Mã Số N2096: PHÁT HUY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ KHỞI NGHIỆP TRONG DẠY HỌC THÔNG QUA GIÁO DỤC TRẺ BIẾT SỬ DỤNG TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG Ở TRƯỜNG MẦM NON

  - Chia sẻ:    

 

“Để tương lai tương sáng - hãy hành động hôm nay”.

 

Năng lượng là một dạng tài nguyên vô cùng quý hiếm trên thế giới và trong mỗi quốc gia, có vai trò sống còn đối với cuộc sống con người. Vai trò của năng lượng thể hiện cụ thể qua việc sử dụng năng lượng của con người cho các hoạt động sản xuất, đi lại, xây dựng và đời sống hằng ngày. Các nguồn năng lượng trên thế giới hiện nay chủ yếu được khai thác từ năng lượng truyền thống sẽ cạn kiệt trong một tương lai không xa. Bên cạnh đó, chất thải trong quá trình sử dụng năng lượng là tác nhân gây ra các vấn đề về môi trường cũng như sự ấm lên toàn cầu của khí hậu trái đất. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đồng thời góp phần giảm lượng khí gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

 

Giáo dục hiện nay, không chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức hàn lâm mà phải đồng hành cùng các em trong thực tiễn cuộc sống. Trẻ mầm non có tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên, chưa biết gì về thế giới xung quanh, là lứa tuổi mà trẻ thích học hỏi, khám phá những gì mới lạ. Vì thế, trường mầm non là nơi lý tưởng để phát huy giáo dục con người nhận thức việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ngay từ nhỏ để trẻ phát triển về các mặt đạo đức, thói quen, có hành vi đúng đắn về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để góp phần vào công cuộc xây dựng một môi trường xanh và lành mạnh.

 

Là một giáo viên, tôi luôn ý thức nhiệm vụ của mình là phải đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng dạy và học đồng thời giúp các cháu nâng cao nhận thức và thực hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm trong thực tiễn cuộc sống từ đó các em sẽ hình thành ý thức, hành vi về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Vì vậy, tôi đã chọn đề tài “phát huy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong dạy học thông qua giáo dục trẻ biết sử dụng tiết kiệm năng lượng ở trường mầm non”, góp phần thực hiện việc đổi mới tư duy và phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của trẻ trong trường mầm non hiện nay.

 

Thực trạng:

 

 Thuận lợi:

 

     Nhà trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 nên cơ sở vật chất tương đối đầy đủ: phòng nhóm, trang thiết bị giảng dạy, đồ dùng, đồ chơi… đảm bảo cho việc chăm sóc - giáo dục tốt. Hệ thống điện nước được trang bị đầy đủ, đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng. Đội ngũ giáo viên nhà trường nhiệt tình, năng nổ, có trình độ chuyên môn cao.

 

Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo sâu sát về chuyên môn, dự giờ thăm lớp và hướng dẫn giáo viên thực hiện nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho trẻ.

 

100% trẻ của lớp học đúng độ tuổi, khoẻ mạnh, hồn nhiên, chăm ngoan, lễ phép, nghe lời cô giáo. Tích cực, hứng thú khi tham gia vào các hoạt động học, hoạt động ngoài trời và các hoạt động trong ngày.

 

Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các bậc phụ huynh, thường xuyên trao đổi với nhà trường để có phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất.

 

Bản thân tôi luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn, luôn tìm tòi đọc các loại sách báo… nói về giáo dục tiết kiệm năng lượng cho trẻ mẫu giáo.

 

 Khó Khăn

 

  Giáo viên chưa sáng tạo, chưa thiết kế được bài tập phù hợp khi lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm năng lượng vào tổ chức các hoạt động cho trẻ vì các tài liệu về sử dụng tiết kiệm năng lượng còn hạn hẹp.

 

Số trẻ chưa có kiến thức hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lớp còn khá đông. Sự hiểu biết chung về năng lượng, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm năng lượng cho trẻ còn hạn chế.

 

Một số phụ huynh chưa quan tâm phối hợp trong việc giáo dục trẻ tiết kiệm năng lượng.

