Mã số N2026: Một số giải pháp xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Trường học là nơi dìu dắt học sinh bắt đầu với nguồn tri thức của nhân loại, giúp học sinh biết cách sống và lao động. Trong nhà trường, học sinh cần phải tiếp thu những tri thức khoa học một cách có hệ thống, những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết để hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp ban đầu của con người mới.
Môi trường giáo dục luôn có những tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người thông qua các mối quan hệ xã hội đa dạng. Nhiều năm qua, giáo viên rất cứng nhắc trong giảng dạy cũng như hình thành nhân cách cho trẻ. Học sinh còn những khiếm khuyết về nhân cách: rụt rè, thụ động, thiếu tự tin vào bản thân, không dám đề đạt ý kiến không mạnh dạn thể hiện khả năng. Trước tình hình đó đòi hỏi trường Tiểu học phải chọn lựa giải pháp, cách thức giáo dục phù hợp, để chuẩn bị thật tốt cho các em thành những công dân tương lai có đạo đức, trí tuệ và thể lực tốt. Một trong các giải pháp đó là phải xây dựng được môi trường thân thiện trong trường Tiểu học. Đó là hệ thống các hoàn cảnh, các điều kiện để tập thể học sinh quan hệ với cộng đồng một cách cởi mở, tích cực, cần thiết cho việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh theo các mục tiêu giáo dục của trường Tiểu học. Vì thế, phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” thực ra là sự phát triển một hoạt động đã triển khai từ trước đó ở mỗi trường học.Trường học là ngôi nhà thứ hai của mỗi học sinh, cô giáo là người mẹ thứ hai của học sinh. Để các em phát triển toàn diện nơi ngôi nhà thứ hai của mình tôi luôn trăn trở tìm các giải pháp hay để góp phần vào phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”. Chính vì vậy tôi chọn viết sáng kiến kinh nghiệm “ Một số giải pháp xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”
2. CÁC GIẢI PHÁP ĐÃ SỬ DỤNG ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐÈ:
2.1. Xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp an toàn:
Ngay từ đầu năm giáo viên lên kế cụ thể từng nội dung cho công tác Xây dựng trường lớp xanh – sạch – đẹp an toàn cụ thể:
- Lớp học luôn thoáng mát, xanh sạch đẹp, trong lớp có cây xanh.
- Lớp học có đầy đủ các khẩu hiệu mang ý nghĩa quan trọng, mang tính giáo dục cao. Có ảnh Bác.
- Lớp có đủ ánh sáng, quạt mát, tủ đựng sách vở, tủ đựng chăn, gối cho học sinh.
- Tổ chức học sinh chăm sóc cây trong lớp học, bồn cây lớp phụ trách thường xuyên.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không ảnh hưởng xấu đến lớp học và cảnh quan môi trường.
- Học sinh tích cực tham gia giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân.
Giải pháp:
- Phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh lớp bổ sung trang trí lớp học.
- Xây dựng nội quy lớp học qua mục “ Quy ước của chúng em”. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng đạt được kết quả cao như: “Cho tôi xin rác !”đặt phía ngoài sọt rác. “Tắt đèn, tắt quạt bạn nhé!”. “ Khóa vòi nước sau khi sử dụng”. Học sinh có ý thức tự giác giữ vệ sinh trường lớp, tiết kiệm điện, nước.
- Tổ trưởng đến lớp sớm chỉ đạo công tác vệ sinh và các hoạt động khác của tổ như kê bàn ghế ngay ngắn, lau bàn ghế trước khi vào học, ….
- Phân công và quản lý việc vệ sinh của lớp: Lớp phó lao động có nhiệm vụ phân công các tổ hoặc nhóm thường xuyên tưới cây, nhổ cỏ bồn cây, nhặt rác trước, trong và sau lớp. Rửa cốc uống nước, lau bàn để nước.
