độ phân giải bao nhiêu để sắp tới trong năm 2023 chúng tôi đầu tư cập nhật lại và trang bị thêm hệ thống camera cộng với các phần mềm xử lý hình ảnh, tất cả những cái đấy để xem nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng biển số, giám sát môi trường… có 1 việc nhỏ nhưng đang đem lại hiệu quả rất lớn ví dụ vừa rồi chúng tôi đã trang bị trong công an, quân đội và 34 phường các flycam để giám sát môi trường, giám sát trật tự xây dựng,...
Chúng tôi hiện nay đang đánh giá lại các chỉ số ứng dụng CNTT, chỉ số chuyển đổi số cho địa bàn TP.Thủ Đức để chúng tôi biết được là chúng tôi đang nằm ở đâu rồi từ đó chúng tôi mới đi tiếp, thiếu cái gì thì chúng ta bổ sung cái đấy, mạnh cái gì chúng ta phát triển nó lên. Các ứng dụng chuyên ngành thì hiện nay chúng tôi cũng đang tập trung phục vụ cho các lĩnh vực, đặc biệt là tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, ví dụ vừa rồi ra một cổng thông tin về đất đai liên thông được chi cục văn phòng đăng ký đất đai với chi cục với chi cục thuế và phòng tài nguyên môi trường để làm sao khi người dân nộp vào sẽ không cần đem hồ sơ qua chi cục thuế để đánh giá lại hợp đồng mua bán có đúng giá hay không mà tự động chuyển qua chuyển qua để đỡ phiền hà người dân đi lại, tức là những ứng dụng chúng tôi đang làm cố gắng phục vụ người dân tốt hơn và chúng tôi cũng rất kỳ vọng trong những năm tiếp theo đến năm 2025 thì cũng tôi cố gắng phấn đấu cho những kế hoạch mà TP.HCM đã đề ra đặc biệt cho TP.Thủ Đức là đô thị thông minh, các vấn đề chuyển đổi số chúng tôi có cố gắng cơ bản sẽ thực hiện.
MC2: Xin được lắng nghe thông tin từ ông Nguyễn Kỳ Phùng. Vậy thì với chính quyền TP.Thủ Đức, đã có những hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến hoạt động CNTT, ứng dụng chuyển đổi số. Được biết ở Thủ Đức thì có nhiều doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ?
Ông Nguyễn Kỳ Phùng: Thật ra không phải có một ít khó khăn, có nhiều khó khăn, khó khăn cộng với thách thức. Hiện nay thì trên Thủ Đức đã có hội doanh nghiệp TP.Thủ Đức đã thành lập và đưa vào hoạt động, chúng tôi cũng hỗ trợ hội doanh nghiệp có 1 không gian để hoạt động chung, từng bộ đoàn Thủ Đức cũng có thành lập CLB CNTT của các doanh nghiệp CNTT, và chúng tôi định hướng TP.Thủ Đức là thành phố thông minh, các hoạt động phải liên quan đến các hoạt động CNTT đặc biệt là các lĩnh vực IT thành ra là chúng tôi đã thành lập CLB đấy. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Thủ Đức cũng như TP.HCM mà Thủ Đức nhiều hơn là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, doanh nghiệp nhỏ có một bất lợi là để họ đầu tư một hệ thống hay gì đấy ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng CNTT thì rất khó vì vấn đề kinh phí và nguồn nhân lực không có, thành ra chúng tôi tiếp cận bằng cách khác là chúng tôi liên kết với 1 số tập đoàn lớn ví dụ: Viettel, VNPT, ở đấy họ xây dựng các hệ sinh thái phục vụ cho doanh nghiệp VD: phần mền quản lý nhân sự, kế toán… và chúng tôi cộng tác với các tập đoàn lớn này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xài miễn phí. Ví dụ năm vừa qua chúng tôi hỗ trợ cho 200 doanh nghiệp để ứng dụng các phần mềm của các tập đoàn lớn này, có rất nhiều, anh có thể tùy chọn các option nào anh cần và chúng tôi tổ chức các workshop, các buổi tập huấn mời các doanh nghiệp đến, nhưng cũng xin chia sẻ thật là bước đầu các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ này họ cũng khó tiếp cận và sử dụng. Ví dụ như họ quen kế toán trên excel, quản lý nhân sự thì rất nhỏ, không cần những phần mềm ấy, nhưng mà chúng tôi vẫn rất cố gắng hỗ trợ họ để đưa họ vào ứng dụng CNTT, sau này anh đâu có nhỏ hoặc rất nhỏ hoài, anh phải phát triển doanh nghiệp của anh lên chứ? Chúng tôi open các thông tin với các doanh nghiệp ví dụ như chúng tôi mời các doanh nghiệp đến đến góp ý cho TP.Thủ Đức trong quy hoạch tổng thể TP.Thủ Đức, đã 2-3 lần chúng tôi mời rồi, mời tất cả các doanh nghiệp. Và cũng rất hi vọng là từng bước từng bước thì cái khuôn mặt của Thủ Đức cũng như là các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ Đức sẽ phát triển một cách bền vững và lớn hơn nhiều so với kì vọng.
