Mã số N2010: Giấc mơ của Survival Skills Vietnam: "Mỗi gia đình Việt Nam đều có ít nhất một người biết cách sơ cứu"
1. VẤN ĐỀ
Tại các nước phát triển, kỹ năng Sơ cấp cứu và Thoát hiểm được đào tạo rộng rãi trong chương trình học, tại các trường học, công ty và cộng đồng và được tập huấn nhắc lại hằng năm (Ví dụ: Tại Úc, lớp đào tạo thao tác hồi sức tim phổi nhắc lại hằng năm, sơ cấp cứu mỗi 3 năm).Tuy nhiên, hầu hết người dân ở Việt Nam chúng ta chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng mang tính sống còn này. Hiện tại các kiến thức chỉ được dạy bắt buộc tại một số công ty lớn, hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro sức khỏe cao.
Theo khảo sát về nhận thức sơ cấp cứu cơ bản của Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN trên 5000 người Việt Nam cho thấy 80% người được khảo sát trả lời sai trên 80% các câu hỏi mặc dù khảo sát này đã được đơn giản hóa và rút gọn đáng kể so với một bài kiểm tra về sơ cấp cứu căn bản thông thường. Một số hiểu nhầm phổ biến về sơ cấp cứu như sau:
- 68% người được khảo sát cho rằng nạn nhân là người quan trọng nhất thay vì bản thân mình và người thực hiện sơ cứu, điều này có thể khiến họ quên đi sự an toàn của bản thân và biến mình trở thành nạn nhân tiếp theo và không thể giúp được người khác.
- 66% người khảo sát cho rằng cần đập vào lưng người bị hóc thức ăn/ dị vật vào khí quản lúc nạn nhân đang ho, điều này có thể làm cho dị vật đi sâu hơn vào khí quản khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- 52% người được khảo sát cho rằng cần phải di chuyển người bị gãy xương ngay lập tức tới bệnh viện mà không qua sơ cứu, điều này có thể làm những tổn thương trở nên trầm trọng hơn.
- 79% người được khảo sát tin rằng Hồi sinh tim phổi (CPR) chỉ dành cho bác sĩ. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể làm CPR giúp tăng đáng kể khả năng sống sót của những trường hợp ngưng tim ngưng thở, đuối nước, hóc dị vật, ngừng tim đột ngột, đột quỵ v.v. có thể gây tử vong nhanh trong khi chờ sự trợ giúp của lực lượng y tế.
Thực trạng chung, phần lớn các nạn nhân không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến bệnh viện, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao gây nên những nỗi đau, mất mát lớn và gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các thống kê từ các nguồn tai nạn tại Việt Nam cho thấy:
- Tai nạn giao thông: Chỉ có 5% số nạn nhân bị tai nạn giao thông được sơ cứu đúng cách. Trong năm 2016, đã có đến 21,598 trường hợp tai nạn giao thông trong đó gồm 19.280 người bị thương và 8.885 người tử vong , việc sơ cứu đúng cách có thể cứu sống được 10% số nạn nhân tai nạn giao thông.
- Đuối nước: mỗi năm ở Việt Nam có 2.000 trẻ em bị chết đuối và 250 người chết vì điện giật (Phòng An toàn Kỹ thuật Việt Nam) ở Việt Nam.1
- Ngưng tim đột ngột: 88% trường hợp ngưng tim xảy ra tại nhà, trong đó 75% trường được phát hiện ngay nhưng 89-96% trường hợp không được ép tim thổi ngạt dẫn đến 51,5% tử vong trước nhập viện.2
- Đột quỵ: 200.000 người đột quỵ /năm, 50% tử vong và chỉ 10% bình phục hoàn toàn3
- Tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em tại các nước thu nhập thấp và trung bình cao gấp 3,4 lần so với các nước có thu nhập cao. 4Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích trong đó nhóm 0-14 tuổi chiếm tỷ lệ 56,4%, nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ 43%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.5
Nếu những người xung quanh nạn nhân có kiến thức và kỹ năng Sơ cấp cứu tốt, rất nhiều trong số các trường hợp này sẽ không dẫn tới tử vong hoặc chấn thương bớt trở nên trầm trọng hơn, giúp lực lượng y tế can thiệp hiệu quả hơn khi tới được hiện trường.
Hằng năm, các tổ chức về Hồi sức quốc tế như Ủy ban Liên lạc Quốc tế về Hồi sức (The International Liaison Committee on Resuscitation – ILCOR) thông báo định kỳ về các hướng dẫn và kiến nghị mới nhất về Sơ cấp cứu. Tuy vậy, đa số các hướng dẫn đại chúng về sơ cấp cứu tại Việt Nam chưa được cập nhật kịp thời theo những thực hành mới nhất và hiệu quả nhất.
