Mã số N2094: Một số biện pháp nâng cao năng lực sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng cho trẻ 5-6 tuổi trong hoạt động tạo hình nhất là hoạt động vẽ nặn và xé dán

  - Chia sẻ:    


I. Đặt vấn đề:
 

Đặc thù trẻ Mầm non là luôn hiếu động, thích tìm tòi, khám phá và luôn sáng tạo. Chính vì vậy mọi sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ luôn là đề tài để trẻ quan tâm, những câu hỏi vì sao? Tại sao? Làm thế nào? Để làm gì?.....tất cả đều được trẻ ghi nhớ, bắt chước, muốn tự mình làm được và được thực hiện ngay. Vì thế hoạt động tạo hình là một trong những hoạt động hấp dẫn nhất, lôi cuốn đối với trẻ mầm non.

 

Hoạt động tạo hình nhằm phát triển cảm nhận và hứng thú về nghệ thuật bồi dưỡng cho trẻ những thị hiếu về thẩm mỹ, hình thành năng lực quan sát, phát triển trí nhớ, óc tưởng tượng và sự khéo léo của đôi bàn tay. Phát triển tạo hình cho trẻ bao gồm các yếu tố, yếu tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định khả năng tạo hình của trẻ đó là kỹ năng về đường nét và các hình khối, hình mảng được tạo nên từ đường nét, qua sự hướng dẫn, gợi mở của cô giáo và người lớn trẻ được luyện tập và củng cố nắm vững hơn kỹ năng về vẽ, nặn, xé dán, giúp trẻ biết hình thành cái đẹp, cảm thụ cái đẹp và tạo ra cái đẹp. 

 

Thực hiện tốt hoạt động tạo hình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ về mọi mặt đặc biệt đối với trẻ 5 tuổi hoạt động tạo hình còn là nền tảng quan trọng tạo tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1 vững vàng hơn.

 

Thông qua hoạt động này giúp trẻ hiểu và khám phá thể hiện một cách sinh động, sáng tạo, trẻ nhìn thấy và cảm nhận được về thế giới xung quanh, những gì làm trẻ rung động mạnh mẽ và gây cho trẻ những tình cảm ban đầu.

 

Tuy vây, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan mà trong thực tế hiện nay hoạt động tạo hình đặt biệt là hoạt động vẽ nặn xé dán của trẻ ở trường mầm non chưa được coi trọng. Cơ sở vật chất tuy đã đủ sống chưa phong phú, một số trang thiết bị còn hạn chế như: Giá vẽ của trẻ, các loại màu nước, đất nặn… còn ít sử dụng, đặc biệt môi trường cho trẻ tiếp xúc, quan sát để làm giàu tưởng tượng của trẻ chưa phong phú, chưa hấp dẫn, trình độ năng lực tạo hình của giáo viên còn hạn chế.

 

Chính vì lý do trên, chị Võ Thị Thúy Kiều quyết định chọn đề tài “ Một số biện pháp nâng cao năng lực sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng cho trẻ 5-6 tuổi trong hoạt tạo hình nhất là hoạt động vẽ nặn và xé dán”.

 

II. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

 

A. Thực trạng:

 

 Năm học 2022-2023 chị được phân công dạy lớp Lá 1 với sỉ số 33 trẻ (gồm 19 nữ và 15 nam), nhóm phụ trách có 16 trẻ chị nhận nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:

 

* Khó khăn:

 

Qua khảo sát, chị thấy đa số trẻ lớp chị chưa qua lớp mầm và chồi nên kỹ năng trong hoạt động tạo hình của trẻ chưa cao chưa đồng đều, nhiều trẻ kỹ năng còn yếu và trung bình. 

 

Đặc thù của trường là vùng nông thôn nên trang thiết bị và đồ dùng dạy học chưa phong phú đa dạng về nguyên vật liệu, chưa hấp dẫn trẻ. Cơ sở vật chất phục vụ dạy học còn có phần hạn chế, đặc biệt là môi trường để cho trẻ tích lũy kinh nghiệm.

 

Đồ dùng cho trẻ hoạt động còn ít, chưa đa dạng phong phú, giá trị sử dụng chưa cao..

 

Nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế, họ chỉ nghĩ học tạo hình để tạo thú vui cho trẻ, không hiểu tầm quan trọng của tạo hình đối với trẻ.

