Mã số N2059: Chuyển đổi số trong công tác giáo dục, hướng nghiệp giúp tăng cường hiệu quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở
Việc số hóa nghề, ngành, trường, kết nối các dữ liệu với kết quả trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp sẽ giúp công tác hướng nghiệp, phân luồng hiệu quả hơn.
Từ kinh nghiệm triển khai cho học sinh THPT, vận dụng cho học sinh THCS, đặc biệt là học sinh lớp 9, từng bước quan tâm hơn đến hướng nghiệp để định vị bản thân trước khi chọn bậc học, chọn ngành học.
1. Bối cảnh
Thị trường lao động toàn cầu đang trong quá trình thay đổi về chất, cùng với sự bùng nổ và đột phá trong ứng dụng công nghệ số đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến xu hướng phát triển kỹ năng lao động ở nước ta. Thị trường lao động Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về việc giải quyết việc làm và đối mặt với gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì Việt Nam có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế là một trong các nội dung của Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT là một trong những giải pháp được đề cập.
Chương trình GDPT 2018 được áp dụng cho học sinh từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với nhiều thay đổi, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được diễn ra ở các cấp nhằm giúp người học có sự chuẩn bị, lựa chọn hướng học phù hợp cho giai đoạn sau THCS, THPT, góp phần hạn chế việc chọn nhầm hướng đi, nhầm ngành, nhầm trường. Vì vậy, làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp, định vị đúng bản thân để đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp. Qua đó, sẽ thúc đẩy công tác phân luồng trong giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển đất nước..
2. Thực tiễn công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS
Việc thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS trong nhiều năm qua còn gặp những thách thức, khó khăn như: người học chưa nhận thức được tầm quan trọng của sự định hướng ngành nghề, gia đình có quan niệm và cách nhìn nhận chưa thực sự đúng đắn về giá trị nghề nghiệp trong xã hội hiện nay. Với giáo viên thì hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm, công tác hướng nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, về mặt công nghệ còn thiếu công cụ hỗ trợ để học sinh có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi.
Sự thiếu hụt thông tin về các ngành nghề, xu hướng thị trường lao động hiện tại và tương lai làm học sinh thiếu thông tin để có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Sự thiếu thốn về các hoạt động tư vấn và hướng dẫn nghề nghiệp khiến cho học sinh không biết cách xây dựng kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng và khả thi. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp khiến cho việc liên kết giữa giáo dục và thực tế sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Nhìn chung, nhận thức chưa đủ của người dân, nhà trường và xã hội về tầm quan trọng và giá trị của công tác hướng nghiệp làm cho hoạt động này chưa nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp của đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ hướng nghiệp cũng là một trong những vấn đề cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả của công tác hướng nghiệp sau THCS.
Vì vậy, nếu nội dung giáo dục hướng nghiệp được số hóa, tận dụng ưu điểm, lợi ích của việc sử dụng các nền tảng đào tạo trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp đánh giá năng lực, sở thích, và khám phá tiềm năng cá nhân của học sinh một cách tự động, chính xác. Đối với các em không học tiếp lớp 10, có thể định vị và xác định đúng nghề nghiệp mà bản thân có năng lực để phát huy. Đối với các em định hướng học tiếp lớp 10, sẽ chọn đúng tổ hợp đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp sau THPT, hạn chế việc phải xin thay đổi tổ hợp môn. Đối với giáo viên, thì đây là công cụ đắc lực trong giảng dạy hướng nghiệp cho học sinh.
3. Nội dung cơ bản của giải pháp
Để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, cần tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào giáo dục hướng nghiệp như: sử dụng các nền tảng đào tạo cung cấp nội dung và thông tin trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn giúp đánh giá năng lực, sở thích, và khám phá tiềm năng cá nhân của học sinh một cách tự động và chính xác.
Hệ thống thông tin hướng nghiệp cần được xây dựng và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn để cập nhật thông tin về xu hướng nghề nghiệp, yêu cầu của thị trường lao động và các cơ hội việc làm. Việc này giúp học sinh có cái nhìn thực tế và chi tiết về các ngành nghề, từ đó giúp họ đưa ra quyết định hướng đi sau THCS.
Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp về việc sử dụng công nghệ số trong công tác tư vấn hướng nghiệp để bổ sung kiến thức và kỹ năng để sử dụng các công cụ công nghệ một cách hiệu quả và cung cấp những thông tin chính xác và phù hợp nhất với từng học sinh..
Sơ đồ 1. Các bước cơ bản của hướng nghiệp
Hệ thống số hóa bao gồm các nội dung chính và nội dung có thể phát triển thêm như sau:
3.1 Định vị bản thân
Hiện nay, đại đa số học sinh chọn ngành trước khi chọn nghề, chọn bậc học trước khi chọn nghề và xác định sở thích nghề nghiệp của bản thân.
