Mã số N2023: Thiết kế thiết bị học toán và chữ cái dành cho người khiếm thị
Trong nỗ lực giúp đỡ người khiếm thị dễ dàng hơn trong quá trình học tập và lĩnh hội tri thức, Phạm Thị Thùy Trang, sinh viên đến từ trường Đại học Tài chính - Marketing, đã chế tạo ra một thiết bị độc đáo hỗ trợ học chữ cái và học toán dành cho người khiếm thị.
Thiết bị này không chỉ mở ra cánh cửa mới cho việc học tập của người khiếm thị mà còn là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục đặc biệt. Với những tính năng đặc biệt, thiết bị học chữ cái và học toán của Phạm Thị Thùy Trang hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng người khiếm thị, giúp họ tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
"Chiếc hộp thần kỳ" của Thùy Trang bao gồm nhiều phím khắc chữ cái nổi và công thức hình học, phục vụ cho việc học chữ, toán số, toán hình tiếng Việt và tiếng Anh. Các phím chức năng cho phép chuyển đổi giữa các chế độ học tập khác nhau. Thiết bị còn được trang bị loa phát nhạc lớn, chức năng đọc giờ và màn hình LED hiển thị.
Dự án nhân văn
Trang bắt đầu dự án từ khi còn học lớp 10 và hoàn thiện sản phẩm trong vòng một năm, trong đó Trang mất 6 tháng để tìm hiểu về cộng đồng trẻ khiếm thị. Nói về điểm khởi phát của ý tưởng,Trang cho biết, ý tưởng về chiếc hộp này bắt nguồn từ lần tham quan tại trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Cô nhận thấy các em khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong quá trình học bảng chữ cái, tính toán và nhận dạng các hình học. "Em cứ nghĩ mãi về việc làm thế nào để tạo ra thiết bị hỗ trợ các em học tập," Trang chia sẻ.
Trang đã lên mạng tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của bảng chữ nổi, mã nguồn, lập trình và thiết kế. Ban đầu, cô dự định tạo ra một "máy tính nói" để giúp học sinh học bảng chữ cái, một số câu giao tiếp bằng tiếng Anh thông dụng và các phép tính đơn giản. Sau hơn 3 tháng nỗ lực và sự giúp đỡ của các thầy trong trường cùng các anh chị khóa trước, Thùy Trang đã hoàn thành thiết bị và mang đến các trường khiếm thị để thực nghiệm và nhận góp ý.
Thiết bị của Trang bao gồm bảng chữ cái tiếng Việt lẫn tiếng Anh và bảng chữ số để phục vụ cho việc học Số học, giúp người khiếm thị tiếp xúc bằng tay với thiết bị có thể học chữ cái, học toán. Cụ thể, bàn phím được khắc chữ nổi Braille để người khiếm thị nhận dạng ký tự bằng cách sờ vào mặt nút, khi ấn xuống sẽ phát ra âm thanh của ký tự đó. Khi học toán, kết quả tính toán cuối cùng sẽ được thiết bị đọc lên, giúp học sinh khiếm thị có thể tự học.
"Nhiều bạn chia sẻ rằng không cảm nhận được thời gian sáng - tối và thiếu các hoạt động giải trí sau giờ học. Em lại mày mò tích hợp chức năng đọc giờ và phát nhạc vào chiếc hộp," Trang kể. Ngoài ra, thiết bị của Thùy Trang còn có nút hình ảnh hình học ở mặt sau, giúp học sinh khiếm thị nhận diện các hình học bằng cách sờ vào và loa sẽ phát ra định nghĩa, công thức tính chu vi và diện tích một cách dễ dàng mà không cần sự trợ giúp trực tiếp từ giáo viên. Những bài học và bài hát trên thiết bị cũng có thể được thay đổi dễ dàng thông qua thẻ nhớ. Đặc biệt, trẻ khiếm thính cũng có thể học trên thiết bị bằng cách kết nối với tai nghe trợ thính được đặt ở thiết bị. Đối với trẻ sáng mắt thì có thể học thông qua màn hình LCD.
Thiết kế và gia công mạch
Thiết bị này có chi phí sản xuất đại trà khoảng 700.000 đồng, với các linh kiện dễ kiếm, dễ sửa chữa và thay thế. Hiện tại, Thùy Trang đang nghiên cứu tích hợp mạng di động vào thiết bị để giúp học sinh có thể tra cứu thông tin dễ dàng hơn, phục vụ việc học tập một cách hiệu quả.
Dự án đã giúp Trang thu về những thành tích ấn tượng như: Giải Nhất cuộc thi "Khoa học kỹ thuật" cấp tỉnh, giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" cấp tỉnh", giải Ba cuộc thi "Khoa học kỹ thuật" cấp quốc gia, giải Nhất cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng" cấp tỉnh, giải Khuyến khích cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc".
Trang đang hướng dẫn cho các học sinh sử dụng sản phẩm
Thiết bị học toán và chữ cái cho người khiếm thị của Thùy Trang không chỉ là một sản phẩm công nghệ tiên tiến mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và sự quan tâm đối với cộng đồng người khiếm thị. Hy vọng rằng sáng tạo này sẽ được phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đời sống của người khiếm thị, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống và mở ra nhiều cơ hội học tập và phát triển bản thân.
Thông tin email: phamthithuytrang20042004@gmail.com
Thông tin
- Tác giả: Ms. Phạm Thùy Trang