 

Phụ huynh không có thời gian quan tâm đến trẻ.

 

Nhiều phụ huynh chi mong muốn trẻ phải được học chữ, biết đọc biết viết. 

 

Đa số trẻ trong lớp chưa qua lớp mầm và chồi nên kỹ năng tạo hình của trẻ chưa cao.

 

Một số trẻ rất nhút nhát, ngại tham gia vào hoạt động cùng bạn, trẻ chưa có khả năng sáng tạo trong các hoạt động, một số trẻ có năng khiếu chưa được bồi dưỡng và rèn luyện đúng cách.

 

Quá trình tổ chức còn nặng về kết quả sản phẩm, ít tạo điều kiện để trẻ phát huy khả năng kỹ năng của chính trẻ 

 

Chưa tạo nhiều điều kiện để tạo cảm hứng cho trẻ khi vẽ, nặn và xé dan, còn áp đặt trẻ tạo sản phẩm theo ý cô, chưa cho trẻ sáng tạo theo ý tưởng của trẻ.

Theo khảo sát đầu năm về mức độ, kỹ năng vẽ nặn xé dán của 16 trẻ đang phụ trách chị nhận thấy: 

 

Hoạt động vẽ: 10/16 trẻ, tỉ lệ: 62,5% không thích vẽ, chưa biết cầm bút cọ để vẽ, mức độ sẵn sàng tham gia hoạt động vẽ có nhiều hạn chế. Trẻ không tự tin để thực hiện nét vẽ

 

Hoạt động nặn: 9/16 trẻ, tỉ lệ: 56,2% chưa có kỹ năng lăn dài, lăn tròn, ấn dẹp và chưa phối hợp các kỹ năng tạo ra sản phẩm theo mẫu. Còn nặn theo ý thích 7/16 trẻ , tỉ lệ: 44%chưa mạnh dạn tham gia. 

 

Hoạt động xé dán: 10/16, tỉ lệ: 62,5% trẻ trong nhóm chưa biết cách xé giấy trẻ sợ sai nên không thực hiện. 6/16 trẻ, tỉ lệ: 37,5% có kỹ năng phết hồ,dán các sản phẩm không nhăn, biết cách phối hợp các thanh giấy dán tạo sản phẩm.

 

Bên cạnh đó cũng có một số thuận lợi sau:

 

Bản thân chị luôn dành thời gian tìm hiểu, lấy tài liệu, hình ảnh… trên mạng để thiết kế các đề tài vẽ, nặn và xé dán phù hợp cho trẻ.

 

Bản thân chị không ngừng học tập nâng cao chuyên môn, tham dự các buổi thao giảng của trường để nắm rõ hơn về các phương pháp dạy học để khơi nguồn cảm hứng, nâng cao khả năng cảm thụ cũng như năng lực cho trẻ tham gia hoạt động tạo hình

Trẻ luôn tin tưởng muốn được hoạt động cùng cô

 

Được Ban giám hiệu thường xuyên quan tâm tổ chức cho giáo viên học tập nâng cao chuyên môn, tham dự các buổi thao giảng của huyện, trường để giáo viên nắm rõ hơn về các phương pháp dạy.

 

B. Biện pháp thực hiện: 

 

Để khơi nguồn cảm hứng cho trẻ tham gia tốt hoạt động tạo ra nhiều sản phẩm phong phú đa dạng trước tiên bản thân giáo viên phải nâng cao năng lực của chính bản thân mình từ đó mới tạo được nhiều ý tưởng cũng như là điều kiện môi trường cho trẻ hoạt động tốt do đó chị Võ Thị Thúy Kiều đã mạnh dạn áp dụng một số biện pháp sau:

 

1. Thường xuyên học tập, tự học, tự rèn luyện năng lực tổ chức hoạt động tạo hình của bản thân 

 