- Luôn luôn nhắc nhở học sinh nên giữ gìn tài sản chung của nhà trường từ chỗ ngồi, cửa sổ, lớp học, hành lang cho đến sân trường, “ Hãy giữ gìn tài sản chung của chúng ta”.
- Sau mỗi tuần, trong tiết Giáo dục tập thể giáo viên cùng với Ban cán sự lớp, tổ đánh giá việc thực hiện của mỗi tuần khen khi các em có việc làm tự giác.
2.2. Dạy và học có hiệu quả phù hợp với lứa tuổi học sinh:
- Giáo viên luôn coi trọng việc dạy cách học và cách tự học cho học sinh, khuyến khích học sinh học tập một cách tích cực, chủ động, sáng tạo, không tiếp thu một chiều, có suy nghĩ và biết phản biện để tự nâng cao chất lượng học tập của mình.
- Chú trọng việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy và quản lý học sinh.
- Hướng dẫn học sinh cách đọc sách, tra cứu tài liệu và xử lý thông tin trên Internet phù hợp với học sinh lớp 2; cập nhật tri thức mới; rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng tri thức từ sách vở vào đời sống, vào việc nuôi dưỡng ý chí, hoài bão, lý tưởng, phẩm chất đạo đức.
Giải pháp:
- Sắp xếp chỗ ngồi theo hình thức “ Đôi bạn cùng tiến” để học sinh có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập.
- Thường xuyên xây dựng các hoạt động nhóm ( nhóm theo sở thích, nhóm ngẫu nhiên, nhóm cùng trình độ,...) để các học sinh có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập, đồng thời qua các hoạt động đó các em có thể rèn tính tự tin, tự chủ, mạnh dạn trước tập thể.
- Giáo viên thiết kế riêng các bài tập vừa sức dành cho từng đối tượng học sinh trong lớp. Đồng thời thường xuyên động viên và khích lệ các học sinh chậm khi có tiến bộ dù chỉ là sự tiến bộ rất nhỏ. Với học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt, luôn khuyến khích các em tìm tòi thêm những lời giải toán hay, ngắn gọn; những bài văn súc tích, cô đọng, giàu cảm xúc. Rèn kĩ năng cho các em nói đủ câu, trả lơi đủ câu.
- Phối hợp với giáo viên Tin học và Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin trường để hướng dẫn cho học sinh cách tìm tư liệu trên internet và cung cấp cho các em một số trang web hay và bổ ích để các em tự tìm kiếm thêm những tư liệu bổ ích phục vụ cho việc học tập của mình. Cụ thể trong thời gian nghỉ học dài để phòng dịch covid – 19, giáo viên đã cung cấp kênh học trực tuyến của Đài truyền hình Hà Nội. Học sinh ôn bài 5 buổi/ tuần với giáo viên chủ nhiệm bằng phần mềm zoom.
- Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tự học hỏi và đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh những kĩ năng phân tích tổng hợp, nêu khái niệm, đặt câu hỏi và trả lời, tư duy logic,sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, khả năng giải quyết vấn đề, nhận nhiệm vụ, làm việc theo nhóm.
2.3. Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh:
Giáo viên cần rèn những kĩ năng cơ bản cho học sinh:
- Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sinh hoạt tập thể, kĩ năng nhận thức, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng xác định mục tiêu.
- Kĩ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác.
- Kĩ năng ứng xử văn hoá, chung sống hoà bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội trong học đường.
- Kĩ năng chia sẻ yêu thương.
- Hình thành thói quen làm việc theo nhóm.
Giải pháp:
- Thông qua các tiết học An toàn giao thông; Kỹ năng sống; Bác Hồ và những bài học đạo đức dành cho học sinh lớp 2.
- Tìm hiểu và chia sẻ với các em qua hộp thư “Điều em muốn nói”.
- Rèn cho các em kĩ năng ứng xử hợp lí với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kĩ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm lồng ghép trong các môn học như Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Tiếng Việt, báo Đội.
- Tổ chức cho các em vẽ tranh về môi trường, vẽ tranh Bác Hồ với thiếu nhi.
