Mã số N2081: GIẢI PHÁP PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DẠY VÀ HỌC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN

  - Chia sẻ:    


1. TẦM NHÌN

 

Quán triệt mục đích xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục có chất lượng phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng môi trường học tập suốt đời và mang lại sự công bằng trong tiếp cận giáo dục; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học cho nhà giáo và học sinh.

 

2. VẤN ĐỀ

 

Căn cứ Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 27/4/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1270/QĐ-SGDĐT ngày 24 tháng 5 năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

 

3. GIẢI PHÁP

 

Để từng bước thực hiện chuyển đổi số và đưa công nghệ thông tin trong dạy và học môn Khoa học tự nhiên giúp học sinh học tốt tôi đã thực hiện các giải pháp sau:

 

3.1. Mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong quá trình dạy và học

 

a) Cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học

 

Căn cứ theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường THCS cho phép học sinh được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập. Tôi đã mạnh dạn cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học nhằm tra cứu thông tin để tiếp cận kiến thức cũng như kiểm tra đánh giá học sinh. Để làm tốt nội dung này thì bản thân đã thực hiện những biện pháp sau:

 

- Thông báo từ đầu năm học đến giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh Quy định về việc học trên điện thoại hoặc các thiết bị tương đương khi tổ chức tại lớp cũng như ở nhà.

 

- Triển khai chặt chẽ nội quy sử dụng điện thoại trong giờ học tại lớp đến học sinh và cha mẹ học sinh.

 

- Lựa chọn nội dung phù hợp để triển khai cho học sinh sử dụng điện thoại và thường cho hoạt động nhóm vì nếu làm cá nhân thì còn phụ thuộc vào tốc độ đường truyền internet. Ví dụ như: Một số bài ngoài nội dung có trong sách, nhiều kiến thức mở rộng có thể cho học sinh tra thông tin trên Google.

 

Bài 12. Nhiên liệu và an ninh năng lượng. Câu hỏi luyện tập trang 63 SGK. Các ứng dụng chính của mỗi loại nhiên liệu.

 

Bài 16. Một số phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp. Đối với câu hỏi thêm mở rộng kiến thức về máu như: Tại sao người bệnh cần phải truyền máu? Sử dụng phương pháp nào để tách riêng các thành phần của máu?

 

Bài 20. Các cấp độ tổ chức trong cơ thể đa bào. Câu hỏi Tim được cấu tạo từ những loại mô nào?

 

Bài 29. Thực vật. Nêu vai trò của Rêu, Dương xỉ.

 

Những kiến thức này nếu dựa vào thông tin trong SGK học sinh chưa thể định hướng được câu trả lời để có đáp án chính xác. Chính vì vậy việc hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại tra thông tin để tìm hiểu thêm kiến thức là rất cần thiết.

 

 

Ngoài việc sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, cuối mỗi tiết học tôi còn cho học sinh tham gia các trò chơi bằng điện thoại. Sử dụng phần mềm Word Wall, Booklet... để giúp học sinh củng cố kiến thức, giúp học sinh nhớ bài tại lớp thông qua các hoạt động trò chơi bằng tương tác trên điện thoại. Qua đó cũng làm cho tiết học hứng thú hơn, các em học sinh được trải nghiệm cùng các bạn trong nhóm.

 

 

b) Thực hiện chuyển đổi số trong giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức, tăng cường khả năng tư duy, kỹ năng thảo luận nhóm và tính tích cực của học sinh trong việc tự khai thác và tiếp cận tri thức một cách sinh động nhất. Tùy vào mỗi bài, tôi thực hiện giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà thực hiện như:

 

+ Bài 14. Một số lương thực, thực phẩm. Sau khi học xong bài tôi đã giao nhiệm vụ cho các em là cùng thực hiện một bữa ăn hàng ngày với phụ huynh. Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sau đó quay video lại và nộp cho giáo viên. Học sinh có thể sáng tạo và xây dựng thành một video và có thể trình bày trước lớp.


 

+ Bài 28. Nấm. Học sinh thực hiện làm một bộ sưu tập giới thiệu về các loài nấm phổ biến mà em biết. Sau đó gửi file cho giáo viên.

 

+ Bài 31. Động vật. Chia các nhóm tìm hình ảnh các loài động vật đại diện cho mỗi nhóm thiết kế thành 1 đoạn video ngắn. 

 

Qua các hoạt động giáo viên có thể đánh giá được khả năng cũng như sự tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Hơn hết là các em được hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực, phát huy được tiềm năng của mỗi học sinh. Không chỉ giáo viên phải thành thạo công nghệ thông tin, học sinh cũng phải được trang bị và tập quen dần với những kỹ năng cơ bản như Powerpoint khi học tập trong tiết học. Giáo viên giao nhiệm vụ, hướng dẫn đề xuất một số ứng dụng phù hợp với từng bài tập, kết hợp gửi link hoặc cá nhân và học sinh chuẩn bị ở nhà.

 

Lưu ý giáo viên phải hướng dẫn và giới thiệu cho học sinh trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo nếu có. Trong tiết học các em trình chiếu bài thu hoạch và thuyết trình trước tập thể lớp. Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần, theo thói quen nhiều học sinh đã hình thành khả năng mạnh dạn, tự tin hơn. Chất lượng các bài thuyết trình ngày càng hay, thu hút học sinh hơn.

