Mã số N3001: Chuỗi tác phẩm Tọa đàm: Thành phố Hồ Chí Minh từng bước kiến tạo đô thị thông minh

  - Chia sẻ:    

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị năng động nhất cả nước thì việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là chủ trương lớn của lãnh đạo thành phố, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của thành phố. Thông qua đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025” được UBND TPHCM phê duyệt, chính quyền thành phố đang triển khai đầu tư 4 trung tâm của đề án này bao gồm:Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố;Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm An toàn thông tin. Trong đó, trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) là hạng mục quan trọng trong nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố, còn điểm nhấn của việc triển khai IOC là phát triển Cổng thông tin dùng chung 1022. Khi IOC của các quận huyện được liên thông, đồng bộ, kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau bằng một chiến lược quản trị dữ liệu số cụ thể thì thành phố sẽ tránh được sự lãng phí, rủi ro trong đầu tư công, đồng thời tăng tính hiệu quả quản trị hành chính công. Hiện, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đang thúc đẩy các quận, huyện hoàn thành xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC trong năm 2022, hướng đến điều hành chính quyền bằng công nghệ. 

Nhân dịp này, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh VOH xin giới thiệu tác phẩm: tọa đàm 2 kì của nhà báo Trần Thị Phi Yến với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh từng bước kiến tạo đô thị thông minh” cùng các vị khách mời :

1.Bà Võ Thị Trung Trinh - phó GĐ Sở Thông tin Truyền thông TPHCM

2.Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức

3. Bà Phạm Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND Quận 3.

Tọa đàm thực hiện vào ngày 22/11/2022 và 23/11/2022

Kì 1: CHIẾN LƯỢC QUẢN TRỊ DỮ LIỆU SỐ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Kì 2: KHAI THÁC IOC – ĐẦU NÃO SỐ ĐỂ GIA TĂNG TƯƠNG TÁC VỚI NGƯỜI DÂN

 - Hình thức: Toạ đàm trực tiếp trên radio FM99.9, link đính kèm:

https://radio.voh.com.vn/sai-gon-buoi-sang/chien-luoc-quan-tri-du-lieu-so-cua-tphcm-sai-gon-buoi-sang-22-11-2022-457297.html ( kì 1)

+ https://radio.voh.com.vn/sai-gon-buoi-sang/khai-thac-ioc-dau-nao-so-de-gia-tang-tuong-tac-voi-nguoi-dan-sai-gon-buoi-sang-23-11-2022-457439.html  ( kì 2)

  - Chi tiết nội dung toạ đàm: THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪNG BƯỚC KIẾN TẠO ĐÔ THỊ THÔNG MINH

KỲ 1: CHIẾN LƯỢC QUẢN TRỊ DỮ LIỆU SỐ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nội dung trao đổi:

1. Thưa các vị khách mời, việc hình thành trung tâm điều hành thông minh hay còn gọi là IOC, được xem là 1 trong những bước quan trọng để thực hiện đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh do UBND TPHCM ban hành. Đầu tiên xin hỏi ông Nguyễn Kỳ Phùng khi UBND Thành phố Thủ Đức đã vận hành trung tâm điều hành thông minh khoảng 1 năm qua, theo ông đâu những giá trị quan trọng mà địa phương có được?

Theo cá nhân tôi, cái quan trọng nhất của trung tâm điều hành thông minh chính là dữ liệu, làm sao kết nối toàn bộ dữ liệu trong cùng hệ thống và khai thác dữ liệu đó. Tôi nghĩ rằng các trung tâm điều hành thông minh của các quận huyện cũng sẽ đồng ý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu là quan trọng nhất. Ngay khi TPHCM ban hành kế hoạch xây dựng đô thị thông minh thì một trong những cấu phần là xây dựng trung tâm dữ liệu IOC. Hiện trung tâm của Thành phố Thủ Đức hoạt động tương đối tốt, đặc biệt là trong thời gian chống dịch, chúng tôi sử dụng bản đồ ứng dụng GIS để giám sát ổ dịch, khu cách ly, trong thời kì chăm sóc người dân, IOC thể hiện vị trí cung cấp hàng hóa cho người dân. Hiện nay, trung tâm IOC đang làm lại về 1 số tiêu chí về kinh tế xã hội mà đầu mối là Sở thông tin truyền thông với 40 chỉ tiêu của thành phố và 1 số chỉ tiêu quận huyện cũng đang triển khai chi tiết hóa để kết nối vào hệ thống chung của Sở thông tin truyền thông thành phố.

