Mã Số N2070 Một số biện pháp phối hợp với phụ huynh giúp trẻ 5-6 tuổi làm quen chữ viết tại nhà
Trong chương trình giáo dục trẻ mầm non, hoạt động làm quen chữ viết đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ bởi nó chính là phương tiện hỗ trợ cho trẻ lĩnh hội kiến thức sau này. Việc hướng dẫn cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi làm quen chữ viết là cơ hội tốt để sớm hình thành ở trẻ những năng lực hoạt động ngôn ngữ mạch lạc. Thông qua việc làm quen chữ viết giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hình thành và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho trẻ. Làm quen chữ viết không chỉ cung cấp thêm vốn từ về thế giới xung quanh giúp trẻ lĩnh hội kiến thức mà còn là tiền đề cần thiết cho trẻ bước vào lớp 1.
Bắt nguồn từ những tầm quan trọng trên, đầu năm học này khi cô Thảo được phân công dạy lớp Lá cô đã tiến hành khảo sát trẻ thông qua các hoạt động hàng ngày, các bài tập, trò chơi để nắm được khả năng nhận biết cũng như sự hứng thú của trẻ với hoạt động làm quen với chữ viết. Sau khi khảo sát trẻ quan sát thấy một số cháu nhận biết nhanh các chữ cái hôm nay nhưng ngày mai lại quên và nhầm lẫn chữ, một số cháu cầm viết rất yếu trẻ không thích cầm viết tô đồ nhiều vì mỏi tay, một số cháu khác thì không hứng thú dễ mất tập trung do không nhớ chữ trong khi học. Qua trao đổi với phụ huynh thì được biết khi trẻ ở nhà thường gửi cho ông bà hoặc được ba mẹ cho chơi game, chơi điện thoại, xem tivi vào buổi tối nên việc cho trẻ làm quen chữ viết khi ở nhà còn hạn chế.
Trẻ đến trường được cô giáo dạy làm quen chữ viết thông qua các hoạt động với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên các kiến thức, kĩ năng về chữ viết mà giáo viên cung cấp cho trẻ phải được ôn luyện thường xuyên ở lớp cũng như ở nhà thì trẻ mới nhớ lâu được. Vì vậy năm nay cô Thảo mạnh dạn chọn một đề tài góp phần không nhỏ trong việc cho trẻ làm quen chữ viết đó là tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh cho trẻ làm quen với chữ viết tại nhà.
Giải Pháp
Biện pháp 1: Tuyên truyền với phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm
Mối quan hệ giữa cô giáo và phụ huynh chính là cầu nối vững chắc trong việc giáo dục trẻ. Thực hiện sự chỉ đạo của nhà trường vào đầu năm học cô Thảo tổ chức họp phụ huynh học sinh để trao đổi những thông tin của trẻ về tình hình sức khoẻ, sinh hoạt ăn ngủ, chơi, học của cháu tại trường để cùng có sự phối hợp kịp thời trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Cũng trong cuộc họp đó đã đặc biệt trao đổi với phụ huynh về những yêu cầu trong việc thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục mầm non mới, bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, những chỉ số mà trẻ cần đạt sau khi học hết lớp Lá. Nêu lên những khó khăn qua quá trình khảo sát trẻ trong tổ chức các hoạt động nói chung cũng như hoạt động làm quen với chữ viết và chữ cái nói riêng để phụ huynh nắm bắt và kết hợp với giáo viên trong việc dạy dỗ cháu bởi đó là nền tảng cơ bản cần thiết và là tiền đề để trẻ bước vào lớp Một.
