Mã số N2026: Dự Án Hoa và Tranh Vảy Cá Phong thủy VAVA (VẢy VÀng): Nghệ Thuật Từ Phế Phẩm

  - Chia sẻ:    

 

Đam mê và bản lĩnh, một anh chàng 9x luôn khát khao được đem hoài bão ý tưởng kinh doanh không chỉ để giúp ích cho chính mình mà còn cho rất nhiều người khác trong xã hội. Với ý tưởng khởi nghiệp “Tranh vảy cá”, cựu sinh viên Đại học HUTECH đã gây ấn tượng và chinh phục những giải cao với sản phẩm thủ công mỹ nghệ du lịch độc đáo. Xuất phát từ việc khai thác và tận dụng những phế phẩm sẵn có chủ yếu là từ các loại vảy cá và một số vật liệu khác như: xương cá, nan mực, râu tôm, vỏ cua,... Dự án Hoa và Tranh vảy cá phong thủy VAVA đã chinh phục thành công các nhà đầu tư là các doanh nghiệp với sản phẩm tranh làm từ những chất liệu tưởng chừng như bỏ đi.

 

Dự án Tranh vảy cá VAVA đạt giải trong cuộc thi “Tôi khởi nghiệp 2017”.

 

Vấn đề cần được giải quyết

 

Số lượng các loài động vật quý hiếm đang giảm dần một cách nhanh chóng, đe dọa đến sự đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái. Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, các loài động vật hoang dã có xương sống đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới. Đặc biệt, sừng tê giác, ngà voi, các loại da hổ, báo, cá sấu,...dùng để trưng bày được coi là biểu tượng của quyền lực và địa vị. Hành động sử dụng các bộ phận của động vật để thể hiện sự xa hoa của người giàu là nguyên nhân chính thúc đẩy nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ngà voi, sừng tê giác và da động vật từ lâu đã trở thành biểu tượng của quyền lực và địa vị trong nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, việc sở hữu và trưng bày những vật phẩm này đã và đang dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng số lượng của các loài động vật quý hiếm, đe dọa đến sự đa dạng sinh học và gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm từ động vật đã khiến nhiều loài động vật bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng, đặc biệt là voi và tê giác. Hành động này không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến thiên nhiên mà còn thúc đẩy các hoạt động buôn bán bất hợp pháp, tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các tổ chức tội phạm. Sự đe dọa đến động vật nói riêng và môi trường sống nói chung cần có những giải pháp để giải quyết tình trạng này. Nhiều tài phiệt trưng Ngà Voi, Sừng Tê Giác to tướng để mong phong thủy, trong khi đó bức tranh cá chép chỉ là mực vẽ trên giấy. Nay với bức Tranh cá chép hóa RỒNG được chế tác từ chính vảy cá chép thật và vảy cá rồng thật hi vọng sẽ mang đến một vật phẩm phong thủy mới lành mạnh hơn mà lại hoàn toàn hợp pháp.

 

Anh Lê Ngọc Biết tự tin chinh phục Ban giám khảo bằng sự nhiệt huyết và quyết tâm của mình.

 

Vảy cá chép - Ý tưởng xuất phát từ tình yêu môi trường

 

Là người con của vùng biển ở Phú Yên, anh Lê Ngọc Biết, founder dự án Hoa và Tranh vảy cá Vava đã sớm nhận ra những tác hại của những phế phẩm hải sản đến môi trường, đặc biệt là vảy cá. 

Anh Biết phát hiện vảy cá tươi dưới ánh nắng có thể tạo ra hiệu ứng lấp lánh như xà cừ. Bên cạnh đó, cùng với việc giải quyết tình trạng sử dụng các bộ phận của động vật để trưng bày như ngà voi, sừng tê giác và da động vật, anh nảy ra ý tưởng làm tranh phong thủy hình cá từ chính vảy cá thật. Đặc biệt với vảy cá chép, bức tranh sẽ có thêm ý nghĩa “cá chép hóa RỒNG”, mang ý nghĩa may mắn theo quan niệm dân gian.

