Mã số N2051: Giải pháp xử lý rác thải hữu cơ làm thức ăn cho trùn quế
Giải pháp giúp giảm thiểu lượng rác thải hữu cơ, tận dụng được nguồn thực phẩm loại bỏ, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và nâng cao giá trị kinh tế.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày phát sinh hơn 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Thành phố có 2 trạm xử lý rác lớn với phương pháp chủ yếu vẫn là chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên; do đó Thành phố cần có thêm nhiều giải pháp mới để xử lý rác thải sinh hoạt được tối ưu nhất
Trùn quế hay giun quế, giun đỏ (Perionyx excavatus) là một loài giun đất thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, sinh sản rất nhanh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Do có hàm lượng protein cao nên trùn quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Ngoài ra, Trùn Quế còn được dùng trong y học, công nghệ chế biến thức ăn gia súc. Phân trùn là loại phân hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, không gây ra tình trạng "sốc" phân, yêu cầu trữ dễ dàng, đặc biệt thích hợp cho các loại hoa kiểng, làm giá thể vườn ươm và là nguồn phân thích hợp cho việc sản xuất rau sạch.
+-Nuôi trùn quế bằng rác thải hữu cơ là một trong những phương pháp hiệu quả, tốn ít chi phí, dễ thực hiện, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị, mang lại lợi nhuận cao lại góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Rác thải hữu cơ (các loại thức ăn thừa, thực phẩm hư hỏng, vỏ trái cây, các chất thải tách ra từ làm bếp,…) chiếm đến 41,98% trong tổng số rác thải hiện nay. Loại rác này thải ra môi trường mỗi ngày, sinh ra mùi hôi thối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm. Đặc biệt, trong môi trường đô thị như ở TP.HCM, các hoạt động hàng ngày như chợ đầu mối nông sản, nhà hàng, quán ăn, trường học, khu công nghiệp, các hộ gia đình,… đang thải ra một lượng rác thải rất lớn, tạo gánh nặng cho môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Việc tận dụng rác thải hữu cơ từ các hộ gia đình, chợ đầu mối,… để làm thức ăn cho trùn quế không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình mà còn giảm bớt lượng rác thải đáng kể cho môi trường.
Quy trình công nghệ gồm các bước: thu gom ,phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, chợ đầu mối; phân loại rác hữu cơ; xay nhuyễn và xử lý EM thành hỗn hợp dạng sệt (hoặc nhũ tương); ủ lên men (2-7 ngày); cho trùn ăn (với tỷ lệ 10-20% trọng lượng cơ thể); thu hoạch trùn và phân trùn.
Đối với quy mô hộ gia đình chúng ta có thể sử dụng thùng xốp, xô chậu có đục lỗ để nuôi. Đối với quy mô nông trại ta sử dụng các khay chồng lên nhau theo dạng đứng để tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, quy trình nhân nuôi trùn quế còn sử dụng các thiết bị nuôi dạng ngăn để trùn giống đẻ trứng và thiết bị ấp dạng khay một tầng hoặc xếp chồng nhiều tầng, tạo độ ẩm, nhiệt độ thích hợp thuận lợi cho trứng nở tối đa.
Giải pháp nuôi trùn bằng rác thải hữu cơ có thể thu được lợi nhuận kinh tế gần 400 triệu đồng/năm trong mô hình nuôi 1000m2. Ưu điểm của giải pháp này là năng suất cao, rút ngắn thời gian nuôi (100m2 nuôi trong 45 ngày thu được 2 – 4kg trùn tươi thương phẩm, trong khi mô hình nuôi trùn quế bằng phân bò có thời gian 3 tháng và thu được 1kg trùn). Sản phẩm của quy trình là phân trùn quế (một loại phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, tạo cho đất có độ màu mỡ cao); sinh khối giàu protein cho sản xuất thức ăn chăn nuôi (nuôi gà, nuôi heo); trùn tươi (loại thức ăn lý tưởng để nuôi thủy sản, các loại cá, tôm, ếch,…).
Giải pháp này giúp giảm thiểu lượng rác thải, tận dụng nguồn thực phẩm loại bỏ và trùn quế với chức năng sống tự nhiên giúp phân hủy rác thải hữu cơ mà không sử dụng phân gia súc.
Mô hình giải pháp xử lý rác thải hữu cơ nuôi trùn quế được đánh giá có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thực phẩm, mỹ phẩm, y tế,... Nhất là ứng dụng trong việc xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, xử lý rác tại các trạm trung chuyển rác,… đang rất được quan tâm.
Nếu áp dụng giải pháp công nghệ này sẽ góp phần giải quyết vấn đề căn cơ (xử lý rác thải tại nguồn), giảm thiểu rác thải sinh hoạt, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho Thành phố.
Thông tin
-
Tác giả: Kiều Văn Giỏi