Mã số N2104: DỰ ÁN SỬ DỤNG CHẤT TẨY RỬA THIÊN NHIÊN CHO TRƯỜNG HỌC VÌ SỨC KHỎE CỦA ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN, HỌC SINH VÀ NHÂN VIÊN VỆ SINH
Dự án “Sử dụng chất tẩy rửa thiên nhiên cho trường học” do giáo viên dạy môn hoá học – cô Hồ Đắc Nguyệt Thượng- trường THCS Nguyễn Văn Linh thực hiện nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ giáo viên, học sinh và nhân viên vệ sinh đồng thời góp phần giữ gìn môi trường đất, nước không bị ô nhiễm.
Ở thành phố, nhiều trường học, công sở vẫn giữ thói quen sử dụng chất tẩy rửa hóa học vì mức độ phổ biến, thuận tiện với nhiều mục đích khác nhau.
Nhiều nơi cũng chưa quan tâm tới thành phần trong các sản phẩm đó như chị Cương- Nhân viên chính của bếp ăn có chia sẻ: "Ở bếp ăn mình lo nhất vấn đề khay ăn chưa sạch, mặt bàn trong bếp bị dính dầu mỡ, nền nhà ăn trơn trượt,… nên hay dùng nước rửa công nghiệp,... Vệ sinh nhà bếp, toilet vẫn dùng các loại hoá chất thông thường có bán trên thị trường. Nếu không dùng thì thấy bẩn, khó chịu vô cùng. Khi dùng mình không quá để ý dòng thân thiện thiên nhiên".
Các cô nhân viên đang rửa khay đựng thức ăn cho GV và HS toàn trường với chất tẩy rửa thông thường
Mặc dù phần lớn các chất tẩy rửa đáp ứng được yêu cầu về độ tẩy rửa sạch các đồ dùng và vật dụng, tuy nhiên, thành phần chính để sản xuất nên các chất tẩy rửa lại chủ yếu là hóa chất, những chất rất độc hại với con người sử dụng cũng như môi trường đó là benzen sofunich gốc ankin và chất photphat gốc ankin rất khó phân giải, sau khi sử dụng các chất này không tự phân hủy mà hòa lẫn trong nước gây tác động xấu đến môi trường nước ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Theo thống kê của Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới, trong số 85.000 chất hóa học đang được sử dụng thường ngày thì chỉ có khoảng 7% sản phẩm là an toàn với sức khỏe con người. Tuy nhiên, với tâm lí chủ quan cho rằng được phép lưu hành thì đã đạt độ an toàn rồi nên không có nhiều người quan tâm và đề phòng trước độ nguy hại của chúng.
Các em học sinh đang dùng bữa trưa tại nhà ăn của nhà trường
TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng cho biết, nếu không được sử dụng hợp lý, các chất tẩy rửa có thể gây ra nhiều loại bệnh: "Dù qua hệ thống xác định mức độ an toàn nhưng phần lớn chất tẩy rửa chưa đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi có tiếp xúc thường xuyên, dài hạn. Đặc biệt với các đối tượng trẻ em, người mẫn cảm với hóa chất gây bệnh dị ứng, bệnh nhóm đường hô hấp, da và niêm mạc mắt..."
Nhiều người khi mua sản phẩm tẩy rửa gia dụng, thường chỉ lưu tâm sản phẩm “làm sạch, tiện lợi, rẻ tiền, nhiều bọt, mùi thơm”. Điều này khiến các nhà sản xuất thường sử dụng công thức thành phần nhiều hóa chất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà không chú trọng yếu tố sức khỏe.
Hóa chất độc hại trong nước tẩy rửa có thể gây kích ứng da, dẫn đến tình trạng ngứa rát, nổi mẩn đỏ, thậm chí bong tróc da. Khi hít phải hơi nước tẩy rửa những hóa chất này cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp, dẫn đến ho, hắt hơi, khó thở,...
