Mã Số N2061: Hướng nghiệp cho học sinh Cấp tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm

  - Chia sẻ:    

 

Hiện nay, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục tiểu học vì ngay từ nhỏ, nhiều đứa trẻ đã nuôi dưỡng mơ ước về việc mình sẽ trở thành người như thế nào, làm nghề gì trong tương lai... Nhiều học sinh tiểu học có thể cảm nhận được nghề nghiệp của bố mẹ đang làm mang lại lợi ích gì, có mục đích gì, công việc hàng ngày ra sao, thậm chí các con có thể nói được cả nghề nghiệp của bác hàng xóm là làm công an thì bắt tội phạm, làm giáo viên thì dạy học sinh, làm lái xe thì chở khách… Điều này giúp hun đúc cho các con tình yêu từ nhỏ từ nghề nghiệp của những người thân trong gia đình nhưng việc này giáo viên mới chỉ thực hiện rời rạc ở các nhà trường và tùy vào vốn sống của mỗi giáo viên. Đó chính là lý do các trường tiểu học cần phải chú trọng và quan tâm hơn nữa đến giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ Tiểu học. Công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, ở cấp tiểu học sẽ giúp học sinh ngoài việc nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, còn giúp biết được các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội đồng thời định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em.

 

Trong bối cảnh hiện nay giáo dục còn phải đáp ứng 04 trụ cột mà UNESCO đã đưa ra: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình” để hội nhập và phát triển. Chính vì vậy để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và hội nhập quốc tế thì việc giáo dục trên lớp là chưa đủ, mà ngoài giờ giảng dạy trên lớp, giáo viên còn phải có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tham gia vào các hoạt động giao lưu nhằm nâng cao các kỹ năng vốn sống của mình. Không dừng lại ở đó, trong phạm vi bài viết này còn đề ra các giải pháp định hướng nghề nghiệp cho HS tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm.

 

 Các giải pháp 

 

Tích hợp giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học qua các tiết học chính khoá

 

Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới độ mở cũng lớn nên nếu có thời gian và giáo viên có vốn sống thực tế thì dạy trải nghiệm cũng đang là giáo dục nghề nghiệp.

 

Đối với tiểu học, việc hướng nghiệp, tư vấn việc làm được đưa vào nhằm giúp học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của người thân, nghề truyền thống ở địa phương và việc làm cơ bản trong xã hội. Trong một số tiết dạy, khi nhắc tới giáo viên, chú bộ đội, bác sĩ… các em đều rất háo hức, tò mò. Lúc này giáo viên có thể chia sẻ thêm về những nghề nghiệp này, như vậy học sinh vừa hứng thú, vừa có ấn tượng và có thể nhớ lâu hơn.

 

Công tác hướng nghiệp cũng hướng dẫn học sinh tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường; rèn luyện cho các em kỹ năng cơ bản như quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng. Công việc này còn giúp phát hiện năng khiếu của học sinh để lập kế hoạch bồi dưỡng. Vì vậy, tích hợp giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học qua hoạt động dạy học, tích hợp, lồng ghép giáo dục nghề nghiệp học sinh tiểu học vào các môn học là việc làm cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, thông qua dạy học các môn học trong chương trình đào tạo sẽ làm cho học sinh tiểu học có ý thức tự giác chiếm lĩnh các khái niệm nghề nghiệp một cách có hệ thống và toàn diện. Các em sẽ định hình cho mình những phẩm chất cần có của một nghề trong tương lai. Từ đó, các em sẽ có những định hướng đúng đắn trong việc ứng xử trước các tình huống thường gặp trong và ngoài nhà trường để rèn luyện cho mình kỹ năng, phù hợp với nghề em mơ ước.

 

Định hướng  nghề nghiệp cho học sinh tiểu học qua các hoạt động trải nghiệm.

 

Giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh Tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại cộng đồng địa phương

 

Giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh Tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có thể được diễn ra với nhiều mức độ khác nhau, ở nhiều địa bàn với phạm vi rộng hẹp khác nhau. Chẳng hạn:

 

- Tìm hiểu về truyền thống làng nghề ở địa phương (Nghề trồng lan, tại ấp 3 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh).

 

 

- Tham gia câu lạc bộ văn hoá văn nghệ ở địa phương.

 

- Tổ chức học sinh tham quan trại chăn nuôi bò sữa (Trại bò sữa Bảy Nhôm, tại ấp 3 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh).