Như các bạn đã biết kỹ năng vẽ nặn xé dán là một kỹ năng rất quan trọng đối với trẻ trong hoạt động tạo hình. Vì vậy để thực hiện tốt trước hết chị luôn không ngừng học tập trau dồi các kiến thức kỹ năng của bản thân và đã sử dụng các tài liệu sau: Tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục Mầm non, chương trình khung, vở bé tập tạo hình, vở tập tô màu theo độ tuổi, xem tranh ảnh, báo chí, tập san v.v… Đồng thời việc chuẩn bị đồ dùng dạy và học cũng vô cùng quan trọng. Nó khơi gợi sự đam mê hoạt động giúp trẻ mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh, tạo cơ hội cho trẻ hoạt động và qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển chức năng tâm lý, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ và đây cũng là cơ sở để giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, có hiệu quả, phát huy được tính sáng  tạo của trẻ. Bởi vậy chị Võ Thị Thúy Kiều luôn tận dụng môi trường trong lớp một cách có khoa học để giúp trẻ được hoạt động thoải mái, không áp đặt, luôn “Lấy trẻ làm trung tâm”, bố trí không gian đủ rộng, đảm bảo an toàn, sắp xếp đồ dùng có tính thẩm mỹ cao, tạo điều kiện cho trẻ xem tranh ảnh, báo chí, tập san…về hoạt động tạo hình để trẻ tự khám phá bằng cách huy động sự tham gia của các giác quan, các quá trình tâm lý khác nhau sẽ tạo cho trẻ cảm giác thích thú.

 

2. Tìm hiểu mức độ tạo hình nhất là kỹ năng vẽ, nặn, xé dán của trẻ 

 

Hoạt động vẽ

 

Hoạt động vẽ là một trong những nội dung giáo dục thẩm mỹ nhằm phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo, thông qua đó phát triển cảm giác, tri giác, phát triển khả năng cảm thụ và khả năng sáng tạo, đồng thời vẽ còn là sự biểu lộ thái độ, tình cảm yêu ghét của trẻ đối với thế giới xung quanh. 

 

 

Đối với trẻ, thế giới xung quanh thật mới mẻ và lý thú, trẻ luôn muốn thông qua mọi phương tiện để biểu đạt những cảm xúc của mình. Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ đã tiếp thu một lượng tri thức đáng kể về thế giới xung quanh do trẻ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy và sờ thấy hoặc do người lớn kể lại qua các câu chuyện, phim ảnh. Từ đó thế giới biểu tượng của trẻ cũng phong phú dần lên và làm nảy sinh tính ham hiểu biết, hứng thú nhận thức, muốn khám phá  những điều mới lạ. Xuất phát từ đó trẻ bắt đầu quan tâm đến các kiểu dáng, cách trang trí, thiết kế, bỗng kết hợp lại với nhau và được trẻ thể hiện qua tranh vẽ một cách tượng trưng. Những nét vẽ nguệch ngoạc, hồn nhiên, hết sức bình dị nhưng rất cần thiết trong quá trình hình thành khả năng cảm thụ cái đẹp và khả năng tư duy tưởng tượng sáng tạo của trẻ. Từ những nét vẽ, bức tranh đó chính là cảm xúc, tình cảm là ước mơ mà trẻ đã thể hiện trên trang giấy.

 

Hoạt động nặn

 

Nặn là một hoạt động vô cùng hấp dẫn và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Để việc tổ chức hoạt động nặn cho trẻ mẫu giáo đạt được hiệu quả tích cực, bên cạnh các kiến thức về tâm - sinh lí và giáo dục lứa tuổi cần phải hiểu sâu sắc bản chất của hoạt động. Từ đó, làm cơ sở cho việc thiết kế và tổ chức các hoạt động nặn cho trẻ mẫu giáo một cách khoa học, đa dạng và linh hoạt phù hợp với đặc điểm cơ bản của từng lứa tuổi, phát huy tính tích cực của trẻ và đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục. 

 

Nặn giúp rèn luyện sự phối hợp tinh tế giữa bàn tay, ngón tay với sự hiểu biết về thế giới xung quanh  thể hiện qua các thao tác lăn, ấn, tạo hình, cấu véo đất và nắn thành những hình thù sản phẩm theo trí tưởng tượng sáng tạo của trẻ.

 

Hoạt động xé dán 

 

Cũng giống như hoạt động vẽ, nặn hoạt động xé dán tạo cho trẻ nhiều cơ hội phối hợp vận động khéo léo của đôi tay và những hiểu biết về sự vật hiện tượng quanh trẻ để tạo sản phẩm theo khả năng.

 

Hoạt động xé dán là một hoạt động không thể thiếu ở lứa tuổi mầm non. Nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức của trẻ em, có thể cho rằng hoạt động xé dán là một trong những hoạt động tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Qua vẽ, nặn xé dán, trẻ dùng ngôn từ là những đường nét, những màu sắc, biểu tượng để nói lên những xúc cảm, tình cảm nhận thức của mình về thế giới xung quanh theo cách nhìn riêng của trẻ. Và cũng chính từ những tác phẩm này mà ta có thể hiểu được phần nào những nét tâm lí của trẻ và có những hướng giáo dục phù hợp.