- Tổ chức cho các em được nghe cách phòng chống covid – 19 qua phần mềm zoom. Thường xuyên liên lạc với phụ huynh để nắm bắt tình hình học sinh trong mùa dịch.
- Tổ chức cho các em biết giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh theo mùa qua các tiết Giáo dục tập thể. Nhất là những ngày hè học sinh vẫn phải đến trường vì thời gian nghỉ dịch dài. Giáo viên hướng dẫn các em biết tránh nắng như cách không ra sân chơi, uống đủ nước.
- Tuyên truyền động viên các em tham gia các hoạt động, các phong trào như làm từ thiện giúp đỡ học sinh nghèo, giao lưu và ủng hộ hội người tàn tật,...Đó là những đợt mua tăm ủng hộ người mù; quên góp ủng hộ Tết bạn nghèo, .....
- Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sinh hoạt tập thể, kĩ năng nhận thức, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng xác định mục tiêu: Để rèn kĩ năng này cho học sinh không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình hằng giờ, hằng ngày. Giáo viên vận dụng khéo léo trong từng tiết học, từng đối tượng học sinh. Giáo viên là người hướng dẫn. Học sinh là người tự lĩnh hội và trình bày. Với những học sinh chậm, giáo viên xếp ngồi bàn đầu để giáo viên có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp rèn các kĩ năng .
- Kĩ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác: Thông qua các môn học như Kĩ năng sống, An toàn giao thông. Những câu chuyện diễn ra thường ngày được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Kĩ năng ứng xử văn hoá, chung sống hoà bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội trong học đường. Ngay từ đầu năm giáo viên đưa ra những quy tắc ứng xử cơ bản phù hợp với học sinh lớp 2: giữa mình với bạn; giữa mình với người nhiều tuổi; giữa mình với thầy cô giáo; giữa mình với các em nhỏ.
- Hình thành thói quen làm việc theo nhóm. Trong các tiết học giáo viên thường xuyên chia thành các nhóm để các em cùng nhau học tập tốt hơn.
- Trao đổi với các cô giáo bộ môn về học sinh để các cô hiểu các em hơn.
2. 4 Tích cực tham gia các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh.
Học sinh đến trường học – chơi; Chơi – học để phát triển toàn diện cụ thể:
- Tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian.
- Tích cực tham gia các các hoạt động ngoại khoá và các hoạt động vui chơi giải trí khác phù hợp với học sinh lớp 2.
Giải pháp:
- Vận động, bồi dưỡng nguồn tham gia Hội khoẻ Phù Đổng do các cấp tổ chức ( môn bơi , bóng đá, cầu lông, cờ vua, …).
- Hướng dẫn học sinh chơi các trò chơi dân gian như chơi Ô ăn quan, nhảy dây, kéo co; các môn thể thao như cầu lông, cờ vua, trong các giờ giáo dục ngoài giờ lên lớp và giờ sinh hoạt tập thể.
- Thi văn nghệ quy mô lớp, nhà trường theo các chủ đề nhân kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm như ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày Quốc phòng toàn dân 22-12, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, ngày thành lập Đội TNTP 15/5, ngày sinh nhật Bác 19/5,…..
2. 5 Tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các di tích lịch sử văn hoá ở địa phương:
Giáo viên tổ chức cho các em tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá ở địa phương.
Giải pháp:
- Tuyên truyền, giáo dục các em biết ơn các chú thương binh, các anh hùng liệt sĩ qua bài học đạo đức , báo, tài liệu khác...
- Tổ chức cho các em thăm viếng và chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ của phường vào dịp 22/ 12 hoặc 27/7.
2. 6. Công tác chủ nhiệm:
Người giáo viên làm công tác chủ nhiệm, dù ở đâu, lúc nào cũng gặp nhiều vất vả, nhất là gặp những học sinh cá biệt, những em chậm tiến thì quả là thử thách lớn.Vì vậy người giáo viên phải có “cái tâm với nghề” tính kiên trì, hiểu được tâm lí lứa tuổi ở trẻ, khéo léo trong ứng xử, đặt biệt là yêu trẻ.
