Mã số N1026: Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh Dicom Bach Khoa Pacs ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây (BKPACS CLOUD) và hệ thống trả kết quả QRCODE

  - Chia sẻ:    

Sản phẩm PACS-Cloud (Picture Archiving and Communication System) dựa trên nền tảng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây phục vụ chẩn đoán bệnh từ xa và cụm thiết bị RIS Gateway (Radiology Information System), HIS Gateway (Hospital Information System) và PACS Gateway phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện. Các sản phẩm này đều là các sản phẩm công nghệ cao có tính mới ngay cả đối với các nước phát triển.

Picture Archiving and Communication Systems (PACS) là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh phục vụ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y khoa. PACS được phát triển nhằm mục đích cung cấp khả năng truy xuất, hiển thị ảnh y khoa nhanh chóng và lưu trữ trên một hệ thống số tích hợp duy nhất, do đó mang lại nhiều lợi ích cả kinh tế lẫn kỹ thuật giúp tăng hiệu quả điều trị lên rất cao, đồng thời giảm thiểu được chi phí vận hành. Do đó, việc sử dụng hệ thống PACS trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh ngày càng trở nên phổ biến ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Hiện tại theo đề án ứng dụng PACS thay phim theo quyết định 4868/QĐ-BYT thì các bệnh viện trong danh sách thí điểm ứng dụng hệ thống PACS có thể trả kết quả cho bệnh nhân mà không cần in phim. Tuy nhiên, hệ thống PACS tại các bệnh viện trên vận hành hoàn toàn độc lập với nhau, không có sự liên kết và chia sẻ dữ liệu qua lại. Vì thế khi ứng dụng vào thực tế thì người bệnh vẫn phải mang phim hoặc đĩa CD/DVD chứa ảnh y khoa từ cơ sở y tế này sang cơ sở y tế khác, gây bất tiện và tốn kém chi phí đối với người bệnh.

Mặt khác, với những cơ sở y tế đã trang bị PACS truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cấp mở rộng hệ thống phần cứng với quy mô lớn hơn. Đặc biệt, với những bệnh viện lớn có nhiều cơ sở vệ tinh thì việc trang bị các hệ thống phần cứng PACS đầy đủ tại mỗi cơ sở sẽ làm gia tăng chi phí trong khi vẫn không đáp ứng được nhu cầu kết nối liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa các đơn vị thành viên. Ngược lại, việc trang bị hệ thống phần cứng PACS đầy đủ tại các cơ sở phòng khám quy mô nhỏ là không khả thi do chi phí lớn bởi ràng buộc về cấu hình tối thiểu.

Ngoài ra, các đề tài, dự án đã hoặc đang triển khai tại Việt Nam về tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa hoặc hội chẩn trực tuyến đều dựa trên nền tảng của hệ thống PACS và thiết bị Video Conference của nước ngoài yêu cầu hạ tầng viễn thông là cáp quang dùng riêng hoặc đường truyền vệ tinh nên chi phí đầu tư rất cao. Trong khi hiện nay, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam đều có ít nhất 01 đường truyền kết nối Internet. Vì vậy, nếu hệ thống PACS có thể vận hành được trên mạng Internet thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho việc tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, đồng thời  giúp cho các bác sỹ và người bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới tiếp cận được các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành ở tuyến trên.

Nhóm nghiên cứu của công ty đã kết hợp giữa các hệ thống thông tin bệnh viện với hệ thống cloud sử dụng kỹ thuật ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng hệ thống PACS-Cloud như minh họa ở hình 1. Giải pháp BKPACS-Cloud cho phép hoạt động với các bệnh viện đã có hoặc chưa có PACS cục bộ, đồng thời cung cấp đầy đủ các tính năng cho hoạt động tư vấn chẩn đoán từ xa, hội chẩn trực tuyến và quản lý thông tin y tế. Đây là mô hình mới tại Việt Nam và được đánh giá cao tính thực tiễn cho các bệnh viện, và trọng điểm là bệnh viện tuyến huyện. Mô hình này hoàn toàn có thể triển khai được tại các bệnh viện bằng các phương pháp thiết kế và hiệu chỉnh phù hợp dựa trên mã nguồn mở OpenStack và công nghệ nhúng trên nền Linux phát huy tối đa các lợi điểm của hệ thống điện toán đám mây có thể giúp cho việc lưu trữ và yêu cầu thiết bị ở các cơ sở khám chữa bệnh được giảm thiểu đáng kể. Hơn nữa, thông tin chẩn đoán hình ảnh tuân theo các chuẩn quốc tế có thể được lưu trữ, truy xuất, cập nhật và tìm kiếm bởi bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào liên kết với hệ thống. Việc này đem lại khả năng tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian rất lớn mọi thành phần tham gia vào quá trình khám chữa bệnh từ bệnh nhân, bác sĩ, các cơ sở khám chữa bệnh đến dịch vụ bảo hiểm.

