Mã số N2085: Thực hiện đồng bộ, chuẩn hóa xây dựng Trang thông tin “Chính quyền điện tử” phường, xã, thị trấn trên không gian mạng; và khu phố, ấp trực tuyến
1. TẦM NHÌN
“Trang thông tin điện tử cơ sở là nền tảng; Nhân dân, khu phố, ấp là trung tâm” “Trụ sở chính quyền” phường, xã, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã): Được hiểu là gồm cơ quan Đảng, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể; được hiểu là “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân ở cấp xã”. Xây dựng nền tảng chính danh, bền vững là cơ sở để cung cấp thông tin chính thức ngay từ cơ sở, chống các thông tin sai trái; tạo sự gắn bó giữa chính quyền với Nhân dân; tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Việc đồng bộ, chuẩn hóa, kết nối được thực hiện trên cả 3 yếu tố là: tổ chức, thể chế văn bản, ứng dụng công nghệ thông tin.
2. VẤN ĐỀ
Một là, trong thực hiện “Chuyển đổi số” hiện nay, cấp xã là nơi gần người dân nhất, cần một nền tảng bền vững, thuận lợi để thực hiện. Cấp cơ sở phải là “gốc” trong thực hiện. Hai là, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Một thực tế dễ nhận ra là Thành phố có mạng lưới hạ tầng phủ internet toàn diện, tỷ lệ người dân sử dụng các thiết bị kết nối internet rất cao. Từ đó nhu cầu của người dân về các nguồn thông tin chính thức qua internet vô cùng lớn. Ba là, Từ tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Trong đó quy định đối tượng áp dụng có Ủy ban nhân dân cấp xã, có nghĩa là cấp xã được xây dựng Trang thông tin điện tử với tên miền cấp 5 có dạng tenphuongxa.tenquanhuyen.tentinhthanh.gov.vn (Thực tế trước đó với sự sáng tạo, đổi mới một số cấp xã đã xây dựng được các Trang thông tin điện tử). Bốn là, năm 2024 triển khai việc thực hiện sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố, số lượng khu phố tăng lên rất nhiều, trong khi việc xây dựng trụ sở là quá trình lâu dài. Nên cần một nền tảng để tạo sự kết nối, thể hiện thông tin của từng khu phố, phù hợp hiện nay là “Khu phố trực tuyến”. Năm là, có ý nghĩa quan trọng lâu dài, hiện nay tại cơ sở và các khu phố, việc đăng tải các thông tin được sử dụng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo… việc này đáp ứng nhu cầu thông tin trong ngắn hạn. Tuy nhiên về lâu dài không phải là nền tảng bền vững hay nói cách khác là “tầm gửi thông tin”; gây ra sự lãng phí vô cùng to lớn về nguồn dữ liệu, ở một góc độ khác là đang làm giàu “miễn phí” cho các nền tảng mạng xã hội.
3. GIẢI PHÁP
Giải pháp thực hiện đồng bộ xây dựng “Chính quyền điện tử” phường, xã, thị trấn trên mạng thông tin điện tử; và khu phố, ấp trực tuyến. Phương châm giải pháp là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh); qua đó xác định gồm 2 giải pháp.
Giải pháp 1: Đồng bộ, chuẩn hóa xây dựng “Chính quyền điện tử” phường, xã, thị trấn trên không gian mạng bằng Trang thông tin điện tử.
- Đánh giá một cách thực tế rằng đã 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Trong tổng số khoảng 300 phường, xã thì số lượng đơn vị đã xây dựng Trang thông tin điện tử còn thấp; trường hợp có xây dựng thì “manh mún” chưa đồng bộ, bên cạnh đó việc xây dựng quy chế thực hiện, đội ngũ quản trị điều hành cũng còn hạn chế. Có những đơn vị có hướng “nghĩ” lập các trang mạng xã hội là Trang thông tin điện tử của chính quyền phường, xã, nên tập trung đăng tải các thông tin trên các Trang mạng xã hội, như đã đề cập ở trên về lâu dài là sự “lãng phí” nguồn dữ liệu, sự xác thực, tính ứng dụng không cao, khi phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội, có xu hướng thay đổi liên tục trong sự cạnh tranh lẫn nhau, tạo sự thiếu bền vững. Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, nếu thực hiện đơn thuần là vai trò của khối Ủy ban nhân dân phường, xã, gắn kết các đường liên kết với các dịch vụ công trực tuyến, đăng các thông tin.