Giải pháp:
- Với những HS chậm tiến bộ :
+ Giáo viên xếp các em ngồi ngay bàn đầu cùng bàn ( có 2 em trong lớp đọc đánh vần quá chậm ), giao việc cho các, mỗi ngày luyện đọc 4 câu trong bài tập đọc, đọc cho giáo viên nghe, rồi có thể tăng số câu lên dần, khen học sinh đó: “Em đã có tiến bộ hơn rồi, cần cố gắng lên!”. Những câu nhẹ nhàng như thế làm cho các em vui và các em rất thích đọc.
+ Tổ chức mô hình đôi bạn học tập để các em đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
+ Tìm hiểu những năng lực, sở trường của các em, giao việc cho phù hợp, tạo cơ hội để các em phát huy hoàn thành nhiệm vụ, tin tưởng vào bản thân. Hướng các em đến niềm tin: “Mình cũng có thể học như các bạn khác”.Tạo động lực để các em cố gắng.
- Với học sinh hay đánh bạn, lấy đồ của bạn:
Giáo viên chủ nhiệm lựa chọn phương pháp giáo dục hợp lí học sinh sẽ nhận ra và không đánh bạn nữa. Đó là giáo viên không làm mất thể diện học sinh trước lớp mà phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và tìm cách khắc phục. Giáo viên luôn luôn là “ người mẹ” thứ hai, cần có cái nhìn thiện cảm với học sinh để các em mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, khó khăn của mình. Nếu học sinh bị bệnh tăng động, giáo viên giám sát chặt chẽ, động viên các bạn gần gũi, chơi với bạn.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp:
+ Lựa chọn những học sinh học tốt trong lớp, có uy tín với bạn, mạnh dạn nhiệt tình có trách nhiệm trong công việc được giao.
+ Cán bộ lớp là những người điều hành,giải quyết mọi công việc của lớp, vệ sinh, trật tự, kiểm tra bài đầu buổi. Cán bộ lớp tự tổ các tiết Giáo dục tập thể, báo cáo các mặt hoạt động thi đua, thay mặt giáo viên tuyên dương, nhắc nhở các bạn trong lớp.
- Giáo viên kịp thời phát hiện và nêu những tấm gương người tốt, việc tốt, vượt khó trong học tập, những học sinh tiến bộ trong học tập, ngoan ngoãn, để động viên, khuyến khích, khen thưởng các em. Tạo động lực để các em cùng cố gắng phát huy.
- Giáo viên chủ nhiệm là người đi sớm về muộn luôn sát sao tới từng học sinh.
2. 7. Phối hợp với cha mẹ học sinh để giáo dục các em:
Trong giáo dục cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho các em, giúp các em không thấy cô đơn, lẻ loi, hụt hẫng, là động lực để các em vượt qua khó khăn.Vì thế, giáo viên “nối nhịp cầu giáo dục” với cha mẹ các em, đi đến thống nhất cách giáo dục an toàn, hiệu quả nhất.
Giải pháp:
- Giáo viên thành thạo công nghệ 4.0, thường xuyên liên lạc với phụ huynh qua tin nhắn edu hoặc zalo.
- Tổ chức họp phụ huynh 3 lần / năm
- Thường xuyên thăm hỏi gia đình học sinh, có biện pháp động viên thăm hỏi kịp thời khi thời khi cần.
2.8 Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường :
Sau khi áp dụng sáng kiến “ Một số giải pháp xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” ở lớp tôi đã thu được những kết quả sơ bộ như sau:
- Lớp học luôn được học sinh tự giác giữ vệ sinh sạch sẽ; gọn gàng, ngăn nắp, thoáng mát; không vứt rác bừa bãi, không để sách vở lộn xộn dưới gầm bàn; các em tự giác thay phiên nhau chăm sóc cây xanh trong lớp, bồn cây. Đi vệ sinh đúng nơi quy định.
