Mã số N2092: Biện pháp rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4

  - Chia sẻ:    

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Dạy học Tiếng Việt ở trường tiểu học, kỹ năng dạy đọc có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

 

Đọc giúp học sinh chiếm lĩnh được một ngôn ngữ để dùng trong giao tiếp và học tập, đây là một công cụ giúp học sinh học tốt các môn họcTuy nhiên, năng lực học tập và khả năng nhận thức của các em có khác nhau, khả năng đọc diễn cảm của các em cũng khác nhau. Việc đọc diễn cảm của học sinh so với yêu cầu là chưa đáp ứng được. Đa số các em mới chỉ dừng lại ở việc đọc đúng, đọc to, rõ ràng mạch lạc, số lượng các em đọc diễn cảm chưa cao.

Làm thế nào để học sinh có khả năng đọc diễn cảm tốt trong giờ đọc để từ đó phát triển năng lực cảm thụ văn học cho học sinh. Xuất phát từ lý do trên, tôi mạnh dạn đưa ra: “Biện pháp rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4”.

 

II. THỰC TRẠNG

 

Năm học 2023 - 2024, chị Huỳnh Thị Cẩm Vân được phân công chủ nhiệm lớp Bốn 3. Sĩ số là 36/22 nữ.

 

1. Thuận lợi

 

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu, sự phối hợp giữa các bộ phận trong đoàn thể nhà trường.

 

Được trang bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất: bảng, bàn ghế, máy chiếu, mạng Internet, tài liệu, đồ dùng dạy học, …

 

Học sinh tích cực học tập, tích cực tham gia các hoạt động trên lớp, chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập của các môn học.

 

Giáo viên nhiệt tình vì tất cả học sinh.

 

Các em học sinh được rèn kỹ năng đọc ngay từ lớp 1.

 

2. Khó khăn

 

Trình độ học sinh không đồng đều.

 

Phần lớn các em chưa có ý thức rèn đọc diễn cảm. 

 

Các em ngắt nghỉ không đúng chỗ, chưa chú ý đến các yếu tố của ngôn ngữ nghệ thuật như làm chủ ngữ điệu, chỗ ngừng giọng, cường điệu giọng để biểu đạt ý nghĩa tình cảm của tác giả gửi gắm trong bài đọc.

 

Thời gian

Tổng số học sinh

Đọc diễn cảm

Đọc lưu loát, chưa diễn cảm

Đọc chưa lưu loát

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Đầu năm

36

10

27,8%

25

69,4%

1

2,8%

 

III. BIỆN PHÁP RÈN ĐỌC DIỄN CẢM CHO HỌC SINH LỚP 4

 

3.1. Rèn đọc theo nhóm

 

Đầu năm học, sau khi tiếp nhận lớp tôi sẽ tổ chức cho học sinh đọc một số bài đọc để nắm sơ lược khả năng đọc của học sinh nhằm phân loại học sinh để có biện pháp rèn đọc cho học sinh một cách phù hợp.

 

* Nhóm 1. Đối với nhóm học sinh đọc chưa lưu loát

 

Chị đã hướng dẫn các em luyện đọc theo một số hình thức sau:

 

  • Hướng dẫn cá nhân; luyện đọc tiếng khó, từ khó nhiều lần để học sinh đọc đúng. Thường xuyên nhắc nhở, theo dõi để uốn nắn kịp thời khi các em đọc chưa đạt yêu cầu. Thành lập “Đôi bạn cùng tiến” để các em cùng nhau luyện đọc.
     
  • Luyện đọc từng câu, từng đoạn, cả bài nhiều lần để các em quen với mặt chữ.
     
  • Từng học sinh đọc, nhóm đọc.
     

Hình 1: Học sinh đọc bài theo nhóm 4

 

* Nhóm 2. Đối với nhóm học sinh đọc lưu loát nhưng chưa diễn cảm

 

 Xây dựng nhóm học tập, sao cho mỗi nhóm sẽ đảm bảo có ít nhất một bạn có khả năng đọc diễn cảm, để giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên trong nhóm rèn đọc diễn cảm. Có thể thi đọc cá nhân, thi đọc theo nhóm phân vai, thi đọc nối tiếp,....

 

Ví dụ: Khi dạy bài “Về thăm bà” (SGK - Trang 41), chị sẽ hướng dẫn học sinh đọc đúng những câu dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật:

 

- Cháu đã ăn cơm chưa? (Lời người bà hỏi người cháu).

 

- Dạ chưa. Cháu xuống tàu về đây ngay. Nhưng cháu không thấy đói. (Lời nói của Thanh nhẹ nhàng, ấm áp, thể hiện sự kính trọng của người cháu đối với người bà).