Hình 1. Mô hình PACS-Cloud

Hệ thống PACS-Cloud thực tế như mô tả trong hình 2 với các máy chủ tính toán hiệu suất cao công cấp các tài nguyên CPU và RAM phục vụ cho nhu cầu xử lí dữ liệu và các máy chủ lưu trữ có dung lượng và tốc độ ghi đọc với tốc độ cao, cung cấp các giải pháp lưu trữ tức thời và lâu dài với các ổ cứng SSD và HDD, … nhằm cung cấp tài nguyên ảo hóa cho hệ thống máy chủ ảo và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chẩn đoán hình ảnh.
 

Hình 2. Hệ thống PACS-Cloud thực tế

Đặc biệt với cụm thiết bị HIS/RIS/PACS Gateway trang bị tại mỗi bệnh viện được được thiết kế theo công nghệ nhúng trên nền Linux đã được tích hợp sẵn hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, cùng các ứng dụng cho tư vấn chẩn đoán từ xa, hội chẩn trực tuyến và quản lý thông tin ngành y tế, trao đổi dữ liệu theo chuẩn HL7 bản tin, FHIR và DICOM ISO 12052:2006, tiêu chuẩn bảo mật ISO 20648 cho TLS, hệ thống hoàn toàn có thể quản lý được quá trình chuyển dữ liệu từ hệ thống bệnh viện lên Cloud và ngược lại một cách thuận tiện, nhanh chóng gồm thông tin người bệnh, chỉ định, hình bệnh lý và báo cáo cũng như các thông tin liên quan đến quá trình trao đổi dữ liệu thông qua màn hình Dashboard. Đây là các công việc hàng ngày ở bệnh viện với lượng dữ liệu lớn, phức tạp mang tính lưu trữ lâu dài, để phục vụ cho việc tính toán, bồi hoàn bảo hiểm, xuất toán bảo hiểm, quản lý công việc, máy móc, thống kê người bệnh, v.v. Chính vì thế, việc lưu trữ lâu dài trên Cloud và sau này có thể phục vụ cho bệnh án điện tử là rất cần thiết.

Ngoài ra, hệ thống PACS-Cloud còn tích hợp sẵn hệ thống giám sát và cảnh báo qua tin nhắn SMS để có thể kiểm soát được các yếu tố như trạng thái kết nối của các thiết bị, thông số RAM, CPU, DISK của hệ thống PACS. Bên cạnh việc sử dụng các giao thức bảo mật SSL/TLS và mạng riêng ảo VPN, các giải pháp kết hợp các kỹ thuật mã hóa và mật mã cũng được nghiên cứu ứng dụng để tăng cường thêm lớp bảo mật thông tin cá nhân trong ảnh DICOM trên môi trường Internet.

Hình 3 minh họa dịch vụ PACS triển khai trên nền tảng CLOUD đang ở trạng thái COMPLETE, xác thực VPN để tạo kết nối bảo mật giữa client và ứng dụng PACS ở hệ thống CLOUD.

Hình 3. Dịch vụ PACS triển khai trên nền tảng CLOUD đang ở trạng thái COMPLETE và đang hoạt động.

Phần mềm quản trị (còn gọi là quản lí) PACS-Cloud được xây dựng và phát triển trên nền tảng web để người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ và có thể truy cập trên các thiết bị thông minh với kết nối internet bất kì ở đâu mà không cần phải cài bất kì một ứng dụng nào khác chỉ cần có trình duyệt web phổ biến như google chrome, firefox, safari...

Hình 4. Giao diện đăng nhập của phần mềm quản lí PACS-CLOUD.

Phần mềm quản trị hệ thống PACS-CLOUD thực hiện quá trình xác thực quyền truy cập (Authentication) thông qua JSON Web Token (JWT). Thông tin này có thể được xác thực và đánh dấu tin cậy nhờ vào "chữ ký" của nó. Phần chữ ký của JWT sẽ được mã hóa lại bằng HMAC hoặc RSA.

Hình 5. Giao diện chính của phần mềm quản lí PACS-CLOUD.

Hình 6. Các chức năng chính của hệ thống phần mềm quản trị CLOUD.