- Tích cực tham gia giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học, cá nhân.
- Học sinh có ý thức vệ tài sản của nhà trường cũng như ý thức tiết kiệm điện, nước.
- Học sinh đã biết cách tự học, học tập một cách tích cực, chủ động, sáng tạo, không tiếp thu một chiều để tự nâng cao chất lượng học tập của mình. Một số học sinh biết cách đọc sách, tra cứu tài liệu và xử lý thông tin trên Internet. Một số học sinh đã biết tham gia cuộc thi giải toán qua mạng Violympic học qua truyền hình, học trực tuyến.
- Một số kĩ năng cơ bản của học sinh được nâng lên như: Kĩ năng giao tiếp; kĩ năng sinh hoạt tập thể; kĩ năng phòng, chống các tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước. Nhất là không có bạo lực học đường, học sinh tự giác đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy, xe đạp điện.
- Phần lớn học sinh đã có thói quen làm việc tích cực theo nhóm như nhóm ngẫu nhiên, nhóm cùng đối tượng, nhóm đôi bạn cùng tiến.
- Học sinh tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian do nhà trường tổ chức. Phong trào văn nghệ ở lớp rất sôi nổi. Lớp đạt giải Ba trong hội diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
- Là lớp ở lại bán trú, học sinh rất tự giác, có ý tứ trong khi ăn, khi ngủ. Biết tự phục vụ như ngả bàn, lấy gối, sắp xếp chỗ nằm phù hợp.
3. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
3.1. Kết luận
Từ những kết quả mà tôi đã nêu trên, trong quá trình giảng dạy tôi tự nhận thấy rằng: “ Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực.” nhằm giáo dục học sinh phát triển một cách toàn diện, giáo viên cần làm tốt những vấn đề sau:
- Trước hết người giáo viên phải thực sự yêu nghề, mến trẻ, phải hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu. Từ đó có ý thức học hỏi, tìm tòi các phương pháp, biện pháp tối ưu, vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, tránh sự nhàm chán, buồn tẻ cho học sinh.
- Giáo viên cần tạo tình huống gây hứng thú cuốn hút học sinh tập trung vào bài học, liên hệ thực tiễn để học sinh rút ra bài học cho chính mình.
- Bố trí chỗ ngồi hợp lý để giáo viên tiện theo dõi những em chậm và phân công em nhanh giúp giáo viên kèm cặp thêm những em đó.
- Vận dụng linh hoạt tình hình thực tế, diễn biến của xã hội để có những câu chuyện, bài học phù hợp với học sinh.
- Luôn phối kết hợp trao đổi với phụ huynh về năng lực cũng như tiến bộ của học sinh.
- Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh.
Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã thực hiện nhằm góp phần “ Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực” ở ngôi trường Tiểu học Đông Hương. Góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh, tạo cho các em có một cơ sở ban đầu vững chắc để học lên các bậc học trên. Những ý kiến nhỏ này chỉ là những gì tôi suy nghĩ, tìm tòi và thực hiện chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Rất mong được sự góp ý giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp và Hội đồng khoa học ngành.
3.2. Kiến nghị
- Phòng Giáo dục và Đào tạo nên duy trì thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyên đề về công tác dạy học.
- Đề nghị nhà trường : Cần cung cấp thêm nhiều tài liệu, sách tham khảo phục vụ chuyên môn cho giáo viên, để giáo viên được học hỏi nâng cao hơn về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
- Đề nghị địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như tinh thần để giáo viên yên tâm giảng dạy.
- Gia đình học sinh cần quan tâm hơn nữa đến việc học hành của con em, cùng phối hợp với nhà trường giáo dục các em.
- Nhà trường cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện qui tắc gia đình thân thiện, để mỗi học sinh đều được sống trong môi trường thân thiện.
Thông tin
-
Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Trang