Tuyên truyền với phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm
Biện pháp 2: Tuyên truyền với phụ huynh qua bản tin, zalo lớp
Từ việc tuyên truyền để cha mẹ trẻ hiểu, song song với việc cho trẻ làm quen các chữ cái ở lớp, tiếp tục tuyên truyền và phối hợp với cha mẹ trẻ để cùng giáo viên rèn thêm cho trẻ tại nhà thông qua qua bản tin lớp với kế hoạch chương trình dạy, những nội dung, những chữ cái mà trẻ được học hay những chỉ số trẻ cần đạt trong tuần trong tháng để phụ huynh theo dõi ở ngoài cửa lớp để phụ huynh có thể nắm được tuần này con đang học đến nhóm chữ cái nào về ôn luyện thêm cho con mình hoặc chuẩn bị những nội dung trẻ đã được học ở lớp đưa cho phụ huynh về nhà cùng tham khảo và dạy trẻ.
Bên cạnh đó thông qua zalo lớp cũng tuyên truyền với phụ huynh về những hình ảnh trẻ hoạt động làm quen chữ viết tại lớp và giới thiệu các loại sách vở để phụ huynh tham khảo về dạy thêm con mình. Chia sẻ kênh VTV7 Kids, YouTube Kids vào Zalo nhóm lớp để phụ huynh cùng học chữ cái với con tại nhà. Đồng thời,kết hợp chia sẻ hình ảnh, đường link bài viết “Vì sao không nên cho trẻ học trước chương trình” của báo “Thanh niên.vn”; bài “Có nên dạy trẻ đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1” của báo “Giáo dục.net.vn” để phụ huynh hiểu nên hay không nên cho trẻ học trước chương trình. Ngoài ra,cô gửi video khẩu hình phát âm những chữ khó gửi vào nhóm Zalo để phụ huynh cùng cô giáo rèn cho con tại nhà.
Tuyên truyền với phụ huynh qua bản tin lớp
Tuyên truyền qua zalo lớp
Biện pháp 3: Tuyên truyền với phụ huynh ở mọi lúc mọi nơi
Và nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong việc phối hợp với phụ huynh trong việc cho trẻ làm quen chữ viết tại nhà là tuyên truyền mọi lúc mọi nơi là thông qua giờ đón và trả trẻ. Hằng ngày, vào lúc đón trẻ, trả trẻ sẽ thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của trẻ.
Tuyên truyền với phụ huynh trong giờ đón và trả trẻ
Đối với những trẻ có khó khăn trong việc phát âm, phụ huynh có thể dạy trẻ như phát âm nhóm chữ cái e – ê. Trước hết, phụ huynh cho trẻ nhận biết chữ cái “e”: phụ huynh phát âm mẫu “e” 3 lần, chú ý phát âm mẫu rõ ràng, tròn tiếng, không kéo dài. Sau đó yêu cầu trẻ phát âm lại 2-3 lần, nếu trẻ phát âm chưa chuẩn thì phụ huynh làm mẫu và yêu cầu trẻ phát âm lại. Ngoài cho trẻ làm quen mẫu chữ in thường ra, phụ huynh giới thiệu thêm cho trẻ mẫu chữ in hoa và chữ viết thường. Nhấn mạnh để trẻ nhớ, cả 3 mẫu chữ này dù hình thức khác nhau nhau nhưng đều phát âm là “e”. Yêu cầu trẻ phát âm lại lần nữa. Sau khi làm quen xong chữ “e”, phụ huynh chuyển sang cho trẻ làm quen chữ “ê” quy trình tương tự. Giáo viên cũng nhắc nhở phụ huynh lưu ý về cách phát âm một số chữ cái hay bị sai: l- n- m (đọc là "lờ - "nờ - mờ", không đọc "em nờ" hay "en mờ") b - d- đ (đọc là "bờ - dờ - đờ", không đọc "bê - đê - đê") h - k (đọc là - hờ - ca"); p - q (đọc là "pờ - cu"); v - r (đọc là "vờ - rờ"); s-x (đọc là "sờ- xờ ")
Phụ huynh phối hợp trong việc cho trẻ làm quen chữ viết tại nhà