Mặt khác, PACS-Cloud được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế DICOM và HL7, cũng là các tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 54/2017/TT-BYT) và Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử (Thông tư số 46/2018/TT-BYT). Điều này giúp cho việc tích hợp các thiết bị y tế của các nhà sản xuất khác nhau với PACS-Cloud có thể được thực hiện dễ dàng khi triển khai thực tế, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Y tế.

Hệ thống trả kết quả QRCode:

QR Code, viết tắt của Quick response code, là dạng mã vạch hai chiều (2D) chứa đựng một nội dung nào đó. Và có thể được đọc bởi máy đọc mã vạch hoặc Smartphone.

Trả kết quả hình ảnh QRCode:

- QRCode sẽ hiển thị tới hình ảnh bệnh nhân đã chụp.

- Không cần đăng nhập, mật khẩu.

Ưu điểm khi trả kết quả hình ảnh QRCode:

- Nhanh

- Dễ lưu trữ

- Không cần phải trả phim cho bệnh nhân

Hình 7. Hệ thống tạo mã QR trả kết quả hồ sơ y tế cho bệnh nhân.

Hình 8. Ứng dụng QRCode trong trả kết quả cho bệnh nhân.

Hình 9. Ví dụ QRCode Xquang (X-Ray).

Hình 10. Ví dụ QRCode CT.

Hình 11. Ví dụ QRCode MRI.

Lĩnh vực áp dụng:

- Y tế.

- Điện - điện tử, Công nghệ thông tin, viễn thông.

Thị trường của sản phẩm

Thị trường của sản phẩm là các bệnh viện tại Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Y tế xây dựng hệ quản lý theo chuẩn quốc tế mà chủ yếu là chuẩn HL7 trong hệ thống quản lý thông tin dữ liệu văn bản và chuẩn DICOM trong quản lý thông tin dữ liệu hình ảnh.

Hiện tại, hệ thống PACS-Cloud đã vận hành kết nối thành công tại các bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, Công ty TNHH Y tế Hòa Hảo, Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo-Medic Cần Thơ, Bệnh viện Medic Cà Mau, Bệnh viện Bình An-Medic Kiên Giang, Công ty Cổ phần Y khoa Tâm Trí (Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Nha Trang, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, Trường Đại học Phan Châu Trinh).

Hiệu quả kinh tế:

Về mặt kinh tế, bệnh nhân sẽ tiếp kiệm được rất nhiều chi phí cho các yêu cầu cận lâm sàng. Chi phí cơ hội khác như chi phí đi lại, ăn ở cũng sẽ giảm đi. Các cơ sở khám chữa bệnh sẽ lựa chọn và đánh giá một cách định lượng được các khoản đầu tư đã bỏ ra cho hệ thống HIS của mình. Các cơ quan cấp cao hơn như Sở Y tế sẽ tiết kiệm được chi phí thống kê và đánh giá tình hình bảo hiểm y tế cũng như tình hình khám chữa bệnh. Do hệ thống chuẩn chung được thiết kế dựa trên tiêu chí linh hoạt, chi phí mở rộng cho các yêu cầu phát sinh trong tương lai cũng giảm đi. Việc trao đổi thông tin đồng thời mở ra khả năng điều trị từ xa, giúp giảm thêm các chi phí về trang thiết bị máy móc và nhân lực của cơ sở khám chữa bệnh.

Hiện nay, công nghệ chẩn đoán bệnh lý thông qua hình ảnh nhờ các thiết bị chuyên dụng đạt hiệu quả rất cao trong điều trị. Do đó, với phương pháp sử dụng “phim truyền thống” đang được áp dụng tại các bệnh viện đã làm lãng phí một khoản ngoại tệ rất lớn do nhập các nguyên liệu trên.

Ngoài yếu tố về chi phí tổn hao do việc sử dụng phương pháp hiện nay đang được áp dụng tại khối bệnh viện thì yếu tố này cũng ảnh hưởng tới việc làm cho bệnh viện luôn đông người do phải chờ các kết quả in ra từ các thiết bị này và thời gian luân chuyển kết quả này trong bệnh viện. Nếu tính đến thiệt hại kinh tế về thời gian cho bệnh nhân và thân nhân cho việc này là một khoản chi vô cùng lớn. Thậm chí còn làm cho việc ảnh hưởng đến mức độ bệnh của bệnh nhân thêm trầm trọng do quá trình đợi quyết định quá lâu từ Y bác sĩ (do đợi kết quả hình ảnh).

