Mã Số N2100: Xây dựng lớp học hạnh phúc thông qua tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề cho học sinh lớp 4

  - Chia sẻ:    

 

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là một trong những nhiệm vụ, công tác hàng đầu được ngành giáo dục chú trọng và thực hiện trong từng năm học. Công tác này góp phần tạo môi trường học tập lành mạnh, giúp các em học sinh phát triển toàn diện về cả đức - trí - thể - mỹ, sẵn sàng trở thành công dân ưu tú, có ích cho xã hội.

 

Xây dựng lớp học hạnh phúc là một trong các hoạt động nằm trong xu hướng “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động này nhằm tạo ra môi trường học tập lý tưởng cho các em học sinh. Thông qua xây dựng lớp học hạnh phúc góp phần đổi mới giáo dục, mang đến môi trường học tập không chỉ dễ chịu mà còn vui vẻ, hạnh phúc để các em có thể tiếp thu kiến thức mới hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện toàn diện đối với mỗi em học sinh.

 

       Năm học 2023 – 2024, tôi giảng dạy lớp Bốn 1 tại Trường TH Tân Túc 2, trước những thực trạng nêu tôi đã tiến hành khảo sát sự hứng thú của học sinh trong giờ Sinh hoạt lớp và thu được những kết quả như sau:

 

  KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH ĐẦU NĂM

 

Tiết sinh hoạt là một trong những tiết học quan trọng trong hoạt động của lớp học, là khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm cùng các em học sinh trao đổi lại quá trình học tập trong tuần từ đó đưa ra những thay đổi cần thiết.

 

Nội dung sáng kiến 

 

Xây dựng lớp học hạnh phúc bằng cách trang trí lớp học thân thiện

 

Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, các em rất yêu thích những gì trực quan sinh động, đẹp mắt, gần gũi với các em. Nó sẽ tạo ở trẻ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, thích thú. Cho nên tôi rất chú trọng việc xây dựng môi trường cơ sở vật chất và môi trường tinh thần nhằm mang lại một lớp học hạnh phúc cho học sinh. Tuyên truyền, vận động phụ huynh ủng hộ cây xanh, sách truyện... phục vụ công tác xây dựng môi trường lớp.

 

 

Sau khi huy động được nguồn lực về cơ sở vật chất nguyên liệu, tôi cùng học sinh tiến hành xây dựng môi trường lớp học. Và tôi nhận thấy học sinh rất vui và thích thú khi chính tay mình tạo nên những sản phẩm mà trong mắt các con là rất đẹp; được trưng bày, trang trí trong phòng học – một niềm tự hào, vui sướng của các con.   

 

 

Xây dựng lớp học hạnh phúc bằng cách nâng cao khả năng tổ chức và điều phối cho Ban cán sự lớp thông qua tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề

 

Để có thể nâng cao chất lượng của giờ sinh hoạt cần trang bị đầy đủ khả năng tổ chức và điều phối, sắp xếp và vận hành công việc cho ban cán sự lớp.

 

Mỗi chủ đề lại cần được tổ chức bởi các hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần bao gồm các kỹ năng nhất định để có thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Để ban cán sự lớp có thể tổ chức thành công giờ sinh hoạt, kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm cần trang bị khả năng tổ chức và điều phối cho ban cán sự lớp.

 

 

Khi ban cán sự lớp có khả năng tổ chức và điều phối, các hoạt động, chủ đề hướng đến xây dựng lớp học hạnh phúc sẽ được đáp ứng hiệu quả hơn.

Tôi đã hướng dẫn các em các quy trình cụ thể cho việc tổ chức và lập kế hoạch, hướng dẫn các em phân chia các tổ và trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân để có thể thực hiện tốt và hiệu quả. Đồng thời, tôi cũng đã định hướng các em một số chủ đề nhất định theo từng chủ điểm nhất định theo từng tuần để có thể đáp ứng được yêu cầu cụ thể.