Thành phần chính của chất tẩy rửa là chất hoạt động bề mặt, ngoài ra còn có các chất phụ gia, màu, hương liệu. Các nghiên cứu cho thấy, chất tẩy rửa có khả năng làm sạch vết cáu bẩn bám vào đồ dùng, nhưng hóa chất vẫn lưu lại. Vì vậy, khi tẩy rửa xong, hỗn hợp chất tẩy rửa và chất bẩn sẽ theo dòng nước thải đổ vào các bể chứa, ao hồ, cống rãnh, sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe con người.
PGS. TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường nói: "Phosphor trong thức ăn thừa, chất tẩy giặt, rửa bát, rửa nhà cửa... theo nước thải vào hồ. Các chất này làm thay đổi chất lượng nước như đổi màu, mùi, có thể có độc. Một phần sinh vật hấp thụ ngay, một phần thành trầm tích phân hủy xâm nhập trở lại nước hồ".
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các loại chất tẩy rửa còn trở thành mối gây họa với sức khỏe con người, đặc biệt với trẻ em. Nếu sử dụng nước rửa bát không được rửa sạch hoàn toàn trên chén bát, đĩa,... lượng hóa chất còn sót lại có thể ngấm vào thức ăn, gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy,...Một số nghiên cứu khoa học cho thấy việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại trong nước rửa bát có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Trong bối cảnh môi trường sinh sống ngày càng xấu đi, tuổi thọ con người ngày càng giảm sút do ảnh hưởng bởi môi trường và các hóa chất độc hại xuất hiện trong đời sống hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân ta nên lựa chọn các sản phẩm được áp dụng công nghệ sinh học đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày trong gia đình. Bởi nhu cầu sử dụng hàng ngày, các sản phẩm chứa hóa chất dù chỉ có một lượng nhỏ nhưng dần tích tụ lâu ngày sẽ có những tác động xấu đến sức khỏe, môi trường mà cụ thể là nguồn nước, đất trồng nơi ta sinh sống.
Xuất phát từ thực tế đó, dự án “Sử dụng chất tẩy rửa thiên nhiên cho trường học vì sức khoẻ của học sinh và nhân viên vệ sinh” đã ra đời. Dự án gồm 3 giải pháp chính đó là Điều chế chất tẩy rửa có nguồn gốc thiên nhiên có giá thành thấp; Tạo lập quỹ để sản xuất chất tẩy rửa; Tuyên truyền tới cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh, chủ cơ sở,…về việc sử dụng nước tẩy rửa thiên nhiên.
Để có được chất tẩy rửa với giá thành thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, nhân viên dọn rửa, nhân viên vệ sinh và không gây ô nhiễm môi trường tôi đã có ý tưởng tìm hiểu và pha chế chất tẩy rửa sinh học từ quả bồ hòn và dứa.
Nguyên liệu sinh học được lựa chọn là quả bồ hòn, vỏ dứa, vỏ quế cùng 1 số loại thảo mộc:
Bồ hòn là loại quả có chứa chất “Saponin” – một chất tự nhiên được xem là có thể thay thế 100% bột giặt và chất tẩy rửa hóa học. Khi tiếp xúc với nước, nó tạo ra bọt nhẹ, tương tự như xà phòng. Hoàn toàn không nhớt dính như nước rửa công nghiệp, không tốn nước tráng, không gây khô nứt móng tay.
Quả dứa (thơm) có một chất men tiêu hóa là bromelin (tập trung nhiều ở lõi trắng của chồi dứa). Bromelin có thể thủy phân trong vài phút một lượng protein bằng 1.000 lần trọng lượng của nó, có thể so sánh được với pepsin và papain. Dịch chiết bromelin ở pH 3,5 sau khi đun sôi 60 phút vẫn còn hoạt tính.
Ngoài ra trong dứa còn có iod, mangan, potassium, magnesium, calcium, sắt, lưu huỳnh (sulfur), phosphorus. Bên trong vỏ dứa có chứa thành phần enzym có khả năng làm sạch tương tự nước rửa chén, nhưng lại an toàn cho sức khỏe người dùng, thân thiện với môi trường và có chi phí rẻ hơn.
