Mã số N2004: Giải pháp khuyến khích học sinh tự soạn đề cương ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Thị Hương
Việc xây dựng đề cương ôn tập cho học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi vốn là việc làm khá quen thuộc đối với giáo viên trong công tác giảng dạy, ôn tập kiến thức cho học sinh. Trong đó đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đây là giai đoạn gian nan và khó khăn đối với học sinh bởi các em phải đối mặt với lượng kiến thức tương đối nhiều nên không tránh khỏi tâm lí lo lắng, áp lực. Bên cạnh đó, những năm gần đây là sự đổi mới cách ra đề theo hướng mở nên đặt ra yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp ôn tập cho học sinh nhằm mang lại hiệu quả, chất lượng tốt nhất. Đó không chỉ còn là vấn đề điểm số, góp phần đạt được nguyện vọng các em mong muốn mà còn giúp các em tiếp cận với chương trình SGK lớp 10 theo chương trình mới. Vì vậy bản thân tôi luôn trăn trở tìm ra giải pháp đổi mới trong ôn tập cho học sinh. Năm học 2021- 2022, trong quá trình ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 9 chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi mạnh dạn áp dụng giải pháp “Khuyến khích học sinh tự soạn đề cương ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn”. Từ thực tiễn giảng dạy và ôn tập, tôi nhận thấy đây là việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng không những giúp học sinh phát huy sự chủ động, tích cực trong quá trình ôn tập mà còn phản ánh được năng lực của các em.
Đề cương ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn chính là những kiến thức trọng tâm của Chương trình ngữ văn 9 (HK1 và HK2) và các bài tập vận dụng được biên tập lại một cách hệ thống, cô đọng thành một tập tài liệu. Thông thường việc biên soạn đề cương sẽ do giáo viên bộ môn phụ trách và gửi đến các em trong thời gian ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy nhiên cách làm này dễ nảy sinh thói quen ỷ lại, phụ thuộc, trông chờ vào thầy cô, chủ yếu là để đối phó với kỳ thi của học sinh. Lâu ngày các em sẽ mất dần khả năng tư duy, sự sáng tạo khi học Văn trong khi môn Văn luôn đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng cảm thụ riêng trong quá trình khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương. Chính vì thế việc làm trước tiên là tôi tìm cách thay đổi suy nghĩ, nhận thức của học sinh khi học văn, khi ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi nói chung và thi tuyển sinh vào lớp 10 nói riêng. Để các em thấy rằng việc đạt được điểm số cao, đậu vào nguyện vọng mình mong muốn, đó là kết quả mà mỗi học sinh cuối cấp 2 nào cũng khao khát hướng đến nhưng đó không phải là tất cả. Điều quan trọng là các em phải học bằng chính kiến thức của mình thì điểm số ấy mới thât sự ý nghĩa và có giá trị. Học tập là cho cá nhân các em chứ không phải cho bất kỳ ai. Kiến thức phải xuất phát từ chính tư duy của các em thì kiến thức đó mới neo đậu lâu bền. Vì vậy khi tự soạn đề cương ôn tập, các em sẽ biết cách suy nghĩ, hệ thống hóa những gì mình được học, được tìm hiểu nhằm phụ vụ tốt cho kỳ thi tuyển sinh.
Thực chất trong quá trình học tập, mỗi học sinh sẽ có trình độ và năng lực tư duy khác nhau, bản thân các em sẽ biết mình vững kiến thức nào và chưa vững ở kiến thức nào để cần phải trau dồi thêm. Vì vậy khi tự soạn đề cương ôn tập, những kiến thức trong đề cương sẽ do chính các em tìm tòi, đúc kết dưới sự dẫn dắt của giáo viên, các em sẽ biết cách suy nghĩ, hệ thống hóa những gì mình được học. Từ đó sẽ trân quý và dễ nhớ, dễ khắc sâu hơn. Bên cạnh đó, việc tự soạn đề cương ôn tập sẽ phù hợp với năng lực của từng học sinh, khiến việc học Văn, ôn thi Ngữ văn trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh khi đối mặt với kỳ thi.
Để giúp các em xây dựng một đề cương ôn tập tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn hiệu quả, tôi đã hướng dẫn các em thực hiện những bước sau đây:
Thứ nhất, tôi yêu cầu mỗi em xác định cho mình mục tiêu, kết quả mong muốn phù hợp với năng lực của bản thân. Điều này sẽ giúp các em xác định mình cần học những gì để có thể đạt được điểm số đó. Từ đó xây dựng đề cương phù hợp cho riêng mình. Thứ hai, tôi hướng dẫn các em xác định những kiến thức, kỹ năng cần nắm vững để đạt được điểm số như mong muốn. Dựa vào mục tiêu đã xác định ở bước đầu tiên, tôi yêu cầu từng học sinh liệt kê những kiến thức, kỹ năng cần nắm vững đặc biệt là kỹ năng vận dụng để đạt được điểm số đó. Bởi điểm số càng cao thì đòi hỏi học sinh đó không chỉ nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản mà còn phải tiếp cận với kiến thức mở rộng, những dạng đề khó mang tính vận dụng cao. Sau đó, các em sẽ bắt đầu bằng việc thu thập các nội dung, dạng đề mà tôi ôn tập trên lớp từ vở ghi, tài liệu (nếu có), sách giáo khoa, sách tham khảo, Internet để mở rộng, nâng cao thêm kiến thức rồi tiến hành tổng hợp, đánh dấu, ghi chép,… thành tập đề cương của riêng mình. Có thể thực hiện ghi chép thủ công hoặc ứng dụng công nghệ thông tin tùy vào khả năng của từng em. Các em có thể sáng tạo thêm về hình thức làm cho đề cương sinh động hơn giúp các em hứng thú hơn mỗi lần ôn tập.