2. GIẢI PHÁP
SSVN phổ cập giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế tại Việt Nam thông qua 2 nhóm hoạt động:
- Hoạt động phi lợi nhuận:
- Hội thảo nâng cao nhận thức và hướng dẫn các động tác sơ cấp cứu cơ bản dành cho cộng đồng, trường học.
- Học bổng thực hành chuyên sâu sơ cấp cứu dành cho đối tượng yếu thế, người chăm sóc đối tượng yếu thế, các đội hỗ trợ cấp cứu thiện nguyện.
- Nguồn tư liệu giáo dục cộng đồng: sổ tay sơ cấp cứu, tranh ảnh tuyên truyền, ứng dụng di động, khóa học trực tuyến e-learning, thẻ thông tin y tế khẩn cấp thông minh, chương trình truyền hình, kênh Youtube.
- Hoạt động thương mại:
- Đào tạo thực hành sơ cấp cứu thực hành dành cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
- Khóa học sơ cấp cứu trực tuyến e-learning.
- Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục và thực hành sơ cấp cứu.
3. Ý NGHĨA
Với sứ mệnh giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam thông qua giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế, Survival Skills Vietnam khởi đầu là một dự án phi lợi nhuận đã chuyển mình thành Doanh Nghiệp Xã Hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN với các hoạt động thường xuyên và không ngừng hiện đại hóa nhằm giúp nghìn người Việt Nam tiếp cận được kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu đúng nhờ đó giúp được nhiều nạn nhân khỏi thương vong không đáng có.
Ước mơ của SSVN "Mỗi gia đình Việt Nam có ít nhất một người biết sơ cứu đúng cách để giảm tỷ lệ thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam!"
4. KẾT QUẢ
Từ năm 2014, SSVN đã giúp hơn 150.000 lượt người Việt Nam tiếp cận giáo dục sơ cấp cứu thông qua các kênh thương mại và phi lợi nhuận, qua đó hàng nghìn nạn nhân đã được các học viên hỗ trợ sơ cấp cứu hằng năm.
- 100+ Doanh nghiệp trang bị kỹ năng sơ cứu cho nhân viên, khách hàng và đối tác.
- 49+ tổ chức và trường học được hỗ trợ thông qua những chương trình mang tính tác động gồm nâng cao nhận thức về an toàn cho trẻ em, tập huấn chăm sóc trẻ em cho người lớn, elearning, sách hướng dẫn, v.v.
- 12+ kênh truyền thông đã chung tay truyền tải hơn 50 câu chuyện và chương trình giáo dục nổi bật để nâng cao nhận thức về an toàn và sơ cấp cứu tại VN.
- 31.884 người hưởng lợi thông quan chương trình giáo dục Sơ Cấp cứu cho trường học, cộng đồng, người khuyết tật, trẻ em,... qua các chương trình: Đào tạo cá nhân phi lợi nhuận, hội thảo trường học, hội thảo cho tổ chức phi chính phủ, hội thảo cộng đồng (offline), hội thảo cộng đồng (online), tài khoản e-learning: 3663
5. TÍNH SÁNG TẠO
Nhận thấy rằng không thể phổ cập kiến thức sơ cấp cứu nói riêng và các kiến thức về sức khỏe nói chung tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả theo các phương pháp truyền thống, SSVN đã đầu tư vào chuyển đổi số nhằm giúp hơn 70 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam có thể tiếp cận nguồn kiến thức sơ cấp cứu uy tín một cách miễn phí, hiệu quả, mọi lúc, mọi nơi.
Đến nay, SSVN đã giúp hơn 45.000 lượt người Việt Nam tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu thông qua các kênh trực tuyến và trở thành một trong những đơn vị tiên phong tại Đông Nam Á trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật số thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
1. Hệ thống học trực tuyến SSVN E-learning
Hệ thống học trực tuyến hay còn gọi là Hệ thống Quản lý Học tập (Learning Management System – LMS) là hệ thống phần mềm giúp các tổ chức sáng tạo, quản lý, cung cấp và đánh giá các chương trình đào tạo.
Hệ thống học trực tuyến SSVN E-learning giúp SSVN đáp ứng được các yêu cầu quốc tế mới nhất và khắt khe nhất trong đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu. Hiện tại SSVN là một trong rất ít các tổ chức giáo dục sức khỏe trên thế giới tự phát triển, khai thác và quản lý hệ thống LMS riêng. Nhờ đó, SSVN có khả năng tự chủ thực hiện các chương trình thương mại và tác động xã hội trên quy mô lớn cùng các đối tác. Được chính thức ra mắt vào cuối năm 2022, đến nay hệ thống đã có trên 4.000 học viên đăng ký.
