Mã số N2088: Nền tảng chuyển đổi số hỗ trợ định hướng chuyên ngành thuộc các trường Đại Học cho học sinh THPT

  - Chia sẻ:    

 

Tổng quan về ngành

 

Nền tảng chuyển đổi số trong định hướng chuyên ngành cho học sinh THPT không chỉ đơn thuần là một công cụ, mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp các em học sinh làm chủ tương lai của mình. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, các nền tảng này đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình định hướng nghề nghiệp của thế hệ trẻ.

 

Thách thức
 

Khi triển khai dự án vào thực tế sẽ gặp nhiều vấn đề và sau đây là những vấn đề phổ biến trong định hướng ngành nghề:
 

- Các trắc nghiệm/khảo sát chưa chính thống và tràn lan trên mạng. Phần lớn trong số đó không được kiểm chứng về tính chính xác và độ tin cậy. Kết quả từ các trắc nghiệm này thường chung chung, không đánh giá được đầy đủ kỹ năng và độ tương thích của  học sinh với các chuyên ngành cụ thể.
 

- Tỷ lệ tư vấn đúng đối tượng của đội ngũ tuyển sinh chưa cao. Mặc dù các trường đại học có đội ngũ tuyển sinh đông đảo, nhưng khả năng tư vấn đúng đối tượng học sinh quan tâm và có nguyện vọng tìm hiểu về trường vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc nhiều học sinh không nhận được thông tin cần thiết và phù hợp với nhu cầu của mình.
 

- Thông tin chuyên sâu về các chuyên ngành còn thiếu. Thị trường có rất nhiều trang web cung cấp thông tin về các trường đại học và thông tin tuyển sinh. Tuy nhiên, các trang web này thường chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin tổng quát và chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin chuyên sâu về từng chuyên ngành cụ thể của học sinh.
 

- Khó khăn trong việc kết nối thông tin giữa học sinh và các trường đại học. Điều này khiến học sinh gặp khó khăn trong việc định hướng và lựa chọn ngành học phù hợp. Điều này dẫn đến việc học sinh có thể chọn sai ngành học, gây lãng phí thời gian và nguồn lực.

 

Tầm nhìn

 

Dự án hướng tới việc trở thành cầu nối vững chắc giữa học sinh THPT và các trường đại học, giúp học sinh định hướng chuyên sâu vào các ngành đào tạo phù hợp. Dự án mong muốn giải quyết những bất cập hiện tại trong việc định hướng ngành nghề bằng cách xây dựng một nền tảng chuyển đổi số kết nối chặt chẽ giữa học sinh và các trường đại học.

 

Giải pháp

 

Hình 1: Logo EDU TINDER

 

Giải pháp của chúng tôi là xây dựng một nền tảng chuyển đổi số toàn diện, nhằm khắc phục những vấn đề hiện tại trong định hướng tuyển sinh và mang lại giá trị thực sự cho học sinh và các trường đại học. Cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp sau:

 

1. Xây dựng nền tảng kết nối số:
 

- Tạo ra một nền tảng trực tuyến kết nối giữa học sinh THPT và các trường đại học. Nền tảng này sẽ là cầu nối thông tin, giúp học sinh tiếp cận thông tin chuyên sâu về các chuyên ngành, hoạt động của các trường đại học một cách nhanh chóng và chính xác.

 

2. Thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân hóa:
 

- Thu thập dữ liệu điểm số, khảo sát tính cách và các thông tin liên quan từ học sinh. Sử dụng các công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến để đưa ra các gợi ý định hướng chuyên sâu về chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng học sinh dựa trên dữ liệu cá nhân hóa.

 

Hình 1: Luồng xử lý dữ liệu đầu vào của EduTinder

 

3. Hợp tác chặt chẽ với các trường đại học:

 

- Hợp tác với các trường đại học để cập nhật liên tục thông tin về các chuyên ngành, chương trình học và các hoạt động tuyển sinh. Đảm bảo học sinh luôn nhận được thông tin mới nhất và chính xác nhất về các ngành học mà họ quan tâm.

 

4. Phát triển các công cụ định hướng nghề nghiệp chuyên sâu:

 

- Phát triển các bài trắc nghiệm và khảo sát được kiểm chứng và thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục. Những công cụ này sẽ giúp đánh giá chính xác kỹ năng, sở thích và mức độ phù hợp của học sinh với từng chuyên ngành cụ thể.

 

Hình 3: Ứng dụng điện thoại cho học sinh

 

Hình 4: Ứng dụng web nhà trường quản lý 

 

Lĩnh vực áp dụng giải pháp

 

a. Lĩnh vực mục tiêu:
 

- Dự án tập trung vào lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp:
 

- Học sinh THPT: Người đang tìm kiếm hướng đi nghề nghiệp phù hợp và cần sự hỗ trợ để hiểu rõ hơn về các chuyên ngành có thể theo đuổi tại các trường đại học.
 

- Đối tác chính:
 

- Các trường đại học và cao đẳng: Các cơ sở giáo dục này cần đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình tuyển sinh, thu hút sinh viên tiềm năng phù hợp với chương trình đào tạo của họ, đồng thời cải thiện chất lượng thông tin tuyển sinh mà họ cung cấp.

- Các trường trung học phổ thông: Những trường này cần công cụ hỗ trợ để giúp học sinh của họ định hướng nghề nghiệp sớm và chuẩn xác, từ đó cải thiện tỷ lệ học sinh chọn đúng chuyên ngành và trường đại học phù hợp với khả năng và sở thích cá nhân.

 

b. Quy mô ước tính và tiềm năng của dự án:
 

- Quy mô: Trên 1.000.000 học sinh THPT (theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024) mỗi năm tham gia kỳ thi đại học và 2.970 trường THPT trên toàn quốc (theo số liệu từ vtn.vn).
 

- Tiềm năng: Song song với việc giải quyết bài toán định hướng nghề nghiệp chuyên sâu cho học sinh, giải pháp còn hỗ trợ quảng bá công tác tuyển sinh ở các trường Đại Học và đánh giá mức độ quan tâm đến chuyên ngành dựa theo số lượng học sinh tham gia định hướng. Trên cơ sở đó, trường Đại Học có thể nâng cao chất lượng đào tạo

 

Kết luận

 

Nền tảng chuyển đổi số trong định hướng chuyên ngành là một công cụ vô cùng hữu ích, giúp học sinh THPT khám phá bản thân, tìm hiểu về các ngành học và đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của nền tảng, các em học sinh cần chủ động tìm hiểu, tương tác và tận dụng các tính năng mà nền tảng cung cấp.

 

Thông tin liên hệ: ngquynhmthanh@gmail.com 

 

Thông tin

  • Tác giả: Nguyễn Quỳnh Mai Thanh