Mã số N2037: Quá trình xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh

  - Chia sẻ:    

1. Nguyên nhân và cơ sở hình thành Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai:

Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm TP khoảng 50 km. Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố được bao quanh bởi hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằn chịt rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản. Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ không ngừng phát triển với các mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ, cá Bóp, cá Dứa…và các loài nhiễm thể khác (nghiêu, sò, hàu, ốc hương…) cho hiệu quả kinh tế tương đối cao. Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chưa có chủ thể triển khai thực hiện được.

Theo đó, để hợp tác cùng nhau liên kết trong sản xuất, áp dụng máy móc, phương pháp hiện đại nhằm tăng chất lượng, giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân; Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại, Dịch vụ, Du lịch – Đầu tư và Xây dựng Cần Giờ Tương Lai đã được thành lập vào tháng 01 năm 2019 với tên viết tắt là Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai. Hợp tác xã ban đầu có 25 thành viên, vốn điều lệ 8 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Qua đó, Hợp tác xã đã liên kết, xây dựng và phát triển 01 cơ sở sơ chế biến các loại thủy hải sản công suất 2 tấn/ngày; 01 cơ sở chế biến tổ chim yến công suất 3 kg/ngày đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận HACCP CODEX. Đồng thời xây dựng 03 điểm trưng bày, phục vụ kinh doanh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của Hợp tác xã nói riêng và của huyện Cần Giờ nói chung.

Hội nghị thành lập Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai

Trụ sở chính của Hợp tác xã Cần Giờ 

Cơ sở sản xuất của Hợp tác xã

2.  Xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương:

Qua 03 năm hoạt động, nhằm mục đích phát huy tốt nhất được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mô hình kinh tế tập thể, nhằm giải quyết một phần khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện; sản xuất ra sản phẩm chất lượng, sạch mà người tiêu dùng đang hướng tới và sử dụng. Hợp tác xã đã tích cực hoạt động, xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các hộ dân sản xuất nông sản “sạch” (không dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản), qua đó từng bước xây dựng và củng cố thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ. 

Với lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, chủ thể sản xuất, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế tập thể trở thành mô hình điểm của huyện Cần Giờ. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường; phát huy trí sáng tạo và niềm tự hào của địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất và phát huy nguồn lực cộng đồng.

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của người nông dân. Từ đó, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa phù hợp, bảo đảm chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất tránh tình trạng “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa”. Năm 2020, Hợp tác xã đã được Ủy ban nhân huyện cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm khô cá dứa một nắng “Đặc Sản Cần Giờ”, Yến sào Cần Giờ và Xoài Cát Cần Giờ. Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2021 Hợp tác xã tiếp tục xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, qua đó Hợp tác xã được Ủy ban nhân dân Thành phố chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố” năm 2021 đối với sản phẩm đặc sản (khô cá Dứa một nắng, Tôm khô, khô cá Đù, tôm Thẻ một nắng, tôm Sú một nắng và Yến Sào Cần Giờ). 

          Đặc biệt hiện nay, chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh(TP.HCM) đã được các quận/huyện, xã trên địa bàn quan tâm chú trọng thực hiện. Kết quả năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-UBND ngày 29/3/2022 về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố công nhận 27 sản phẩm của 11 chủ thể đạt từ 03 sao trở lên, trong đó Hợp tác xã vinh dự có 07 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 04 sao (khô cá Dứa một nắng, xoài cát Cần Giờ, tôm khô, tôm Sú một nắng, tôm Thẻ một nắng, tôm Sú thiên nhiên, tôm Thẻ tươi đông lạnh).

3. Kết quả của liên kết sản xuất của Hợp tác xã:

* Thuận lợi

- Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của người nông dân: đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp với hơn 100 hộ dân trên diện tích khoảng 150 ha đất sản xuất nông sản “sạch”.

- Góp phần hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa phù hợp, bảo đảm chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất tránh tình trạng “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa”.

- Xây dựng hệ thống bán hang; Điểm kinh doanh, Cửa hàng, Đại lý phân phối và bán lẻ trên địa bàn Thành phố, các tỉnh thành lân cận;

- Xây dựng được chuỗi các đơn vị thu mua sản phẩm:

+ Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.opmart;

+ Hệ thống siêu thị Big C;

+ Hệ thống siêu thị Aeon – Topvalu;

+ Hệ thống siêu thị Satra;

+ Hệ thống siêu thị Lotte;

+ Siêu thị USMart;

+ Siêu thị 3 Sạch Food;

+ Cung cấp cho 10 Trường học bán trú trên địa bàn huyện Cần Giờ.

* Khó khăn

- Nhiều nông dân chưa thật sự tin tưởng vào mô hình của hợp tác xã nên hạn chế tham gia liên kết sản xuất, còn thói quen bán nông sản qua thương lái. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, vận động người dân tham gia vào các mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm như tổ hợp tác, hợp tác xã.

         - Với việc mới thành lập, HTX Cần Giờ Tương Lai còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nguồn vốn để duy trì sản xuất cũng như trình độ quản lý, sản xuất của người lao động còn hạn chế. 

          * Trong thời gian tới         

          - Hợp tác xã cần phải nổ lực thật nhiều trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ xây dựng chuỗi liên kết, lựa chọn nguyên liệu đầu vào, chế biến đóng gói và bảo quản sản phẩm đến việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, phát triển con người…

         - Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai sẽ tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tập thể này, cố gắng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, không ngừng hoàn thiện, cải tiến quy trình sản xuất để phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu, có chất lượng góp phần cải thiện đời sống vật chất, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và môi trường, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nhà. 

          - Rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, ban ngành thành phố và người dân để hỗ trợ, tuyên truyền, khuyến khích cũng như nâng cao nhận thức, vai trò và hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể khác cùng phát triển.


Chính vì thế, Hợp tác xã Cần Giờ tương Lai tự tin đi đầu và cùng người nông dân thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện theo kiểu mẫu, lâu dài, ổn định sản xuất và góp phần nâng chất cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương, mở đường cho các doanh nghiệp khác cùng xây dựng huyện Cần Giờ phát triển.

Máy sấy thủy hải sản của Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai

Sản phẩm của Hợp tác xã tại các Siêu thị

Ao nuôi trồng thủy sản mà Hợp tác xã liên kết sản xuất

Click để xem chi tiết video

https://www.youtube.com/watch?v=p-3mTUUQUa0

Thông tin

  • Tác giả: Huỳnh Văn Thanh