2.Thưa bà Phạm Thị Thúy Hằng, là địa phương vừa mới vận hành trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh, bà có đúc kết thêm kinh nghiệm gì ở giai đoạn đầu vận hành trung tâm IOC?

 Qua đúc kết tình hình thực tiễn địa phương và rút kinh nghiệm từ các địa phương có IOC,chúng tôi tạo lập trung tâm với nguồn cơ sở dữ liệu từ các lĩnh vực,các ngành của quận, chúng tôi đánh giá trung tâm IOC là bộ não số, nơi tổng hợp tất cả nguồn thông tin dữ liệu sống của quận.Để tổng hợp chính xác, đầy đủ thì dữ liệu phải là dữ liệu sống.Ở giai đoạn 1, cốt lõi thông tin dữ liệu từ 2 năm trước đến hiện nay, trong giai đoạn 2, tiếp tục tổng hợp báo cáo, cùng đơn vị tư vấn thiết lập form dữ liệu báo cáo điện tử, theo định kì các ngành, các đơn vị sẽ cập nhật số liệu kết quả thực hiện nhiệm vụ bằng form báo cáo này để từ đó thường xuyên đánh giá tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn quận.

Như anh Phùng chia sẻ Trung tâm IOC phải kết nối, thỏa được những điều kiện về chỉ tiêu kinh tế xã hội của TP và tùy theo đặc điểm tình hình của quận, chúng tôi có hệ thống chỉ tiêu riêng.Từ việc cập nhật thường xuyên đó, chúng tôi có nền tảng phân tích, dự báo,giúp việc điều hành của quận hiệu quả hơn.Đồng thời, trên hệ thống trung tâm này, chúng tôi tích hợp hệ thống tổng đài 1022,kết nối với hệ thống các quận huyện.Chúng tôi có quy chế xử lý thông tin, ngay lập tức và phản hồi ngay trên hệ thống 1022, giúp việc tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp được kịp thời, tạo sự yên tâm khi ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT)vào hoạt động của quản lý nhà nước.

3. Ngoài kết nối tổng đài 1022, trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh của Quận 3 có kết nối camera AI của quận chưa, nếu có đang vận hành mức độ nào thưa bà?

Từ hệ thống trung tâm IOC có kết hợp với camera, camera của quận có 2 chức năng. Một là liên quan đến công tác giám sát, dự báo, đánh giá tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, về PCCC, môi trường để kịp thời xử lý. Thứ 2 là cảnh báo tình hình khi Quận 3 có đặc thù các cơ quan trung ương và TP trú đóng trên địa bàn quận rất nhiều. Dùng hệ thống công nghệ thông tin để phát hiện nhanh ,xử lý kịp thời rất quan trọng.Tôi tin rằng với sự định hướng,tâm huyết của cả hệ thống từ thành phố đến quận huyện, sắp tới đây không chỉ quận 3 mà của cả thành phố sẽ là một hệ thống thống nhất đồng bộ giúp cho hoạt động chuyển đổi số, nền tảng về ứng dụng CNTT của thành phố được đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành.

4.. Qua cách làm của 2 địa phương là UBND quận 3 và Thành phố Thủ Đức trong việc vận hành trung tâm IOC, bà Võ Thị Trung Trinh - phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông đánh giá ra sao về những bước tiến trong thực hiện chính quyền số tại TPHCM hiện giờ?

