Mã số N2079: Biện pháp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 4 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

  - Chia sẻ:    


Nội dung:

 

1. Thực trạng
 

- Mục đích của giáo dục là trang bị đầy đủ cả kiến thức, năng lực và phẩm chất cho các em học sinh nhằm giúp các em trở thành người tích cực, tự giác, sáng tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

- Hình thành, phát triển về năng lực, phẩm chất cho học sinh tiểu học nhằm xây dựng cho trẻ em những tính cách nhất định và bồi dưỡng cho các em những hành vi, quy tắc ứng xử, cách thể hiện thái độ phù hợp với bạn bè, gia đình và những người xung quanh.


- Chính sự cần thiết ấy, bản thân tôi cũng nhận thấy: Giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất là một việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục của mình. Đó là lý do tôi chọn đề tài “Biện pháp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 4 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” nhằm đưa ra biện pháp để giúp các em hình thành và phát triển về năng lực, phẩm chất một cách tốt hơn ở năm học 2023-2024 và đối tượng mà tôi áp dụng là học sinh lớp Bốn 1.

1.1. Thuận lợi

- Trường lớp khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ, không gian sạch sẽ thoáng mát.

- Được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của Ban Giám hiệu nhà trường.

- Các em mạnh dạn, tự tin, ham học hỏi và hứng thú tham gia vào các hoạt động.

- Phụ huynh nhiệt tình, có trách nhiệm, phối hợp tốt trong các hoạt động.

1.2. Khó khăn

- Các em còn rụt rè, nhút nhát, nhiều lúc chưa sôi nổi tham gia vào các hoạt động học tập và các hoạt động tập thể.

- Tâm lý của học sinh tiểu học thích “bắt chước” nên các năng lực, phẩm chất của các em có thể thu nhận qua tranh, ảnh, sách, báo, giao tiếp, phim, kịch,… nhưng các em chưa biết lựa chọn những cái tốt, phù hợp với mình để học tập mà các em lại bắt chước cái không tốt một cách vô thức.

- Một số bộ phận phụ huynh còn chưa chú trọng đến việc giáo dục các kỹ năng sống, các hành vi thông qua sự mẫu mực của người lớn.

2. Nội dung cơ bản của sáng kiến

2.1. Nắm bắt tâm lý học sinh

- Giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh bằng nhiều cách khác nhau như: sơ yếu lý lịch; gọi điện thoại trao đổi,… Đồng thời, giáo viên quan sát các hoạt động vui chơi, học tập của học sinh để kịp thời giúp đỡ các em.

- Giáo viên hiểu học sinh, yêu thương, biết lắng nghe, chia sẻ cùng học sinh. Tạo cho các em sự yêu mến, tin tưởng để giúp đỡ các em.

2.2. Nâng cao chất lượng giảng dạy trong mỗi tiết học

- Giáo viên phải tạo ra nhiều tình huống, để các em không nhàm chán trong tiết dạy. Giáo viên tổ chức cho học sinh làm việc nhóm để các em phát huy khả năng hợp tác của mình. Bên cạnh đó giáo viên cũng thường xuyên thay đổi nhóm trưởng của các nhóm bằng cách xoay vòng để tất cả học sinh của các nhóm đều có thể làm nhóm trưởng, trình bày các nội dung thảo luận của nhóm. Từ đó giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cần hướng dẫn cụ thể những việc mà học sinh hỏi, tránh để học sinh cảm thấy mình lạc lõng, cảm giác vì mình học dở nên không ai quan tâm, ai cũng khi dễ mình, không ai thèm chơi, để ý đến mình.

2.3. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

- Con người được sinh ra đều mang những đặc điểm cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, mỗi người qua giáo dục, môi trường sống lại được trang bị cho mình một thái độ sống khác nhau, chính điều này đã tạo sự khác biệt lớn trong xã hội. Cần giáo dục học sinh nhận thức được rằng, thái độ sống tích cực không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc hay sự thành đạt của riêng mình mà còn tác động đến gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh. Giáo dục tuyên truyền đến học sinh trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng.

- Giáo viên tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các buổi chuyên đề như: phòng chống xâm hại, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tổ chức gặp gỡ, giao lưu với những gương điển hình: người tốt việc tốt, có ý chí vươn lên trong cuộc sống,... Qua đó giúp học sinh nhận biết được những việc nên làm và không nên làm; học tập, noi gương theo những gương điển hình để trở thành một người có ích cho xã hội.