 

 

 

3. Tổ chức các hoạt động hướng vào trẻ, lấy trẻ làm trung tâm

 

Trong tất cả các giờ học nói chung và giờ tạo hình nói riêng giáo viên cần để cho trẻ tự thể hiện. Cô chỉ là người động viên, khuyến khích trẻ sáng tạo và kịp thời hướng dẫn trẻ khi thật cần thiết, trẻ cần được động viên để thể hiện được ý muốn, tình cảm, cảm xúc và những hiểu biết của trẻ đối với sự vật, trẻ muốn được lựa chọn.

 

Trẻ thích được tự thể hiện bản thân mình với các phương tiện tạo hình khác nhau, sự thể hiện mang tính cá nhân: mỗi trẻ có những tính cách riêng biệt không có trẻ nào giống nhau, nếu có đó chỉ là hình thức thể hiện.

 

Trẻ hứng thú khi tham gia hoạt động vẽ theo ý thích

 

Trẻ quan sát vườn hoa tạo cảm hứng cho hoạt động tạo hình

 

Do đó khi dạy trẻ về một số loại hoa, chị tận dụng vườn hoa trước sân trường cho trẻ đi tham quan, được quan sát một cách trực tiếp nhằm khắc sâu hình ảnh cho trẻ.

 

Cô đàm thoại: Các con thấy vườn hoa như thế nào? Thế con thích loại hoa nào? Những loại hoa này màu sắc có giống nhau không? Trên bông hoa còn có những hạt gì long lanh thế nhỉ? Sau khi quan sát vườn hoa, một số trẻ được khuyến khích hoạt động tạo hình, có trẻ vẽ hình hoa, có trẻ xé dán hình hoa, mỗi trẻ tự lựa chọn bằng cách vẽ, nặn, xé – dán để thực hiện . Tăng cường các câu hỏi gợi ý giúp trẻ củng cố và áp dụng các kinh nghiệm đã lĩnh hội trong các lĩnh vực khác nhau, động viên trẻ suy nghĩ thăm dò, tìm cách giải quyết các vấn đề của trẻ, hãy để trẻ miêu tả những gì trẻ biết và trẻ có thể làm.

 

Không lạm dụng các sản phẩm mẫu và làm mẫu, càng ít làm mẫu và càng ít sử dụng vật mẫu sẽ càng làm kích thích trẻ tư duy và tìm cách thể hiện. Nếu có sử dụng vật mẫu, thì cô biết phải sử dụng một cách thận trọng, vừa lấy vật mẫu làm “đòn bẩy” của bài dạy, vừa lấy đó làm điểm kích thích sự sáng tạo của trẻ, sử dụng vật mẫu một cách logic.

 

4. Tạo môi trường cho trẻ hoạt động

 

Cần sắp xếp các đồ dùng một cách hợp lý, đẹp mắt để trẻ có thể thấy rõ và thấy được đồ dùng để thể hiện hoạt động vẽ nặn xé dán bất cứ lúc nào trẻ thích và có thể trưng bày sản phẩm của mình.

 

 

Trong việc hướng dẫn trẻ vẽ nặn xé dán ở trường mầm non, cô giáo cho trẻ quan sát hình dáng kích thước,vị trí các vật, tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh, môi trường tự nhiên. Như  hoạt động chơi ngoài trời “Chăm sóc vườn rau” cho trẻ nói cảm xúc của trẻ khi trẻ quan sát vườn rau lớn lên hằng ngày trẻ nói lên cảm xúc của mình về những gì trẻ quan sát được .Hay là trẻ được gia đình cho đi tham quan du lịch ….trẻ sẽ có thêm nhiều kiến thức, nguồn cảm hứng để sáng tạo ra các sản phẩm sinh động.

 

Trẻ được tận tay chăm sóc thu hoạch quả cà chua tạo cho trẻ nguồn cảm hứng để trẻ hoạt động

 

Trẻ mẫu giáo 5 tuổi các biểu tượng được hình thành ở trẻ phong phú hơn, khá đầy đủ về hình dạng, cấu trúc, màu sắc và những đặc điểm phân biệt, tư duy hình tượng đang được phát triển mạnh, còn tư duy trừu tượng đang được hình thành và phát triển. Do đó trẻ có thể tự tìm kiếm nội dung, nghĩ ra được một số đề tài của mình và thể hiện nội dung của đề tài đó.