 

* Bảng khảo sát:

 

TT

Nội dung

Tổng số trẻ

Số trẻ đạt

Tỷ lệ

1

Trẻ nhận biết được các loại năng lượng

32

20/32

62.5%

2

Trẻ biết tắt các thiết bị điện, nước khi không sử dụng.

32

21/32

65.6%

3

Trẻ có ý thức tiết kiệm điện, nước khi sử dụng.

32

19/32

59.4%

4

Trẻ có hành động cụ thể trong việc tiết kiệm năng lượng.

32

18/32

56.2%

 

Giải pháp và tổ chức thực hiện:

 

Trang trí, xây dựng môi trường, sưu tầm tài liệu, đồ dùng, tranh ảnh, trò chơi, bài tập để tổ chức các hoạt động và tự học hỏi, bồi dưỡng nâng cao hiểu biết chung về năng lượng, tiết kiệm năng lượng, thực sự là một tấm gương trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng:

 

Do đặc điểm tâm lý của trẻ mầm non là tư duy trực quan hình tượng. Nên bậc học mầm non có một đặc thù riêng khác hẳn so với các cấp học khác. Lớp học phải được trang trí và xây dựng môi trường học tập theo các góc phù hợp với từng chủ đề dạy trẻ. Việc trang trí lớp, xây dựng môi trường học tập ở trường mầm non là một việc rất quan trọng, không thể thiếu mà ở bất cứ nhóm lớp nào cũng phải thực hiện. Trang trí lớp xây dựng môi trường học tập nhằm cung cấp cho trẻ những hình ảnh, kiến thức về các góc chơi, nhóm hoạt động của trẻ. Trẻ vừa học, vừa được chơi ở trên các mảng tường được trang trí theo hướng mở, đẹp, khoa học, hợp lý và sáng tạo với đa dạng các nguyên vật liệu. Ngoài các mảng tường có hình ảnh trang trí đặc trưng của từng góc chơi. Tôi còn trang trí thêm các hình ảnh biểu tượng giáo dục có nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm gắn ở từng góc như:

 

+ Nội quy các góc chơi: cất đồ chơi gọn gàng, không làm ồn…

 

+ Nội quy của lớp học: tôi thiết kế dưới dạng các biển báo, các hành vi trẻ nên làm để tiết kiệm năng lượng như: tắt điện trước khi ra khỏi phòng, tắt máy tính khi không sử dụng… hay tôi còn làm một số biển báo cấm để sử dụng điện an toàn như: bé không được tự cắm và rút phích điện, không sờ tay vào công tắc điện khi tay hoặc chân ướt, không chạm vào các dây điện bị đứt.

 

+ Ở góc đặt bình uống nước: tôi cũng trang trí các hình ảnh nhắc nhở các hành vi của trẻ như: lấy nước vừa đủ để uống, không chen lấn nhau để tránh bị đổ nước ra ngoài... hoặc góc tạo hình: tôi trang trí một số tranh treo tường vẽ về việc bé sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

 

Các hình trẻ tôi đặt vừa tầm nhìn của trẻ và xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ nên trẻ rất có ý thức thực hiện theo

 

 Bên cạnh đó, trò chơi, tranh ảnh, các bài tập cũng có vai trò rất lớn đến việc giáo dục cho trẻ những kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả vì trẻ mẫu giáo hoạt động chủ đạo là vui chơi “ Chơi mà học, học mà chơi”. Trò chơi vốn rất hấp dẫn trẻ giúp trẻ thỏa mái mà lại nhớ lâu. Qua sách báo, tài liệu tôi sưu tầm các tranh ảnh, trò chơi, bài tập như khoanh tròn, nối đồ dùng với các thiết bị sử dụng điện, ga hay các cách tiết kiệm năng lượng, cách sử dụng điện an toàn, làm diều, làm chong chóng, tranh ảnh về các công việc các bác công nhân nhà máy điện…. Những hình ảnh cùng lời nói quảng cáo trên tivi về tiết kiệm điện: tắt điện, khóa nước khi không sử dụng.