- Bám sát những văn bản, nội dung do nhà nước, ngành, trường tuyên truyền để lồng ghép vào tiết sinh hoạt lớp tuyên truyền đến học sinh những nội dung phù hợp với lứa tuổi. Qua đó góp phần hình thành và phát triển nhận thức, phẩm chất cho học sinh.

- Qua các tiết dạy lồng ghép những nội dung tuyên truyền như: những ngày Lễ lớn, những anh hùng dân tộc, những sự kiện, thông tin thời sự,... phù hợp với học sinh và pháp luật nhà nước; đặc biệt là phải thực hiện giảng dạy và truyền đạt thật tốt nội dung kiến thức  các bài dạy về Lịch sử địa phương và Địa lí địa phương, quyền và bổn phận của trẻ em nhằm giáo dục nhận thức góp phần hình thành và phát triển phẩm chất cho học sinh.

2.4. Thực hiện chuyển đổi số trong công tác giáo dục

Trong các giờ lên lớp, tôi đã vận dụng linh hoạt các công cụ, phần mềm, ứng dụng điện tử như: onluyen, azota, quizizz,… vào dạy học nhằm tạo hứng thú, thu hút sự tương tác của học sinh và nâng cao hiệu quả dạy học. Bên cạnh đó, tôi còn thực hiện giảng dạy bằng hình thức trực tuyến song song với trực tiếp. Hình thức học này giúp giáo viên và học sinh có thể tương tác trực tuyến và kết nối dễ dàng với nhau; đồng thời việc đẩy mạnh tương tác trực tuyến cũng tạo ra những trải nghiệm thú vị và làm giảm những căng thẳng khi học tập.

2.5. Phối hợp với các lực lượng giáo dục

2.5.1. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh

Giáo viên thông tin kịp thời, đầy đủ các thông tin về học sinh ở trường đến phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức như zalo, điện thoại,…

- Giáo viên chỉ cho phụ huynh thấy được trách nhiệm của mình với con em của họ, không để họ “khoán trắng” cho giáo viên theo kiểu “trăm sự nhờ cô” vì hơn ai hết phụ huynh là người giám hộ hợp pháp đầu tiên của mỗi học sinh, là những người trực tiếp hàng ngày chăm sóc và giáo dục các em. Bởi vậy, hơn ai hết phụ huynh có thể hiểu được tâm trạng cũng như cảm xúc của con cái mình một cách rõ ràng nhất. Đồng thời, giáo viên chỉ cho phụ huynh học sinh thấy được cha mẹ phải là tấm gương về đạo đức, lối sống cho con cái, là người bạn lớn luôn đồng hành trong từng giai đoạn phát triển của con em mình.

2.5.2. Phối hợp với Ban tư vấn học đường

- Phối hợp với ban tư vấn học đường tổ chức các chuyên đề, xây dựng các tiểu phẩm về bạo lực học đường hoặc cho học sinh đóng kịch về các tình huống bày tỏ lòng yêu thương và sự tôn trọng nhau. Các tiểu phẩm, tình huống này giáo viên có thể để học sinh thiết kế, xây dựng để phát huy tính tích cực của học sinh. Sau mỗi chuyên đề, tiểu phẩm, tình huống giáo viên sẽ phân tích, đánh giá mỗi cách ứng xử giúp các em lựa chọn cách ứng xử tốt nhất. Qua các hoạt động này, các em sẽ được rèn các kĩ năng sống cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kĩ năng giải quyết vấn đề,…

- Phối hợp với Ban tư vấn học đường tư vấn cho phụ huynh học sinh biết những phương pháp giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh vì thái độ và cách tiếp cận của phụ huynh đối với những việc làm sai của con cái có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ.

2.5.3. Phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội

- Bám sát chủ đề hoạt động của Đội theo tuần, tháng để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp cho lớp. Tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi tìm hiểu kiến thức, sinh nhật,…trong lớp, giữa các lớp trong toàn khối để các em hiểu và gần gũi nhau hơn nhằm giáo dục tinh thần tập thể cho mỗi học sinh. Sau các hoạt động tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tuyên dương, khen thưởng để khích lệ các em học sinh.

- Khuyến khích học sinh tham gia một cách tích cực các hoạt động, phong trào do Đoàn, Đội tổ chức như: về nguồn, thăm các di tích lịch sử, thăm các gia đình thương binh liệt sĩ, giao lưu với trẻ em khuyết tật, viết thư thăm chú bộ đội, phong trào nụ cười hồng, nuôi heo khuyến học,… Từ đó cho các em thấy được sự cống hiến của cha ông đối với dân tộc, Tổ quốc cũng như để các em biết được giá trị cao cả của lòng yêu thương, sự chia sẻ và đặc biệt là sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

2.5.4. Phối hợp với giáo viên bộ môn

- Luôn trao đổi cùng các giáo viên bộ môn để tạo được sự đồng bộ trong việc giáo dục học sinh. Luôn tiếp thu ý kiến của các giáo viên bộ môn về tình hình lớp để kịp thời củng cố, đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp với các em.