 

- Tổ chức giao lưu với người nước ngoài...

 

- Tổ chức giao lưu với cô chú làm nghề công an giao thông, công an phòng cháy, chữa cháy.

 

- Tham quan Nhà máy lọc nước tinh khiết (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc)

 

- Tổ chức học sinh tham quan giao lưu với doanh trại Bộ đội Tên Lửa 166 (Đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh)

Thông qua hoạt động giáo dục trải nghiệm, học sinh tiểu học được học qua thực tế cuộc sống, được thể hiện kiến thức, kĩ năng mình đã tích lũy được và tự mình thay đổi. Nhà trường đa dạng hóa hình thức hoạt động trải nghiệm của học sinh rất đa dạng và phong phú, được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau: Hoạt động tham quan khám phá, hoạt động thi thố tài năng, hoạt động gắn với rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống hàng ngày của học sinh… Thông qua các hoạt động trên cung cấp cho học sinh nhiều nội dung khác nhau như:

 

+ Cung cấp cho học sinh thông tin cơ bản về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, địa phương, thị trường lao động.
 

+ Giúp học sinh hiểu biết về một số ngành nghề trong xã hội ở địa phương.

 

+ Giúp học sinh xác định được yêu cầu của nghề về trí tuệ, về năng lực,…

 

+ Giúp học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học.

 

+ Giúp học sinh tìm hiểu năng lực bản thân và truyền thống nghề nghiệp của gia đình.

 

Nhằm cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức nghề nghiệp cụ thể, giúp học sinh những tri thức để tự hiểu được tình trạng sinh học, tâm lý và năng lực của bản thân để có được tiềm năng khoa học trong lựa chọn nghề, hình thành tri thức kĩ năng mới cho học sinh hoặc củng cố, phát triển kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được ở người học, từ đó giúp học sinh phát triển năng lực hành động. Hoạt động trải nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hình thành ba năng lực cơ bản của học sinh gồm: thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.

 

Như vậy, giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại cộng đồng là con đường, phương thức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp học sinh có ý thức lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất, gần gũi nhất đối với bản trong tương lai.

 

Để triển khai hiệu quả định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại cộng đồng không thể không nhắc đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cộng đồng cấp huyện.

 

Vai trò, trách nhiệm của nhà trường.

 

Nhà trường đóng vai trò là chủ thể phối hợp các lực lượng cộng đồng trong giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

 

Nhà trường cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương,... cho các hoạt động giáo dục.

 

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong trường về phối hợp với các lực lượng cộng đồng trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, hoài bão, ước mơ nghề nghiệp cho học sinh.

 

Phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai công tác hình thức trải nghiệm, đặc biệt các hoạt động tham quan các mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp, làng nghề trong huyện.

 

Phối hợp cùng ban đại diện cha mẹ học sinh huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh; nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp.

 

Hiệu quả cộng đồng  

 

Thông qua hoạt động giáo dục trải nghiệm, được học qua thực tế cuộc sống, được thể hiện kiến thức, kĩ năng mình đã tích lũy được và tự mình thay đổi. Hình thức hoạt động trải nghiệm của học sinh rất đa dạng và phong phú, được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau: Hoạt động tham quan khám phá, hoạt động thi thố tài năng, hoạt động gắn với rèn luyện đạo đức, kĩ năng sống hàng ngày của học sinh… Thông qua các hoạt động đó, giáo viên, nhà trường hình thành tri thức kĩ năng mới cho học sinh hoặc củng cố, phát triển kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được ở người học, từ đó giúp học sinh phát triển năng lực hành động. Hoạt động trải nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hình thành ba năng lực cơ bản của học sinh gồm: thích ứng với cuộc sống và các em có cơ sở định hướng nghề nghiệp trong tương lai

 

Kết Luận

 

 Việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục Hoạt động trải nghiệm thông qua việc tổ chức các hoạt động dưới các hình thức khác nhau, cũng như lồng ghép vào các môn học, tổ chức tham quan học tập, giao lưu thực tế sẽ góp phần thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp HS hình thành và phát triển các năng lực chung, năng lực đặc thù, tăng khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, cũng như định hướng nghề nghiệp cho tương lai các em sau này.

 

Thông Tin Email: canhphat1@gmail.com.

 

Thông tin

  • Phan Văn Cư