Đối với những cháu nhận biết chữ tốt những kỹ năng cầm viết chưa tốt phụ huynh có thể cho trẻ chơi các trò chơi như: Sử dụng các đồ dùng học tập đáng yêu, thu hút: Chọn mua cho trẻ những chiếc bút nhiều màu sắc, bắt mắt, có hình ảnh sinh động sẽ giúp kích thích sự thích thú cho bé mỗi khi ngồi vào bàn tập viết. Đồng thời đó ba mẹ cũng có thể chuẩn bị thêm những quyển vở tập viết dễ thương hay cặp sách đáng yêu cho trẻ. Tặng thưởng cho trẻ khi trẻ viết đẹp, hoàn thành bài viết: Có thể là lời khen ngợi sự nỗ lực và cố gắng của trẻ hoặc một món quà, món ăn mà trẻ thích, có thời gian cho trẻ vui chơi. Luôn kiên nhẫn với con: Khi trẻ chán nản, không muốn học viết hoặc viết sai thì thay vì quát mắng, đánh trẻ mà thay vào đó cần kiên nhẫn hỏi trẻ nguyên nhân, khó khăn. Cho trẻ lời khuyên và cùng đồng hành với bé trong quá trình tập luyện chữ. Khi đó trẻ không còn thấy sợ hãi mỗi khi được dạy về cách viết, tập viết nữa.
Ngoài ra, giáo viên cũng trao đổi và nhắc nhở phụ huynh khi dạy trẻ học ở nhà bố mẹ phát âm phải chuẩn, phát âm rõ và tròn tiếng. Mỗi lần chỉ học 1 nhóm chữ cái, chơi các trò chơi với chữ cái, luyện tập đến khi nào trẻ nhớ hết các chữ cái nhóm đó mới thôi. Phụ huynh nên ôn các chữ cái đã học trước, sau đó mới học các chữ cái mới. Tận dụng mọi lúc mọi nơi để luyện tập cho trẻ chứ không nhất thiết phải ngồi vào bàn học. Mỗi lần học chỉ tối đa 30-35 phút, không bắt trẻ học quá lâu sẽ gây áp lực và nhàm chán cho trẻ. Ở nhà cùng học với trẻ là khoảng thời gian bố mẹ thực sự là những người bạn của con, cùng học cùng chơi và đồng hành với các con trong mọi hoạt động bởi đây là độ tuổi hết sức quan trọng vì trẻ sắp bước vào lớp 1, sắp bước vào một môi trường hết sức mới lạ đối với trẻ. Từ hoạt động vui chơi là chủ đạo thì sắp tới hoạt động chủ đạo của trẻ sẽ là hoạt động học tập, một hoạt động mang tính chất bắt buộc.
Biện pháp 4: Tuyên truyền phụ huynh hỗ trợ về nguyên vật liệu, sưu tầm các trò chơi, bài tập làm quen chữ viết tại nhà
Để đạt được hiệu quả tốt hơn trong công tác cho trẻ làm quen với chữ cái với mong muốn được phối hợp phụ huynh hỗ trợ về nguyên vật liệu để làm nhiều đồ dùng đồ chơi phong phú, đa dạng phục vụ cho hoạt động làm quen chữ cái. Khi trẻ được hoạt động với những đồ vật này cô quay clip gửi về cho phụ huynh xem. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền phụ huynh sưu tập thêm một số trò chơi hoặc bài tập làm quen chữ viết trên internet mà khả năng phụ huynh có thể thực hiện được để cho bé làm quen thêm ở nhà.
Phụ huynh hỗ trợ nguyên vật liệu để làm đồ chơi góc chữ viết cho trẻ chơi
Ngoài ra trong thời buổi công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ. Trẻ thường được tiếp xúc với các công nghệ từ bé nên việc sử dụng nhằm hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy sáng tạo để nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, việc lĩnh hội tri thức của trẻ sẽ diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng và chủ động bởi trẻ luôn bị hấp dẫn bởi những gì mới lạ Cô Thảo đã thiết kế được một kho bài giảng PowerPoint với rất nhiều trò chơi phục vụ cho các hoạt động hướng dẫn trẻ làm quen với chữ cái. Kho bài giảng này được chia sẻ trong tổ chuyên môn cho đồng nghiệp cùng sử dụng, ngoài ra còn gửi cho phụ huynh để cùng phối hợp dạy trẻ ở nhà.