2.5.5. Phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường

- Thường xuyên báo cáo tình hình lớp với Ban giám hiệu nhà trường, xin ý kiến tư vấn, chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường khi gặp những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

2. Kết quả áp dụng

- Các em xác định được mục đích học tập, chuyên cần, ham học, trung thực trong học tập, chăm ngoan và đạt kết quả tốt hơn. Luôn khiêm tốn và giúp đỡ nhau cùng học tập tiến bộ; mạnh dạn đấu tranh thói lười biếng, ỷ lại, thiếu trung thực trong học tập.

- Các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết nhận lỗi khi làm sai và không đổ lỗi cho người khác. Tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Chấp hành tốt sự phân công của nhóm, lớp.

- Các em thực hiện nếp sống lành mạnh, có văn hóa, có kỷ luật. Sống trung thực, đúng mực trong các mối quan hệ giao tiếp với thầy cô, bạn bè, gia đình và những người xung quanh.

- Các em tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn.

- Các em chưa chăm học nay đều biết nghe lời, ý thức học tập tốt. Trong các đợt kiểm tra, lớp tôi đều được khen và là lớp có nề nếp ổn định sớm và tốt của trường.

Đánh giá năng lực, phẩm chất đến cuối học kì 2 năm học 2023-2024 của lớp:

 

Mức đạt được

Tốt

Đạt

Cần cố gắng

Cuối học kì 1

Năng lực

31 (83,78%)

6 (16,22%)

0 (0%)

Phẩm chất

32 (86,48%)

5 (13,52%)

0 (0%)

Cuối học kì 2

Năng lực

37 (100%)

0 (0%)

0 (0%)

Phẩm chất

37 (100%)

0 (0%)

0 (0%)


Phong trào:

- Tập thể đạt giải Nhất Hội thi Làm thiệp mừng Đảng - mừng xuân Tết Giáp Thìn 2024.

- Tập thể đạt giải Nhất Hội thi Viết thư pháp mừng Đảng - mừng xuân Tết Giáp Thìn 2024.

- Tập thể đạt giải Nhất môn Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng cấp trường; Năm học 2023 - 2024.

- Tập thể đạt giải Nhì Hội thi làm thẻ chắn sách; Năm học 2023-2024.

- Tập thể Đạt giải Ba Hội thi "Trang trí lồng đèn" năm 2023.

- Tập thể đạt giải Ba môn Kéo co Hội khỏe Phù Đổng cấp trường; Năm học 2023 - 2024.
- Tập thể đạt giải Khuyến khích hội thi kết mai đào giả mừng Đảng - mừng xuân Tết Giáp Thìn 2024.

- 02 học sinh đạt thành tích Hoàn thành tốt kỳ thi IOE cấp Quốc gia năm học 2023-2024.

- 01 học sinh đạt giải Khuyến khích Bảng A Hội thi Tin học trẻ huyện Bình Chánh năm học 2023-2024 của Ban chấp hành huyện Đoàn huyện Bình Chánh.

- 02 học sinh đạt giải Nhì môn Taekwondo tại Đại hội thể thao học sinh - Hội khỏe Phù Đổng huyện Bình Chánh; Năm học 2023 - 2024.

- 02 học sinh đạt giải Ba Festival bóng đá học đường huyện Bình Chánh; Năm học 2023 - 2024.

3. Một số hình ảnh minh họa
 

Hình 1. Cuộc nói chuyện, chia sẻ giữa thầy - trò

 

Hình 2. Học sinh làm việc nhóm

 

Hình 3. Buổi tổ chức sinh nhật cho học sinh

 

Hình 4. Học sinh tham gia chương trình giao lưu văn nghệ “Thắp sáng ước mơ”

 

Hình 5. Giáo viên và học sinh học tập trực tuyến

 

Hình 6. Nụ cười vui vẻ của giáo viên và học sinh sau khi tư vấn
 

Hình 7. Hình ảnh học sinh viếng di tích Hố Bần xã Phong Phú


Thông tin email: ngoctuanle1990@gmail.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Trường Tiểu Học Phong Phú 2 - Lại Thị Thu Thảo