Công đoạn biến vảy cá thành hoa đòi hỏi sự khéo léo của người thợ.

 

Ý tưởng Hoa và Tranh vảy cá đã được mang ra dự thi ở nhiều cuộc thi khác nhau và đạt được giải cao như cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo du lịch - Tourism Ideas” tại Đại học HUTECH, Cuộc thi “Tôi, Khởi nghiệp 2017” Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM phối hợp, Á quân cuộc thi Đổi Mới Sáng Tạo Ngành Khai Thác và Chế Biến Hải Sản Tỉnh BRVT...Bên cạnh đó, anh Biết còn dành thời gian nghiên cứu và tiếp tục đem đi tham dự nhiều sân chơi khởi nghiệp lớn nhỏ khác nhau, bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường.

Dự án Tranh vảy cá VAVA nhận giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo du lịch - Tourism Ideas 2017” do Đại học HUTECH tổ chức.

 

Biến vảy cá phế phẩm thành tranh nghệ thuật

 

Vảy cá mặc dù có màu sắc và chất liệu đẹp nhưng mùi khá tanh, vì vậy anh Biết đã dành thời gian nghiên cứu tìm ra công nghệ enzym được chiết xuất từ những trái thơm non phế phẩm để khử mùi tanh trên vảy cá, kết hợp một phế phẩm hải sản với một phế phẩm nông sản để tạo ra một thứ có giá trị. Bên cạnh đó, để biến vảy cá thành sản phẩm thủ công có tính thẩm mỹ được ứng dụng trang trí trong đời sống thực tế và kiếm được khách hàng chịu bỏ tiền ra mua, Ngọc Biết đi tiếp trên hành trình tìm ra cách nhuộm màu vảy cá sao cho giữ được vân vảy tự nhiên và giữ màu lâu nhất có thể. Anh kể mình đã thử qua rất nhiều cách lên màu khác nhau từ truyền thống đến hiện đại và đã tìm ra phương pháp tối ưu nhất chưa từng nghe qua trước đây đó là nhuộm trong điều kiện áp suất cao nhiệt độ cao. Ngoài cá chép, anh còn dùng thêm vảy của nhiều cá khác theo mùa để biến tấu linh hoạt như vảy cá hô, cá vược, cá trắm, cá mối, cá mai, cá chuồn…

Dạ Vũ Song Ngư - sản phẩm tranh vảy cá tiêu biểu của dự án.

 

Để có đủ nguyên liệu vảy cá làm tranh, anh Biết vào từng khu chợ, đến từng hàng cá để xem hàng và đặt hàng riêng loại phế phẩm. Anh còn tìm đến nhiều nhà hàng lớn, chuyên có loại cá to, đẹp, hiếm để xin bộ vảy sau khi họ sơ chế thực phẩm. Hiện tại, Ngọc Biết còn liên hệ và đặt mua vảy cá từ các nước lân cận để tìm nguyên liệu vảy kích cỡ to, có hiệu ứng đẹp khi dùng trang trí. Trung bình mỗi ngày anh thu được từ 50kg đến 70kg vảy cá, những ngày may mắn có khi được cả trăm ký vật liệu. Sau khi thu hàng trực tiếp ở chợ, anh sẽ đem đến nhà một số chị em nội trợ nhận khoán để rửa, lọc riêng vảy cá không còn dính chất dơ, rồi đem về xử lý mùi tanh, tiến hành các bước nhuộm màu sau đó.

 

Theo anh Biết, tùy vào hình ảnh và độ dài của tranh mà số lượng vảy cá dùng nhiều hay ít, nếu một bức tranh có kích thước 50cm thì sẽ đính khoảng 10.000 cái vảy.