Bộ câu hỏi giúp học sinh định vị được nghề nghiệp lý tưởng với bản thân trước khi chọn ngành học, bao gồm sở thích nghề nghiệp và khả năng đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.
Sơ đồ 2. Ba nhóm nguyên tắc cơ bản để xác định nghề nghiệp lý tưởng
3.2 Thông tin về các hướng đi sau THCS
Khung trình độ quốc gia Việt Nam (gọi tắt là Khung trình độ) được ban hành nhằm:
Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;
Thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng;
Làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực;
Thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực;
Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Khung trình độ bao gồm 8 bậc: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ. Chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ bao gồm:
Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;
Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Khối lượng học tập tối thiểu, được tính bằng số tín chỉ người học phải tích lũy cho mỗi trình độ;
Văn bằng, chứng chỉ là văn bản công nhận kết quả học tập của một cơ sở giáo dục đối với một cá nhân sau khi kết thúc một khóa học, đáp ứng chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục quy định.
Chuẩn đầu ra được mô tả nội dung khái quát ở mỗi bậc trình độ. Việc số hóa sẽ giúp cho người học dễ tìm, hiểu rõ và vận dụng phù hợp với bản thân.
Sơ đồ 3. Khung trình độ quốc gia Việt Nam
3.3 Thông tin về nghề nghiệp tại Việt Nam
Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, được sử dụng trong công tác thống kê về lao động Việt Nam và làm cơ sở để quản lý lao động theo nghề, được ban hành năm 2020, với 10 nhóm nghề cấp 1, gần 800 nghề cấp 5, được mô tả khá chi tiết. Với nhóm nghề cấp 1, yêu cầu trình độ đại học chỉ xuất hiện ở 3 nhóm nghề.
Danh mục này được số hóa để việc tiếp cận và hiểu yêu cầu nghề nghiệp sẽ thuận lợi hơn với học sinh và giáo viên. Học sinh có thể định vị nghề. Giáo viên có đủ thông tin và công cụ để giảng dạy. Ngoài ra, các trường đại học sẽ phải chú trọng hơn trong việc mở ngành.
3.4 Thông tin về ngành và cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng
Danh mục ngành đào tạo trình độ cao đẳng gần 700 ngành, trình độ trung cấp gần 900 ngành. Nếu không được số hóa thì người dùng khó có cơ hội tìm hiểu hết các ngành và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.
Cùng với số hóa danh mục nghề nghiệp thì việc số hóa các ngành đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng, vừa có thể kết hợp với kết quả định vị bản thân giúp học sinh khoanh vùng được các nhóm nghề, nhóm trường để có thể tìm hiểu sâu hơn trước khi quyết định chọn học tiếp lớp 10 hay học nghề.
3.5 Một số thông tin có thể phát triển thêm
Thông tin về cơ hội việc làm, cơ hội học liên thông: Thông tin này thường ít được hiểu sâu, ngay cả đối với học sinh THPT. Vì vậy nếu số hóa, là nguồn thông tin quý cho học sinh và sinh viên.
Thông tin tuyển sinh, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của địa phương.
Tiếp cận chuyên gia: Việc tiếp cận chuyên gia sẽ cần thiết cho các trường hợp học sinh đặc biệt, không thể sử dụng công cụ, không biết bắt đầu từ đâu để định vị được bản thân hoặc đang lo lắng khi kết quả học tập không như ý hoặc áp lực từ nhiều phía ...
- Kết luận
Nhiều nội dung trên đã được triển khai đến học sinh, giáo viên THPT và bước đầu đến giáo viên THCS của vài địa phương theo nhiều hình thức như các chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh theo lớp, trường; trải nghiệm hướng nghiệp; gỡ rối cùng chuyên gia; tập huấn giáo viên... kết hợp các hỗ trợ như Công cụ hướng nghiệp Career365; Bộ câu hỏi Trắc nghiệm định vị ngành học theo sở thích nghề nghiệp và năng lực; Hệ thống thông tin việc làm cho sinh viên; Hệ thống tư vấn trực tuyến.
Nếu tiếp tục số hóa để áp dụng cho THCS thì hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS sẽ được gia tăng, góp phần giảm thiểu số sinh viên tốt nghiệp làm việc trái ngành nghề được đào tạo; sự quan tâm của học sinh với các ngành nghề tại địa phương sẽ gia tăng; góp phần thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Ngoài ra, việc chọn tổ hợp môn học lớp 10 theo chương trình GDPT 2018 sẽ bám sát định hướng và năng lực của học sinh.
Một lợi ích khác đối với nhà trường đó là kết quả cũng được phân tích, thống kê để cải tiến việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm, cải tiến chất lượng giáo dục./.
Thông tin
-
Tác giả: TS. Lê Thị Thanh Mai