Với quy trình đang áp dụng sẽ giao phim hay hình ảnh cho bệnh nhân quản lý thì việc hư hỏng hay giảm chất lượng hình ảnh cho lần tái khám kế tiếp là không thể tránh khỏi hoặc khi chuyển tiếp lên tuyến trên để điều trị thì bệnh nhân phải chụp lại các hình ảnh trên gây lãng phí cho bệnh nhân rất nhiều. Còn nếu bệnh viện lập trung tâm lưu trữ các hình ảnh trên thì chi phí cũng rất lớn cho việc này.

Với số lượng hơn 1000 bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam, nhu cầu khám chữa bệnh từ xa và kết nối liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện là rất lớn. Khi triển khai thành công sẽ giảm rất nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý cho bệnh viện. Ngoài ra, việc số hóa các hình ảnh X Quang, CT, MRI, Siêu âm là một phần rất quan trọng trong bệnh án điện tử. Mặt khác, việc sử dụng hình ảnh số DICOM trên nhiều thiết bị khác nhau cũng sẽ tăng hiệu quả kinh tế tại các bệnh viện do không phải in ra các phim truyền thống X Quang, CT và MRI.

Sản phẩm của nhiệm vụ sử dụng các công nghệ tiên tiến kết hợp giải pháp bảo mật cao có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (ISO 12052:2006) nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 so với của nước ngoài. Vì vậy khi ứng dụng vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh rất tốt ra thị trường.

Tóm tắt hiệu quả kinh tế: 

• Giảm 20 tỷ/năm ngoại tệ nhập nguyên vật liệu phục vụ in và rửa phim cho các bệnh viện triển khai nhiệm vụ.

• Giảm chi phí khám chữa bệnh, góp phần tăng doanh thu cho bệnh viện và sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội.

• Giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân trong quá trình chờ đợi hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán.

• Giảm chi phí lưu trữ so với việc lưu phim và hồ sơ bệnh án giấy truyền thống. 

• Giảm chi phí trong quá trình chẩn đoán hình ảnh và quản lý, tra cứu thông tin.

• Nâng cao hiệu quả và phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ cao vào dịch vụ khám chữa bệnh.

• Giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận tài chính trong việc chụp ảnh hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

• Tạo ra sản phẩm Công nghệ cao với giá thành bằng 1/3 so với sản phẩm nước ngoài để có thể cạnh tranh tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Hiệu quả xã hội 

 Hiện nay, chất lượng khám chữa bệnh tại một số tuyến cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và cứu chữa kịp thời nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt cán bộ y tế có trình độ và chuyên môn sâu, chất lượng cán bộ y tế ở tuyến cơ sở chưa ngang tầm dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả, công suất sử dụng trang thiết bị hiện có. Công tác chỉ đạo tuyến tuy được triển khai nhưng chưa thật sự đạt hiệu quả cao, do một số cơ sở y tế chưa thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo tuyến; khả năng thực hành và tiếp nhận chuyển giao công nghệ của cán bộ y tế ở tuyến cơ sở vẫn còn hạn chế do vừa đảm nhận công việc tại tuyến cơ sở vừa phải tham gia đào tạo. Vì vậy việc đào tạo cán bộ y tế để sử dụng các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền còn hạn chế… Mặt khác do tác động của nền kinh tế thị trường nên lực lượng cán bộ y tế có tay nghề và sinh viên ra trường không muốn về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện xã làm cho tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế chuyên môn cao ngày càng nghiêm trọng.

Việc tổ chức hội họp là cần thiết, tuy nhiên với khoảng cách và thời gian có hạn, đặc biệt trong chẩn đoán y khoa thì việc ứng dụng trao đổi, thảo luận trực tuyến sẽ rút ngắn thời gian của các bác sĩ, chi phí của bệnh viện cũng như gia tăng chất lượng chữa bệnh, và đặc biệt hữu dụng trong một số trường hợp có ca phẩu thuật khẩn cấp nhưng lại cần sự hội chẩn và quyết định của những bác sĩ giàu kinh nghiệm đang ở xa. Ngoài ra việc triển khai hệ thống PACS-Cloud vào bệnh viện sẽ giúp đào tạo cho sinh viên y khoa cũng như các bác sĩ tuyến dưới thông qua những trường hợp hội chẩn để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và rút ngắn khoảng cách trao đổi chuyên môn giữa bệnh viện tuyến dưới và tuyến trên.

