Mã số N2077: Giải Pháp “Xe Ứng Phó Sự Cố Trên Mạng Lưới Cấp Nước”
I. Lời giới thiệu:
Để thực hiện đề án Đô thị Sáng tạo, TP Thủ Đức thực hiện thí điểm triển khai hệ thống cấp nước đô thị thông minh của TP.HCM, đồng thời phục vụ công tác ứng phó với các sự cố trên mạng lưới một cách nhanh nhất, đảm bảo an toàn cấp nước cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức (Cấp nước Thủ Đức) là một trong những đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, chịu trách nhiệm quản lý và phân phối nước sạch cho người dân khu vực Thành phố Thủ Đức. Đây là thành phố mới năng động có tốc độ phát triển đô thị nhanh với nhu cầu nước sạch cao.
Từ tháng 12 năm 2019, Cấp nước Thủ Đức tiến hành nghiên cứu “Thiết kế, lắp ráp và ứng dụng xe ứng phó các sự cố trên mạng lưới cấp nước” đến tháng 02 năm 2020, Xe ứng phó sự cố (UPSC) với Phiên bản 1 được chính thức đi vào hoạt động, với mục đích:
- Hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp các sự cố trên hệ thống ống truyền tải của mạng cấp 3.
- Hỗ trợ thi công lắp đặt hầm đồng hồ tổng tiểu vùng DMA.
- Hỗ trợ thi công thay đồng hồ nước khách hàng cỡ lớn từ D100mm đến D200mm.
Xe ứng phó sự cố (UPSC) - Phiên bản 1 có thiết kế nhỏ gọn (với mẫu xe được lựa chọn là xe tải Suzuki Blind Van), phù hợp với hệ thống giao thông tại Việt Nam, có thể di chuyển trong nội thành, đường nhỏ hẹp rất tốt, không bị cấm tải trong các khung giờ. Các trang thiết bị, vật tư, máy móc cần thiết cho công tác “ứng phó sự cố trên mạng lưới cấp nước” được bố trí, sắp xếp một cách khoa học và hợp lý, dễ dàng lấy được khi cần thiết và cất lại đúng chỗ khi đã sử dụng xong, việc lựa chọn các máy móc, thiết bị được lựa chọn đúng kích cỡ khi lắp đặt và công suất sử dụng phải đảm bảo ngoài hiện trường.
Hiệu quả đạt được:
- Công tác siết bu lông được thực hiện bằng hệ thống khí nén thay vì siết bằng tay thủ công như trước kia rút ngắn thời gian sửa chữa các điểm bể.
- Hệ thống đèn Led công suất cao giúp đảm bảo đầy đủ ánh sáng khi thực hiện các công tác vào ban đêm và đảm bảo an toàn.
- Trên xe được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết giúp công việc được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.
- Súng bắn bu lông sẽ thực hiện công tác siết trong các khe hẹp và các bu lông dưới đáy ống khi ngập nước được dễ dàng.
- Công nhân sửa bể không còn tốn nhiều sức lực khi sửa chữa như trước kia.
Trong quá trình vận dụng xe UPSC - Phiên bản 1, Công ty đã tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp xe UPSC – Phiên bản 2 (từ tháng 10 năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2020) với những cải tiến đáng kể, máy móc thiết bị được bố trí khoa học hơn, các ngăn tủ được thiết kế tiện dụng, chứa được nhiều đồ dùng hơn. Người sử dụng có thể tìm kiếm đồ nghề thông qua các bảng tên vật tư được dán bên ngoài tủ.. Việc sử dụng Xe UPSC khẩn cấp đã mang hiệu quả thiết thực nhất định, giúp các công việc được thực hiện dễ dàng và đạt hiệu quả cao. Trong đó, thời gian sửa chữa sự cố rút ngắn gần 50% so với trước kia và từng bước sử dụng cơ giới hóa thay sức lao động của con người.
Với các hiệu quả đạt được, Xe UPSC – Phiên bản 2 đã được đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV công nhận là sáng kiến Cấp Tổng Công ty theo Quyết định số 2090/QĐ-TCT-KTCN ngày 30 tháng 12 năm 2021 và được triển khai áp dụng cho các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV.
Chưa dừng lại tại đó, tháng 11 năm 2022, Cấp nước Thủ Đức đã cho vận hành Xe UPSC - Phiên bản 03 được chuyển đổi từ sử dụng điện (máy phát điện) sang sử dụng pin, mang lại nhiều lợi ích về tính di động và linh hoạt, đồng thời là một nhóm bao gồm 01 xe ứng phó sự cố, 01 xe ben 500kg, 01 xe đào nhỏ, nhóm này sẽ tự vận hành các công việc hàng ngày ngoài hiện trường một cách chủ động nhất và hiệu quả nhất.