 

 

Ví dụ: Trong tiết sinh hoạt lớp chủ đề “Ngày quốc tế phụ nữ 8/3”, tôi đã hướng dẫn các em học sinh trong ban cán sự lớp xác định đây là ngày lễ như thế nào? Xác định được các em sẽ xây dựng một số trò chơi có liên quan đến “Ngày quốc tế phụ nữ 8/3”  để tổ chức trong tiết sinh hoạt trong tuần lễ chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Ban cán sự lớp đã cùng nhau kết hợp và xây dựng nên một kế hoạch tổ chức hấp dẫn. Tôi đã tiến hành góp ý để các em có thể hoàn thành nhanh hơn. Các em cũng đã biết phân chia nhiệm vụ cho từng người và tiến hành tiết sinh hoạt lớp.

 

Xây dựng lớp học hạnh phúc bằng cách cải thiện hoạt động giao tiếp và thuyết trình trước đám đông qua cuộc thi kể chuyện theo chủ đề và tham gia các hoạt động ngoại khóa

 

Hoạt động giao tiếp và thuyết trình trước đám đông là một trong những hoạt động quan trọng, cần thiết của mỗi em học sinh. Các em cần tự xây dựng cho mình kỹ năng giao tiếp và thuyết trình trước đám đông để có thể hòa mình vào tập thể, thân thiết hơn với các em học sinh khác trong lớp học, xây dựng tập thể đoàn kết.

 

Rèn luyện khả năng giao tiếp cũng như thuyết trình trước đám đông cho các em học sinh theo hình thức truyền thống dễ gây nhàm chán và không có tính thực hành cao. Các em không được thực tập trong nhiều tình huống cụ thể, thậm chí việc tiếp thu kiến thức bị động, không hứng thú dễ khiến các em thấy chán nản.

 

Ngược lại, tổ chức các cuộc thi kể chuyện sẽ giúp kích thích tinh thần thi đua lành mạnh của các em học sinh. Bản thân các em sẽ tự mình rèn luyện và trau dồi để cùng tham gia hoạt động này trên lớp.

 

 

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình cho các em học sinh thông qua cuộc thi kể chuyện sẽ giúp các em học sinh cảm thấy hứng thú, sôi nổi, tích cực hơn trong giờ sinh hoạt (thời gian tổ chức cuộc thi). Dần dần các em sẽ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ với những thành quả mà mình đạt được.

 

Ví dụ: Trong tiết sinh hoạt chủ đề “Em yêu trường em” được tổ chức vào tháng 9, tháng khai giảng, tôi cùng ban cán sự lớp đã phối hợp tổ chức cuộc thi kể chuyện về trường lớp. Trong cuộc thi này, mỗi em học sinh sẽ kể lại một kỉ niệm khó quên của mình khi nghỉ hè và cảm xúc trong ngày đầu khai giảng.

 

Các em học sinh đã rất hăng say tham gia cuộc thi, nhiều em học sinh đã chia sẻ các kỷ niệm rất độc đáo, khó quên. Để có thể tham gia tốt cuộc thi này, các em đều đã chuẩn bị trước ở nhà, hăng hái tham gia và tự tin thể hiện phần thi của mình. Đa phần các em học sinh đều cảm thấy vô cùng hứng thú và hạnh phúc.

 

 

Đối với các em nhút nhát thì giáo viên cần thường xuyên, trò chuyện, giao tiếp với trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Thường xuyên đặt các câu hỏi để khuyến khích những các em nhút nhát trả lời trong các giờ học trên lớp. Đồng thời tổ chức nhiều trò chơi, tổ chức về nguồn, hoạt động ngoài giờ lên lớp để các em tự tin thể hiện khả năng của bản thân mình.

 

 

Khi tham gia các hoạt động tập thể, được trải nghiệm các em sẽ có nhiều cơ hội thể hiện bản thân; phát huy sở trường của cá nhân và tự học qua các bạn, qua hoạt động nhiều điều bổ ích.

 

Việc lựa chọn những đề tài hoạt động phải vừa sức giáo viên cần lưu ý với các em có sức khỏe chưa tốt, cần lựa chọn hoạt động phù hợp sẽ mang lại cho học sinh niềm vui, học sinh không bị áp lực, không cảm thấy tự ti trước cô giáo và các bạn.

 

Tổ chức các trò chơi tập thể để học sinh tăng cường tương tác, làm việc nhóm và chia sẻ với nhau.