MC1: Tiếp theo để đặt vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao thì thưa ông Nguyễn Anh Thi, ông có ý kiến gì trong sự phát triển của khu cộng nghệ cao trong giai đoạn tới; trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhận lực chất lượng cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà khu công nghệ cao đã xây dựng được trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Thi: Sứ mạng của khu công nghệ cao đó là góp phần kiến tạo những ngành công nghiệp công nghệ cao mới, có tác động lớn, có sức lan tỏa rộng tầm quốc gia. Lấy ví dụ như một trong những ngành mà chúng tôi đang tập trung phát triển đó là công nghệ vi mạch. Bước đi đầu tiên trước hết đó là chuẩn bị nguồn nhân lực, chúng ta phải xác định năng lực, chúng ta sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu về vì mạch bán dẫn ở khâu nào? Qua phân tích thì đó là khâu thiết kế hay là khâu đóng gói (packaging), đây không phải là đóng gói thông thường mà là đóng gói con chip công nghệ cao. Như Intel tại khu công nghệ cao, hoạt động kinh doanh của họ là đóng gói.
Chuẩn bị nguồn nhân lực là yêu cầu tiên quyết. Như tôi nói lúc nãy thì ngay khi thành lập khu công nghệ cao đã thành lập trung tâm đào tạo công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ là đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư vào trong khu công nghệ cao. Thì để thực hiện được việc này, sự liên kết với các trường viện trên địa bàn rất quan trọng. Ví dụ đối với lĩnh lực vi mạch, vừa rồi chúng tôi đã khánh thành và đưa vào vận hành phòng lab đầu tiên của trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch của khu công nghệ cao trên cơ sở sử dụng nguồn lực xã hội hóa đó là phòng thiết kế vi mạch. Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng các phòng lab để triển khai đào tạo các chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa v.v.
Để có thể cam kết với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rằng chúng tôi có thể đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho các dự án của nhà đầu tư hay là đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án trong nước về công nghệ cao. Chúng tôi luôn luôn có những bước đi trước để chuẩn bị cho những ngành hết sức cụ thể mà khu công nghệ cao có kế hoạch thu hút vào, chúng tôi có công cụ là khu trung tâm đào tạo để liên kết với các trường viện để thực hiện các mục tiêu đấy.
MC2: Cám ơn ông Nguyễn Anh Thi!
Bài toán về nhân sự, về nguồn lực Công nghệ thông tin sẽ được giải quyết như thế nào thưa ông Đỗ Đức Trung? Ông có nhận định gì không?