Trong giai đoạn vừa qua, thành phố có những bước tiến vững chắc trong triển khai chương trình chuyển đổi số cũng như phát triển đô thị thông minh. Đó là việc thành phố đã hình thành nền tảng cơ sở chia sẻ dữ liệu dùng chung để giải quyết các vấn đề như anh Phùng có nêu:các hệ thống giữa cơ quan nhà nước với nhau, giữa quận huyện với sở ngành quận huyện, khi cần liên thông thì thiết lập cơ chế liên thông tự động, không cần có người giám sát chuyện này mà có cơ chế tự động tích hợp dữ liệu. Như vậy, thành phố đã hoàn thành giai đoạn 1 của nền tảng chia sẻ dữ liệu, đóng vai trò xương sống kết nối tất cả hệ thống thông tin thành phố với nhau đồng thời kết nối với hệ thống thông tin quốc gia. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành 1 số dữ liệu, đáng kể nhất là từ tháng 6/2022 đã đưa vào khai thác hiệu quả dữ liệu hộ tịch đã số hóa, bước đầu phục vụ nhu cầu thiết thực cho người dân trong trích lục bản sao hộ tịch không về nơi đăng ký ban đầu.Ví dụ những con số trong giai đoạn đầu thí điểm chỉ có trên 700 yêu cầu được giải quyết trong 1 tháng nhưng chuyển sang tháng thứ 2, thứ 3 thì nhu cầu người dân tăng lên 150.000 yêu cầu. Điều đó cho thấy nếu chúng ta số hóa được dữ liệu thiết yếu trong công tác cung cấp dịch vụ công thì phục vụ rất nhiều cho người dân.

5. Số hóa dữ liệu rất cần chiến lược cụ thể, quy hoạch cụ thể để đồng bộ kết nối dùng chung cho toàn thành phố đến trung tâm điều hành IOC.Vậy bà có thể cho biết về chiến lược quy hoạch dữ liệu này của TPHCM?

Hiện giữa trung tâm dữ liệu dùng chung của thành phố và trung tâm điều hành thông minh IOC của các quận huyện thì chúng tôi có đi theo nguyên tắc chung.Tức là dữ liệu thuộc các ngành tạo lập thì các quận huyện không lập lại nữa, còn dữ liệu tại trung tâm IOC của quận huyện là dữ liệu chính của đơn vị đó.Như vậy,chúng ta có 2 quy hoạch rất rõ ràng về dữ liệu.Trên cơ sở đó, cùng với Thủ Đức, quận 3 và hôm qua Bình Tân đưa vào khai thác trung tâm điều hành IOC,các quận sẽ tập trung vào dữ liệu phục vụ cho công tác điều hành của mình, bên cạnh đó thành phố cũng chia sẻ quận huyện những dữ liệu mà TP đang có trên địa bàn thuộc các quận.Dữ liệu phải là dùng chung,chứ không thể nào quận A dùng mà quận B không dùng ,rất rõ ràng.Trên cơ sở đó các quận mới dễ dàng thực hiện trung tâm IOC, trong đó kể cả hình ảnh camera, chúng tôi mong muốn sẽ chia sẻ cho các quận huyện chứ không dừng lại là hình ảnh của các quận huyện