Các trò chơi được thiết kế bằng phần mềm công nghệ với giao diện đẹp, hấp dẫn, sinh động, với những hình ảnh đẹp màu sắc sặc sỡ những con chữ biết bay nhảy, đổi màu… cùng những âm thanh sống động (Hướng dẫn cách chơi, lời khen khi trẻ làm đúng, lời nhắc nhở khi trẻ làm sai…) sẽ giúp trẻ hứng thú hơn khi tham gia hoạt động nhận biết, phân biệt, phát âm chữ cái tại nhà
Khi các trò chơi được áp dụng gửi vào nhóm cho phụ huynh dạy trẻ đã tạo được sự phấn khích, hào hứng cho trẻ khi tiếp thu bài, với những phần chơi đa dạng, sáng tạo của mỗi trò chơi mang tính tương tác cao đã giúp trẻ phát triển tư duy, trí thông minh và khả năng chú ý, ghi nhớ cao hơn, phụ huynh khi thấy trẻ được học tập và tiếp xúc với công nghệ đa phương tiện trong giáo dục con họ tiếp thu và tiến bộ rất nhanh.
Kết Quả
* Đối với trẻ:
Sau khi tiến hành những biện pháp trên, hết học kỳ I đã quan sát thấy được các em học sinh tiến bộ rõ rệt, trẻ hứng thú và thích hoạt động làm quen chữ viết hơn, khả năng nhận biết phát âm các chữ cái đúng, chuẩn hơn.
* Đối với giáo viên:
Kết quả của việc phối kết hợp với phụ huynh cũng góp phần khích lệ góp phần có thêm động lực trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Ví dụ như tôi giao nhiệm vụ hay bài tập cho trẻ khi về nhà rồi chụp hình hay mang nộp cho cô, đồng thời có trao đổi với phụ huynh về nhiệm vụ đó của trẻ. Kết quả thu được là tất cả các phụ huynh đều hỗ trợ trẻ thực hiện những việc làm của trẻ và nộp cho cô với nhiều hoạt động khác nhau khi trẻ ở nhà.
* Đối với phụ huynh:
Phụ huynh không còn lo lắng quá lớp 1 không biết con mình có theo kịp bạn không, an tâm với việc cho trẻ làm quen với chữ viết qua sự tiến bộ hằng ngày của con mình và ngày càng có sự phối hợp tốt với giáo viên trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở nhà giúp cho việc phát triển của trẻ đạt được hiệu quả nhất. Sự phản hồi của phụ huynh học sinh về hoạt động làm quen chữ cái của con tại gia đình là những món quà rất lớn đối với các cô giáo, trẻ được trang bị một tâm thế tốt để có thể sẵn sàng chuẩn bị vào học lớp Một trường Tiểu học.
Kết Luận
Giúp trẻ nhận biết, phát âm chính xác 29 chữ cái Tiếng Việt để chuẩn bị cho việc học đọc, học viết của trẻ khi vào lớp 1 là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Nhận biết, phát âm tốt các chữ cái sẽ giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, tích cực hơn trong các hoạt động, nhiệm vụ này đòi hỏi sự kết hợp của cả gia đình và nhà trường. Vì vậy, việc bố mẹ giúp con ôn luyện chữ cái qua các trò chơi đơn giản khi ở nhà, hoặc tập tô các chữ trong vở tập tô… là một hành trang tốt nhất giúp con vững bước vào trường tiểu học.
Thông tin
- Tác giả: Trần Thị Phương Thảo