 

Ngoài ra, để thực hiện nội dung giáo dục tiết kiệm năng lượng đạt kết quả cao thì người giáo viên cần có những kiến thức nhất định về năng lượng và tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, tôi tìm đọc sách báo trên mạng internet kết hợp mượn tham khảo các tài liệu tổ chức thực hiện giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong trường mầm non ở tủ sách chuyên môn của nhà trường hay tham gia dự thao giảng, chuyên đề hoạt động tích hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả do nhà trường, cụm tổ chức để nâng cao hiểu biết chung và có các phương pháp giáo dục hiệu quả hơn khi tổ chức các hoạt động cho trẻ.

 

Trang trí môi trường lớp để trẻ hoạt động

 

 Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục tiết kiệm năng lượng, hiệu quả theo các chủ đề và thông qua các hoạt động trong ngày

 

Khi xây dựng kế hoạch tôi lựa chọn nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được tôi tích hợp lồng ghép theo theo từng chủ đề cụ thể, phù hợp với điều kiện và cuộc sống của trẻ.

 

Ví dụ: Trong chủ đề Bản thân, tôi cho trẻ tìm hiểu nhu cầu bản thân trẻ về năng lượng. Bé cần điện để "đọc" truyện, sưởi ấm, nghe nhạc, xem tivi... Vậy bé cần làm gì để tiết kiệm năng lượng: không mở cửa khi điều hòa đang hoạt động, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng... Hay trong chủ đề hiện tượng tự nhiên, tôi giới thiệu cho trẻ về năng lượng mặt trời, năng lượng nước, năng lượng gió.

 

Trong chủ đề giao thông, tôi cung cấp cho trẻ lợi ích của nhiên liệu: xăng, dầu, ga, củi, rơm, rạ... là giúp cho các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, tàu hỏa... chạy được; giúp các thiết bị, đồ dùng hoạt động như bếp ga, bếp củi để nấu chín thức ăn. Vậy làm thế nào để sử dụng nhiên liệu tiết kiệm? Tôi đã giới thiệu cho trẻ cách tiết kiệm xăng dầu như: Đi xe đạp, đi bộ thay cho việc đi xe máy, ô tô; tái sử dụng các túi ni lông cũ…

 

Ngoài việc lồng ghép vào chủ đề thì tích hợp nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào các hoạt động trong ngày là biện pháp nhằm ôn luyện củng cố kiến thức, rèn kỹ năng hành vi, thái độ cho trẻ, giúp hình thành một thói quen ăn sâu vào trong ý thức, hành vi của trẻ. Vì vậy, trong mọi hoạt động của trẻ một ngày, tôi luôn đưa các nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào dạy trẻ một cách hợp lý, nhẹ nhàng.

 

Hoạt động trong giờ đón, trả trẻ, thể dục sáng: Trò chuyện với trẻ, cho trẻ kể về:

 

- Những thiết bị, vật dụng trong gia đình thường sử dụng điện, những vật dụng ở lớp cần sử dụng điện.

 

- Xem tranh phân biệt hành vi đúng, sai trong sử dụng năng lượng.

 

* Hoạt động học:

 

Trong hoạt động khám phá khoa học: “Đồ dùng sử dụng điện trong gia đình” thì tôi cho trẻ trải nghiệm về các đồ dùng sử dụng điện trong gia đình. Qua các hoạt động trải nghiệm, đưa ra tình huống cho trẻ dự đoán, quan sát bằng hình ảnh thật, tôi cung cấp cho trẻ những kiến thức đơn giản về đặc điểm của các đồ dùng sử dụng điện trong gia đình đó như: muốn nấu cơm bằng nồi cơm điện thì phải cắm điện v.v. Khi sử dụng điện tôi giáo dục trẻ sử dụng tiết kiệm điện bằng cách: tắt các đồ dùng điện khi không sử dụng, chỉ sử dụng khi cần thiết: nóng thì mới bật quạt; khi học bài thì mới bật đèn học... Giáo dục trẻ sử dụng điện an toàn: khi trời mưa to, giông bão thì không nên sử dụng các đồ dùng điện, chân hoặc tay ướt không nên sờ vào đồ dùng điện và ổ cắm điện.