- Từ đó giải pháp cần dựa trên việc thực hiện “sáng tạo” Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Gồm những tư duy phải đổi mới như sau:
+ Một, thực hiện đồng bộ, chuẩn hóa việc xây dựng Trang thông tin điện tử ở tất cả các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, theo hướng “Chính quyền điện tử”, nghĩa là không đơn thuần đặt tên là “Trang thông tin điện tử Ủy ban nhân dân phường, xã” mà là “Trang thông tin điện tử phường, xã” “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân phường, xã” để phù hợp với hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của cấp ủy (thực tế ở đâu người đứng đầu cấp ủy quan tâm, ở đó mới thành công), xác lập vai trò của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là Nhân dân cùng chung tay xây dựng “Trang thông tin điện tử phường, xã” (thực tế cũng nhìn nhận thông hoạt động, phong trào của cấp ủy, các ban ngành chiếm số lượng lớn).
+ Hai, phải chuyển trạng thái cả về “suy nghĩ” và “kỹ thuật” Trang thông tin điện tử phường, xã sang là “Chính quyền điện tử”, “Trụ sở chính quyền điện tử”, nên phải hàng phút, hàng giờ, hàng ngày thường xuyên xây dựng thông tin trên đó, đặc biệt từng bước chuyển sang đây là “môi trường làm việc” thường xuyên, thực hiện chuẩn hóa các quy trình công tác bằng “giấy” sang quy trình làm việc điện tử trên Trang thông tin.
+ Như việc thực hiện công báo các văn bản điện tử, phải đảm bảo bút phê và đăng tải trên Trang thông tin điện tử (như hiện nay tùy nghi, không có quy trình, số lượng văn bản đăng tải rất hạn chế);
+ Phải chuyển từ việc thực hiện các thông tin, báo cáo “giấy” thành chuẩn hóa quy trình trên Trang thông tin điện tử phường, xã (các mẫu Google from là một mô hình). Hướng tới việc từng bước tích lũy “dữ liệu”, lượng hóa các biểu mẫu báo cáo để đánh giá, giảm dần các báo cáo để đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều thời gian thực tiễn cho công việc của người dân. Nghĩa là khi cần chỉ cần tổng hợp các dữ liệu có sẵn.
+ Đồng bộ thực hiện xây dựng “Chính quyền điện tử” phường, xã trên không gian mạng. Nghĩa là tất cả các phường, xã đều triển với mô hình được chuẩn hóa chung về giao diện, quy trình thực hiện, đào tạo đội ngũ quản trị, xác định vai trò của từng cán bộ, công chức trên Trang thông tin điện tử phường, xã, ... Để làm được nhất thiết phải có vai trò tập trung của cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, sự hợp tác với các Tập đoàn, công ty công nghệ lớn; thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ “mỗi nơi một kiểu”.
Giải pháp 2: Khu phố trực tuyến
Năm 2024, khi thực hiện sắp xếp, địa bàn Thành phố có hơn 4.800 khu phố. Có những khó khăn lớn về việc bố trí trụ sở khu phố, cũng như công tác quản lý, điều hành, tuy nhiên trong đó có những thuận lợi “tiềm năng” là thay đổi tư duy mới “sáng tạo” ngay tại khu phố trong thời điểm đẩy mạnh “Chuyển đổi số”. Do đó việc xây dựng “Khu phố trực tuyến” là một bộ phận trực thuộc “Trang thông tin điện tử phường, xã” là giải pháp rất tiềm năng. Tạo được sự kết nối của Nhân dân trên địa bàn từng khu phố, với việc chuẩn hóa việc thông tin, việc vận động nhân dân, hoạt động của cấp ủy đảng, ban ngành tại khu phố qua môi trường mạng. Hay nói cách khác xây dựng “Trụ sở khu phố” trên môi trường mạng.
