Mã số N2044: Biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn đạo đức theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh lớp 5
1. Đặt vấn đề
Ở bậc Tiểu học thì môn học nào cũng mang một tầm quan trọng nhất định, nhưng riêng với môn Đạo đức là môn học hết sức cần thiết đối với lứa tuổi học sinh Tiểu học. Vì đạo đức là “Cái gốc” của con người, nó góp phần làm cho học sinh thành con người có nhân cách phát triển toàn diện.
Với phương châm: Giáo viên luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu học sinh; dạy những gì học sinh cần, cung cấp, bổ sung những kiến thức, kĩ năng học sinh còn thiếu, dạy học theo hướng kết nối tri thức với cuộc sống, thì người giáo viên phải thiết kế và tổ chức được các tiết học kết nối giữa kiến thức trong SGK và thực tiễn cuộc sống; mỗi giờ học là cơ hội để học sinh thỏa sức trải nghiệm sáng tạo, giúp các em tự tin bước vào cấp học mới. Muốn đạt được hiệu quả trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy người giáo viên cần phải lựa chọn các phương pháp, kỹ năng và biện pháp như thế nào để các em học sinh của mình lĩnh hội được những chuẩn mực hành vi đạo đức tốt góp phần nâng cao hiệu quả dạy học môn Đạo đức theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh nhằm tạo hứng thú, thu hút các em yêu thích hơn môn học này.
2. Thực trạng:
2.1. Thuận lợi:
- Nhà trường luôn quan tâm đầu tư nhiều phương tiện dạy học có thế đáp ứng một phần đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
- Giáo viên được trang bị thêm nhiều kiến thức mới về phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực; nắm bắt được tâm lí học sinh.
- Học sinh có ý thức, biết lắng nghe, vận dụng kiến thức mà giáo viên đã giảng dạy, đặc biệt các em biết sửa chữa những hành vi chưa đúng.
2.2. Khó khăn:
- Phụ huynh ít có thời gian quan tâm đến việc học tập, thói quen sinh hoạt hằng ngày của các em.
- Thế hệ học sinh hiện tại đang quen với lối mòn cũ nên khi đổi mới học sinh thấy lạ lẫm và khó bắt kịp.
- Học sinh có trình độ tiếp thu giữa các em chưa đồng đều, học sinh còn ngại tư duy, chưa mạnh dạn khám phá môn học xem nhẹ vai trò của môn Đạo đức.
- Giáo viên chưa quan tâm đầu tư nhiều đến phần thực hành, vận dụng của học sinh trên thực tế.
- Giáo viên phải xem xét rà soát nội dung chương trình sách giáo khoa hiện hành để bổ sung những thông tin mới phù hợp.
* Khảo sát đầu năm học:
3. Biện pháp giúp nâng cao hiệu quả dạy học môn Đạo đức theo định hướng phát triển năng lực:
3.1. Giáo dục học sinh bằng sự gương mẫu của giáo viên.
Người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đối với học sinh tiểu học, ngoài cha mẹ, thầy cô giáo có vị trí hết sức quan trọng và có sức tác động rất lớn đối với trẻ. Có thể nói rằng hình ảnh của thầy cô giáo ở bậc tiểu học là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí học sinh. Điều này xuất phát từ sự chuẩn mực của thầy cô giáo. Do đó, mỗi người cần là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
3.2. Tạo hứng thú cho học sinh qua các trò chơi.
Trò chơi để dạy học đạo đức rất phong phú, đa dạng, nhằm giúp học sinh học mà chơi – chơi mà học phù hợp với nội dung bài học. Trò chơi bao gồm nhiều nhóm:
Những trò chơi vận động.
Những trò chơi đố vui.
Những trò chơi tiếp sức.
Các trò chơi khác như trò chơi: “Tặng hoa bạn tốt”; “Tặng lời khen cho bạn ”; “Vòng tròn giới thiệu tên” …
3.3. Vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm vào dạy học
Thảo luận nhóm là phương pháp tổ chức cho học sinh trao đổi với nhau theo nhóm nhỏ để đưa ra ý kiến chung của nhóm về việc giải quyết vấn đề liên quan đến nội dung bài học giúp học sinh cởi mở, mạnh dạn hơn.
Trong quá trình học sinh thảo luận, giáo viên có thể bao quát từng nhóm, đặc biệt chú ý đến các câu hỏi gợi mở để học sinh được chia sẻ, bày tỏ ý kiến của cá nhân mình.
Khi tổ chức cho học sinh trình bày kết quả thảo luận giáo viên luôn quan sát thực tế thảo luận của các nhóm, ưu tiên các nhóm tiếp thu chậm được trình bày trước, các nhóm tiếp thu nhanh nhận xét, bổ sung.
Việc học tập theo nhóm đối với học sinh lớp 5 đã trở thành một hình thức học tập quen thuộc, giúp các em đã hình thành và phát triển được một thói quen, một tâm thế học tập theo nhóm. Do vậy tổ chức học sinh học theo nhóm, thảo luận nhóm trong dạy học Đạo đức lớp 5 đòi hỏi người dạy phải có kĩ năng điều hành, sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, với các cách tổ chức đa dạng, phong phú, đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn học sinh.
3.4. Vận dụng phương pháp điều tra kết hợp với phối hợp cùng phụ huynh trong việc đánh giá năng lực của học sinh.
Phương pháp điều tra là phương pháp tổ chức cho học sinh tìm hiểu thực trạng những vấn đề thực tế xung quanh học sinh có liên quan đến nội dung bài học giúp học sinh hình thành những năng lực khác nhau như giải quyết vấn đề sáng tạo (Nhất là những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống đặt ra) giao tiếp và hợp tác, tìm hiểu tự nhiên, xã hội, phát triển ngôn ngữ, …..