Ví dụ: Ở nhóm đối tượng học sinh kết quả cuối kỳ 2 ở mức trung bình, để đạt được điểm 5 cho bài thi tuyển sinh, các em cần xác định kiến thức cần nắm về văn học, tiếng Việt, làm văn và các kỹ năng về đọc hiểu, làm văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Các em cần viết ra ở kiến thức Văn học gồm những thể loại nào, ở những giai đoạn nào, những kiến thức nào cần ghi nhớ ? (Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, chi tiết tiêu biểu, nghệ thuật, nội dung). Phần Tiếng Việt ở cả hai học kỳ có những kiến thức nào trọng tâm ? Cấu trúc bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học như thế nào?. Tôi khuyến khích các em sau phần cấu trúc là trình bày thêm từ 1 đến 2 ví dụ minh họa cụ thể để hiểu rõ hơn về kiến thức và tăng kỹ năng thực hành, vận dụng. Với nhóm đối tượng học sinh khá giỏi, ngoài những kiến thức và kỹ năng cơ bản trên, các em cần tìm tòi, mở rộng thêm kiến thức, rèn thêm kỹ năng liên hệ, so sánh, thể hiện được sự sáng tạo, phong cách riêng trong bài làm của mình. Vì vậy đề cương ôn tập của các em, lượng kiến thức sẽ nhiều và sâu hơn. Các dạng bài tập và đề luyện tập sẽ nâng cao hơn.
Có một hình thức trình bày được sử dụng phổ biến ngày nay nhằm hệ thống hóa kiến thức, đó chính là Sơ đồ tư duy. Tôi khuyến khích học sinh sử dụng cách này để tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức. Các em có thể vẽ trên máy tính bằng cách sử dụng phần mềm MindMap, hoặc tự vẽ trong vở; giấy A4. Cứ sau mỗi buổi ôn tập trên lớp, các em về nhà sẽ tự hệ thống lại và bổ sung vào đề cương ôn tập của riêng mình. Ngoài thời gian ôn tập trên lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em có thể trao đổi, chia sẻ tài liệu với nhau để giúp đề cương ôn tập được hoàn thiện hơn.
Sơ đồ tư duy Tiếng Việt 9 (HK1)
Sơ đồ tư duy Tiếng Việt 9 (HK2)
Sơ đồ tư duy Nghị luận về một đoạn trích, tác phẩm văn xuôi
Giải pháp giúp học sinh tự soạn đề cương ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 đã góp phần phát huy được sự chủ động, tích cực trong quá trình ôn tập. Việc học tập, thi cử là của mỗi cá nhân học sinh. Các em phải luôn là đối tượng chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức. Các em phải có ý thức tự giác học tập thì mới có thể làm chủ kiến thức, làm chủ điểm số và làm chủ tương lai của chính mình. Việc để các em tự viết ra những kiến thức cần nắm và ôn đi ôn lại nhiều lần sẽ giúp các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Hơn nữa đó cũng là cách các em rèn kỹ năng hệ thống, sắp xếp kiến thức cũng như khả năng diễn đạt của mình. Đó cũng là cách giúp các em chuyển các nội dung kiến thức, kỹ năng từ sách giáo khoa, từ giáo viên thành kiến thức, kỹ năng của mình.
Việc khuyến khích học sinh tự xây dựng đề cương là một phương pháp ôn tập mới, góp phần đổi mới cách học của học sinh. Các em không chỉ biết cách hệ thống hóa kiến thức đã học mà còn phát huy những phẩm chất, năng lực cần thiết, đáp ứng được tinh thần đổi mới dạy học. Thông qua cách làm này, giáo viên có thể kiểm tra, đánh giá được năng lực vận dụng, sáng tạo của học sinh.
Khi tự mình xây dựng đề cương ôn tập, các em đã dần dần từ bỏ thói quen ỷ lại, trông chờ, dựa dẫm vào thầy cô mà biết tự hệ thống kiến thức dưới sự tổ chức, dẫn dắt của giáo viên, biết tìm tòi, mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn. Ngoài ôn tập với thầy (cô) bộ môn, các em còn ôn tập, trao đổi kiến thức lẫn nhau. Nhờ vậy mà giờ ôn tập Ngữ văn không còn nặng nề, các em trở nên nào hứng, tích cực hơn. Kết quả tuyển sinh 10 Khóa ngày 12/06/2022 ở hai lớp 9A1 và 9A5 bản thân phụ trách giảng dạy có 63/64 HS TTB (98.4%). Trong đó có 27 học sinh đạt điểm 8 trở lên (1 HS đạt 9.5 điểm).
Giải pháp có thể áp dụng rộng rãi trong quá trình giảng dạy, ôn tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh khối 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung.
Thông tin
-
Tác giả: Huỳnh Thị Thùy Nhung
Trường THCS Nguyễn Thị Hương