 

 

c) Sử dụng phần mềm tổ chức giao bài tập về nhà, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá học sinh

 

Các ứng dụng giao bài tập về nhà đối với học sinh có vai trò quan trọng và được sử dụng như một công cụ để giáo viên theo dõi việc làm bài của học sinh tốt hơn. Ứng dụng giao bài tập về nhà cũng hỗ trợ giáo viên theo dõi bài tập, chấm điểm bài tập của học sinh và phụ huynh sẽ biết được quá trình học tập và tiến bộ của con em mình. Và một trong những phần mềm giao bài tập trực tuyến được tôi sử dụng đó là phần mềm Azota (đây là phần mềm miễn phí). Giáo viên sẽ đăng nhập và tạo bài tập trên hệ thống sau đó chia sẻ link lên nhóm học sinh. Học sinh chỉ cần nhấp vào link mà giáo viên giao để mở bài tập trên app Azota.

 

Bước 1: Chọn tên của mình.

 

Bước 2: Sau đó nhấn vào file Bài tập để xem bài được giao.

 

Bước 3: Nhấn chọn file để tải file bài.

 

Bước 4: Nhấn nút Nộp bài.

 

Azota là một phần mềm về giáo dục giúp giáo viên tạo bài tập cho học sinh một cách nhanh chóng và đơn giản. Có thể sử dụng trên rất nhiều thiết bị khác nhau: Điện thoại, laptop, máy tính bảng. Thao tác đơn giản, dễ sử dụng đối với học sinh. Với chức năng lưu lại điểm số, thời gian làm bài... phụ huynh sẽ nắm bắt được tình hình học tập của con em mình.
 

 

 Tuy nhiên, ứng dụng cần phải được kết nối internet, trong trường hợp khi sử dụng mạng yếu sẽ bị thoát ra và bài làm sẽ không được tự động lưu lại. Azota không hỗ trợ khả năng ghi hình học sinh trong lúc làm bài nên việc đánh giá một cách khách quan vẫn chưa tối ưu.

 

 

Ngoài ra, với chỉ đạo của nhà trường là dù học trực tiếp nhưng giáo viên vẫn phải duy trì hoạt động tương tác với học sinh trên nền tảng trực tuyến. Với thời lượng 4 tiết/tuần, giáo viên sẽ tổ chức truyền đạt thông tin kiến thức đến học sinh thì trong kế hoạch giáo dục cá nhân tôi đều tổ chức các buổi tương tác với các em về những nội dung đã chuẩn bị cho tiết học sắp tới hoặc hỗ trợ học thực hành các nội dung về nhà. Tôi tạo nhóm học sinh trên Zalo để học sinh có thể gửi bài hoặc trao đổi thông tin với nhau. Sau mỗi lần giao nhiệm vụ nếu học sinh có khó khăn gì có thể trao đổi trực tiếp trên nhóm.

 

 

Trong chương trình GDPT mới, theo Thông tư 22 việc kiểm tra đánh giá thường xuyên có thể thông qua nhiều hình thức đa dạng. Do đó đòi hỏi giáo viên phải đầu tư và đa dạng nhiều hình thức. Thay vì phải làm kiểm tra trên giấy để đánh giá học sinh, tôi đã cố gắng đa dạng nhiều hình thức kiểm tra đánh giá khác nhau như: làm video, vẽ sơ đồ tư duy, làm mô hình, sản phẩm,... vừa giúp các em có thể thỏa sức sáng tạo và không tạo áp lực cho học sinh trong quá trình học. Đó cũng là một trong những biện pháp giúp học sinh tích cực và yêu thích môn Khoa học tự nhiên nhiều hơn.

 

3.2. Số hóa tài liệu, giáo trình

 

Hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển và được ứng dụng nhiều trong giáo dục. Giáo viên sử dụng công nghệ thông tin với những phần mềm phục vụ cho việc thiết kế và thể hiện bài giảng ngày càng trở nên phổ biến. Khác với những bài giảng truyền thống, bài giảng e-learning là một hình thức tổ chức bài giảng dựa trên các thiết bị công nghệ thông minh như điện thoại, máy tính, máy tính bảng… thông qua mạng Internet. Có rất nhiều phần mềm khác nhau như: Avina Authoring , iSpring Suite , Violet , Articulate Studio... Mỗi phần mềm thiết kế bài giảng trên đều có những nét hay riêng và hạn chế nhưng quan trọng hơn chúng đều là công cụ hỗ trợ xây dựng bài giảng điện tử.

 

Tôi đã mạnh dạn thực hiện việc xây dựng các bài dạy trên nền tảng số và trí tuệ AI để tạo ra các bài dạy trực tuyến cho các em học sinh sau khi học ở lớp hoặc khi vắng học có thể xem lại nội dung chủ đề đã học thông qua các video clip ngắn tóm tắt nội dung trọng tâm trong kho học liệu số của nhà trường.

 

 

Sau mỗi chủ đề tôi sẽ hệ thống hóa lại kiến thức bằng việc thiết kế bài giảng điện tử giúp học sinh ôn tập lại các nội dung đã học. Ngoài kiến thức trọng tâm, học sinh còn có thể tương tác trực tiếp trên màn hình thông qua các trò chơi vận dụng. Các đường link truy cập vào các chủ đề ôn tập, nội dung trọng tâm minh họa.

 

Thông tin email: bdiem90@gmail.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Nguyễn Thị Bích Diễm