 

Sau khi đàm thoại trò chuyện cung cấp kiến thức, mở rộng thực tế tôi tổ chức cho trẻ chơi một số trò chơi nhằm ôn luyện củng cố những kiến thức trẻ vừa được học như: trò chơi "Ai nhanh nhất" thi đua giữa 3 đội lên chọn các hình ảnh đồ dùng sử dụng điện trong gia đình hay trò chơi "Bé thi tài" trẻ khoanh tròn các hành vi sử dụng điện đúng.

 

                                               Tiết học “tiết kiệm điện”.

 

* Hoạt động ngoài trời:

 

Hoạt động ngoài trời có ý nghĩa đặc biệt với trẻ mầm non. Thông qua qua hoạt động ngoài trời giáo viên có thể giáo dục cho trẻ nhiều kiến thức, kĩ năng ruồi hình thành cho  những cơ sở ban đầu trong đó có việc giáo dục môi trường cho trẻ ngay tại bậc mầm non, tham gia hoạt động này trẻ sẽ được bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm nước.

 

 Tổ chức cho trẻ tham gia tưới nước, trồng cây trong vườn trường nhưng tôi luôn theo dõi nhắc nhở trẻ phải biết tiết kiệm nước, không để nước văng vãi ra ngoài, phải biết giữ gìn nguồn nước.

 

Dạy trẻ có thái độ nhiệt tình, hăng say trong lao động, chăm sóc tưới nước bắt sâu cho cây xanh, hoa cho trường, lớp thêm đẹp hay nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, không giẫm lên cỏ, không hái hoa, bẻ cành cây, chơi nhẹ nhàng bảo vệ các đồ chơi ở sân trường để chơi được lâu.

  

                                         Bé chăm sóc cây xanh.

 

Tổ chức thông qua hoạt động vui chơi

 

Nhắc nhở trẻ chơi giao tiếp với nhau nhưng không gây ồn ào, không vứt, ném đồ chơi để bảo vệ đồ chơi trong lớp, sau khi trẻ chơi xong biết cất đồ chơi gọn gàng, đúng nơi quy định.

 

Góc thiên nhiên: Dạy trẻ chăm sóc cây, tưới cây, gieo hạt, nhặt cỏ cho bồn cây, bảo vệ cây, làm các thí nghiệm về cây xanh với ánh sáng và nước, thí nghiệm hiệu ứng nhà kính, thí nghiệm nước ô nhiễm, làm sạch nước bẩn, thí nghiệm với kính lúp…

 

Góc nấu ăn: Dạy trẻ có ý thức tiết kiệm nước, thực phẩm, thu gom đồ dùng gọn gàng sau khi chế biến các món ăn.

 

Góc tạo hình: Vẽ, xé dán ngôi nhà đặc biệt (ngôi nhà có nhiều cửa sổ). Dạy trẻ dùng các nguyên vật liệu, phế thải, chai lọ đã qua sử dụng để làm thành sản phẩm theo ý tưởng của trẻ. Dạy trẻ tiết kiệm các đồ dùng như: keo dán, hồ (bôi vừa đủ), giấy…

 

Giờ ăn - giờ ngủ

 

Học tập từ tấm gương đạo đức của Bác “ không được hoang phí dù chỉ là một việc nhỏ” và Bác luôn xem “gạo” chính là “ hạt ngọc” của trời ban. Do đó, trong các giờ ăn của trẻ, tôi luôn giáo dục trẻ ăn hết suất, biết quý trọng hạt gạo, không lãng phí dù chỉ một hạt cơm, không làm rơi vãi cơm xuống đất hoặc trên bàn thông qua việc hình thành cho trẻ thói quen ăn uống tôi giáo dục trẻ trước khi ăn, trong giờ ăn và sau khi ăn cũng phải tiết kiệm năng lượng như:

 

Trước khi cho trẻ rửa tay, tôi luôn hỏi trẻ “Phải làm thế nào để tiết kiệm nước?”. Tôi nhắc trẻ vặn vòi nước vừa phải, không nên vặn nước quá to, rửa xong vặn chặt vòi nước lại, rửa gọn gàng, không làm nước bắn ra ngoài. Khi uống nước cần rót vừa đủ không rót quá nhiều rồi đổ đi.