 

Cứ như vậy, qua từng tiết dạy, giáo viên đều chú ý sửa cho học sinh để học sinh tạo được thói quen khi đọc. 

 

* Nhóm 3. Đối với nhóm học sinh đọc diễn cảm

 

Với nhóm này, các em đã đọc tốt nên tôi thường xuyên gọi các em đọc mẫu, giúp các em hứng thú học. Giao nhiệm vụ cho các em hỗ trợ, giúp đỡ các bạn khác rèn đọc từ đó phát triển phẩm chất tự tin, năng lực cộng tác, hợp tác. Đưa những yêu cầu cao hơn về đọc diễn cảm cho các em thử sức và rèn luyện.

 

Ví dụ: Khi dạy luyện đọc lại bài “Trong ánh bình minh” (SGK tập 2 - Trang 21 chị sẽ yêu cầu một học sinh đọc lại đoạn 3 và cho học sinh xác định giọng đọc của đoạn này. (Gợi ý: Giọng thong thả, vui, trong sáng; nhấn giọng ở những từ ngữ miêu tả hoạt động, trạng thái của các con vật).

 

Những bầy voi thong thả đi về phía bến nước.// Nghe động bước chân,/ từng đàn chim dẽ và cun cút bay vụt lên từ những hàng sậy.// Những con cá sấu nhỏ bò từ dòng nước lạnh lên/ phơi mình trên bãi cát,/ thấy bầy voi rậm rịch đi tới/ liền theo nhau toài nhanh xuống sông,/ để lại trên đường những vết trườn.// Đàn trâu rừng/ với con trâu mộng đầu đàn mang đôi sừng nhọn hoắt/ đang ăn gần bến nước/ đủng đỉnh bỏ đi xa,/ nhường chỗ cho những bầy voi.//

 

3.2. Rèn đọc diễn cảm theo từng thể loại

 

* Văn xuôi

 

Hướng dẫn học sinh xác định giọng đọc phù hợp với nội dung bài, diễn biến tâm lí, tính cách nhân vật trong bài..., nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả, gợi cảm. Khi các em đã biết tự xác định, phân biệt giọng đọc, học sinh sẽ phải đọc rõ tiếng, liền mạch các từ phiên âm nước ngoài, cùng với các loại dấu câu kèm theo.

 

Ví dụ: Bài Tập đọc “Hoa cúc áo” (Sách Tiếng Việt, Bộ sách Chân trời sáng tạo - Trang 55). Khi đọc đoạn 1, chúng ta nên đọc với giọng thong thả, trong trẻo, vui tươi. Nhấn giọng ở câu cảm và những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp của hoa cúc áo, hành động, cảm xúc của nhân vật.

 

Cụ giáo cóc thức dậy/ trong mùi hương nồng nàn.// Nghe tiếng lao xao,/ cụ chống gậy,/ thận trọng dò từng bước ra cửa.// Chao,/ cô cúc áo như đã hóa thân thành người khác,/ phô bày tất cả vẻ lộng lẫy của mình qua những bông hoa vàng rực ngát hương.// Bên Cạnh,/ anh dế còm đứng ngây nhìn.// Bác giun đất gật gù thán phục.// Vài chị cào cào áo xanh váy đỏ/ là người xóm bên/ đi ngang qua cũng dừng lại ngó nghiêng.//

 

* Thơ, ca dao, tục ngữ

 

Hướng dẫn học sinh cần phải xác định rõ đó là bài thơ ở thể thơ nào: thể thơ tự do, thơ lục bát, thơ tứ tuyệt,... cùng với diễn biến của nội dung, xác định phần trọng tâm khi đọc là phải căn cứ vào nhịp thơ, các loại dấu câu, cách dùng từ, nhấn mạnh các tiếng gieo vần trong thơ, ngắt nghỉ dứt khoát, rõ ràng, nhấn giọng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm thể hiện giọng đọc diễn cảm của bài thơ. 

 

Ví dụ: Trong bài thơ “Gió vườn” (SGK - Trang 65)

 

Gió/ vẽ lên mái tranh nhà/

 

Một làn khói bếp/ giúp bà nấu cơm,//

 

Gió thức/ từ sớm tinh sương

 

Gió đem mưa đến/ tưới vườn cho ông,//

 

Gió yêu nhất/ buổi rạng đông/

 

Con chim dậy hót.// Nắng hồng.// Trời xanh.//

 

 * Truyện, kịch

 

Đối với những bài tập đọc là các câu chuyện kể, các vở kịch, tôi thường tổ chức cho các em đọc phân vai. Trước khi cho học sinh đọc, cần hướng dẫn các em xác định được bài đọc có mấy nhân vật? là những nhân vật nào? Giọng đọc của từng nhân vật ra sao để làm nổi bật lên tính cách của nhân vật đó?.