Về mặt xã hội, một hệ thống chuẩn dữ liệu chung giúp tiếp kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình chuyển viện và chuyển tuyến của bệnh nhân. Nhờ khả năng trao đổi thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh, thời gian làm lại các xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh là không cần thiết. Thời gian dành cho các thông tin hành chính và lâm sàng cũng giảm đi nhờ khả năng theo dõi thông tin và bệnh sử trong thời gian dài. Việc giảm tải cho các bác sĩ và y tá đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của họ, từng bước xây dựng lòng tin và tiện ích cho nhân viên y tế và người bệnh. Bên cạnh đó, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cũng góp phần giảm tác hại môi trường gây ra do các vật tư in phim truyền thống.

Về mặt y tế, chất lượng điều trị sẽ được nâng cao nhờ khả năng hội chẩn từ xa. Các thông tin lâm sàng và cận lâm sàng có thể được nhanh chóng phân tích và đánh giá với hiệu quả cao. Việc liên kết với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến hạt nhân đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và trình độ của hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Các thông tin thống kê rõ ràng và đầy đủ cũng giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu về chuyên môn, dự báo dịch bệnh và phân tích kết quả điều trị. Đặc biệt, người dân nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại cơ sở. Từ đó, góp phần củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế, hoàn thành mục tiêu chung về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân của Bộ Y tế và Chính phủ.

Về mặt khoa học kỹ thuật, việc hình thành một chuẩn dữ liệu chung bám sát với yêu cầu thế giới giúp bảo đảm khả năng làm chủ quy trình và làm chủ công nghệ. Do được nghiên cứu và phát triển trong nước, hệ thống chuẩn dữ liệu chung này sẽ bảo đảm thích nghi với các yêu cầu thông số mà Bộ Y tế đã đề ra cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân bảo hiểm nói riêng. Mặt khác, do bám sát với tiêu chuẩn dữ liệu thế giới, khả năng tương thích và trao đổi thông tin với các hệ thống nước ngoài được bảo đảm cũng như khả năng làm chủ công nghệ đồng thời bảo đảm tính độc lập với các phần mềm chưa chuẩn hóa trên thị trường. Chi phí phát triển và hiệu chỉnh tiêu chuẩn dữ liệu trong tương lai cũng sẽ giảm đi.

Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học kỹ thuật ngành y tế và để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao, hạn chế chuyển tuyến nhằm giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện hạt nhân là yêu cầu cấp bách.

Tóm tắt hiệu quả xã hội:

• Giảm tác hại môi trường gây ra do các vật tư in phim truyền thống và hồ sơ bệnh án giấy.

• Tiết kiệm thời gian trong khám chữa bệnh, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện của ngành y tế.

• Tiết kiệm nhân lực hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán hình ảnh và quản lý, tra cứu thông tin hồ sơ bệnh án.

• Nâng cao chất lượng chẩn đoán, hội chẩn và điều trị tại bệnh viện, do ứng dụng công nghệ cao.

• Là phương tiện để thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế (theo hướng dẫn khung về đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế).

• Chi phí đầu tư, bảo trì hệ thống này có thể được trích từ nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội theo nghị quyết 36a/NQ-CP.

• Góp phần hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật cao trong y tế từ các bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới.

• Giảm thiểu các sai sót trong quản lý tài chính liên quan đến phim và vật tư in phim tại bệnh viện.

• Giảm thiểu các vấn đề tiêu cực liên quan đến thanh toán bảo hiểm (cắt, ghép phim,…)

• Công khai minh bạch hoạt động của bệnh viện nhà nước, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên môi trường mạng.

• Từng bước xây dựng lòng tin và tiện ích cho nhân viên y tế và người bệnh.

• Người dân ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại cơ sở (do có sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia giỏi cho các bệnh viện tuyến dưới thông qua hệ thống PACS-Cloud), và không phân biệt vùng địa lý.

• Việc ứng dụng sản phẩm PACS sẽ đẩy mạnh phát triển Y tế điện tử là thành phần quan trọng của Chính phủ điện tử.

• Góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu y tế của Chính phủ, thực hiện tốt chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế.

Hướng phát triển:

Trong tương lai, công ty hướng đến xây dựng các giải thuật phần mềm về trí thông minh nhân tạo dựa trên nền tảng dữ liệu lớn đã thu thập được từ cloud, phát triển các hướng nghiên cứu về dữ liệu lớn cho ngành y tế và xây dựng hệ thống phần mềm bệnh án điện tử hoàn chỉnh từ các kết quả đã nghiên cứu được.

Thông tin

  • Tên đơn vị: CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ THÔNG MINH ƯU VIỆT