Thứ 2 là dữ liệu của các ngành, theo quy hoạch mới của thành phố dự kiến ban hành trong tháng 11 này, chúng tôi gọi là chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố, chúng tôi cụ thể hóa những nội dung thành phố đã làm từ giai đoạn 2017 đến nay và còn 3 năm để thành phố gấp rút định hướng lớn về mặt dữ liệu ,giúp các ngành, địa phương có được nền tảng dữ liệu lớn. Định hướng đó sẽ giải quyết những khó khăn như anh Phùng chia sẻ nhiều lần khi phát triển đô thị thông minh hiệu quả thì cần phải có dữ liệu , chị Hằng nói rằng dữ liệu là đầu não số. Sắp tới, khi thành phố ban hành chiến lược quản trị dữ liệu sẽ tạo lập ra nền tảng dữ liệu dùng chung với sự đóng góp của các ngành,quận , huyện, tạo ra nền móng gọi là một nền tảng số  bao gồm những platform phát triển những ứng dụng thông minh. Thành phố sẽ tập trung dữ liệu ở các lĩnh vực quan trọng quản lý đô thị như địa chính, đất đai, xây dựng,quy hoạch giao thông.Chúng tôi sẽ thí điểm từ thành phố Thủ Đức trên nền tảng GIS. Qua đó, lãnh đạo thành phố có thể nhìn được thông tin đa chiều, để phục vụ kinh tế xã hội của TPHCM.

6. Ông Nguyễn Kỳ Phùng có thêm ý kiến gì về vấn đề này?

Chị Trinh có đề cập về vấn đề ứng dụng GIS viễn thám khai thác dữ liệu rất quan trọng như trong môi trường, quản lý tài nguyên, giao thông… đều sử dụng GIS. Sắp tới, chúng ta cần tập trung xây dựng GIS với các tỉ lệ phù hợp từ cấp thành phố cho đến quận huyện, phường xã. Ở đây có nhiều loại dữ liệu trên nền GIS như dữ liệu nền: thủy hệ, mạng lưới sông, đất đai, cao độ, … và của các ngành. Hiện Sở quy hoạch kiến trúc, Sở tài nguyên môi trường và Sở thông tin truyền thông đang khẩn trương làm dữ liệu này cùng Thành phố Thủ Đức. Hy vọng sắp tới nhân rộng cách làm này.

Xin cảm ơn phần trả lời vừa rồi của các vị khách mời.

 

KỲ 2: KHAI THÁC IOC – ĐẦU NÃO SỐ ĐỂ GIA TĂNG TƯƠNG TÁC VỚI NGƯỜI DÂN

Nội dung trao đổi:

1.Qua  ý kiến của các vị khách mời chúng ta thấy việc chính quyền TPHCM sẵn sàng mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu sẽ tiếp tục tạo ra những giá trị gia tăng cho thành phố, đặc biệt gia tăng giá trị niềm tin của người dân vào hoạt động bộ máy quản lý nhà nước. Ở góc độ UBND Thành phố Thủ Đức, Ông Nguyễn Kì Phùng có thể dẫn chứng 1 vài kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân từ IOC?

Nói về sự tương tác giữa người dân và chính quyền trong ứng dụng đô thị thông minh, trung tâm điều hành thông minh,tôi cũng chia sẻ rằng cách đây 2 tháng, thành phố Thủ Đức đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin đất đai liên thông với  Sở TN-MT TP, người dân có thể xem các biến động tức đường đi hồ sơ đất đai của mình đến đâu, được xử lý chưa? có trục trặc gì không? Về tương tác chúng tôi có một vài cái app như Thủ Đức công dân, trong đó có nhiều cái app nhỏ, người dân vào đó tương tác với chính quyền bất kỳ lúc nào. Lãnh đạo Thủ Đức bây giờ sử dụng tablet bằng app điều hành công việc, xử lý thông tin, ngay cả hồ sơ chưa xử lý hoặc qua tổng đài 1022, các phường cần xử lý việc gấp thì chúng tôi đều nắm nằm được và chỉ đạo sát sao.

2. Có thể nói số hóa dữ liệu cập nhật theo thời gian thực trong IOC là công cụ giúp chính quyền quản lý điều hành và ra quyết định có đạt hiệu quả, ông Nguyễn Kỳ Phùng nghĩ như thế nào?