 

Làm việc nhóm nói chung là một trong những kỹ năng mềm cần thiết đối với các em học sinh nhất là trong thời điểm hiện tại khi giáo dục đang dần đổi mới, coi trọng việc kết nối các em học sinh với thế giới xung quanh.

 

Để có thể làm việc nhóm hiệu quả, các em học sinh cần tiến hành lưu ý đến các công việc được giao, có trách nhiệm với các công việc đó.

 

 

Đặc biệt, để hoạt động nhóm hiệu quả, mang lại lợi ích nhất định, học sinh cần nâng cao kỹ năng tương tác với đồng đội, chia sẻ quan điểm của mình.

 

Ngoài ra, tùy theo từng chủ đề nhất định, tôi cũng đã hướng dẫn và phối hợp cùng ban tổ chức, tổ chức các trò chơi phù hợp với từng chủ đề, vừa cung cấp kiến thức cho các em học sinh, vừa tạo nên các hoạt động hấp dẫn để các em có thể cùng nhau tham gia.

 

Ví dụ: Trong giờ sinh hoạt chủ điểm “Hòa bình và hữu nghị” được tổ chức vào tháng 4 để kỉ niệm ngày 30/4 ( Ngày miền Nam hoàn thành giải phóng), tôi đã tổ chức cho các em tham gia trò chơi: “Cây quá khứ”. Cả lớp sẽ được chia thành 4 đội, mỗi đội sẽ lần lượt bốc thăm 1 câu hỏi về các sự kiện lịch sử có liên quan đến chiến thắng quân xâm lược của dân tộc ta. Các em sẽ cùng nhau trả lời. Nhóm trả lời đúng sẽ được cộng 10 điểm, trả lời sai sẽ bị trừ 5 điểm và nhường quyền trả lời cho các nhóm còn lại. Nhóm nào có nhiều điểm nhất sẽ là nhóm chiến thắng.

 

 Xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh

 

Đối với học sinh tiểu học đôi khi có những lúc giận hờn nhau nhưng có những lúc lại thân thiết như người thân trong gia đình. Những lúc mâu thuẫn giáo viên sẽ là người để giải hoà. Như vậy sẽ làm tình bạn thêm gắn kết.

 

 

Đôi khi, giáo viên chỉ cần dành cho học sinh những ánh nhìn khi học sinh vui  đùa với bạn, một cử chỉ vuốt tóc vỗ về nhẹ nhàng khi học sinh chơi một mình hay khi học sinh lẻ loi cũng đã làm cho các học sinh cảm thấy ấm áp, yêu thương hơn và nở những nụ cười hạnh phúc.

 

 

Và có những lúc chính học sinh cũng lại mang niềm hạnh phúc đến cho bản thân giáo viên. Đó chính là niềm hạnh phúc trong những lớp học hạnh phúc...

Hiệu quả mang lại

 

Năm học 2023 – 2024, tôi giảng dạy lớp Bốn 1 Trường TH Tân Túc 2, nhờ áp dụng các bước thực hiện như trên trong tiết sinh hoạt lớp bản thân đã tiến hành khảo sát và thu được những kết quả như sau:

 

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH CUỐI NĂM

 

Sau khi thực hiện các biện pháp trong sáng kiến trên, lớp học đã có sự thay đổi rõ rệt, các em học sinh vui vẻ, hòa đồng, thân thiện hơn. Các em học sinh trong ban cán sự lớp đã có khả năng tổ chức và quản lý tốt.

 

Các em cũng đã biết cách phân chia công việc hiệu quả, thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, nâng cao hiệu quả làm việc của từng tiết học, xây dựng lớp học hạnh phúc. Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình cũng đã giúp các em học sinh tự tin hơn khi tham gia các hoạt động của trường và của khối. Mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui. Đặc biệt, thông qua các hoạt động, trò chơi tập thể, các em đã thực sự đoàn kết và gắn bó với nhau, tạo nên một tập thể vui vẻ, chan hòa, đoàn kết, vững mạnh. Chỉ có như vậy, các em mới cảm thấy vui vẻ cùng các bạn xây dựng lớp học hạnh phúc. 

 

Thông tin email: tuyetmainguyen1990@gmail.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai