Mã số 2095: CHIẾC LỒNG ĐÈN ĐẶC BIỆT

  - Chia sẻ:    

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Chính vì thế mà suốt chiều dài lịch sử chúng ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho trẻ, làm sao để trẻ phát triển theo hướng tốt nhất, phát huy được tính tích cực, năng động, sáng tạo của trẻ. 

 

Đối với trẻ nhỏ, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ và đồ chơi là phương tiện giúp trẻ thực hiện hoạt động đó. 

 

    

Tuy nhiên, trong thời đại nền công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, những đồ chơi điện tử cho trẻ em có rất nhiều trên thị trường, những đồ chơi điện tử luôn có hai mặt và chúng ta làm sao có thể yên tâm khi từng ngày, từng giờ khi các mặt trái của của các đồ chơi điện tử này đang ảnh hưởng không mấy tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Hơn nữa việc mua quá nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của các bậc phụ huynh.

 

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, chúng ta đã và đang khai thác rất triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và vấn đề rác thải – môi trường cũng ngày càng nhức nhối. Để giảm thiểu những nguy cơ mặt trái trên, chúng ta đã nghiên cứu và đưa vào cuộc sống rất nhiều vật liệu tái chế được tái sử dụng từ rác thải sinh hoạt – công nghiệp. Các phụ phế phẩm từ gia đình vô cùng phong phú: lõi giấy vệ sinh, các hộp bánh kẹo, các túi, lon, hũ đựng đồ, đựng thức ăn, báo cũ, tạp chí, vỏ hộp sữa tưởng chừng chỉ là những vật liệu bỏ đi nhưng lại là một kho nguyên liệu vô cùng phong phú để cho trẻ có thể làm được đồ chơi cho mình. Khi có món đồ chơi do cô và trẻ hoặc tự trẻ tự tay làm ra, các em sẽ cảm thấy yêu quý và hứng thú hơn rất nhiều so với các đồ chơi mua sẵn. Đây cũng là một hình thức dạy cho trẻ biết yêu quý sức lao động ngay khi còn bé. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, nhóm tác giả chúng tôi luôn mong muốn có thể cùng các em nhỏ làm ra thật nhiều đồ chơi từ những vật liệu đã qua sử dụng, vừa mang lại niềm vui cho trẻ, vừa giảm thiểu rác thải giúp cho môi trường sạch đẹp hơn. 

 

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Trung Thu, một mùa Trung Thu ý nghĩa không thể thiếu những chiếc đèn lồng. Chúng tôi đã tìm tòi, tham khảo và đưa ra ý tưởng làm một chiếc lồng đèn đặc biệt – chiếc lồng đèn từ những nắp nhựa đã qua sử dụng.

 

Với những vật liệu đơn giản và vô cùng dễ tìm như: nắp nhựa, kẽm nhung, hạt chuỗi là chúng ta đã có thể làm nên một chiếc lồng đèn thật đẹp, bắt mắt.

 

 

Công đoạn thực hiện cũng không quá phức tạp. Đầu tiên, chúng ta gắn nắp nhựa tạo thành một khối cầu bằng keo hoặc buộc kẽm. Sau đó dùng kẽm nhung quấn quanh khối cầu vừa tạo.

 

 

Để tạo hình con vật như mong muốn chúng ta tiếp tục quấn kẽm nhung xung quanh thân và tạo thành tai, đuôi của con vật. 

 

 

Cuối cùng, tùy theo sở thích chúng ta có thể trang trí thêm các đèn, hạt chuỗi, bông hoa để chiếc lồng đèn thêm xinh xắn. 

 

 

Giá thành của một chiếc lồng đèn không quá cao ước tính khoảng 50 nghìn đồng đổ xuống nếu làm với số lượng lớn giá thành còn có thể giảm xuống. 

   

 

Một chiếc lồng đèn vừa bền, đa dạng hình dáng, tận dụng vật liệu đã qua sử dụng bảo vệ môi trường, lại còn xinh xắn, rất thích hợp cho trẻ nhỏ.

 

 

Là giáo viên, chúng tôi tiếp xúc nhiều với các bạn nhỏ, thấy được sự đam mê, hứng thú, phấn khởi của các bạn khi nhìn thấy những món đồ chơi tuy nhiên mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có những bạn nhỏ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chỉ có thể ngắm nhìn những món đồ chơi từ xa mà chưa thể chạm vào để vui đùa cùng các bạn. Lại một ý tưởng táo bạo nảy ra, chúng tôi muốn gây quỹ từ những món đồ chơi này để có thể giúp đỡ một phần nào cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

 

Mong rằng khi ý tưởng này được truyền tải rộng rãi các bạn sẽ yêu thích và ủng hộ ý để ý tưởng được thực hiện, mang lại niềm vui cho nhiều trẻ em trên khắp miền đất nước.

 

Nhóm tác giả: Chi đoàn Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B.

 

Thông tin email: dangngocthanhxuan@gmail.com

 

Thông tin

  • Tác giả: Đặng Ngọc Thanh Xuân