Hình ảnh: Xe ứng phó sự cố khẩn cấp cấp nước – Phiên bản 03
Tuy nhiên, Phiên bản 3 vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục:
- Việc sạc pin bất tiện, phải đem xuống sạc tại trụ sở.
- Thời gian thi công lâu dẫn đến pin không đủ.
- Không có khả năng sạc bằng máy phát điện.
- Việc sử dụng máy phát điện khi thi công ban đêm gây tiếng ồn và ô nhiễm.
- Không gian trên xe vẫn còn chưa được tận dụng tối ưu.
Với việc phục vụ cấp nước cho hơn 235.000 khách hàng trên toàn địa bàn và không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để giảm thất thoát nước, trong đó chú trọng đến các giải pháp “Xe ứng phó sự cố trên mạng lưới cấp nước” phục vụ công tác ứng phó với các sự cố trên mạng lưới một cách nhanh nhất, đảm bảo an toàn cấp nước cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thì việc nghiên cứu khắc phục những hạn chế của Xe UPSC – Phiên bản 3 là cấp thiết, chính vì vậy Xe UPSC - Phiên bản 04 ra đời và được vận hành từ tháng 12 năm 2023 đến nay, với các giải pháp hoàn thiện:
- Nâng cấp trang thiết bị: Thay thế các trang thiết bị cũ bằng các loại có công suất và độ bền cao hơn, đồng thời bố trí lại để tăng tính tiện dụng và khả năng tiếp cận. Các máy móc, công cụ được sử dụng pin thay vì dùng điện và xăng, giúp tăng cường tính an toàn lao động và giảm thiểu nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Tối ưu hóa hệ thống điện:
- Thiết kế và lắp đặt hệ thống sạc pin tự động bằng năng lượng mặt trời, cung cấp điện 220V thay cho máy phát điện chạy xăng.
- Trang bị thêm pin dự phòng và hệ thống sạc để đảm bảo xe luôn có đủ năng lượng hoạt động.
- Cải tiến, gia cố, bố trí lại các khung và kệ máy móc thiết bị có ngàm giúp cố định toàn bộ trang thiết bị trong quá trình di chuyển.
- Bố trí máy móc, công cụ có tính đồng bộ cao, sử dụng chung một loại pin, đảm bảo tính linh hoạt và thời gian sử dụng pin trong quá trình công tác.
Hình ảnh: Xe ứng phó sự cố khẩn cấp cấp nước – Phiên bản 04
Sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thống sạc pin năng lượng mặt trời:
Hiệu quả mang lại:
- Tiết kiệm chi phí: Giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng xe nhờ việc sử dụng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Cụ thể xe đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhiên liệu sử dụng cho máy phát điện trong các trường hợp thi công nhanh.
- Tăng hiệu suất: Xe có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài mà không bị gián đoạn do hết pin, nhờ hệ thống sạc năng lượng mặt trời và pin dự phòng.
- Giảm tác động môi trường: Loại bỏ một phần việc sử dụng máy phát điện chạy xăng, giảm thiểu tiếng ồn và khí thải độc hại.
- Nâng cao năng suất lao động: Giảm thời gian chết và công sức cho việc sạc pin, giúp công nhân tập trung vào công việc chính.
- Đảm bảo an toàn: Giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động nhờ việc sử dụng các công cụ chạy bằng pin an toàn hơn.
- Với hiệu quả mang lại, giải pháp “Xe ứng phó sự cố - Phiên bản 4” đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV công nhận là Giải pháp khắc phục khó khăn, hợp lý hóa sản xuất (Theo văn bản số 4031/TCT-KTCN ngày 27 tháng 6 năm 2024).
II. Tác động xã hội:
Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức là doanh nghiệp kinh doanh mang tính công ích nhiệm vụ chính trị của Công ty là đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, cùng với chính quyền Thành phố xây dựng một Thành phố văn minh và phát triển bền vững; Với phương châm "Một đồng chi phí là một đồng lợi nhuận” nên việc giảm nhanh tỷ lệ thất thoát nước chính là làm tăng lợi nhuận rất lớn cho đơn vị, mặt khác còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu"
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề ô nhiễm và phát triển bền vững, “Xe ứng phó sự cố trên mạng lưới cấp nước” ra đời với sứ mệnh không chỉ tạo ra “thương hiệu” của Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức mà còn trở thành “người bạn” thân thiện luôn hỗ trợ người dân trên mọi nẻo đường thuộc địa bàn Thành phố Thủ Đức khi có sự cố “bể ống”; làm sạch môi trường, giảm thất thoát nước, tăng áp lực nguồn nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hàng.
Thông tin website: https://www.capnuocthuduc.vn/
Thông tin
- Tác giả: Công Ty Cổ Phần Cấp Nước Thủ Đức