Enzym bồ hòn vừa có khả năng tẩy rửa, làm sạch, vừa chứa lượng lớn vitamin C, rất tốt cho da. Vitamin C có khả năng detox giải độc da, ngăn ngừa lão hóa.
Quy trình làm ra nước tẩy rửa sinh học khá đơn giản, nguyên liệu dễ kiếm, dễ pha chế và sử dụng.
Với công thức theo tỷ lệ 10 nước/ 3 vỏ dứa/ 1 đường/2 bồ hòn thêm một ít sả tạo mùi thơm và tăng tính diệt khuẩn thì sau ba tháng có thể chắc lọc lấy nước chủ yếu dùng để vệ sinh bồn cầu và lau sàn nhà.
Với tỷ lệ 100 nước/ 6 vỏ dứa/ 10 đường/ 8 bồ hòn/ 1 thảo mộc thì cho ra sản phẩm có thể dùng để rửa chén bát.
Với tỷ lệ 100 nước/ 6 vỏ dứa/ 10 đường/ 10 bồ hòn/2 thảo mộc thì cho ra nước tẩy rửa có thể dùng giặt xả quần áo.
Xác của thảo mộc, bồ hòn sau khi phân hủy có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng.
Thấy được ý nghĩa việc làm của tôi các anh chị bên chi hội phụ nữ xã Tân Nhựt đã hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình, chia sẻ sản phẩm đến các trang mạng xã hội,… điều đó đã tạo ra nhiều thuận lợi xong cũng đối mặt với không ít khó khăn.
Khó khăn ban đầu về mặt tìm kiếm nguyên liệu bồ hòn, đường thô, thảo mộc với giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng. Vì hiện tại trên các trang bán bồ hòn giá dao động từ 50.000- 250.000 đồng/kg, giá quế cũng hơn 100.000 đồng/kg…tôi phải đến và tìm hiểu nhiều nơi để giảm giá nguyên liệu đầu vào thì sản phẩm của mình mới có giá thành thấp được.
Khó khăn thứ hai, đó là khi đã có sản phẩm, để tạo dựng quỹ tôi phải mang sản phẩm đi bán, ban đầu bán với giá 0 đồng, hoặc 5 đồng để mọi người biết đến. Nói chung khi bán với giá 0 đồng, hoặc 5 đồng, tôi bán được khá nhiều sản phẩm. Có vốn tôi lại tiếp tục mua bồ hòn và nguyên liệu về làm mẻ mới.
Với 100 lít thì 50 lít dành cho trường học và 50 lít dành để bán tạo quỹ phát triển tiếp.
Ngoài công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục tôi xây dựng chỉ tiêu về chất lượng và giá bán sản phẩm theo hướng thấp nhất giúp mọi người tin tưởng sử dụng chất tẩy rửa thiên nhiên. Hiện tại, mỗi 3 tháng tôi sản xuất ra khoảng 200 lít thành phẩm nước rửa chén sinh học, với giá bán 30.000 đồng/lít nước giặt, 20.000 đồng/lít nước rửa chén, nước lau bàn, nước lau sàn…
Trong thời gian tới, để mọi người biết đến dự án nhiều hơn tôi mở các gian hàng nước tẩy rửa 0 đồng kết hợp với Hội phụ nữ xã đem sản phẩm nước tẩy rửa tới gần hơn đến học sinh, phụ huynh, các thành viên của hội liên hiệp phụ nữ, các gia đình vùng sâu, vùng xa, các khu vực bị thiếu nước. Đồng hành với chương trình Áo trắng đến trường, tôi mở gian hàng 0 đồng tặng nước giặt với áo trắng cũ, bạn nào cần sẽ đến lấy.
Bên cạnh đó, tôi cần tập trung xây dựng phương án tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các hội thi Khởi nghiệp, các Hội chợ… nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng chất tẩy rửa hữu cơ, chú trọng hỗ trợ các hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn về kinh tế, hộ thiếu nước sinh hoạt,…tiếp cận với nước tẩy rửa thiên nhiên vì nó giúp tiết kiệm nước rất nhiều.