Tham khảo thông tin tại:
- Sử dụng bằng trình duyệt web: https://elearning.survivalskills.vn/
- Tải về thiết bị di động: https://onelink.to/2peh38
Một số chức năng nổi bật:
Hiện nay, Hệ thống học trực tuyến SSVN E-learning đã bắt đầu được các doanh nghiệp, trường học sử dụng để phổ cập tới cán bộ công nhân viên trên quy mô lớn.
Ngoài việc cung cấp các khóa học liên quan đến Sơ Cấp Cứu, Hệ thống học trực tuyến SSVN E-learning còn được các đối tác uy tín chuyển giao và cùng khai thác các nội dung giáo dục khác.
2. Ứng dụng tra cứu hướng dẫn sơ cứu khẩn cấp Sơ Cấp Cứu SSVN
Sơ Cấp Cứu SSVN là ứng dụng tra cứu thao tác sơ cấp cứu đầu tiên và phổ biến nhất bằng Tiếng Việt. Ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm nhanh nhất các hướng dẫn khẩn cấp, nhờ đó có thể thực hiện các thao tác sơ cấp cứu nhanh và chính xác nhằm nâng cao khả năng sống sót và giảm nhẹ thương tích của nạn nhân.
Tham khảo thông tin tại:
-Sử dụng bằng trình duyệt web: https://socapcuu.app/
- Tải về thiết bị di động: https://onelink.to/f25wbg
Một số chức năng nổi bật:
6. HIỆU QUẢ KINH TẾ
Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN là đơn vị duy nhất trên thị trường cung cấp giải pháp Đào tạo Sơ Cấp Cứu chuẩn quốc tế toàn diện kết hợp giữa giáo dục truyền thống và các công nghệ hiện đại giúp cho:
Tăng cường khả năng xử lý tai nạn thương tích của học viên trong tình huống thực tế. VD:
- Học viên có tài khoản học trực tuyến để ôn tập và ghi nhớ lâu hơn
- Học viên có các lớp ôn tập thường xuyên để củng cố thực hành
- Học viên được trang bị app Sơ Cấp Cứu SSVN để tra cứu khẩn cấp các thao tác khi thực hiện xử lý tai nạn thực tế, tìm đường tới nơi được trang bị túi sơ cứu gần nhất, đưa nạn nhân đột quỵ tới bệnh viện điều trị đột quỵ gần nhất.
- Học viên được trang bị Thẻ thông tin y tế khẩn cấp thông minh để được hỗ trợ tốt hơn nếu là nạn nhân và truy cập ngay vào app Sơ Cấp Cứu SSVN qua quét mã QR hoặc chạm NFC bằng điện thoại
- Khả năng mở rộng mô hình trên quy mô lớn qua các Hệ thống học trực tuyến cho toàn bộ trường học, tổ chức, doanh nghiệp, phường, quận.
- Hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật. Hiện người khiếm thị có thể học bằng sách chữ nổi hoặc sách nói qua, người khiếm thính có thể học bằng video ngôn ngữ ký hiệu tại App Sơ Cấp Cứu.
Đổi mới sáng tạo
- SSVN phát triển Hệ sinh thái giáo dục và hỗ trợ thực hành sơ cấp cứu trực tuyến giúp người dân tham gia các chương trình học sơ cấp cứu, có thể tự trang bị kiến thức, ôn tập, bằng nhiều hình thức cũng như ứng dụng SCC khi có tai nạn xảy ra.
Bên cạnh đó, SSVN sở hữu rất nhiều trang thiết bị dạy học theo chuẩn quốc tế, có thể phục vụ tập huấn cùng lúc với quy mô lớn.
Nhờ các lợi thế trên, SSVN đã tư vấn chuyên môn cho các đội hỗ trợ sơ cứu tại nhiều địa phương trên cả nước. Một số tổ chức nổi bật:
- Đội Hỗ Trợ Sơ Cứu Thiên Thần - FAS Angel tại Hà Nội, đã hỗ trợ hơn 2.000 nạn nhân TNGT mỗi năm và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Dũng Cảm vào đầu năm 2024.
- CLB Vì Đàn Em Thân Yêu tại Đắk Lắk đã tuyên truyền phòng chống đuối nước cho hơn 17.000 em học sinh và giáo viên.
7. TÁC ĐỘNG XÃ HỘI
- Khởi đầu là một dự án phi lợi nhuận hoàn toàn phụ thuộc vào đóng góp cá nhân của những người sáng lập, đến tháng 6 năm 2023, Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN (SSVN) đã giúp hơn 110.000 lượt người Việt Nam tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu. Qua đó, các học viên SSVN đã hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân gặp tai nạn thương tích.