 

“Đãi” vảy cá làm hoa

 

Bên cạnh việc sử dụng vảy cá để làm tranh, anh Biết còn chế tác nên những đóa hoa xinh đẹp vô cùng độc đáo có thể nở được khi tưới nước vào. Vì vảy cá khi khô sẽ cong lại, khi ngậm nước sẽ dãn phẳng ra nên vô tình tạo nên hiện tượng hoa cụp vào khi khô, nở ra khi tưới nước sống động như hoa thật. Hoa làm từ vảy cá gồm có hồng, tulip, lan Ý, cúc đồng tiền và mai đào dịp tết được kết hợp với các sản vật từ biển như san hô, vỏ ốc xà cừ, nan mực, râu vỏ tôm hùm, tảo rong biển…Trong đó vảy cá chẽm khi làm tranh và hoa sẽ vô cùng khó và rủi ro vì vảy cá rất cứng, dày và bén nên khi chế tác rất dễ làm tổn thương đến da tay. Để ra một sản phẩm hoa thủ công làm từ vảy cá tốn rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy giá bán sẽ dao động từ 100.000đ đến 120 triệu đồng tùy vào độ thẩm mỹ và công sức làm ra sản phẩm. 

 

Những sản phẩm tranh và hoa vảy cá được làm từ nguyên liệu vảy cá thân thiện với môi trường.

 

Hiện tại, anh Biết dùng vảy của nhiều loại cá với kích thước khác nhau nên đôi khi để hoàn thành xong một sản phẩm phải mất từ một tháng hoặc thậm chí đến cả năm. Điều đặc biệt ở những sản phẩm này chính là được làm hoàn toàn từ bàn tay của những người khuyết tật. Anh Biết cho biết, anh muốn ưu tiên hơn cho những hoàn cảnh khuyết tật kém may mắn đang khó tìm cơ hội việc làm ngoài kia.

 

Chị Tường Vy làm hoa vảy cá tại cơ sở của anh Ngọc Biết.

 

Mạnh dạn khởi nghiệp bằng khát khao tuổi trẻ

 

Đến nay dự án đã giải quyết được hơn 10 tấn vảy cá, xương cá… bỏ đi được lấy từ quê hoặc được tôi thu mua lại từ những khu du lịch biển, chợ, nhà hàng... Sản phẩm từ vảy cá đều rất thân thiện với môi trường. Hiện tại, các sản phẩm hoa và tranh vảy cá của anh được nhiều người đón nhận và xuất khẩu tiểu ngạch sang Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Canada, Úc… có giám định chất lượng đạt chuẩn an toàn.

 

Song song với việc tiếp tục phát triển dự án “Tranh vảy cá”, Ngọc Biết còn nhen nhóm một số kế hoạch tiềm năng khác như: “Dụng cụ học tập Hình học không gian”, “Dự án dè xe 360 độ”, “Dự án mô hình cafe nghỉ trưa (NAP)”. Được biết, trước đây dự án NAP từng đạt Giải Đổi mới sáng tạo cuộc thi Tôi, Khởi nghiệp 2018 do Nhà Văn Hóa Sinh Viên tổ chức. Tham gia triển lãm lần này, “Tranh vảy cá VAVA” thêm một lần nữa khẳng định độ phổ biến, tính ứng dụng và những phẩm chất được đánh giá cao của một dự án khởi nghiệp từ thuở sinh viên. Tuổi trẻ đầy ước mơ và mong muốn vượt qua nhiều chông gai thách thức, “Tranh vảy cá” là một trong những câu chuyện điển hình của sinh viên Đại học HUTECH, tiếp thêm hy vọng cho những ai đang theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp.

 

“Đừng ngần ngại theo đuổi đam mê khi bất cứ ai cũng có thể thành công” là những gì Ngọc Biết nhắn nhủ đến các bạn trẻ.

 

Thông tin website: tranhvayca.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Các thành viên trong nhóm dự án “Tranh vảy cá”