Chai 500ml, 1 lít và 4 lít
Chị Cương (nhân viên bếp ăn) tỏ ra hết sức thích thú với sản phẩm: “Mỗi lần rửa bát, da tay thường dính dầu mỡ, trong khi dùng găng tay khá bất tiện cho việc cọ rửa. Nhưng giờ, tôi không còn lo lắng nữa, vì da tay không bết dính dầu mỡ. Nước rửa này làm tan sạch các vết dầu mỡ và mùi tanh rất nhanh. Tôi cho rằng, đây thực sự là món quà dành cho những người nội trợ, nhân viên bếp ăn như tôi”.
Chị Nguyên (Tân Kiên, Bình Chánh, TPHCM) cũng đánh giá cao sản phẩm sau 1 tuần dùng nước rửa chén bát sinh học. “Mẹ tôi rất thích các sản phẩm tự nhiên, bà cũng lớn tuổi rồi, ngồi lâu lại mệt. Lúc sử dụng nước rửa chén công nghiệp bà ngồi rửa lại 2 hay 3 lần với rất nhiều nước, rồi lại vào nhà nấu nước sôi trụng lại. Còn bây giờ chưa tráng nước mẹ tôi đã thấy chén đĩa sạch dầu mỡ dù mẹ tôi chỉ mới cọ rửa, tráng sơ qua là sạch mà lại an toàn. Mẹ tôi vui lắm, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiết kiệm được cả tiền nước. Rõ ràng tiền điện và nước nhà tôi giảm. Tôi lại tiết kiệm được một khoảng, tôi rất vui”, chị Nguyên nói.
Những năm qua, với sự nhận thức, chấp hành các quy định pháp luật của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường ngày một nâng cao. Vệ sinh môi trường trên địa bàn Huyện Bình Chánh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác bắt đầu hình thành và lan tỏa trong cộng đồng dân cư, cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp… và việc sử dụng chất tẩy rửa hữu cơ cũng là một biện pháp góp phần xử lý rác thải hữu cơ và bảo vệ sức khỏe cho người dùng, nhất là nhân viên vệ sinh, phụ nữ - những người tiếp xúc trực tiếp với hoá chất, cũng như bảo vệ môi trường sạch và an toàn cho tương lai”.
Với quy trình dễ làm, nguyên liệu cũng đơn giản, việc chuyển giao cách làm đến phụ huynh hay các vùng sâu, vùng xa của huyện không còn là trở ngại. Bản thân là giáo viên dạy hoá tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc và giáo dục cho học sinh qua các bài học. Gần đây nhất là tôi đã thiết kế bài giảng STEM - Sản xuất chất tẩy rửa từ Enzym bồ hòn và vinh dự đạt giải Nhì cấp Thành Phố.
Tính lan tỏa và bền vững của dự án của tôi mang tính khả thi khi chọn đối tượng tiếp cận để chuyển giao là phụ nữ. Vì thế, tôi chọn dự án để hỗ trợ với niềm tin, dự án sẽ góp phần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen tiêu dùng, chọn lựa sản phẩm của cộng đồng hướng đến lợi ích sức khỏe, bảo vệ môi trường từ việc tận dụng rác hữu cơ và hạn chế sử dụng chế phẩm từ hóa chất.
Hình ảnh mà chị Gấm - phụ huynh của em Tường Vy lớp 9/6 lớp tôi chủ nhiệm giới thiệu chất tẩy rửa thiên nhiên đến các bạn người Nhật - hiện chị là chủ vườn rau thuỷ canh và đang công tác ở một trường Đại học.
Tự tin giới thiệu sản phẩm cho các bạn trường khác
Các em học sinh đang sử dụng nước lau sàn từ bồ hòn
Thông tin email: nguyetthuong9988@gmail.com
Thông tin
- Tác giả: Hồ Đắc Nguyệt Thượng.