 

Ví dụ: Tiết vẽ đề tài (Vẽ cảnh sóng biển ) do trẻ đã được đi tham quan cảnh biển cùng gia đình. Trẻ được quan sát trực tiếp cảnh biển có gì ? nước biển màu gì? Nên trẻ sẽ dễ dàng vẽ khi cô yêu cầu. Trong khi tạo hình trẻ sẽ biết sử dụng các kỹ năng vẽ nét xiên, nét cong, nét thẳng và tô màu hợp lý cho sản phẩm đẹp và sinh động.

 

5. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các phương pháp

 

5.1. Phương pháp quan sát:

 

Nên cho trẻ quan sát đối tượng từ bao quát đến chi tiết, từ cái chung, cái lớn, cái tổng thể trước, sau mới đến cái riêng, cái chi tiết của từng bộ phận lại đối chiếu so sánh với cái chung cái toàn thể.

 

Đối với trẻ mầm non, cô giáo cho trẻ quan sát không chỉ bằng mắt mà bằng nhiều giác quan như sờ, nghe, nếm ….để nhận biết được độ lớn nhỏ, cao, thấp, dài, ngắn, vuông, tròn và đặc điểm, tính chất, mùi vị, âm thanh của đối tượng quan sát.

 

5.2. Phương pháp dùng lời:

 

Trong khi hướng dẫn trẻ, cô giáo dùng câu hỏi lời giải thích để trao đổi với trẻ, khi quan sát mẫu, hướng dẫn trẻ các kỹ năng, thao tác vẽ nặn xé dán. Đàm thoại cùng gợi trong trí nhớ trẻ để biểu tượng đã được tri giác và làm trẻ hứng thú tập trung vào giờ học.

 

Đàm thoại thường ngắn gọn, nhưng phải có nội dung và gây được ấn tượng trong đề tài hoặc làm quen với các kỹ năng mới, đàm thoại không nên kéo dài để hình ảnh trẻ hình dung ra cùng với xúc cảm trẻ xuất hiện được thể hiện ngay, những ý tưởng sáng tạo không bị mất.

 

Cô đặt hệ thống các câu hỏi theo trình tự, để trẻ tự nói ra những hiểu biết của trẻ, theo cách nhìn của trẻ, sau đó cô bổ sung cho nội dung đầy đủ, hoàn chỉnh hơn. Cách tiến hành như vậy làm cho trẻ thoải mái, tích cực hơn khi tham gia hoạt động. Cô có thể dùng câu đố để miêu tả ngắn gọn về đặc điểm của đối tượng, kích thích trẻ và gây cho trẻ sự hứng thú đoán ra được đối tượng đó, rồi sau đó tái hiện được nó.

 

5.3. Phương pháp luyện tập thực hành:

 

Phương pháp này dùng để củng cố kiến thức mà trẻ đã tiếp thu được, đồng thời qua quá trình luyện tập ở trẻ nảy sinh nhiều điều mới mẻ, làm cho hiểu biết của trẻ phong phú thêm, biểu tượng được giàu hơn và làm xuất hiện mầm móng sáng tạo, luyện tập để nâng cao khả năng tìm tòi, sáng tạo và dần dần hình thành thị hiếu thẩm mỹ cho trẻ.

 

Cô hướng dẫn và luyện tập cho trẻ quan sát, đánh giá, củng cố các kỹ năng, khả năng tạo hình, luyện tập để nâng cao khả năng tìm tòi, làm xuất hiện cái mới, cái độc đáo.

 

Khi trẻ luyện tập cô đến từng trẻ khơi gợi ý tưởng cho trẻ giúp trẻ có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo từ đó tạo cho trẻ cảm hứng thích thú khi tham gia hoạt động. Sau những giờ học cô cho trẻ trưng bày sản phẩm tạo hình và tập cho trẻ làm khán giả đi xem sản phẩm và nêu nhận xét của mình. Phần đánh giá sản phẩm của trẻ là một phần quan trọng của quá trình dạy trẻ tạo hình và là phần cuối cùng của giờ học. Sản phẩm tạo hình bao gồm bài vẽ, xé dán, nặn...  Sản phẩm đó phần nào thể hiện cảm xúc, nhận thức, hiểu biết, suy nghĩ, thao tác, vận dụng kỹ năng đã học để đưa vào đề tài.

