Mã số N2031: Liên minh Phi chính thức - Thúc đẩy giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa

  - Chia sẻ:    

 

I. Bối cảnh

 

Chất thải nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường đáng lo ngại nhất vì nó góp phần gây ra nhiều mối đe dọa môi trường như ô nhiễm nước ngầm, biến đổi khí hậu, rác thải biển và giải phóng các chất độc hại. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2022, ước tính mỗi năm có khoảng 3,1 triệu tấn nhựa thải ra đất liền tại Việt Nam, trong đó có ít nhất 10% chất thải này thất thoát qua các đường sông, suối do sự quản lý nguồn thải chưa chặt chẽ. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hàng ngày trên địa bàn TPHCM, có 1.800 tấn rác thải nhựa; tuy vậy chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế. Rác thải nhựa xuất hiện khắp nơi trên đường phố, và đặc biệt trên các con sông, kênh rạch. 

 

 

Về công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói chung và chất thải nhựa nói riêng trên địa bàn Thành phố đang tồn tại song song hai hệ thống công lập và dân lập. Các hệ thống công lập thu gom khoảng 40% khối lượng CTRSH phát sinh, thu gom tại các hộ mặt đường, mặt phố chính, thu gom tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất,... 60% CTRSH còn lại được thu gom bởi hệ thống thu gom rác dân lập (tư nhân) do các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư,... Tỷ lệ thu gom CTRSH đông hơn so với lực lượng chính thức nhưng lại hoạt động phân tán, phương tiện thu gom thô sơ, điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. 

 

Ngoài ra, lực lượng lao động thu gom phế liệu tự do đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa. Chưa có thống kê chính thức, lực lượng này có tới 90% thành phần là nữ giới, giúp thu gom hơn 30% các loại rác nhựa có thể tái chế, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức và giảm thiểu gánh nặng ngân sách cho việc thu gom và xử lý chất thải của lực lượng công lập. Tuy nhiên, công việc của lực lượng này vẫn còn tự phát, mức thu nhập không đảm bảo, dụng cụ bảo hộ lao động hay đào tạo, tập huấn kỹ năng chưa được trang bị bài bản. Đời sống của những người làm nghề thu mua ve chai còn khó khăn, điều kiện làm việc còn nhiều rủi ro do môi trường độc hại. Mức độ quan tâm của các ngành, các cấp vẫn còn hạn chế.

 

Với bối cảnh được đề cập, một mạng lưới kết nối bền chặt giữa lực lượng thu gom phi chính thức, lực lượng thu gom chính thức, cơ sở tái chế, các nhà sản xuất, nhãn hàng thương hiệu lớn là hành động cấp bách và thiết yếu giải quyết vấn đề chất thải nhựa nói riêng và CTRSH nói chung. Sự chuyển đổi lực lượng thu gom rác thải dân lập hay lực lượng phi chính thức thành đơn vị có tư cách pháp nhân (HTX, doanh nghiệp) là điều cấp bách để đảm công tác bảo vệ môi trường đô thị, quản lý chất thải rắn hiệu quả, thúc đẩy chuỗi giá trị tái chế bền vững và an sinh xã hội cho lực lượng yếu thế này. 

 

II. GIẢI PHÁP

 

Liên minh Phi chính thức (LMPCT) được xem là sáng kiến phù hợp nhằm đem đến một môi trường xanh, sạch và bền vững với mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa thải bỏ ra môi trường, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định nguồn thu nhập, đảm bảo dụng cụ bảo hộ lao động, tập huấn và đào tạo bài bản kiến thức về phân loại chất thải nhựa và các loại chất thải sinh hoạt khác, an toàn vệ sinh lao động. 

 

Thông qua khung Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các văn bản pháp lý liên quan, liên minh có thể được tăng cường đáng kể để hỗ trợ những người lao động phi chính thức dễ bị tổn thương có được phúc lợi xã hội tốt hơn, thu nhập ổn định, nâng cao nhận thức, kiến ​​thức và năng lực. Giải pháp cũng đảm bảo tăng khả năng thu gom thông qua sự hợp tác với các lực lượng chính thức, thúc đẩy hiệu quả cao hơn cho các nhà tái chế và giảm gánh nặng về bãi rác và ô nhiễm nhựa biển. Hơn nữa, liên minh còn tăng cường năng lực tái chế về số lượng và chất lượng chất thải thải nhựa.

 

 

Giải pháp nhắm đến tập hợp hơn 500 người thu gom tự do ở huyện Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Liên minh đảm bảo rằng các thành viên của mình sẽ được hỗ trợ thông qua các buổi đào tạo về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng bao gồm kiểm tra sức khỏe cơ bản với sự hỗ trợ của chính phủ và trang bị bảo hộ cá nhân để đảm bảo an toàn cho họ. Cải thiện thu nhập sẽ cải thiện bằng cách kết nối những người lao động rác thải phi chính thức với các doanh nghiệp địa phương như nhà hàng và khách sạn để thu gom rác thải có thể tái chế một cách miễn phí. Liên minh sẽ đóng vai trò là hình mẫu góp phần vào hệ thống quản lý chất thải khu vực và quốc gia, đảm bảo giảm thiểu chất thải nhựa trên đất liền và trên biển.

 

III. Ý NGHĨA

 

Sáng kiến này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên đất liền và đại dương, nó còn đem lại ý nghĩa hết sức to lớn cho người thu gom phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ. Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình phi chính thức sang chính thức cho người lao động, giúp cho họ có một cuộc sống ý nghĩa hơn và được xã hội công nhận với công việc vất vả của mình. 

 

LMPCT chắc chắn sẽ là một giải pháp có độ lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy sự đoàn kết, thắt chặt các bên liên quan xuyên suốt chiều dài địa lý của đất nước. Ngoài ra, mô hình sẽ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ giữa các bên liên quan đặc biệt là thu hút các nguồn quỹ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) từ các tập đoàn đa quốc gia. Sự cấp thiết đầu tư vào lực lượng thu gom đảm bảo chất lượng từ các doanh nghiệp tái chế, các liên minh trong ngành. Qua đó, đẩy mạnh an sinh xã hội và thu nhập ổn định cho lực lượng này. 

 

Thông tin

  • Tác giả: Nguyễn Nhật Thoại