Khi sử dụng phương pháp này tôi đã xây dựng phiếu điều tra theo hình thức phiếu rèn luyện để kiểm tra ngay việc các em thực hiện chuẩn mực, hành vi đạo đức đã được học ở nhà như thế nào.
Ví dụ:
Việc sử dụng phương pháp điều tra có thể tùy theo nội dung từng bài dạy đạo đức. Học sinh có thể điều tra một vấn đề ở trong lớp, trong trường hay ngoài xã hội hoặc chính là việc thực hiện các chuẩn mực hành vi đạo đức của bản thân. Tôi nhận thấy việc kết hợp sử dụng phương pháp này trong dạy đạo đức rất có hiệu quả. Bản thân giáo viên đánh giá được kết quả của học sinh mà còn có thể phối hợp cùng phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá năng lực của học sinh trong môn học này.
3.5. Vận dụng phương pháp dạy học dự án kết hợp với phối hợp cùng phụ huynh trong việc đánh giá năng lực của học sinh.
Với phương pháp dự án, tôi đã sử dụng trong một số bài dạy đạo đức cho các nhóm học sinh tập lập dự án, tự tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả cũng rất hiệu quả… Các dự án này có thể là kế hoạch chăm sóc một hàng cây, giữ gìn trật tự vệ sinh của lớp, giúp đỡ một bạn có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp sách cho thư viện.
Ví dụ: Bài 5 – Tiết 2: “Tình bạn”, tôi tổ chức cho học sinh lên kế hoạch lập dự án: Hãy xây dựng kế hoạch tổ chức giúp đỡ một bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp mình.
Ví dụ: Bài 6 – Tiết 2: “Kính già yêu trẻ”, tôi tổ chức cho HS lên kế hoạch lập dự án: Hãy xây dựng kế hoạch tổ chức giúp đỡ người già cô đơn trên địa bàn phường nơi mình đang ở.
Tôi thấy việc sử dụng phương pháp dự án phát huy rất tốt năng lực học sinh. Nhiều bài dạy đạo đức trong chương trình có thể sử dụng được phương pháp này tuy nhiên khi sử dụng phương pháp này đòi hỏi các khâu chuẩn bị, thời gian tiến hành có thể kéo dài nên giáo viên cần lựa chọn bài dạy thích hợp với phương pháp và chuẩn bị chu đáo về điều kiện cần và đủ như kinh phí, thời gian để khi thực hiện sẽ có hiệu quả hơn.
3.6. Hướng dẫn học sinh tự học môn Đạo đức ở nhà kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh yêu thích môn học hơn.
Đối kì với bất kì môn học nào, nếu như việc tiếp thu kiến thức ở lớp là giai đoạn vô cùng quan trọng thì việc hướng dẫn giúp học sinh tìm tòi, học hỏi, vận dụng kiến thức ở nhà cũng cần được quan tâm. Việc tự học ở nhà góp phần tạo nên sự thống nhất hợp kim giữa ý thức, thái độ, hành vi ở trẻ em.
Tự học bao gồm những việc sau:
- Học bài đạo đức các hành vi, trong đó, có thể trả lời miệng các câu hỏi có liên quan như “Tại sao?”; “như thế nào?”.
- Hoàn thành các phiếu thực hành, các sản phẩm, vật mẫu liên quan đến sưu tầm, điều tra hoạt động ngoại khóa.
- Chuẩn bị cho bài lên lớp như những dụng cụ đồ vật dùng để đóng vai diễn, hoạt cảnh, trò chơi…
- Giáo viên tăng cường hoạt động thực hành thay cho việc đọc, ghi nhớ máy móc…
- Giáo viên cần đưa nội dung tự học vừa sức, tích cực, giúp các em hiểu rõ nhiều công việc cần làm và cách thực hiện, phối hợp với gia đình tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học của các em. Đặc biệt là đối với những công việc điều tra sưu tầm, tham gia hoạt động ngoại khóa…
Ngoài các biện pháp trên, GV còn tạo các bài tập thông qua các trò chơi online để học sinh củng cố thêm kiến thức ở nhà như: Blooket, Kahoot, Quizizz, Google Form…hay phần mềm ClassDojo điểm tích lũy cho các em.
Ví dụ: Khi dạy bài “Tình bạn” giáo viên cho học sinh 4 câu hỏi vừa tham gia trò chơi vừa củng cố qua phần mềm Blooket.
4. Kết quả
Qua việc thực nghiệm lưa chọn phương pháp dạy học phù hợp với tiết học Đạo đức, tôi thấy kết quả học tập của lớp tăng lên rõ rệt. Học sinh trong lớp hứng thú với các tiết học, tích cực tham gia hoạt động nhóm, tự tin trong giao tiếp và ứng xử thân thiện với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh.
Kết quả cụ thể như sau:
5. Kết luận:
Môn đạo đức có vai trò và vị trí rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh ở bậc tiểu học. Nó không chỉ bồi dưỡng nhận thức về chuẩn mực đạo đức xã hội, mà còn góp phần định hình và phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người.
Việc dạy học phát triển năng lực cho học sinh là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với môn Đạo đức để góp phần làm nền tảng, hành vi đạo đức cho các em trong cư xử với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo với mọi người và bạn bè cùng trang lứa.
Thông tin
-
Tác giả: LÊ THỊ HỒNG HIỆP