 

6. Tổ chức cho trẻ học tạo hình như vẽ, nặn, xé dán ở mọi lúc, mọi nơi

 

Trẻ được làm quen với môi trường xung quanh khi đi dạo chơi, trẻ được nhìn ngắm vật thật, được sờ nắn để trẻ có thể làm được hình ảnh đó khi tạo hình

+ Giờ hoạt động ngoài trời: Cô có thể phát phấn để trẻ vẽ tự do lên sân những gì mà trẻ thích.

 

7. Huy động nguồn lực để tạo nguồn học liệu từ nguyên phế liệu

 

Đồ dùng trực quan là phương tiện cần thiết cho bộ môn hoạt động tạo hình. Là người bạn đồng hành không thể thiếu trong hoạt động tạo hình của trẻ. Góp phần quan trọng trong cuộc sống của trẻ, đồ dùng trực quan giúp trẻ tạo ra các sản phẩm, đưa trẻ đến với thế giới phong phú do trẻ tưởng tượng và sáng tạo. Là động lực thúc dục, vẫy gọi trẻ tìm hiểu về thế giới xung quanh. Hiện nay các đồ chơi trên thị trường có rất nhiều, tuy nhiên xét về nhiều phương diện giáo dục thì chúng không thể đáp ứng nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường Mầm non. Hơn thế nữa, việc mua nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ làm ảnh hưởng đến kinh tế của các bậc phụ huynh.  Trong khi nguồn đồ dùng từ phế liệu ở gia đình đang có rất nhiều để chúng ta sử dụng. Khi được sử dụng các đồ dùng do bố mẹ và các cháu làm thì trẻ cảm thấy quý hơn rất nhiều so với đồ chơi mua sắm. Đây cũng chính là một hình thức dạy trẻ biết yêu quý sức lao động ngay từ khi còn bé. Chính vì điều đó chị đã tuyên truyền và vận động phụ huynh sưu tầm và đóng góp các phế liệu như: vỏ hộp sữa chua, hộp bánh, vỏ ốc, vỏ sò… để làm đồ chơi cho các tiết học..

 

Với sự khéo léo của đôi tay kết hợp với các bậc phụ huynh, các đoàn thể và các em học sinh trong việc tận dụng nguồn phế liệu chị đã làm được khá nhiều đồ dùng trực quan phục vụ cho dạy bộ môn tạo hình.

 

8. Công  tác phối kết hợp giữa giáo viên, gia đình, nhà trường và xã hội

 

Chăm sóc giáo dục trẻ muốn đạt kết quả tốt thì đòi hỏi giáo viên, gia đình, nhà trường và xã hội phải biết liên kết nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, nắm bắt được tình hình sức khỏe, tâm lý và kết quả học tập của trẻ để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ.

 

Tạo sự thống nhất giữa gia đình và nhà trường về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức về chăm sóc giáo dục trẻ, phối kết hợp với cha mẹ tạo nguồn về vật chất và tinh thần góp phần nâng cao chất lượng kỹ năng vẽ nặn xé dán cho trẻ.

 

Phụ huynh phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ

 

Chị Võ Thị Thúy Kiều còn tuyên truyền, vận động phụ huynh đóng góp các nguyên liệu sẵn có để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho dạy học của cô và trẻ. Tuyên truyền phụ huynh tham gia xây dựng môi trường cho trẻ học “ tạo hình” như: làm các mô hình truyện cổ tích, xây dựng bồn hoa, cây xanh…mỗi phụ huynh hỗ trợ để mua giá vẽ cho trẻ.

 

Thông qua việc phối hợp, kết hợp với phụ huynh để tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức khoa học về hoạt động tạo hình nhất là hoạt động vẽ nặn và xé dán của trẻ cho cha mẹ và cộng đồng.

 

Sự phối kết hợp với phụ huynh giúp phụ huynh hiểu được giáo viên mầm non ở nhóm lớp và trái lại giáo viên cũng hiểu được điều kiện và hoàn cảnh sống của trẻ từng gia đình mà đề ra phương pháp, biện pháp giáo dục phù hợp. Chính vì thế phụ huynh ngày càng hiểu hơn về việc học tập của trẻ mầm non và giúp đỡ chị tận tình hơn.