 

Trong giờ ngủ nếu trời mát mẻ không nên mở quạt nhằm để tiết kiệm điện. Nếu vào mùa hè nóng bức thì ta mới nên mở quạt. Nhắc nhở trẻ không gây ồn ào, nói chuyện trong giờ ngủ. Không giật chiếu, xé gối, xé chăn.

 

Hoạt động chiều

 

Rèn kỹ năng rửa tay, rửa mặt: rèn cho trẻ cách rửa tay, rửa mặt đúng thao tác. Tôi kết hợp giáo dục trẻ biết tiết kiệm nước bằng cách vặn nước vừa đủ, không nên mở nước quá to; khóa chặt vòi nước ngay sau khi rửa tay xong.

 

Cô cùng trẻ sắp xếp lại lớp gọn gàng, ngăn nắp để lớp được thoáng mát. Cho trẻ chơi hoạt động tự do ở các góc, xem truyện ở góc thư viện thay vì cho trẻ ngồi một chỗ xem tivi hay cùng trẻ xây dựng nội quy sử dụng điện trong lớp.

 

       Giáo dục trẻ tiết kiệm nước khi thực hiện thao tác rửa tay.

 

Nêu gương và trả trẻ

 

Khen ngợi những hành vi tốt của trẻ đã thực hiện có ý nghĩa bảo vệ môi trường: tiết kiệm nước, quét dọn…

 

Khen ngợi trẻ mặc trang phục đầu tóc gọn gàng.

 

Sau khi áp dụng biện pháp này tôi thấy trẻ lớp tôi đã có những tiến bộ rõ rệt theo từng ngày. Trẻ nắm được các kiến thức cơ bản mà giáo viên cung cấp, hình thành thói quen, hành vi, kỹ năng, tình cảm tốt về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Bản thân tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động một ngày của trẻ có lồng ghép nội dung giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Soạn được nhiều giáo án hay đạt hiệu quả cao khi dạy trẻ được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về mặt chuyên môn và sáng tạo.

 

 

         Tuyên dương trẻ ngoan cuối ngày.

 

Tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

 

Góc tuyên truyền của lớp: Tôi sưu tầm các hình ảnh, tài liệu, bài báo có nội dung giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cài các tài liệu đó trên góc tuyên truyền của lớp mình sao cho phụ huynh dễ nhìn thấy và đọc được. Các tài liệu tuyên truyền đó sẽ được thường xuyên cập nhật thay đổi nội dung phù hợp với các chủ đề giáo dục. Nội dung các tài liệu tuyên truyền đó nhằm mục đích giáo dục trẻ những vấn đề sau:

 

- Phụ huynh gương mẫu làm gương ở nhà cho trẻ học tập. Khuyến khích phụ huynh nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc xe đạp giảm khói bụi. Sử dụng đèn tiết kiệm điện, ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, bình nóng lạnh bật vừa đủ…Hưởng ứng giờ trái đất, nhà nhà tắt điện.

 

Giáo dục trẻ hiểu biết về năng lượng và lợi ích của năng lượng bao gồm: điện, nhiên liệu, năng lượng mặt trời, năng lượng gió…;cung cấp ánh sáng, làm chín cơm, thức ăn, giúp phương tiện chuyển động, làm khô quần áo…

 

- Hình thành ở trẻ kỹ năng và ý thức tự sử dụng năng lượng tiết kiệm, an toàn, hiệu quả: tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi phòng, tắt tivi khi không xem, giữ gìn, bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, nước, bảo vệ nguồn nước, cây xanh.

 

Ngoài ra, thông qua zalo của nhóm lớp, tôi cũng soạn các bài tập gửi cho phụ huynh cho bé thực hành khi ở nhà hay vận động, tuyên truyền phụ huynh tham gia hưởng ứng “Giờ trái đất”... Qua đó, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên cũng trở nên gắn bó hơn. Phụ huynh rất tin tưởng, yên tâm khi gửi con tới trường cũng như tích cực ủng hộ tranh ảnh và nguyên vật liệu để giáo viên làm đồ dùng sáng tạo hay cung cấp trao đổi thông tin hai chiều tới giáo viên những thông tin mới về tiết kiệm năng lượng mà phụ huynh mới cập nhật.