- Vào năm 2018, SSVN chuyển đổi mô hình thành Doanh nghiệp xã hội với sản phẩm trọng điểm là các khóa học sơ cấp cứu cao cấp dành cho doanh nghiệp, nhờ đó SSVN có thể tăng trưởng nguồn doanh thu để tái đầu tư vào hoạt động phi lợi nhuận.Nhờ đó, vào năm 2018, số lượng người hưởng lợi từ các chương trình của SSVN ngay lập tức tăng gấp 5 lần và giữ vững đà tăng kể cả trong quãng thời gian đại dịch COVID-19. Trung bình, cứ mỗi học viên trả phí có giúp 9 học viên khác tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu qua các kênh phi lợi nhuận.
- Nhận thấy giáo dục truyền thống không thể giúp phổ cập nhanh chóng kiến thức sơ cấp cứu tới 1 bộ phận đáng kể dân số Việt Nam. Đồng thời, tại Việt Nam không tồn tại các công cụ hiệu quả để ghi nhớ và hỗ trợ khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Từ 2017, SSVN đã tiên phong đầu tư vào việc số hóa giáo dục sơ cấp cứu, bắt đầu bằng app di động Sơ Cấp Cứu - là ứng dụng tra cứu và hướng dẫn thao tác sơ cấp cứu đầu tiên và phổ biến nhất tại Việt Nam.
- Trong năm 2019, SSVN liên tục hợp tác cùng VTV và HTV để tạo ra các chương trình truyền hình hướng dẫn sơ cứu ngắn để chiếu vào các ‘khung giờ vàng’. Đồng thời tái sử dụng các video này để xây dựng kênh Youtube. Nhờ đó, các năm 2020-2021, mặc dù tất cả các hoạt động giáo dục truyền thống bị ngừng gần như hoàn toàn, SSVN giúp số lượt người tiếp cận sơ cấp cứu hằng năm nói chung tăng gấp hơn 5 lần, và qua các kênh trực tuyến tăng gấp 9 lần so với giai đoạn trước đại dịch.
- Đồng thời từ năm 2021, SSVN phát triển hệ thống e-learning đầu tiên tại Việt Nam cho giáo dục sơ cấp cứu nói riêng và giáo dục y học cộng đồng nói chung nhằm giúp tăng cường chất lượng cho giáo dục truyền thống qua hình thức hỗn hợp (blended) hoặc giúp tiếp cận các địa phương xa xôi mà giáo dục truyền thống khó tiếp cận được.
- Các chương trình tác động xã hội đã thực hiện:
Hỗ trợ tiếp cận dành cho người khuyết tật
8. CÁC GIẢI THƯỞNG
Nhờ vào mô hình doanh nghiệp xã hội độc đáo và các tác động rõ rệt trong việc giải quyết cùng lúc nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.
- Top 10, Giải thưởng doanh nhân cộng đồng quốc tế Blue Venture, 2018
- Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Speedup, Sở Khoa học – Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2021
- Giải thưởng cựu sinh trẻ nổi bật, Giải thưởng cựu sinh Úc, Chính phủ Úc, 2023
- ISEE COVID, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Cục phát triển doanh nghiệp Việt Nam, 2023
- ASEAN SEDP 2.0, ASEAN Foundation, 2023
————————
1 Chí Quốc (2020). ‘2.000 trẻ em Việt Nam chết đuối mỗi năm, quá đau lòng’, Tuổi Trẻ Online. Xem tại: https://tuoitre.vn/2-000-tre-em-viet-nam-chet-duoi-moi-nam-qua-dau-long-20201219102023229.htm (xem ngày 19/5/2021)
2 Lê Thanh Hà (2014). ‘Ngưng tim đột ngột: mất cơ hội sống do cấp cứu sai’, Tuổi Trẻ Online. Xem tại: https://tuoitre.vn/ngung-tim-dot-ngot-mat-co-hoi-song-do-cap-cuu-sai-665617.htm (xem ngày 19/5/2021)
3 Thái Bình (2021). ‘Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, có người 20 tuổi đã mắc’, Sức Khỏe & Đời Sống. Xem tại:
https://suckhoedoisong.vn/moi-nam-o-viet-nam-co-hon-200000-nguoi-bi-dot-quy-co-nguoi-20-tuoi-da-mac-n191683. html (xem ngày 19/5/2021)
4 Global Burden of Disease Project, version 5. Geneva, World Health Organization, 2002.
5 Bộ Y tế, Thực trạng tai nạn thương tích trẻ em.
https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/thuc- trang-tai-nan-thuong-tich-tre-em , truy cập ngày 19/12/2020
Thông tin
- Tác giả: Kỹ năng Sinh Tồn SSVN (SSVN)