 

 

III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

 

Sau một thời gian thực hiện các biện pháp trên đến thời điểm hiện tại chị thấy lớp có những chuyển biến rõ rệt.

 

Ở hoạt động vẽ: nhận thấy 15/16 trẻ, tỉ lệ 93,7% về tốc độ vẽ, mức độ sẵn sàng tham gia hoạt động có nhiều tiến bộ. Trẻ đã tự tin để thực hiện nét vẽ, các nét vẽ tuy chưa đều còn tẩy xóa, nhưng trẻ đã biết phối hợp các nét thẳng cong, xiên, ngang…. để tạo sản phẩm.

 

Hoạt động nặn: 16/16 trẻ, tỉ lệ 100% đã biết thực hiện các kỹ năng lăn dài, lăn tròn, ấn dẹp và biết phối hợp các kỹ năng tạo ra sản phẩm theo mẫu. Còn nặn theo ý thích 15/16 trẻ tỉ lệ 93,7% mạnh dạn sáng tạo ra các sản phẩm theo trí tưởng tượng và sự hiểu biết của trẻ tuy nhiên vẫn còn hạn chế chưa có sự đột phá sản phẩm của trẻ chưa có bố cục. 

 

Hoạt động xé dán: 16/16 trẻ, tỉ lệ 100% nhóm có kỹ năng xé dán. Đa số trẻ lớp biết cách xé giấy, biết cách phối hợp các ngón tay khi xé. 15/16 trẻ, tỉ lệ: 93,7% có kỹ năng phết hồ,dán các sản phẩm không nhăn, biết cách phối hợp các thanh giấy màu dán tạo sản phẩm cân đối.

 

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

 

Qua việc nâng cao năng lực sáng tạo khơi nguồn cảm hứng cho trẻ trong hoạt động tạo hình với một số biện pháp và kết quả đạt được, bản thân chị đã rút ra được bài học kinh nghiệm sau:

 

Cần cho trẻ hoạt động trong môi trường nghệ thuật phong phú.

 

Giáo viên phải có khả năng tìm tòi, sáng tạo và cần nhất là phải nắm vững phương pháp, đặc điểm của hoạt động tạo hình.

Cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm nghệ thuật đa dạng tạo cảm hứng. 

 

Giáo viên phải biết sử dụng đồ dùng trực quan linh hoạt, đúng lúc tránh lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến khả năng kỹ năng của trẻ.

 

V. KẾT LUẬN:

 

Lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng mạnh. Vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” màu mỡ để gieo hành vi sáng tạo. 

 

Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, sự sáng tạo của trẻ không giống sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững . Còn sự sáng tạo của trẻ em lại khác, thường bắt đầu bằng sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, vào tình huống và thường kém bền vững. Do đó các sản phẩm tạo hình của trẻ chưa phải là những tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Trẻ sẵn sàng vẽ, nặn và xé dán bất cứ cái gì, không biết tới khó khăn trong miêu tả hay tạo ra sản phẩm phải có bố cục. 

Thông qua hoạt động vẽ, nặn và xé dán trẻ được tự do nguồn cảm hứng cũng như trí tưởng tượng, bộc lộ niềm vui, ý thích khả năng của mình. Do đó người lớn cần hướng dẫn trẻ tạo sản phẩm một cách phù hợp, đúng với lứa tuổi kết hợp với rèn kỹ năng cơ bản để khai thác và phát huy được kiến thức, năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng cũng như năng lực bên trong của trẻ. Giáo viên nên có thái độ ân cần, quan tâm, hỏi han trẻ xem vì sao trẻ lại tạo ra sản phẩm như vậy, như thế có ý nghĩa gì? Điều đó sẽ giúp giáo viên hiểu được những nhận thức, suy nghĩ về thế giới xung quanh của trẻ, từ đó giáo viên có phương pháp khơi gợi được sự hiểu biết phong phú về cuộc sống đời thường thông qua những sản phẩm của trẻ. Đồng thời, các sản phẩm tạo hình của trẻ còn giúp trẻ có được những giây phút thư giãn, sáng tạo cũng như khả năng diễn đạt.

 

Thông tin email: vothithuykieu1985@gmail.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Võ Thị Thúy Kiều