Ông Đỗ Đức Trung: Về bài toán nhân sự CNTT để phục vụ cho các nhu cầu quản trị điều hành các hệ thống số của chính quyền thì hiện nay là một bài toán khó chung của rất nhiều đơn vị. Tại vì trải qua một thời gian cũng tương đối dài, công nghệ phát triển nhanh, nguồn lực chậm nên tập trung nguồn lực để phục vụ cho nền hành chính cho các nghiệp vụ. Còn về CNTT thì về mặt nguồn lực chúng ta tương đối chậm hơn so với cái ưu tiên khác, do đó có thể nói nếu đây là thời điểm mà cả bộ máy tất cả đơn vị cần phải nhìn vào sự cần thiết của việc làm sao chúng ta xây dựng được nguồn lực về CNTT đủ sức, đủ lực, đủ trình độ để có thể nắm bắt tham mưu được và vận hành được một số hệ thống chủ chốt của TP. Tất nhiên các mô hình này khi mà cái chuyển đổi số đã lan rộng và nó đã trở nên phổ biến hơn thì thành phố có thể thuê nhân sự CNTT để vận hành một số hệ thống mà nó không quá trọng yếu, nhưng mà nó sẽ mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp, bằng cách đó thì thành phố không phải đổ nhiều nguồn lực để nuôi bộ phận CNTT nó lớn và tận dụng từ nguồn lực từ doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu chung mà nó vẫn đem lại hiệu quả và vẫn giúp cho cái trình độ nhân lực giữ một cách cập nhật so với thế giới.
MC1: Cám ơn ông Đỗ Đức Trung!
Xin được hỏi, điều kiện cần để xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo đã có. Thế nhưng thưa ông Nguyễn Kỳ Phùng, nhiều ý kiến cho rằng, Thủ Đức vẫn thiếu một cơ chế riêng để có thể tạo ra sự thay đổi rõ nét và đột phá – ông Nguyễn Kỳ Phùng có công nhận điều này không?
Ông Nguyễn Kỳ Phùng: Ai cũng biết TP.Thủ Đức phải có cơ chế riêng cho nó, rất là mừng là TP.HCM cũng đã ban hành một số cơ chế cho TP.Thủ Đức khá nhiều trong các lĩnh vực văn hóa, tài nguyên môi trường, tư pháp… thì chúng tôi đã trao đổi, thảo luận đưa các phân cấp vào cuộc sống. Xin chia sẻ là chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn về cơ chế chính sách này. TP.Thủ Đức lập chưa được 2 năm, mặc dù chúng tôi hết sức cố gắng có sự hỗ trợ của các sở ban ngành TP HCM, nhưng còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải làm trong thời gian sắp đến, chúng ta không thể nào xây dựng 1 đô thị thông minh trên 1 đô thị không hiện đại được, cái hiện đại là cái tiên quyết, có nhiều vấn đề về hạ tầng giao thông, môi trường, có những vấn đề về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về tinh thân văn hóa, có nền những cái đấy chúng tôi mới xây dựng được đô thị thông minh, sáng tạo.
MC1: Cảm ơn những chia sẻ thẳng thắng của ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức!
Thưa quý vị! Có thể thấy qua 2 năm thành lập và phát triển, TP.Thủ Đức đang dần thay đổi nhanh chóng, khoác lên mình chiếc áo mới, có mục tiêu phát triển kinh tế sáng tạo, liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đổi mới quản trị Nhà nước theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm tài chính, TP.Thủ Đức sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh; xây dựng và phát triển TP.Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt.
Đến đây thì buổi tọa đàm “THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH, SÁNG TẠO” xin được khép lại. Cám ơn quý vị thính giả đã quan tâm theo dõi. Một lần nữa xin cám ơn 3 vị khách mời đã dành thời gian quý báu đến với buổi tọa đàm ngày hôm nay. Và hy vọng quý thính giả sẽ có cái nhìn rõ nét về thành phố thông minh, sáng tạo, để chúng ta có cơ sở để tin rằng TP.Thủ Đức không xa sẽ trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo như kỳ vọng!
Thông tin
-
Nhóm tác giả: Dương Thị Anh Đào – Nguyễn Thị Tố Tâm – Nguyễn Phạm Thùy Vân – Nguyễn Ngọc Phượng
Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM (VOH)