Mã số N2047: Biện pháp “Thay đổi ngữ liệu của Sách giáo khoa gắn với thực tế” để nâng cao hiệu quả dạy-học môn Toán nhằm phát triển tư duy, năng lực cho học sinh Tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018
1. Đặt vấn đề
Nội dung giảng dạy của Tiểu học luôn gắn liền với thực tiễn, phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Toán học có liên hệ mật thiết với thực tiễn và có ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học, công nghệ cũng như trong sản xuất và đời sống. Môn Toán còn góp phần rất lớn trong việc rèn phương pháp suy nghĩ, suy luận, giải quyết vấn đề. Bởi vậy, việc rèn luyện cho học sinh năng lực vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn là điều cần thiết đối với sự phát triển của xã hội và phù hợp với mục tiêu của giáo dục hiện nay.
Thực tế dạy học Toán ở tiểu học hiện nay còn nặng về phần kiến thức và kĩ năng, chưa có nhiều các bài tập vận dụng vào cuộc sống để học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng môn Toán vào cuộc sống xung quanh. Ý thức được tầm quan trọng của việc vận dụng những kiến thức Toán vào đời sống thực tiễn. Là một cán bộ quản lý, nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy- học theo định hướng phát triển năng lực trong các môn học đặc biệt là môn Toán, tôi luôn trăn trở tìm các giải pháp chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy. Với suy nghĩ đó, tôi chọn đề tài: Giải pháp “Thay đổi ngữ liệu của sách giáo khoa gắn với thực tế” để nâng cao hiệu quả dạy-học môn Toán nhằm phát triển tư duy, năng lực cho học sinh Tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
2. Thực trạng
2.1. Thuận lợi
- Ban Giám Hiệu nhà trường quan tâm đến các hoạt động dạy học, chỉ đạo định hướng đúng đắn và kịp thời về công tác chuyên môn, luôn tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tiếp cận với các phương pháp mới.
- Giáo viên tâm huyết với nghề, nhiệt tình, sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.
- Phụ huynh học sinh rất quan tâm, cùng theo chương trình để phối hợp với nhà trường trong việc dạy con em mình.
- Đa số học sinh ham thích học tập, hăng say tìm tòi và sáng tạo, hứng thú với những hoạt động thực hành, tìm hiểu vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống một cách thực tế, sáng tạo, hiệu quả.
2.2. Khó khăn
- Nhiều giáo viên vẫn còn cho rằng sách giáo khoa và sách giáo viên là pháp lệnh phải tuân theo một cách tuyệt đối. Chính vì vậy, giáo viên không dám mạnh dạn thay đổi ngữ liệu các bài tập về bước vận dụng Toán học vào cuộc sống cũng như không có sự thay đổi cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
- Nhiều giáo viên khi dạy Toán vẫn chú trọng hướng dẫn học sinh giải nhiều dạng bài mà hầu hết chưa quan tâm đến nội dung thực tiễn, những đề Toán gắn liền với đời sống…
- Nhiều học sinh chưa chú ý rèn luyện để phát hiện và giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Các em chưa quan tâm đến việc vận dụng Toán học để giải quyết các vấn đề trong đời sống, chưa có sự liên hệ những điều đã học vào cuộc sống của bản thân.
- Khi làm các bài tập về bước đầu vận dụng Toán học vào cuộc sống, học sinh không quan tâm đến nội dung của các bài tập đó mà chỉ chú tâm đến việc tìm ra đáp số của bài tập.
3. Giải pháp thực hiện
3.1. Chỉ đạo tổ chuyên môn nắm vững chương trình và chuẩn kiến thức kĩ năng
Chương trình Toán ở Tiểu học thống nhất với 5 mạch nội dung: Số học; Đại lượng và đo đại lượng; Hình học; Yếu tố thống kê; Giải toán có lời văn. Dựa trên cơ sở người giáo viên phải nắm vững nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu yêu cầu cần đạt của lớp học, từng chương, từng bài. Từ đó, giáo viên mới định hướng được sẽ thay đổi ngữ liệu ra sao, chọn các ngữ liệu Toán học nào cho phù hợp nội dung và gần gũi với thực tế cuộc sống hàng ngày của các em. Các nội dung về đại lượng và đo đại lượng, hình học, yếu tố thống kê, giải toán có lời văn đều có thể dựa vào mục tiêu bài học để lấy các ngữ liệu gần gũi với cuộc sống của học sinh cho các em được thực hành, trải nghiệm.
3.2. Xác định rõ mục tiêu của việc thay thế ngữ liệu
- Tùy vào mục tiêu của bài học, của bài tập, giáo viên có thể lựa chọn thay thế ngữ liệu trong các phần của bài học, bài tập đó, khi thấy ngữ liệu không phù hợp.
- Ngữ liệu được lựa chọn để thay thế phải đảm bảo cung cấp cho học sinh kiến thức, trang bị kỹ năng tương đồng với chủ đề của SGK và mục tiêu của đơn vị kiến thức cần cung cấp, đồng thời phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống.
- Để thay đổi một ngữ liệu trong sách giáo khoa, người giáo viên phải nghiên cứu và chọn lọc thật kỹ càng.
3.3. Xác định những yêu cầu của việc thay đổi ngữ liệu môn Toán
Trong dạy học Toán ở Tiểu học, ngữ liệu chính là các tài liệu ngôn ngữ cụ thể được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày gắn liền với cuộc sống thực tiễn của học sinh. Hơn nữa, đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học thiên về cảm tính, phù hợp với việc tiếp thu những vấn đề cụ thể, sinh động. Vì vậy, ngữ liệu của bài tập cần phải được lựa chọn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Ngữ liệu thay mới phải bám sát mục tiêu của tiết học, yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học và thực tế cuộc sống của học sinh. Giáo viên phải xác định rõ kiến thức trọng tâm của tiết học.