Thực ra trung tâm điều hành thông minh  thì chúng ta hiểu đơn giản giúp chính quyền quản lý, điều hành, quan trọng là ra quyết định hiệu quả đúng với thời gian thực. Để làm việc này, chúng ta cần nhiều lớp thông tin. IOC này giống như hệ DSS - hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Ngoài dữ liệu thì trung tâm tính toán dự báo cũng rất quan trọng.Tiếc rằng hiện nay khi xây dựng đô thị thông minh thì trung tâm dự báo chưa được đẩy mạnh lắm, có vẻ còn mờ nhạt. Sắp tới, chúng ta cần tính toán đẩy mạnh dự báo các mô hình vĩ mô, kinh tế để hỗ trợ chính quyền ra quyết định .

3. Đến nay, chúng ta đã đo được mức độ hỗ trợ của trung tâm điều hành thông minh của Thành phố Thủ Đức đối với chính quyền tăng bao nhiêu% ,thưa ông?

Hỗ trợ nhiều chứ. Cụ thể Thủ Đức tăng gấp 3 công việc đối với 1 chuyên viên. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin ử lý thì chắc chắn công việc rất chậm. Do đó, ứng dụng trung tâm điều hành thông minh phục vụ cho công tác nghiệp vụ cũng như cho người dân hơn 1 năm qua rất hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ trang bị lại, cập nhật lên hệ thống máy tính, máy scan cho 34 phường để tăng tốc ứng dụng thông tin này. Tôi nghĩ Sở thông tin truyền thông đã hỗ trợ cho quận huyện, trong đó có TP Thủ Đức rất nhiều để phục vụ cho người dân.

4.Ông có thể cho chúng tôi 1 con số hiệu quả đã đạt được là bao nhiêu %?

Ví dụ: ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã đạt khoảng 70%, cao nhất trong các quận huyện tại TPHCM, cuối năm chúng tôi sẽ cố gắng là 100%. Hiện nay có 1 vấn đề chưa đạt được liên quan đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.Chúng tôi muốn giảm việc chậm hồ sơ xuống 4% nhưng hồ sơ đang treo, không giải quyết kịp tại chi nhánh là trên 6%. Chúng tôi cũng chia sẻ vì chúng ta có 2 năm chống dịch,sau đó lượng hồ sơ xây dựng ,cấp phép xây dựng tăng đột biến và chi nhánh văn phòng đất đai do Sở TN-MT phụ trách với nhiều hồ sơ còn tồn đọng. Vừa rồi, Thủ Đức vận hành cổng thông tin đất đai liên thông với Sở Tài nguyên- môi trường thì sẽ giúp tăng tốc giải quyết hồ sơ cho người dân từ nay đến cuối năm.

4. Bà Thúy Hằng đánh giá IOC bộ não số đã mang lại hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân ra sao so với trước khi vận hành trung tâm?

Phải nói rằng trước đây khi chưa có hệ thống trung tâm thì tất cả mọi thứ từ dữ liệu cho đến công tác giám sát tình hình, đánh giá bị phân tán. Nhưng từ khi có trung tâm thì công tác được tập hợp tại trung tâm, đồng bộ trên hệ thống điều hành chung. Chính vì vậy, sự tương tác giải quyết vấn đề cho người dân được hiệu quả. Ngoài hiệu quả tương tác thực hiện nhiệm vụ của chính quyền, còn có sự chuyển biến tích cực, đó là nhận thức của các bộ công chức về nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay. Khi hình thành trung tâm IOC, nhận thức này chuyển biến rất rõ, cán bộ cập nhật thông tin thường xuyên theo yêu cầu và buộc phải xử lý thông tin trong quá trình vận hành đã có quy chế. Từ đó, giải quyết hoạt động điều hành của chính quyền cho đến yêu cầu của người dân cũng hiệu quả hơn. Do đó, chúng tôi đánh giá rất cao việc hình thành trung tâm này, một mặt tương tác hiệu quả, mặt khác giúp nâng cao quản lý điều hành của chính quyền hiện nay và sắp tới.