 

                     Phụ huynh xem bảng tin tuyên truyền ở lớp.                                

Ý nghĩa:

 

Từ những biện pháp đã áp dụng, kết quả nhận lại:

 

- Để trẻ tiếp thu và thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng, giáo viên cần phân chia thời gian hợp lý, đặt trẻ vào những tình huống có vấn đề, khuyến khích trẻ tự giải quyết. Nắm vững khả năng nhận thức cũng như đặc điểm tâm lý của từng trẻ và nắm chắc nội dung chương trình giáo dục đặc biệt là nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong trường mầm non.

 

- Giáo viên phải luôn gương mẫu để trẻ làm theo, luôn có ý thức hướng dẫn và nhắc nhở trẻ kiên trì thực hiện những việc làm hàng ngày để tiết kiệm năng lượng. Luôn đi sâu, tìm tòi, sáng tạo và học hỏi chị em đồng nghiệp, sáng tạo phương pháp giảng dạy nâng cao trình độ chuyên môn, lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục trẻ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả một cách nhẹ nhàng hợp lý vào trong tất cả các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ một cách linh hoạt góp phần tạo hứng thú và rèn thói quen cho trẻ.

 

- Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình, yêu nghề mến trẻ, tôn trọng phụ huynh, thường xuyên trao đổi thông tin của trẻ để phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em mình tại trường mầm non, từ đó thống nhất với phụ huynh các biện pháp để cùng chăm sóc và giáo dục trẻ.

 

- Làm tốt công tác tham mưu với Ban giám hiệu bổ sung, trang bi thêm các đồ dùng, đồ chơi và trang thiết bị đầy đủ để phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh trường để lấy bóng mát.

 

Kết quả

 

Qua một năm học, áp dụng những biện pháp trên với trẻ ở lớp 5 - 6 tuổi của tôi đã thu hoạch được những kết quả như sau:

 

TT

Nội dung

Đạt

Chưa đạt

SL

TL%

SL

TL%

1

Trẻ nhận biết được các loại năng lượng

30/32

93.7%

02/32

6.3%

2

Trẻ biết tắt các thiết bị điện, nước khi không sử dụng.

31/32

96.8%

01/32

3.2%

3

Trẻ có ý thức tiết kiệm điện, nước khi sử dụng.

30/32

93.7%

02/32

6.3%

4

Trẻ có hành động cụ thể trong việc tiết kiệm năng lượng.

32/32

100%

0

0%

 

V. Hiệu quả kinh tế:

 

Với đề tài “phát huy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong dạy học thông qua giáo dục trẻ biết sử dụng tiết kiệm năng lượng ở trường mầm non” mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả góp phần giảm lượng khí gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả góp phần giữ gìn nguồn năng lượng, đảm bảo nhu cầu sử dụng trước mắt cùng như lâu dài của gia đình và cộng đồng. Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, giáo dục tiết kiệm năng lượng trong trường mầm non trong việc dạy trẻ “là một việc quan trọng và rất cần thiết” vì sẽ giúp hình thành cho trẻ những thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm còn là giáo dục cho trẻ những kỹ năng, những kiến thức nhằm góp phần giáo dục những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước trở thành những người phát triển một cách toàn diện nhất và là động lực giúp trẻ khi lớn có ý thức xây dựng, bảo vệ đất nước.

 

Tác động xã hội

 

Với đề tài phát huy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong dạy học thông qua giáo dục trẻ biết sử dụng tiết kiệm năng lượng ở trường mầm non và áp dụng trên lớp học của mình, tôi đã bước đầu góp phần nhỏ vào công tác xây dựng được một thế hệ tương lai có một vốn kiến thức, kỹ năng, ý thức, hành vi, thói quen về tiết kiệm năng lượng như: biết tắt các thiết bị điện, nước khi không sử dụng, biết tiết kiệm điện, nước khi sử dụng, nhắc nhở người lớn tiết kiệm điện, nước... để góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Và giúp mọi người ai cũng hiểu rằng: “Hành động hôm nay - an toàn cho tương lai”.

 

Thông Tin Email: trucnguyen1287@gmail.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Trúc