4. LĨNH VỰC ỨNG DỤNG GIẢI PHÁP
Đối tượng hướng đến là phục vụ người dân; hướng đến việc đồng bộ, chuẩn hóa, nâng cao vai trò, với cách làm sáng tạo, thể hiện được sự toàn diện các Trang thông tin điện tử của các phường, xã trên địa bàn Thành phố. Trở thành không đơn thuần là Trang thông tin, mà còn trở thành môi trường làm việc thường xuyên, chuẩn hóa các quy trình công việc tại phường, xã lên môi trường mạng, đóng vai trò như “Trụ sở chính quyền” trên không gian mạng. Đồng thời Khu phố trực tuyến giải quyết phần nào những khó khăn trong quá trình sắp xếp Khu phố. Thực hiện “chiến lược” lâu dài việc lưu trữ các nguồn dữ liệu, để sử dụng hiệu quả. Hạn chế các tiêu cực của các Trang mạng xã hội, thực hiện tự chủ “nền tảng” thông tin ngay từ cơ sở.
5. MÔ HÌNH DOANH THU
Nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính quyền điện tử; phục vụ người dân, tạo sự đồng thuận, tạo xã hội kết nối. Doanh thu lớn nhất là lợi ích xã hội, sự gắn kết với người dân.
6. TÁC ĐỘNG
Tạo sự thay đổi, có những phương thức làm việc mới, tự chủ, nhanh chóng qua ứng dụng hiệu quả nền tảng internet, không gian mạng.
7. TÍNH CẠNH TRANH
Có sự cạnh tranh hiệu quả với các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo.... Bởi xét cho cùng bản chất của các nền tảng mạng xã hội hiểu đơn thuần cũng chỉ là Trang thông tin điện tử, nhưng họ biết cách tạo ra “lợi thế cạnh tranh”, những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của người dân, (cạnh tranh việc truy cập vào tên miền), từ đó tạo ra quy mô lớn trong thu hút. Hay nói cách khác xét theo chiều ngang là như nhau, đều là dạng website (.com, .vn..); Nhưng theo bán kính vòng tròn thì có sự khác biệt về quy mô, mà cơ bản là mỗi website lại đáp ứng được nhu cầu của người dùng ở mức độ khác nhau (để tạo ra lợi thế cạnh tranh).
Thực hiện đổi mới, sáng tạo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, thì Trang thông tin điện tử chính quyền, có những lợi thế vô cùng to lớn như tính chính danh, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, sự ủng hộ của người dân, quan trọng là phải biết tổ chức quản trị hiệu quả, có những sản phẩm như dịch vụ công thường xuyên gắn bó, bền vững với người dân... Quy tụ chung là tổ chức Trang thông tin điện tử phường, xã; Khu phố trực tuyến phải gắn với nhu cầu thông tin, những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân… Đây là “kho tài sản quý báu” mà chính quyền cấp cơ sở đang có sẵn để phát huy “lợi thế cạnh tranh”. Tất nhiên sự “cạnh tranh” ở đây trước hết là hướng người dân hình thành thói quen thường xuyên truy cập vào các Trang thông tin chính thức,…; nghĩ xa hơn về “chiến lược” lâu dài là nền tảng để chính quyền, người dân phát huy sự sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số.
8. KẾT LUẬN
Việc xây dựng đồng bộ và chuẩn hóa "Chính quyền điện tử" phường, xã, thị trấn trên không gian mạng cùng với việc triển khai "Khu phố trực tuyến" không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa quản lý hành chính, tăng cường sự minh bạch và tương tác giữa chính quyền và người dân. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà nó mang lại, đây chắc chắn là một hướng đi đúng đắn để xây dựng một chính quyền hiện đại, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Xét cho cùng sự phát triển của công nghệ thông tin là thực tiễn khách quan của thế giới, nhưng con người mới chính là yếu tố quan trọng, quyết định nhất cho sự phát triển, cụ thể ở đây là phát huy vai trò của của cấp ủy Đảng, chính quyền tại cơ sở; qua đó thực hiện đồng bộ, chuẩn hóa, kết nối trên cả 3 yếu tố (tổ chức, thể chế văn bản, ứng dụng công nghệ thông tin) để “ứng vạn biến”.
Thông tin email: mrquy1709@gmail.com
Thông tin
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Quý