 

  * Thư, bản tin, văn bản hành chính

 

Hướng dẫn học sinh xác định ngữ điệu đọc sao cho phù hợp với mục đích thông báo (làm rõ những thông tin cơ bản giúp người nghe tiếp nhận được vấn đề quan trọng, nổi bật trong văn bản). Hướng dẫn học sinh cần căn cứ vào nội dung phong cách văn bản để tìm ra cách đọc, tập thể hiện giọng đọc từ đó bước đầu ý thức được cách đọc để nhằm diễn tả nội dung một cách tốt nhất. 

 

3.3. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ học

 

Bản thân chị Huỳnh Thị Cẩm Vân nhận thấy công nghệ thông tin giúp bài giảng thêm sinh động, cung cấp được nhiều thông tin cho học sinh, gây được hứng thú của các em, đồng thời giúp các em tiếp nhận tri thức hiện đại. Chị đã chuẩn bị bộ bài giảng môn Tiếng Việt có nhiều tranh ảnh, bài hát khởi động ở đầu tiết học hoặc các trò chơi ở giữa tiết hoặc cuối bài để tạo sự hứng thú cho các em. Bên cạnh chị thường xuyên lên mạng Internet để tìm kiếm những thông tin phù hợp với giảng dạy. 

 

Hình 2: Vòng quay may mắn

3.4. Tích cực luyện đọc thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp

 

Ngoài các tiết học chính khóa thì hoạt động ngoài giờ lên lớp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Để giúp các em rèn đọc chị luôn tận dụng những thời gian và không gian bên ngoài lớp học một cách tích cực và có hiệu quả. Đặc biệt nhà trường được đầu tư các tủ sách lưu động rất phong phú và hấp dẫn học sinh. Tận dụng những lợi thế này chị đã khuyến khích các em tích cực tìm đọc các truyện tranh, báo Nhi đồng,… Khích lệ các em bằng hình thức đưa ra những câu hỏi có liên quan đến nội dung mà các em có thể tìm hiểu được thông qua việc đọc sách ở thư viện. Nếu học sinh trả lời đúng chị sẽ có những phần thưởng nhỏ cho các em. 

 

Hình 3. Học sinh đọc sách ở thư viện

 

Bên cạnh đó, nhà trường chị đang công tác hằng năm bộ phận thư viện đều tổ chức hội thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách mới hoặc quyển sách em yêu,… Đối với các hoạt động này có thể giúp cho các em tham gia kể chuyện, đóng vai, tổ chức trò chơi thì mỗi câu chuyện các bạn có giọng kể khác nhau. Vì vậy giáo viên phải giúp các em nhập được vai để người nghe cảm nhận được nội dung câu chuyện. Qua đó, giúp các em đọc diễn cảm tốt hơn.

 

IV. KẾT QUẢ

 

Sau một thời gian áp dụng và thực hiện biện pháp trên, kết quả đọc của lớp chị Huỳnh Thị Cẩm Vân đã chuyển biến rõ rệt và đạt kết quả như sau: 

 

Thời gian

Tổng số học sinh

Đọc diễn cảm

Đọc lưu loát, chưa diễn cảm

Đọc chưa lưu loát

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Đầu năm

36

10

27,8%

25

69,4%

1

2,8%

Cuối HKI

36

13

36,1%

22

61,1%

1

2,8%

Giữa HKII

36

18

50%

18

50%

0

0%

 

V. KẾT LUẬN

 

Qua quá trình áp dụng và thực hiện bản thân chị Huỳnh Thị Cẩm Vân nhận thấy việc rèn đọc diễn cảm cho học sinh phải được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục. 

 

Muốn học sinh luyện đọc đạt kết quả tốt, giờ học đạt kết quả cao người giáo viên cần:
 

  • Không ngừng bổ sung nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với học sinh.
     
  • Tổ chức lớp học khéo léo, tạo không khí sôi nổi, thu hút học sinh tham gia vào hoạt động học:
     

Nắm được nội dung kiến thức, nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình. 

 

Nắm được tất cả các đối tượng học sinh, áp dụng các biện pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, luôn đổi mới phương pháp dạy học.

Giáo viên phải luôn gần gũi, chia sẻ, tôn trọng học sinh, kiên trì, động viên khuyến khích kịp thời đối với học sinh.

 

Người thực hiện: Huỳnh Thị Cẩm Vân

Thông tin email: camvanthpp2@gmail.com

Thông tin

  • Tác giả: Huỳnh Thị Cẩm Vân