5. Việc số hóa, chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông giữa các sở ngành với nhau là thước đo đối với công tác cải cách thủ tục hành chính công. Bà có thể cụ thể hóa 1 số lĩnh vực được quận 3 triển khai nhằm giúp người dân thuận lợi hơn?

Quận 3 có 2 hệ thống liên thông đó là phần mềm giữa UBND quận với ngành thuế để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,có tích hợp mã số thuế trong vòng 4h thay vì 6 ngày. Chúng tôi đưa lên hệ thống để người dân, tổ chức thực hiện trực tuyến. Trong tháng 11 này, chúng tôi đưa lên hệ thống phần mềm liên thông nữa giữa phường, UBND quận và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc cấp bảo trợ xã hội và bảo hiểm y tế miễn phí cho người đủ 80 tuổi trong vòng 13 ngày rưỡi thay vì quy trình làm 22 ngày . Cũng trên nền tảng của dữ liệu, chúng tôi có sự kết nối liên thông giữa các ngành, bộ phận để xây dựng thực hiện quy trình liên kết nội bộ để giúp giải quyết hồ sơ cho người dân trong thời gian nhanh nhất, ngắn nhất.

6.Với buổi tọa đàm xoay quanh việc TPHCM từng bước kiến tạo đô thị thông minh, theo bà Trung Trinh chúng ta cần có những chất xúc tác gì để đẩy nhanh quá trình thực hiện?

Tôi nghĩ chất xúc tác để thúc đẩy chuyển đổi số là yếu tố con người, tôi đặc biệt đề cao vai trò lãnh đạo tại các đơn vị. Chuyển đổi số bắt đầu từ lãnh đạo, sau đó mới nói đến yếu tố công nghệ, như vậy chúng ta mới có được chuyển đổi số thành công. Nói cho cùng bản chất của chuyển đổi số là quản trị hiệu quả của sự quản lý và thay đổi. Từ việc sắp xếp quy trình, sắp xếp con người, tận dụng tính ưu việt, hiện đại của nghệ số. Như khách mời là anh Phùng, chị Hằng đều đồng thuận dùng dữ liệu để hoàn thiện dịch vụ của mình. Nếu từng người, từng địa phương, từng cán bộ phường xã hiểu rất rõ việc này thì sẽ thúc đẩy chuyển đổi số dễ dàng. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua,Sở thông tin truyền thông TPHCM tham mưu cho thành phố, triển khai nhiều chương trình của Bộ thông tin - truyền thông, đẩy mạnh đào tạo, cập nhật kiến thức cho người lãnh đạo cơ sở, chủ tịch phường, xã thị trấn. Nói cho cùng chúng ta phải chuyển đổi số toàn diện là chuyện của cả xã hội mới thúc đẩy được quá trình chuyển đổi, từ một hình thái quản lý này sang hình thái quản lý khác.Việc chúng ta thay đổi cách làm, thay đổi phương pháp quản lý, giải quyết công việc sẽ giải quyết những khó khăn. Xin nói thêm rằng có 1 số thay đổi có sẵn hành lang pháp lý để hỗ trợ việc thay đổi nhưng cũng có thay đổi không có hành lang pháp lý thì chúng ta phải sử dụng chính sách thử nghiệm.Ví dụ áp dụng hành vi xử phạt xả rác qua hình ảnh thì phải rà hết hệ thống pháp lý xem có thực hiện được hay không.Vậy thì ,bước thử nghiệm là đặc điểm trong việc ứng dụng công nghệ số mới vào vào môi trường làm việc ,hay trong hoàn thiện cung cấp dịch vụ. Tôi nghĩ rằng nếu phát huy vai trò vị trí người đứng đầu, nhận ra khó khăn trong từng đơn vị và có giải pháp phù hợp thì việc thực hiện chuyển đổi số sẽ có những chuyển biến tích cực.

Thông tin

  • Nhóm tác giả: Trần Thị Phi Yến

    Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM (VOH)