- Ngữ liệu thay mới phải đúng chuẩn ngôn ngữ, có tính phổ biến cao, phù hợp nhận thức.
- Ngữ liệu thay mới phải điển hình, ngữ liệu mẫu đưa ra để học sinh quan sát cần dễ hiểu, đảm bảo tính hiệu quả của việc phân tích và tránh mất thời gian học tập.
- Ngữ liệu thay mới phải đơn giản, phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh tiểu học và thời lượng học tập.
- Ngữ liệu thay mới phải trực quan, dễ nhận diện. Ngữ liệu đưa vào giờ học ở tiểu học phải là những ngữ liệu sinh động, chân thực, dễ hiểu và trong sáng; thường được sử dụng trong hoạt động giao tiếp hàng ngày của người Việt, phù hợp với hoạt động giao tiếp ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Không sử dụng những ngữ liệu khô cứng, rập khuôn, xa rời đời sống thực, xa hoạt động giao tiếp thực của học sinh.
- Ngữ liệu thay mới phải thú vị, mỗi ngữ liệu đưa vào giảng dạy cho học sinh tiểu học cần đảm bảo tính thú vị. Việc lựa chọn và sử dụng các ngữ liệu dạy học hay cũng thể hiện được tính hấp dẫn của nội dung dạy học. Các bài tập hay với lệnh bài tập hấp dẫn gắn với thực tế và gần gũi thu hút được hứng thú của HS, có thể sử dụng một số tranh ảnh, hình vẽ ngộ nghĩnh để minh hoạ cho các bài tập thêm sinh động, có thể thiết kế các bài tập dưới dạng bài tập trắc nghiệm, các trò chơi hay câu đố vui toán học… sẽ tạo động cơ học tập cho các em.
VD: Với một số bài tập, ngữ liệu không phù hợp với học sinh thành phố; một số sự vật, hiện tượng xa lạ với các em, giáo viên có thể lựa chọn các ngữ liệu tương đồng với SGK để thay thế như : bài Biểu đồ ở lớp 4; các bài Diện tích hình ở lớp 5; các dạng bài toán có lời văn ở tất cả các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5.
3.4 .Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
- Giáo viên cần vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp dạy học nhằm tránh sự đơn điệu, nhàm chán đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động, tinh thần hợp tác,… cho học sinh. Các phương pháp thường được sử dụng trong tiết dạy học Toán như phương pháp pháp dạy học theo nhóm, hỏi đáp, thực hành,… cùng các hình thức: dạy học cá nhân, dạy theo nhóm, lớp, dạy ngoài lớp học,...
- Khi hoạt động nhóm, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt bố trí nhóm từ 2 đến 6 học sinh tùy theo điều kiện thực tế về không gian lớp học. Giáo viên cần tạo mọi điều kiện để học sinh tự bộc lộ quan điểm của bản thân, quan sát, giúp đỡ các nhóm, các cá nhân đặc biệt là những học sinh gặp khó khăn để phát huy hết năng lực của học sinh. Được như vậy tiết dạy sẽ đảm bảo 100% học sinh trong lớp đều hoàn thành công việc của mình.
4. Tính mới của sáng kiến:
Thay đổi được tư duy của người giáo viên và học sinh khi tổ chức dạy-học Toán, không nhất thiết bám theo sách giáo khoa, mạnh dạn thay đổi ngữ liệu gắn với cuộc sống đời thường, phù hợp với thực tế, mang tính xã hội kịp thời.
Khuyến khích được học sinh phát huy năng lực học Toán và ứng dụng được các kiến thức kĩ năng của môn Toán vào trong thực tế cuộc sống đời thường.
Làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt của tổ chuyên môn.
5. Kết quả áp dụng sáng kiến:
Những biện pháp mà tập thể các tổ khối chuyên môn của nhà trường áp dụng trong thời gian qua đã phát huy tác dụng. Chỉ qua thời gian ngắn thực hiện :
- Nền nếp sinh hoạt tổ khối chuyên môn có chất lượng về nội dung, hiệu quả về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy-học.
- Đội ngũ giáo viên thường xuyên truy cập, cập nhật kiến thức đời sống xã hội nhiều hơn trên các kênh mạng.
- Nhiều kỹ năng của học sinh tiến bộ rất rõ rệt: HS năng động hơn, tư duy được mở rộng, đặc biệt là khả năng vận dụng một cách sáng tạo các kiến thức Toán học vào thực hành cũng như vào cuộc sống thường nhật của các em và sự lan tỏa đến mọi người xung quanh, gia đình và xã hội…
6. Mức độ làm lợi bằng tiền, hoặc lợi ích xã hội mang lại trong năm áp dụng:
Đẩy mạnh việc dạy học môn Toán gắn vào thực tiễn đời sống cho học sinh. Việc làm này đã giúp cho học sinh thực sự hứng thú, tiếp thu và vận dụng kiến thức hiệu quả. Nó làm cho các em cảm nhận được Toán học không khô khan, cao siêu mà nó rất gần gũi và hữu ích cho cuộc sống thường nhật của các em. Đồng thời với giáo viên cũng phát huy được khả năng nghiên cứu, sự sáng tạo trong việc vận dụng thực hiện dạy học theo hướng tích cực hiệu quả.
Tích cực đổi mới tư duy, việc dạy học môn Toán theo định hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018 để nâng cao chất lượng và tính ứng dụng cho học sinh./.
Thông tin
-
Tác giả: Phạm Trung Hữu